QUYỀN CHỌN THẦY

Thuở còn bé, hầu hết chúng ta đều có một người thầy, một người dẫn đường mà ta tình nguyện đi theo bất cần một lý do gì – cha mẹ.

Họ là người trao cho ta sự sống, bảo vệ linh hồn ta khi còn yếu ớt và hướng dẫn ta cách hoà mình và sống sót trên thế gian này. Vì vậy mà đại đa số con người đều dành một sự tin tưởng, sự tôn kính và thậm chí là phục tùng tuyệt đối dành cho đấng sinh thành. Một cá thể mang bất kỳ tư tưởng lệch lạc nào là một cá thể tội lỗi, đáng bị nguyền rủa và ruồng bỏ.

Nhưng, như mọi sự vật trên đời có thiện ắt có ác thì không phải người thầy nào cũng vĩ đại.

Và cái thiện – ác hiếm khi tách biệt nhau, thì làm gì có bậc vĩ nhân nào vĩ đại hoàn toàn.

Người thợ săn giỏi nhất, một mình bảo vệ được cả buôn làng cũng có lúc nhẫn tâm quăng con mình vào đàn thú dữ để nó học cách trưởng thành. Người bác sĩ cứu được nhiều người nhất cũng có khi đẩy con mình vào hố sâu trầm cảm để cáng đáng cái danh hiệu “con nhà nòi”.

Có lẽ đã cam tâm làm thầy thì không ai lại đẩy học trò vào con đường chết. Họ chỉ dốc sức truyền đạt cho thế hệ sau con đường mà họ tâm đắc nhất trong suốt cuộc đời mình, dẫu nó có khác thường đến mức nào đi nữa.

Niềm tin càng lớn thì động lực thúc ép càng mạnh.

Chúng ta sinh ra không được lựa chọn người thầy đầu tiên, nhưng hãy đừng quên quyền được liên tục lựa chọn lại.

Đừng hỏi: “Điều này tốt hay xấu?”. Cũng đừng phí thời gian tìm câu trả lời. Thiện – ác là một khái niệm biến hoá khôn lường trong mắt mỗi con người.

Hãy tự hỏi: “Điều này có phù hợp với mình?”. Và khi đó, chỉ có một câu trả lời là đáng tin cậy. Và cũng đừng quên hỏi: “Điều này có còn phù hợp với mình?”

Có một câu nói mình rất thích: “Mỗi người xuất hiện trong đời đều sẽ mang đến một bài học cho bạn.” Suy cho cùng, ai cũng có thể là thầy và bạn sẽ phải luôn tự hỏi để nhớ ra mình là ai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *