Quang Loan Hoàng hậu nguyên là Thiên Huy công chúa, con gái của Trần Nghệ Tông, có tên là Thục Mỹ. Bà là một trong những hoàng hậu có xuất thân cao quý nhất của triều đại nhà Trần, con gái của một hoàng đế.
Năm 1377, vua Duệ Tông thân chinh đem 12 vạn quân đánh Chiêm Thành; bị thảm bại trong trận Đồ Bàn. Duệ Tông chết cùng 7, 8 phần quân lính. Nghệ Tông thương em chết vì nước, bèn lập con Duệ Tông là Trần Hiện lên ngôi, tự xưng là Giản Hoàng Thái thượng hoàng lúc đó đã gả Thiên Huy công chúa cho Tân đế, tức Quang Loan Hoàng hậu.
Giản Hoàng làm vua 11 năm (1377 – 1388) nhưng chính sự đều do Trần Nghệ Tông quyết định. Thấy Hồ Quý Ly được Thượng hoàng tin dùng, vua bàn mưu với cận thần tìm cách giết đi. Quý Ly biết chuyện, kêu van với Nghệ Hoàng: “Cổ lai chỉ có bỏ cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ”. Nghệ Hoàng nghe lời Quý Ly, khiển trách Giản Hoàng trẻ con, làm hại kẻ công thần nên giáng xuống làm Linh Đức vương và lập con nhỏ của mình là Chiêu Định vương Trần Ngung lên ngôi, tức là Trần Thuận Tông. Sau đó không lâu thì Giản Hoàng cũng mất, Quang Loan hoàng hậu thành quả phụ, từ ngôi vị mẫu nghi thiên hạ trở về làm 1 công chúa.
Thương con, Thượng hoàng muốn tìm người tài kén làm phò mã, nhưng sự kiện xảy ra vào năm 1393 đã làm đảo lộn ý định đó. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa đông, tháng 10 đem công chúa Thiên Huy gả cho Thái bảo Nguyên Hãng. Thiên Huy là hoàng hậu của Linh Đức (Giản Hoàng), từ khi Linh Đức bị giết, Thượng hoàng muốn chọn rể hiền gả cho. Thiên Huy nhân đi chơi hồ Tây, thông dâm với Phủ quân ty là Nguyên Uyên (con của Cung Tín vương Thiên Trạch). Thượng hoàng biết, giận lắm, đem gả cho Nguyên Hãng là em Nguyên Uyên để làm nhục”.
Trần Nghệ Tông ép hôn vì bực tức trước việc làm không hay của con. Đại Việt sử ký tiền biên đã có một lời bình đầy trách cứ như sau: “Đem Hoàng Hậu cũ gả cho bề tôi; về với anh mà bắt lấy em. Phép hôn nhân nam nữ của nhà Trần bắt đầu từ thời Thái Tông, chấm dứt vào thời Nghệ Tông, nay chép vào sách để lại tiếng xấu nghìn đời.” Tái giá trong sự bẽ bàng và đau khổ, Thiên Huy công chúa đành chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt đầy ác ý từ chính người cha ruột của mình. May mắn thay, cuộc sống với Nguyên Hãng cũng êm ấm, hòa hợp.
Nhưng mệnh nhà Trần đã lung lay đến tận gốc rễ, số phận của nàng công chúa cũng không thể nào tránh khỏi thảm cảnh. Sau khi Thượng hoàng Nghệ Tông mất, quyền lực rơi vào tay Hồ Quý Ly. Năm 1399 Quý Ly ép vua nhường ngôi cho con trai là Trần An mới lên 3 tuổi, không lâu sau thì bức tử chết.
Việc làm chuyên quyền ấy của Hồ Quý Ly đã khiến nhiều tông thất cùng quan lại nhà Trần vô cùng căm phẫn, trong đó có Nguyên Hãng. Họ bàn mưu giết Hồ Quý Ly trong hội thề ở Đốn Sơn nhưng kế hoạch không thành, những người chủ mưu, trong đó có Trần Nguyên Hãng đều bị giết, tổng cộng là 370 người. Tất cả gia sản của họ bị tịch thu; người nhà thì đàn ông con trai 1 tuổi trở lên bị chôn sống hoặc dìm chết, đàn bà con gái bị bắt làm nô tì, trong đó có phu nhân của Trần Nguyên Hãng là Thiên Huy công chúa. Từ một nàng công chúa vạn phần tôn quý trải qua những cuộc bể dâu của cuộc đời, những tưởng rằng “khổ tận” thì “cam lai” nhưng trớ trêu thay, nàng lại trở thành tầng lớp dưới đáy của xã hội bấy giờ.
Nàng như bị nuốt chửng vào vòng xoáy quyền lực của gia tộc mà không cách nào phản kháng được. Số phận của Quang Loan là tiêu biểu cho số phận trôi dạt của người phụ nữ nơi hậu cung cuối thời Trần đầu nhà Hồ – những người bạc phận phải sống trong một xã hội loạn lạc, điên đảo.
Theo: Chuyện Hậu Cung