“QUÂN HÀM” QUÂN ĐỘI NHÀ ĐÔNG HÁN

Dịch từ: Serious Trivia.

PHẦN 1: NHẤT PHẨM VÀ NHỊ PHẨM.

Trong một bài viết cách đây hai tháng, mình có nói đến hệ thống “Tam công Cửu khanh” (三公九卿) của nhà Hán.
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1130557427295559/
Nhưng đó chỉ là nói đến các quan văn trong triều, nếu bạn nào có xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc thì cũng không xa lạ gì với việc các chức quan trong triều đình chia làm nhóm là quan văn (文) và quan võ (武), trong các buổi chầu thì quan văn đứng một bên, quan võ đứng một bên. Nhưng phim phóng đại và không đúng thật tế cho lắm bởi vẫn có một số người làm quan văn thời bình và quan võ thời chiến.

Tuy nhiên, trong loạt bài này chúng ta sẽ không nói đến các chức quan văn mà chỉ tập trung vào quan võ, các chức vụ liên quan đến văn chỉ dùng để đem ra so sánh. Mốc thời gian ở đây sẽ là từ cuối nhà Đông Hán cho đến hết thời Tam Quốc, trong thời kỳ này, các quan chế của triều đình được chia làm 6 phẩm: Nhất phẩm (一品), Nhị phẩm (二品), Tam phẩm (三品), Tứ phẩm (四品), Ngũ phẩm (五品), Lục phẩm (六品).

Trong bài này chủ yếu sẽ đi sâu vào 2 phẩm cao nhất là Nhất phẩm và Nhị phẩm. Đứng đầu quan chế và có chức vị cao nhất là Nhất phẩm, trong đó chỉ có một chức quan duy nhất là “Đại tướng quân” (大将军). Nếu so với ra thì chức Đại tướng quân này còn cao hơn cả Tam công và chức “Thái uý” (太尉). Chức vụ này không nhất thiết lúc nào cũng phải có người giữ, nghĩa là đa phần trong thời bình các Hoàng đế sẽ không chỉ định chức Đại tướng quân. Trong thời chiến thì nếu triều đình có đưa người nào lên làm Đại tướng quân thì người đó sẽ nắm hết tất cả quân đội tham gia chiến dịch, dù lực lượng đó lớn hay nhỏ, và chỉ tuân theo mỗi lệnh từ Hoàng đế chứ không ai khác trong triều có quyền ra lệnh cho Đại tướng quân.

Một số nhân vật nổi tiếng giữ chức vị này là Tào Tháo, Tư Mã Ý, Hạ Hầu Đôn. Mọi người để ý sẽ thấy tất cả các vị tướng này đều là của nhà Nguỵ, đó là do chỉ có Hoàng đế mới có quyền được chỉ định Đại tướng quân, mà lúc này Tào Tháo đang bắt Thiên tử làm con tin nên có thể tự do phong chức cho mình và các tướng lĩnh dưới trướng, còn Lưu Bị và Tôn Quyền lúc này trên giấy tờ vẫn là chư hầu của nhà Hán nên không thể phong tướng của mình làm Đại tướng quân. Sau này Tào Tháo ép Hán Hiến Đế phong mình làm Nguỵ Công thì truyền chức Đại tướng quân lại cho Hạ Hầu Đôn, sau đó là Tư Mã Ý.

Xuống tới Nhị phẩm thì mọi chuyện sẽ hơi phức tạp một chút, trong đó gồm 3 chức tướng xếp từ cao xuống thấp là “Phiêu kỵ tướng quân” (骠骑将军), “Xa kỵ tướng quân” (车骑将军), và “Vệ tướng quân” (卫将军). Phiêu kỵ tướng quân cơ bản là phó chỉ huy, chỉ dưới quyền duy nhất mỗi Đại tướng quân, chức vụ này cũng không phải lúc nào cũng có người nắm giữ và khi có chiến tranh thì Hoàng đế cũng có thể không chỉ định Đại tướng quân mà chỉ đưa quân đội cho Phiêu kỵ tướng quân nắm giữ, điểm khác biệt duy nhất là Đại tướng quân nằm trên chức Tam công còn Phiêu kỵ tướng quân, Xa kỵ tướng quân, Vệ tướng quân thì ngang chức Tam công. Nghĩa là còn tuỳ thuộc vào việc cân bằng quan văn và quan võ trong triều, muốn người đó nắm giữ bao nhiêu quyền lực và muốn trả cho người đó mức lương bao nhiêu mà Hoàng đế sẽ cân nhắc việc bổ nhiệm chức Đại tướng quân hay Xa kỵ tướng quân. Cũng có trường hợp Hoàng đế phong cả hai, lúc này thì đương nhiên Đại tướng quân sẽ nắm giữ quân đội, Phiêu kỵ tướng quân sẽ đi theo hỗ trợ.

Dưới Vệ tướng quân nhưng cũng thuộc Nhị phẩm là 4 chức “Tứ chinh tướng quân” (四征将军) gồm “Chinh Đông tướng quân” (征东将军), “Chinh Tây tướng quân” (征西将军), “Chinh Nam tướng quân” (征南将军), “Chinh Bắc tướng quân” (征北将军), tượng trưng cho bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nơi 4 vị tướng sẽ đến chinh phạt hoặc đánh bại kẻ thù. Tất nhiên cả 4 chức này cũng như 3 chức trên, không nhất thiết lúc nào cũng phải có người nắm giữ, ví dụ nếu các bộ lạc phương Bắc không nổi lên chống phá Trung Hoa thì triều đình cũng sẽ không chỉ định chức Chinh Bắc tướng quân.

Dưới Tứ chinh tướng quân nữa nhưng cũng trong Nhị phẩm là 4 chức thuộc “Tứ trấn tướng quân” (四镇将军), cũng tượng trưng cho bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc là “Trấn Đông tướng quân” (镇东将军), “Trấn Tây tướng quân” (镇西将军), “Trấn Nam tướng quân” (镇南将军), “Trấn Bắc tướng quân” (镇北将军). Điểm khác biệt duy nhất giữa Tứ chinh tướng quân và Tứ trấn tướng quân là trên giấy tờ thì Tứ trấn tướng quân sẽ nhận lương thấp hơn và dưới quyền nhiều chức quan văn hơn so với Tứ chính tướng quân. Nhưng như đã nói các chức vụ trên không phải lúc nào cũng có người nắm giữ, và nếu trong trường hợp không có Đại tướng quân, Phiêu kỵ tướng quân, Xa kỵ tướng quân, Vệ tướng quân, Tứ chinh tướng quân thì Tứ trấn tướng quân sẽ nắm binh quyền, trường hợp này hay xảy ra trong thời bình.

Một số nhân vật nổi tiếng nắm chức Phiêu kỵ tướng quân có thể kể đến là Tào Hồng, Tư Mã Ý, Mã Siêu, Lý Nghiêm,… Xa kỵ tướng quân nổi tiếng thì có Trương Cáp, Trình Dục, Trương Phi, Hạ Hầu Bá, Lý Thôi, Đổng Thừa, Viên Đàm,… Vệ tướng quân là chức khá đặc biệt vì có nhiệm vụ bảo vệ, canh gác kinh thành nên thông thường sẽ luôn có người nắm giữ hơn các chức vụ Nhị phẩm khác, nổi tiếng trong số đó là Gia Cát Chiêm, Tào Hồng,… Tiếp đến là Tứ chinh tướng quân, nổi tiếng là Hạ Hầu Uyên giữ chức Chinh Tây tướng quân (lúc trấn thủ Hán Trung chống quân Thục Hán cho đến khi bị Hoàng Trung giết), Trương Liêu giữ chức Chinh Đông tướng quân (lúc trấn thủ Hợp Phì chống lại quân Đông Ngô), Tào Nhân giữ chức Chinh Nam tướng quân (lúc trấn thủ một phần bắc Kinh Châu), Mã Đằng giữ chức Chinh Nam tướng quân và Hàn Toại giữ chức Chinh Tây tướng quân (được Tào Tháo phong chức để dễ thu phục hơn). Xuống nữa thì là 4 chức quan thấp nhất trong Nhị phẩm – Tứ trấn tướng quân – phải kể đến là Tào Tháo giữ chức Trấn Đông tướng quân lúc chiếm được Trần Quận và Từ Châu, Lưu Biểu giữ chức Trấn Nam tướng quân lúc làm Thứ sử Kinh châu, và Hàn Toại làm Trấn Tây tướng quân, thật chất thì khi nói về lực lượng phía tây thì Hàn Toại có quân mạnh hơn nhiều so với Mã Đằng, lý do duy nhất mà Mã Đằng nổi tiếng hơn trong các game như Total War là vì có con trai là Mã Siêu thôi.

Về các chức vụ khác, hãy đón xem kỳ sau nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *