II/ CUỘC PHẢN CÔNG CỦA IRAN, 1981-1982.
Chưa đầy 2 tuần đầu của chiến dịch, đã có dấu hiệu Baghdad bắt đầu không hài lòng với tiến độ tấn công. Vào ngày 2 tháng 10 năm 1980, Iraq tuyên bố lực lượng của họ đã đạt được tất cả mục tiêu và chuyển sang thế phòng thủ. Ba ngày sau Iraq đơn phương công bố lệnh ngừng bắn. Các tướng quân Iraq sau này khẳng định việc này chỉ nhằm mục đích cho phép quân đội họ tái tổ chức, y vọng tiến độ tấn công sau đó sẽ nhanh hơn, chứ không phải để kết thúc chiến tranh. Thật tế là chỉ một ngày sau lệnh ngừng bắn được công bố, quân Iraq đã mở chiến dịch để chiếm Khorramshar (nhưng phải mất đến tận ngày 24 tháng 10 mới thành công).
Vào tháng 11 năm 1980, cuộc xâm lược của Iraq đã rơi vào bế tắc. Và sự chống trả của Iran không chỉ là lý do duy nhất cho việc này. Lực lượng Iraq ban đầu đông gấp 6 lần quân Iran trên khắp chiến trường, và các đơn vị Iran đa phần cũng không muốn chống lại quân Iraq trên các địa hình bằng phẳng ở Khuzestan, thay vào đó họ rút lui vào các thị trấn và thành phố lớn. Về bản chất thì chiến dịch của quân Iraq bị phá sản do chính sự chậm trễ của họ. Sau hai tháng (trong khi kế hoạch ban đầu là hai tuần), quân Iraq vẫn không chiếm được bất kỳ quốc lộ chính nào ở Khuzestan, và thành phố duy nhất họ chiếm được là Khorramshar (quân Iraq có chiếm được một phần Susangerd nhưng bị đánh bật ngay sau đó), và quan trọng hơn cả là họ thất bại trong việc kiểm soát các đèo ở Zagros. Vào đầu tháng 12, Iran đã tập trung viện binh từ khắp các vùng trong nước đến biên giới Iraq, lúc này quân Baghdad chỉ còn đông gấp 2 lần quân Tehran. Thêm nữa là vào cuối tháng 11, nhiều trận mưa lớn diễn ra tại Khuzestan biến khu vực này thành một đầm lầy khổng lồ, khiến quân Iraq vốn phải dựa dẫm vào lực lượng thiết tháp và cơ giới của mình hoàn toàn vô vọng và giúp việc phòng thủ của Iran dễ hơn nhiều.
Vào tháng 1 năm 1981, quân Iran đã sẵn sàng phản công. Cuộc tấn công đầu tiên của họ, một phần nguyên nhân là do chính trị nội bộ, nhằm đẩy lùi quân Iraq ở thành phố Ahvaz nằm phía trung tâm Khuzestan. Đây là một chiến dịch với kế hoạch cực kỳ ngớ ngẩn nhằm mục đích sử dụng Sư đoàn Thiết giáp số 16 và 92 bao vây 3 hoặc 4 lữ đoàn của Iraq đóng ở Susangerd, phía tây Ahvaz. Tuy nhiên, dựa theo lời của các cựu tướng quân Iraq, cơ quan tình báo của Baghdad đã phát hiện toàn bộ chi tiết của kế hoạch này, và Iraq đã đưa lực lượng hùng mạnh của Sư đoàn Thiết giáp số 6 và Sư đoàn Cơ giới số 5, cộng với Lữ đoàn Thiết giáp số 10 tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cộng hoà Iraq đến phòng thủ khu vực.
Cuộc tấn công của quân Iran vào tối ngày 4-5 tháng 1 ban đầu cũng khá thuận lợi. Trong các trận chiến trước đây, họ nhận ra rằng quân Iraq chiến đấu rất tệ vào ban đêm, binh lính Iraq thường trốn vào trại quân để ngủ chứ không thèm đi tuần hay phòng thủ các vị trí quan trọng. Kết quả là đợt tấn công đầu tiên của Iran đã đẩy lui một lữ đoàn bộ binh và một lữ đoàn thiết giáp thuộc Sư đoàn Thiết giáp số 10 của Iraq. Tuy nhiên, cuộc tấn công hỗ trợ do Sư đoàn Bộ binh số 77 của Iran thực hiện đã thất bại khi họ bất ngờ gặp phải Sư đoàn Cơ giới số 5 của Iraq phía tây nam Ahvaz. Sau đó, vào ngày 7 tháng 1, khi Sư đoàn Thiết giáp số 16 của Iran tiến về phía đông nam để hợp vây quân Iraq theo kế hoạch, họ bất ngờ bị tấn công từ ba hướng bởi Sư đoàn Thiết giáp số 6 và Lữ đoàn Thiết giáp Vệ binh Cộng hoà số 10 của Iraq. Các lữ đoàn của Iran đã bị mắc kẹt giữa trong vòng vây, tuy nhiên quân Iraq gặp khó khăn trong việc tận dụng thời cơ này. Iraq chiến thắng nhưng cũng thiệt hại 100 trên tổng số 350 xe tăng của mình, so với Iran thiệt hại 200 trên tổng số 300 xe tăng.
Thay vì tận dụng thời cơ để chuyển chiến thắng chiến thuật này thành một chiến thắng chiến dịch, các chỉ huy Iraq lại cho thấy sự bất tài của mình một lần nữa. Baghdad ngay lập tức ra lệnh cho Sư đoàn Cơ giới số 5 và Sư đoàn Thiết giáp số 6 chiếm Susangerd và một số thị trấn quan trọng để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Ahvaz. Tuy nhiên các sư đoàn này mất một tuần để tái cơ cấu và tổ chức trước khi mở một đợt tấn công chậm, vụng về và quá dựa vào lực lượng thiết giáp nữa. Quân Iran lúc đó đã hồi phục sau thất bại lần trước và dễ dàng đẩy lui được quân Iraq. Kết quả là đợt tấn công này chỉ tiến được 10 km.
Đối với Iran, Susangerd chỉ là một trở ngại tạm thời. Vào tháng 4, họ mở một chiến dịch tấn công lực lượng Iraq gần Qasr-e Shirin, phía Bắc chiến trường. Lần đầu tiên, quân Iran huy động một lực lượng lớn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (trong đó nhiều nhất là Basij hay “Lực lượng Huy động Kháng chiến”) để dẫn đầu chiến dịch. Quân Iraq hoàn toàn bất ngờ và hàng loạt lữ đoàn đã buộc phải rút lui. Cuộc tấn công này có quy mô rất nhỏ và chỉ giúp Iran giành được vài ngọn đồi, nhưng cũng đủ để thuyết phục giới mullah ở Tehran tin rằng sử dụng Vệ binh Cách mạng và Basij vào chiến thuật biển người là quyết định đúng đắn. Vào mùa hè năm 1981, quân Iran mở một loạt những cuộc tấn công tương tự vào phía nam khiến Iraq phải rút khỏi các vị trí chiến lược quan trọng gần Khorramshahr và Abadan.
Quân Iran sử dụng các cuộc tấn công này để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn hơn nhằm đẩy quân Iraq hoàn toàn khỏi lãnh thổ Iran. Tehran mở chiến dịch phản công này vào tháng 7 năm 1981, mở đầu là một cuộc tấn công lớn nhằm đẩy quân Iraq khỏi thế vây Abadan và buộc quân đội Baghdad phải rút về sông Karun. Sau khi chiếm được Khorramshahr vào tháng 11 năm 1980, quân Iraq đã vượt sông Karun với hy vọng chiếm được Abadan, nhưng hỏa lực của quân Iran buộc Iraq phải hoãn chiến dịch và chuyển sang bao vây Abadan. Nửa đêm ngày 26 tháng 7 năm 1981, Iran mở chiến dịch phản công từ cả 3 hướng khiến quân Iraq bất ngờ và bỏ vây Abadan. Baghdad đáp trả bằng cách đưa Lữ đoàn Thiết giáp Vệ binh Cộng hoà số 10 đến để hỗ trợ. Lực lượng này ngay lập tức mở một cuộc tấn công chậm và vụng về vào hàng ngũ Iran, đợt tấn công này của Iraq thất bại thảm hại, lữ đoàn này mất hơn 1/3 số xe tăng, để quân Iran bao bây và tiêu diệt nhiều lữ đoàn và tiểu đoàn khác gần sông Karun.
Vào cuối tháng 11, Iran chuyển hướng tấn công sang phía bắc Khorramshahr nhằm đẩy quân Iraq khỏi khu vực Bostan đe dọa đến Susangerd và Ahvaz từ phía tây bắc. Tình báo của Iran phát hiện ra quân Iraq nghĩ rằng đụn cát phía bắc Susengerd không thể vượt qua được, do đó không phòng thủ sườn đông bắc. Ngày 28-29 tháng 11, quân Iran mở cuộc tấn công với Sư đoàn Thiết giáp số 16 và 92 (được hỗ trợ mạnh bởi Vệ binh Cách mạng và Basij), bên kia chiến tuyến là Sư đoàn Cơ giới số 5 và Sư đoàn Thiết giáp số 6 của Iraq. Sư đoàn Thiết giáp số 16 chặn đường Sư đoàn Thiết giáp số 6 đến hỗ trợ, trong khi Sư đoàn Thiết giáp số 92 và lực lượng lớn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tấn công Sư đoàn Cơ giới số 5, tập trung đánh vào 2 yếu điểm trên chiến tuyến được phòng thủ bởi Quân đội Nhân dân Iraq và từ phía đụn cát mà quân Iraq nghĩ không thể vượt qua. Bốn ngày sau đó, quân Iran đã thọc sườn Sư đoàn Cơ giới số 5 và tiếp tục tiến về phía nam, họ làm tương tự với Sư đoàn Thiết giáp số 6, buộc cả hai đơn vị của Iraq phải bỏ chạy.
Chiến thắng của Iran ở Bostan khiến cả hai phe nhận ra lực lượng Iraq ở phía bắc chiến trường gần Dezful đang trong bị trí rất dễ bị tấn công. Iran và Iraq đã bỏ ra 4 tháng chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tại đây. Gần nửa đêm ngày 22 tháng 3, quân Iran mở chiến dịch tấn công với ít nhất 4 sư đoàn từ quân đội thường trực (khoảng 60,000 binh lính, với chưa tới 200 xe tăng và 150 khẩu pháo) và gần 80,000 Vệ binh Cách mạng và Basij. Quân Iraq huy động 3 sư đoàn bộ binh cùng với Sư đoàn Cơ giới số 1 và Sư đoàn Thiết giáp số 3 và số 10, Lữ đoàn Thiết giáp Vệ binh Cộng hoà số 10 và một số đơn vị Quân đội Nhân dân khác trong khu vực. Đợt tấn công đầu tiên của Iran đánh vào sườn bắc của quân Iraq, trong đó Sư đoàn Bộ binh số 84 và 21 cùng với nhiều Lực lượng Vệ binh Cách mạng tiêu diệt một số lữ đoàn bộ binh và thiết giáp của Iraq ở phòng tuyến, chọc thủng sườn và tiến vào tấn công lực lượng thiết giáp dự bị của Baghdad. Chỉ huy Quân đoàn số 4 của Iraq là Thiếu tướng Hisham Sabah al-Fakhri lo sợ và hạ lệnh cho toàn bộ Sư đoàn Thiết giáp số 10 cộng với Lữ đoàn Thiết giáp Vệ binh Cộng hoà số 10 đến phản công vị trí quân Iran chọc thủng trên chiến tuyến, đồng thời đưa Sư đoàn Thiết giáp số 3 đến hỗ trợ. Không ngạc nhiên lắm, cuộc phản công này của Iraq cũng thất bại thảm hại và toàn bộ đơn vị buộc phải rút lui. Trong khi đó, vào đêm ngày 24-25 tháng 3, quân Iran mở đợt tấn công thứ 2 vào sườn phía nam của Iraq, sử dụng Sư đoàn Thiết giáp số 92 và 88, cùng với Lữ đoàn Nhảy dù số 55 thiện chiến cùng nhiều Lực lượng Vệ binh Cách mạng. Đợt tấn công nhanh chóng đẩy lui nhiều đơn vị Quân đội Nhân dân và Sư đoàn Cơ giới số 5 của Iraq. Với toàn bộ lực lượng dự bị của mình bị đưa lên phía bắc, quân Iraq không có cách nào cản nổi đợt tấn công bất ngờ từ phía nam này. 4 ngày liên tiếp sau đó, lực lượng thiết giáp và cơ giới của Iraq đã thiệt hại nặng nề trước Iran. Ngày 30 tháng 3, 2 cánh quân bắc và nam của Iran hợp với nhau, bao vây nhiều lữ đoàn của Iraq và khiến Baghdad hạ lệnh rút lui ngay lập tức. Mặc dù không có con số cụ thể, ít nhất 2 cựu tướng quân của Iraq nói rằng ít nhất một nửa lực lượng của họ đã thiệt hại trong trận Dezful lần thứ hai.
Thất bại thảm hại tại Dezful buộc Baghdad phải rút lui khỏi Khuzestan. Đến cuối tháng 4, Iraq chỉ còn giữ một phần nhỏ lãnh thổ phía tây nam Khuzestan, với sườn phía nam đối diện với sông Karun phía bắc Khorramshahr. Iran mở chiến dịch nhằm chiếm lại vị trí này vào nửa đêm ngày 30 tháng 4 buộc Saddam phải hạ lệnh rút khỏi đây nhưng vẫn quyết giữ Khorramshahr. Ngày 22-23 tháng 5 năm 1982, Iran mở chiến dịch tái chiếm Khorramshahr, chiếm được thành phố chỉ trong 24 giờ và tiêu diệt hơn 15,000 quân Iraq.
Tổng cộng trong bốn chiến dịch tấn công từ tháng 7 năm 1941 đến tháng 5 năm 1942, quân Iran đã lấy lại được toàn bộ lãnh thổ bị mất trong cuộc xâm lược của Iraq. Trong các trận đánh, quân Iraq đã thiệt hại nặng nề, mất hơn 600-700 xe tăng và xe bọc thép chở quân và hơn 300 khẩu pháo mặc dù có lợi thế về số lượng, hỏa lực và địa hình phòng thủ hơn nhiều so với Iran. Chiến dịch phản công này cũng giúp Iran có được bàn đạp để tấn công vào lãnh thổ Iraq từ năm 1982 đến năm 1986.
(Còn tiếp).
Tham khảo thêm: “Arabs at War: Military Effectiveness, 1948-1991” của Kenneth Pollack.