QUÂN ĐỘI IRAQ TRONG CHIẾN TRANH IRAN-IRAQ, 1980-1988 (P.2)

2/ CUỘC XÂM LƯỢC KHUZESTAN.

Chiến dịch tấn công trên bộ của Iraq cũng không khá hơn cuộc không kích là bao. Vấn đề lớn nhất vẫn là lực lượng Iraq tiến quân với tốc độ “rùa bò” dù quân Iran kháng cự vô cùng yếu. Xét tổng thể thì tại thời điểm đó Iraq vô cùng có lợi thế vì quân đội Iran đã bị suy yếu trầm trọng do việc đào ngũ, thanh trừng và nhiều thứ khác diễn ra sau cuộc Cách mạng Hồi giáo, khiến Tehran không thể tập trung một lượng lớn quân đội bảo vệ biên giới. Iraq huy động 2750 xe tăng, 1400 khẩu pháo, 4000 xe bọc thép chở quân, và 340 máy bay chiến đấu, ném bom. Bên kia thì Iran chỉ có thể huy động chưa tới 500 xe tăng, 300 khẩu pháo và 100 máy bay chiến đấu. Iran có lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (سپاه پاسداران انقلاب اسلامی) (IRGC) gần 10 vạn quân, nhưng tại thời điểm đó IRGC chỉ toàn dân quân, sinh viên và du côn đường phố, những người hăng hái tham gia cách mạng nhưng chưa bao giờ được huấn luyện thành một đội quân thật sự. Khoảng gần một phần tư quân đội Iran đang phải tập trung đàn áp người Kurd, Iran chỉ có duy nhất 2 sư đoàn và 2 lữ đoàn bị suy yếu, cùng với một vài lực lượng an ninh trang bị vũ khí hạng nhẹ, tập trung tại biên giới chống lại hơn 9 sư đoàn của Iraq trang bị tận răng cho cuộc xâm lược.

Tình hình tại tỉnh Khuzestan càng có lợi cho quân Iraq hơn. Sư đoàn Thiết giáp số 92 ở Ahvaz là đơn vị duy nhất của Iran trong khu vực, và phải mất nhiều ngày sau đó lực lượng này mới có thể huy động được một vài đơn vị cỡ đại đội, chứ chưa nói gì đến cả một sư đoàn. Ngoài ra thì Iraq phải chỉ phải đối mặt với một phần nhỏ lực lượng từ Quân đội Cộng hoà Hồi giáo Iran, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Hiến binh Iran (ژاندارمری دولتی), những lực lượng này chỉ cỡ từ trung đội đến đại đội, thiếu trang bị vũ khí và hoàn toàn không có sự thống nhất trong chỉ huy. Đa phần quân Iran cũng không quan tâm tới việc cầm chân Iraq mà chỉ bỏ chạy vào các thành phố và vị trí phòng thủ. Tuy nhiên, đã hai tuần trôi qua sau khi chiến dịch bắt đầu, nơi quân Iraq thọc sâu nhất vào bên trong Iran chỉ có 65 km, và ở đa số những nơi khác, quân Iraq tiến chưa đến 20-30 km. Cho dù là địa hình đồi núi như ở Zagros hay địa hình bằng phẳng ở Khuzestan, tốc độ tiến công trung bình của các đơn vị Iraq là 5-6 km mỗi ngày, trong khi chỉ phải đối mặt với lực lượng thiếu vũ khí, không được huấn luyện chính quy của Vệ binh Cách mạng và Hiến binh Iran.

Lý do chính cho tốc độ tiến công vô cùng chậm này là do học thuyết quân sự của Iraq. Như chiến thuật họ áp dụng để đàn áp người Kurd, các đơn vị Iraq dựa phần lớn vào hỏa lực lớn để tấn công. Các lực lượng thiết giáp và cơ giới của Iraq sẽ không bao giờ tiếp tục tiến lên cho đến khi khu vực phía trước đã gần như bị phá hủy bằng hỏa lực từ xe tăng và pháo binh. Họ sau đó sẽ nhích lên một khoảng ngắn phía trước rồi lại tiếp tục dừng lại đào hào và chờ cuộc bắn phá tiếp theo thì mới tiếp tục nhích lên một chút. Trong những trường hợp họ gặp phải sự chống cự từ quân Iran – bất kể chống cự có yếu cỡ nào – thì thiết giáp của Iraq cũng đều dừng lại, ra lệnh cho công binh xây dựng phòng tuyến, rồi dồn tất cả hỏa lực từ xe tăng, hỏa pháo, pháo phản lực bắn loạt, tên lửa FROG-7, không kích và nhiều thứ khác xuống khu vực đó. Khi vị trí của quân Iran đã tan tành, họ mới tiếp tục tiến công nhưng rồi lại dừng lại và tiếp tục như vậy khi thấy quân Iran chống cự. Giống vậy, khi thiết giáp và cơ giới của Iraq tiến gần qua khỏi tầm hỗ trợ của pháo binh, họ sẽ dừng lại chờ đến khi pháo binh vào vị trí mới rồi lại tiếp tục tiến lên với tốc độ “rùa bò.” Ở phía trung tâm Núi Zagros, các đơn vị bộ binh của Iraq còn dồn hỏa lực từ tên lửa điều khiển chống tăng Sagger vào rào chắn giao thông của Iran, thông thường là bị bỏ hoang và chả có quân Iran nào ở đó (LOLLLLL ?). Trong một số trường hợp hy hữu, đáng kể là khi ở ngoại ô Dezful trong tuần đầu chiến tranh, quân Iraq có sử dụng một chút chiến thuật tấn công sườn; do quân Iran thiếu quân lính để thành lập một phòng tuyến trải dài liên tục, và sau nhiều ngày bắn phá, quân Iraq đã phá vỡ phòng tuyến bên sườn của Iran – mặc dù chỉ là vô tình gặp may – cũng khiến quân Iran phải rút lui.

Ngay cả khi càng ngày càng thấy việc này làm chậm trễ tiến độ chiến dịch thì Iraq vẫn không chịu thay đổi chiến thuật. Các chỉ huy cấp độ chiến thuật của Iraq không bao giờ sáng tạo được. Thiết giáp và cơ giới của Iraq chưa bao giờ dùng khả năng cơ động của mình để bao vây hay bỏ qua các vị trí phòng thủ của quân địch cả, họ cũng không biết dùng yếu tố bất ngờ cũng như quân số của mình để đánh tràn vào quân Iran, vốn gần như không có vũ khí chống tăng. John Wagner, chuyên gia về chiến tranh Iran-Iraq đã nói “không có nỗ lực nào để sử dụng đội hình bọc thép di chuyển nhanh để thọc sâu từ phòng tuyến vào phía sau quân Iran hoặc di chuyển nhanh tới mục tiêu trước khi quân Iran có thể phản ứng.” Quân Iraq không chiếm các vị trí trọng điểm để cắt đứt đường liên lạc và rút lui của Iran. Họ không sử dụng lính nhảy dù và máy bay trực thăng để đánh vào sườn vị trí phòng thủ của Iran để giúp tăng tiến độ cho lực lượng cơ giới. Các chỉ huy Iraq cực kỳ chậm trễ trong việc sử dụng lực lượng dự bị để chống lại các cuộc phản công của Iran, họ thậm chí không thúc đốc tiến độ khi thấy quân địch bị suy yếu. Họ thất bại trong việc đuổi theo quân Iran đang rút lui, nhanh chóng kiểm soát các khu vực không được phòng thủ và tận dụng thời cơ trong cuộc chiến. Ở Dezful, Khorramshar, Ahvaz, Abadan, và nhiều thị trấn nhỏ khác ở Khuzestan, các đội hình cơ giới của Iraq tới được ngoại ô thị trấn kịp thời trước khi quân Iran có thể đưa viện quân, vũ khí hạng nặng, xây dựng tuyến phòng thủ và tái tổ chức lại được. Nhưng trong tất cả trường hợp, thay vì lập tức trực tiếp tấn công vào khu vực và tiếp tục tiến công, hoặc bao vây khu vực để chuẩn bị cho cuộc vây hãm, quân Iraq chỉ biết đào hào và chờ cho đến khi pháo binh tới bắn phá khu vực. Khi quân Iraq bắt đầu tấn công nhiều ngày sau đó, quân Iran đã kịp thời viện trợ quân lính và vũ khí cho quân phòng thủ, thành lập lực lượng Vệ binh Cách mạng địa phương và xây dựng phòng tuyến. Trong đa số các trường hợp này, khi thấy rằng cuộc bắn phá đã thất bại trong việc buộc quân Iran rút lui, quân Iraq lại tiếp tục đào hào và chờ.

Chỉ duy nhất một trường hợp đặc biệt là ở Khorramshahr, nơi quân Iraq thành công chiếm được thành phố. Họ thành công nhưng mất đến 4 tuần chiến đấu, 8000 quân, hơn 100 xe tăng và xe bọc thép chở quân trước lực lượng Iran trang bị với vũ khí yếu, pháo chống tăng hạng nhẹ và bom xăng Molotov. Kết quả là Khorramshahr là thành phố duy nhất mà quân Iraq chiếm được, tất cả các thị trấn và thành phố chiến lược khác thì quân Iraq đều không thể chiếm nổi.

Vấn đề này một phần cũng là do việc tìm tình báo cấp chiến thuật tệ hại của Iraq. Các đơn vị quân Iraq không hề biết do thám trước trận đánh. Mặc dù liên tục dừng tiến công vì vô số lý do, các chỉ huy Iraq cũng không tận dụng thời gian đó để đưa quân đi tuần tra hoặc thám thính kẻ địch. Cho dù có thì tất cả các thông tin tuần tra mà quân Iraq có được đều thiếu chính xác. R. D. McLaurin viết: “các báo cáo về địa hình, vị trí, hoạt động của quân địch mà Iraq có, thường trái ngược với nhau, điều này cho thấy các vấn đề trong việc liên lạc và kiểm soát tình báo. Nhiều nguồn tin nói rằng chính quân Iraq còn giả thông tin báo cáo lên các cấp chỉ huy.” Cơ quan tình báo cấp chiến lược cũng không khá hơn. Các lãnh đạo cấp cao của Baghdad cũng làm ảnh hưởng tới việc tình báo. Các sân bay Iraq có rất ít máy bay trinh sát, và họ cũng gần như không bao giờ dùng mấy chiếc đó. Khả năng trinh sát bằng không quân của Iraq cũng rất kém và số thông tin ít ỏi trinh sát được cũng thường bị bóp méo do giới lãnh đạo Iraq chỉ muốn thông báo cho Saddam những gì ông muốn nghe. Quan trọng hơn là các thông tin này dù có chính xác thì cũng rất ít khi tới tay các chỉ huy tại chiến trường, do lãnh đạo cấp cao kiểm soát rất chặt chẽ thông tin nhằm dễ kiểm soát cấp dưới. Kết quả là các chỉ huy Iraq còn không biết cái gì đang ở phía trước họ và luôn trong tình thế bất ngờ và bị động trước các cuộc phản công của Iran.

Mặc dù quân Iraq dựa rất nhiều vào xe tăng và pháo binh, họ đều yếu kém ở cả hai khoảng này. Iraq sử dụng xe tăng họ như các khẩu pháo di động. Quân Iraq không biết cách khai hoả khi xe tăng đang chạy, mà dù có dừng lại rồi thì nhắm bắn cũng vô cùng thiếu chính xác. Các chỉ huy cũng không dùng khả năng cơ động của phương tiện để thọc sâu vào sườn quân Iran. Trong các trận đánh thì quân Iran mặc dù yếu thế hơn vẫn thắng được các đơn vị Iraq. Ví dụ, quân Iraq đã không thể chiếm được thành phố Dezful chiến lược phía bắc Khuzestan của Iran do Sư đoàn Thiết giáp số 3 của họ đã bị tiểu đoàn xe tăng thiếu vũ khí của quân đội Iran và vài trăm lính Vệ binh Cách mạng chặn đứng tại bờ Sông Kharkeh. Trong các trận đánh sau đó, các chỉ huy Iraq chỉ biết tới vị trí phòng thủ và dừng lại ở đó, trong khi quân Iran tìm cách đánh vào sườn họ, điều khiển tăng của Iran đồng thời cũng bắn tốt và chuẩn hơn.

Pháo binh của Iraq cũng tệ như vậy. Quân Iraq sau khi bắn xong thì cũng tìm cách ở lại vị trí lâu nhất có thể, chứ không dời các khẩu pháo đi nơi khác. Kết quả là để cho radar chống pháo của Iran phát hiện vị trí và bị quân Iran bắn trả liên tục. Họ cũng không biết chuyển hướng bắn và hỗ trợ cho các binh chủng khác khi có tình huống bất ngờ. Cuối cùng, TẤT CẢ pháo binh Iraq đều hoạt động rất chậm, dù có huấn luyện như thế nào đi nữa, việc này còn làm Baghdad tức điên lên và chuyển sang đầu tư mạnh vào tên lửa phản lực bắn loạt, vì ít ra nó còn gây thiệt hại lên khu vực nhanh hơn.

Quân Iraq cũng không biết giải quyết vấn đề của từng binh chủng của mình bằng hợp đồng tác chiến. Như đã nói, pháo binh của Iraq không biết hỗ trợ cho các binh chủng khác. Iraq cũng đồng thời có vấn đề trong việc cho thiết giáp và bộ binh hợp tác chiến đấu. Xe tăng thường được cho phi thẳng lên phía trước mà không có bộ binh hỗ trợ và ngược lại. Kết quả là Iraq mất vô số xe tăng trong các cuộc mai phục và vũ khí chống tăng. Ví dụ rõ ràng nhất là khi quân Iraq đưa một sư đoàn thiết giáp đến tấn công thành phố Khorramshahr, không những địa hình đô thị đã không phù hợp với xe tăng mà xung quanh thành phố cũng có vô số đầm lầy, đã vậy mà các chỉ huy Iraq lại còn giữ lại hết toàn bộ các đơn vị bộ binh hỗ trợ trong sư đoàn. Sau khi lực lượng tăng bị quân Iran đẩy lui, Iraq mới đành phải cho quân nhảy dù và Vệ binh Cộng hoà Iraq (حرس العراق الجمهوري) vào hỗ trợ xe tăng.

Các chiến dịch không đối đất cũng rất tệ. Lực lượng Không quân Iraq rất ít khi thực hiện hỗ trợ không lực tầm gần, mà cũng chỉ là dồn hoả lực vào các vị trí phòng thủ của Iran, chả gây thiệt hại lớn gì. Trong tất cả trường hợp, lục quân Iraq muốn có hỗ trợ từ không quân thì phải thông báo rất lâu trước thời điểm và không quân sẽ chỉ nhận nhiệm vụ ném bom các mục tiêu lớn như thị trấn do các phi công Iraq không biết nhắm ném những thứ nhỏ hơn. Không quân Iraq cũng không thể thực hiện các nhiệm vụ can thiệp trên không (air interdiction), ngăn quân Iran tái tổ chức hoặc đưa quân lính và hậu cần hỗ trợ cho tiền tuyến.

Mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nữa khi quân Iran bắt đầu phản công…

(Còn tiếp).

Tham khảo thêm:

“Arabs at War: Military Effectiveness, 1945-1991” của Kenneth Pollack.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *