QUÂN ĐỘI IRAQ TRONG CHIẾN TRANH IRAN-IRAQ, 1980-1988 (P.1)

Sau cuộc Chiến tranh Tháng 10 năm 1973, Baghdad đã cố gắng tìm cách để cải thiện quân đội của mình. Quân Iraq biết rằng bản thân họ chiến đấu không được tốt lắm chống lại Israel nên đã cố gắng tái thiết và mở rộng lực lượng. Một số sự kiện khác xảy ra từ năm 1974 đến 1975 càng khiến Saddam Hussein chú trọng phát triển quân đội hơn. Thứ nhất là cuộc khởi nghĩa lần 2 của người Kurd đã cho Đảng Ba’athist thấy rằng họ có thể dùng quân đội để hoàn thành mục đích. Thứ hai là việc phải ký Hiệp định Algiers nhục nhã dưới sự đe dọa của Shah Iran khiến Baghdad cho rằng chỉ có kẻ mạnh mới tồn tại được ở Trung Đông. Vì vậy, từ năm 1973 đến năm 1980, Iraq đẩy mạnh gia tăng gấp đôi lực lượng quân đội, cả về số quân lính lẫn số sư đoàn – từ 6 lên 12 sư đoàn – trong đó có 4 sư đoàn thiết giáp và 2 sư đoàn bộ binh cơ giới hoá. Iraq còn mua thêm 1600 xe tăng và xe bọc thép chở quân, đa số gồm T-72 và BMP-1 hiện đại từ Liên Xô, cùng với 200 máy bay chiến đấu đời mới, gồm cả MiG-23 và Su-22. Thêm vào đó, Iraq cũng tìm cách huấn đẩy mạnh huấn luyện quân lính, tập trung vào lối tác chiến hợp đồng binh chủng và chiến tranh cơ giới.

Baghdad còn thực hiện thêm hai việc nữa đối với quân đội từ năm 1973 đến 1980. Thứ nhất, Saddam không còn tập trung quân đội của mình để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong nước nữa, thay vào đó, ông cho xây dựng một số lực lượng mới như “Quân đội Nhân dân” (الجيش الشعبي) gồm 15 vạn quân lính để đàn áp các cuộc nổi loạn, nhờ vậy mà Lực lượng Vũ trang Iraq có thể tập trung đối phó với mối đe dọa từ Israel và Iran hơn. Thứ hai là Đảng Ba’athist tăng cường thiết lập giám sát quân đội của mình, thường xuyên thanh trừng và đổi mới các chỉ huy cấp cao trong quân đội, việc này nhằm mục đích tránh các tướng lĩnh quân đội đảo chính lật đổ Saddam. Nhưng việc này lại gây ra một vấn đề lớn: các sĩ quan lục quân và không quân của Iraq được thăng chức nhờ trung thành với chế độ hơn là nhờ tài năng thật sự. Thực tế là Baghdad sợ những người tài giỏi nắm giữ quân đội sẽ đảo chính chống lại mình nên đa phần những người này sẽ bị thanh trừng. Như Edgar O’Ballance đã nói, các sĩ quan Iraq từ quân hàm đại tá trở lên “không đủ tầm nhìn, tài năng và óc sáng tạo để những nhiệm vụ đơn giản được giao cho, chứ chưa nói gì đến những nhiệm vụ khó hơn cả.”

I/ CUỘC XÂM LƯỢC IRAN, 1980: CUỘC XÂM LƯỢC “TOANG” NHẤT LỊCH SỬ.

Bởi vì các tướng lĩnh cấp cao của Iraq “không được tốt cho lắm,” không có gì ngạc nhiên khi mà giai đoạn lên kế hoạch tấn công Iran cũng cực kỳ tệ. Chiến lược của Baghdad là phải chiếm được tỉnh Khuzestan phía tây nam Iran, gần sông Shatt al-Arab của Iraq, nơi mà Saddam nghĩ rằng người dân địa phương sẽ nổi dậy hỗ trợ cho quân đội Iraq chống lại chính phủ Ba Tư tàn bạo. Ngoài ra, quân Iraq cũng lên kế hoạch dựa trên những thông tin sai lệch khác. Thứ nhất, Saddam và các tướng lĩnh cấp cao nghe theo lời của một số sĩ quan Iran đào ngũ và cơ quan tình báo bị chính trị hoá nặng nề rằng quân đội Iran đã bị suy yếu trầm trọng sau khi nhiều tướng lĩnh Iran đào ngũ hoặc bị thanh trừng do cuộc Cách mạng Hồi giáo, vì vậy lực lượng vũ trang của Iraq có thể tiêu diệt quân Iran dễ dàng mà không phải gặp trở ngại gì. Baghdad cũng tin rằng người dân Iran vô cùng căm thù Ayatollah Ruhollah Khomeini và các mullah vì lật đổ chế độ Shah, đồng thời họ sẽ tìm cách lật đổ chính quyền hồi giáo nếu có cơ hội. Vô số các tướng lĩnh chế độ cũ của Iran, bao gồm cả cựu thủ tướng Shapour Bakhtiar và cựu tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Gholam-‘Ali Oveisi, đã trốn sang Iraq sau cuộc cách mạng, họ phóng đại với Saddam rằng chế độ thần quyền hiện tại của Khomeini đang rất yếu, sẽ nhanh chóng bị đánh bại nếu quân Iraq tấn công ngay; nhưng sẽ dần mạnh hơn theo thời gian và sẽ trở thành kẻ thù lớn nhất cho Iraq vì Saddam đàn áp Hồi giáo Shia rất tàn bạo; do đó phải hành động thật nhanh. Saddam dự định đưa quân đến chiếm tỉnh Khuzestan để khiến người dân bất mãn và làm bùng nổ thêm một cuộc cách mạng ở Iran, lật đổ Khomeini và thành lập một chính phủ thân Iraq.

Bên cạnh việc chiến lược của Iraq không hề kèm theo bất kỳ kế hoạch nào khác để mở một cuộc cách mạng lật đổ chính phủ Iran, mà chỉ đơn giản là đưa quân đội đến Khuzestan và hy vọng cuộc cách mạng đó sẽ diễn ra – kế hoạch do quân Iraq chuẩn bị còn vô cùng tệ về mặt quân sự. Baghdad dự định xâm lược Iran với 9 sư đoàn. 3 sư đoàn thiết giáp và 2 sư đoàn cơ giới sẽ đánh thẳng vào Khuzestan, kiểm soát các thành phố và quốc lộ chính, và quan trọng nhất là phải chiếm được đèo Zagros, nơi quân Iran dùng để vận chuyển hậu cần. Xa hơn nữa ở phía bắc, 3 sư đoàn bộ binh sẽ chiếm các đèo khác phía bắc Zagros, nơi mà quân Iran cần để phản công chống lại Baghdad. Theo lời của các cựu sĩ quan Iraq, kế hoạch này được soạn thảo chỉ trong 2 tuần.

Nói chung thì kế hoạch của Iraq đã chọn các mục tiêu khá tốt về mặt chiến lược và đồng thời đưa một lực lượng vừa đủ để hoàn thành các mục tiêu đó, nhưng kế hoạch lại có rất ít chi tiết. Bộ chỉ huy Baghdad đã dựa rất nhiều vào kế hoạch chiếm đóng Khuzestan và các mỏ dầu với 1 sư đoàn của Anh năm 1941. Chính phủ Iraq có thay đổi kế hoạch một chút dựa trên số lượng quân đội tham gia, không quân và hậu cần, nhưng họ làm việc cực kỳ qua loa và chỉ đưa ra hướng dẫn rất chung chung. Các tướng lĩnh đưa ra kế hoạch copy rất nhiều từ kế hoạch cũ của Anh, mặc dù quân Iraq được huấn luyện rất khác quân Anh, hai thời điểm cũng cách rất xa nhau, số lượng lính tham chiến, mục tiêu chiến lược và tình hình chính trị cũng khác hẳn. 18 năm sau đó, một cựu tướng quân Iraq đã phải nói: “Quân lính của chúng tôi chỉ tập trung tại biên giới và được hạ lệnh tiến vào Iran. Họ biết rõ mục tiêu, nhưng lại không biết làm cách nào để đến được đó hay bản thân họ phải làm gì, hay nhiệm vụ của họ sẽ có vai trò gì trong chiến dịch, hay lực lượng nào sẽ hỗ trợ họ.”

1/ CUỘC KHÔNG KÍCH PHỦ ĐẦU CỦA IRAQ.

Quân Iraq không chỉ sao chép kế hoạch tấn công của quân Anh. Iraq nổ phát súng đầu tiên bắt đầu cuộc chiến vào ngày 22 tháng 7, bằng cách thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu vào Không quân Cộng hoà Hồi giáo Iran (IRIAF) (نیروی هوایی ارتش جمهوری اسلامی ایران), bắt chước cuộc không kích phủ đầu Israel thực hiện năm 1967. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Iraq không biết làm cách nào để thực hiện cuộc tấn công. Đầu tiên là tình báo của họ nghĩ rằng IRIAF đã quá suy yếu để chống trả vì bản thân không quân Iraq không biết thực hiện bất kỳ nhiệm vụ trinh sát nào, dẫn tới Baghdad hoàn toàn mù tịt về lực lượng IRIAF trước cuộc không kích. Kết quả là quân Iraq phải dựa vào những thông tin tuyền miệng từ các tướng lĩnh đào ngũ của Iran để biết máy bay nào ở sân bay nào, hệ thống phòng không của Iran ra sao,… Các thông tin từ những người đào ngũ này thường đã lỗi thời, cũng như luôn tìm cách dìm IRIAF để Iraq có động lực tấn công. Quân Iraq cũng không thèm nghiên cứu về học thuyết của không quân Iran, nghĩ rằng nó cũng giống học thuyết của mình, mặc dù lực lượng không quân Iran từ thời Shah luôn được cố vấn Mỹ huấn luyện, trong khi học thuyết của không quân Iraq là hỗn hợp giữa Anh, Nga và thậm chí một chút của Pháp. Quân Iraq cũng không biết Iran đã xây dựng hầm bảo vệ không quân (HAB) để ngăn chặn các cuộc không kích.

Ngoài những thất bại trên, không quân Iraq cũng không có khả năng thực hiện một chiến dịch lớn ngay cả khi lãnh đạo của họ có thể lên một kế hoạch tốt hơn một chút. Rất ít phi đội có thể sử dụng máy bay hiện đại như MiG-23, Su-20 và Su-22 đơn giản bởi vì các phi công Iraq vẫn không biết cách sử dụng và bảo quản chúng. Trong các cuộc không kích đàn áp người Kurd trước đây, không quân Iraq rất ít khi phải nhắm vào các mục tiêu quân sự và chưa bao giờ được huấn luyện làm việc đó. Thay vào đó, không quân của họ chỉ tập trung vào ném bom tầm cao với mục tiêu rất rộng như các thị trấn, các phi công chỉ thả đại mấy quả bom để nó trúng nơi nào thì trúng. Dựa theo các tài liệu từ cuộc đàn áp người Kurd, Lực lượng Không quân Iraq (القوات الجوية العراقية) có khả năng thực hiện trung bình 40-70 đợt không kích mỗi ngày, đỉnh điểm nhất cũng tới 100-120 đợt mỗi ngày. Trong khi không quân Israel với phi công được huấn luyện tốt hơn, chống lại liên quân Ả Rập với máy bay tập trung ở các sân bay lớn, không có HAB bảo vệ, cũng phải thực hiện hơn 700 đợt không kích trong một buổi sáng để hoàn thành nhiệm vụ, thì không quân Iraq với các phi công được huấn luyện vô cùng tệ, chống lại không quân Iran phân tán máy bay khắp các sân bay trong nước, có HAB bảo vệ, lại nghĩ rằng họ có thể hoàn thành nhiệm vụ với 100 đợt không kích trong một ngày.

Cuộc không kích ngày 22 tháng 7 là một thảm họa. Mục tiêu của cuộc không kích đầu tiên là tất cả các sân bay lớn phía tây Iran, bao gồm cả sân bay quân sự Mehrabad ở ngoại ô Tehran. Mục tiêu cuộc không kích thứ 2 diễn ra sau đó là các sân bay trong và xung quanh Khuzestan, các trạm radar quan trọng của Iran. Tướng Oveisi và các tướng lĩnh Iran đào ngũ khác đã cũng cấp rất nhiều thông tin quan trọng và giúp Iraq biết ở đâu và lúc nào nên tấn công. Nhưng không quân Iraq thất bại trong việc tập trung hỏa lực đủ để gây thiệt hại nặng cho mục tiêu. Máy bay của Iraq thường xuyên gắn sai loại súng cần dùng cho nhiệm vụ, giảm thiểu đáng kể thiệt hại cho mục tiêu. Quan trọng hơn là quân Iraq không kích cực kỳ thiếu chính xác, có những lúc thả bom xuống cách quá xa mục tiêu, khiến quân Iran còn không biết Iraq đang cố nhắm mục tiêu nào. Các phi công Iraq khi thấy máy bay Iran đang nằm yên trơ trọi giữa sân bay, không được bảo vệ cũng không biết sáng tạo mà chỉ tập trung làm các nhiệm vụ được giao là đánh vào các đường bay và các công trình hỗ trợ, họ còn không thông báo cho cấp trên biết về thời cơ có một không hai này. Phi công Iraq cũng cực kỳ nhát gan, họ chỉ muốn thực hiện các chiến dịch ném bom tầm cao và sẽ bỏ hoàn toàn nhiệm vụ nếu thấy quân địch chống trả. Tệ hơn nữa là không quân Iraq cũng không biết thực hiện các nhiệm vụ trinh sát sau các đợt tấn công để xem cuộc không kích đó có hiệu quả hay không, mà cho dù biết mục tiêu không thiệt hại gì nhiều thì họ cũng không thực hiện thêm bất kỳ đợt tấn công nào nữa. Vào cuối ngày đầu tiên, cuộc không kích bất ngờ của Baghdad chỉ gây thiệt hại cực nhỏ cho lên cơ sở vật chất của Iran, cũng như không gây ra thiệt hại gì khả năng chiến đấu của quân đội Iran. Quân Iran chỉ mất từ 2 đến 3 máy bay chiến đấu và 1 máy bay vận chuyển, và không một sân bay nào của Iran bị phá huỷ.

Tệ hơn nữa chính là ngay ngày hôm sau, không quân Iraq đã mất đi ưu thế trên không. Không quân của Shah vốn bị thiệt hại nghiêm trọng sau cuộc cách mạng. Cuộc thanh trừng tướng lĩnh quân đội của Iran tập trung chính vào không quân vì đây là binh chủng có mối quan hệ thân thiết với Mỹ nhất. Công trình hậu cần vi tính hoá đời mới hoàn toàn không sử dụng được sau khi Hoa Kỳ quyết định rút nhân lực và cố vấn khỏi Iran. Trong hỗn loạn gây ra do cuộc cách mạng, rất nhiều tướng lĩnh không quân cũng như phi công có kinh nghiệm đã đào ngũ khiến IRIAF bị suy yếu trầm trọng. Ngày 22 tháng 7, IRIAF hoàn toàn bất ngờ trước cuộc không kích của Iraq và gần như không thể chống cự. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau Iran mở hơn 160 đợt không kích và khiến bầu trời sạch bóng máy bay của Iraq khiến không quân Iraq chỉ có thể mở các cuộc tấn công nhỏ gần biên giới. Mặc dù số lượng máy bay có thể sử dụng của Iraq nhiều gấp 3 đến 4 lần Iran, nhưng các phi công Iraq sẽ bỏ hết nhiệm vụ và bay ngược trở về ngay khi họ nhìn thấy máy bay của Iran, trong những trường hợp hiếm hoi khi mà không quân Iraq và Iran vô tình hoặc cố tình bắn nhau, không quân của Iran cũng nhanh chóng chiến thắng. IRIAF đồng thời mở các chiến dịch không kích vào cơ sở vật chất, căn cứ quân sự và mỏ dầu của Iraq. Mặc dù do vấn đề hậu cần gây trở ngại, khiến không quân Iran chỉ có thể sử dụng vài chiếc F-4 để không kích, nhưng cũng đủ để làm cho phía Iraq bất ngờ. Baghdad sau đó hoảng hốt dời các máy bay quân sự và dân sự (bao gồm nhiều máy bay chiến đấu) sang các sân bay phía tây Iraq, một số thì được đưa sang các nước khác như Jordan và Kuwait, tránh xa khỏi tầm với của không quân Iran.

Trên bộ, tình hình cũng không khả quan hơn…

(Còn tiếp).

Tham khảo thêm:

“Arabs at War: Military Effectiveness, 1948-1991,” của Kenneth Pollack.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *