CÓ PHẢI MẶT TRĂNG TỪNG LÀ MỘT PHẦN CỦA TRÁI ĐẤT?
A: Niranjan Aswale
Hồi bé bố tôi hay kể cho nghe những câu chuyện về nguồn gốc mặt trăng, tôi thích nhất trong số đó là chuyện: Một vật thể khổng lồ khối lượng tương đương Trái Đất di chuyển qua gần Trái Đất, lực hấp dẫn của nó khiến một phần Trái Đất bị tách ra và bắt đầu quay xung quanh theo quỹ đạo tròn, đó là Mặt Trăng.
Tuy nhiên câu chuyện này không giải thích được một số vấn đề như vật thể đó là gì, tại sao nó chỉ ảnh hưởng tới Trái Đất…
Có nhiều giả thuyết giải thích về sự hình thành của Mặt Trăng như sau:
Thuyết Vụ va chạm lớn
Đây là thuyết phổ biến được ủng hộ trong giới nghiên cứu khoa học. Giống như các hành tinh khác, Trái Đất hình thành từ các đám mây bụi và khí di chuyển theo quỹ đạo quanh Mặt trời trẻ. Hệ Mặt trời sơ khai là nơi hỗn độn và một số vật thể được tạo ra không trở thành hành tinh đầy đủ. Theo thuyết này, một trong số đó đã va chạm với Trái Đất không lâu sau khi sinh ra.
Nó được gọi là Theia, kích cỡ tương đương Hỏa Tinh. Cú va chạm làm vỡ ra những mảnh vật chất ở lớp vỏ Trái Đất và chúng rơi vào không gian, lực hấp dẫn liên kết Theia với các mảnh này lại tạo ra vệ tinh tự nhiên lớn nhất trong Hệ mặt trời. Thuyết này có thể giải thích tại sao Mặt trăng cấu tạo chủ yếu từ các nguyên tố nhẹ hơn, khiến nó không đặc như Trái Đất. Khi vật chất ngưng tụ quanh phần còn lại của lõi Theia, chúng tập trung gần mặt phẳng hoàng đạo của Trái Đất, con đường Mặt trời đi qua trên bầu trời, cũng là nơi Mặt trăng quay quanh ngày nay.
Giả thuyết cũng được đề cập trong Ấn Độ giáo (Bà la môn) như sau:
“Trong giai đoạn đầu tạo ra Vũ trụ, một vài vật chất kiến tạo tuột khỏi tay Brahma và va chạm với Trái Đất, kết quả tạo ra Mặt trăng.”
Thuyết Đồng nguồn
Các vệ tinh có thể đã được hình thành cùng thời điểm với hành tinh mẹ. Với giải thích này, lực hấp dẫn khiến các vật chất trong Hệ Mặt trời sơ khai ngưng tụ lại cùng lúc với Trái Đất. Vệ tinh như vậy sẽ có đặc điểm thành phần cấu tạo rất giống với hành tinh và cũng giải thích vị trí hiện tại của chúng.
Tuy nhiên, mặc dù Trái Đất và mặt trăng có nhiều thành phần giống nhau nhưng mật độ vật chất Mặt trăng lại thấp hơn, điều này không thể xảy ra nếu chúng cùng bắt đầu ngưng tụ các nguyên tố nặng từ lõi.
Thuyết Bắt giữ
Có khả năng lực hấp dẫn Trái Đất đã giữ lại một thiên thể đi ngang qua, như chuyện đã xảy ra với Phobos và Deimos – vệ tinh của Hỏa Tinh. Theo thuyết Bắt giữ, thiên thể được tạo ra ở đâu đó trong Hệ Mặt trời đã bị cuốn vào quỹ đạo quay quanh Trái Đất. Thuyết này giải thích được những thành phần khác biệt của 2 bên nhưng những vật thể như vậy thường có hình dáng kỳ lạ thay vì hình cầu như Mặt trăng và quỹ đạo của nó lẽ ra cũng không có xu hướng gần với mặt phẳng hoàng đạo của hành tinh mẹ như Mặt trăng.
Mặc dù thuyết Đồng nguồn và thuyết Bắt giữ đều giải thích được một số khía cạnh về sự tồn tại của Mặt trăng nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Hiện tại thì thuyết Vụ va chạm lớn có vẻ thuyết phục hơn, nó là mô hình phù hợp nhất với các bằng chứng khoa học.
Một số người thậm chí còn cho rằng Mặt trăng là do Trái Đất “bắt cóc” từ Kim Tinh.
Thuyết Phân chia
Đây là một giả thuyết thiếu tin cậy, rằng ban đầu tốc độ tự quay của Trái Đất quá nhanh khiến văng ra một phần khối lượng của nó.
Thuyết này được đề xuất bởi George Darwin (con trai nhà Sinh vật học nổi tiếng Charles Darwin) vào những năm 1800 và phổ biến tới trước chuyến bay của tàu Apollo.
Nhà địa chất học người Áo Otto Ampherer năm 1925 cũng cho rằng sự xuất hiện của Mặt trăng do trôi dạt lục địa.
Còn Thái Bình Dương chính là vết lõm từ sự kiện này.
Tuy thế ngày này người ta đã biết rằng lớp vỏ tạo ra lưu vực đại dương còn rất trẻ, khoảng 200 triệu năm hoặc ít hơn, trong khi Mặt trăng lại già hơn nhiều. Và bề mặt Mặt trăng cũng không chứa lớp vỏ đại dương có nguồn gốc từ Trái Đất nguyên sinh thời kỳ Tiền Cambri. Dù vậy thì giả định “Thái Bình Dương không phải kết quả từ việc tạo ra Mặt trăng” không bác bỏ thuyết Phân chia.
Thuyết Phân chia cũng không thể giải thích momen động lượng của hệ thống Trái Đất – Mặt trăng.
Thuyết Người ngoài hành tinh
Thuyết Tàu vũ trụ Mặt trăng, hay còn gọi là thuyết Vasin-Shcherbakov, khẳng định vệ tinh tự nhiên của Trái Đất thực chất là một con tàu của người ngoài hành tinh. Giả thuyết này được đề xuất bởi 2 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô: Michael Vasin và Alexander Shcherbakov vào tháng 7 năm 1970, có tựa đề “Liệu Mặt trăng có phải là sự sáng tạo của trí thông minh ngoài Trái Đất?“
Giả thuyết chủ yếu dựa vào gợi ý về những miệng hố trên bề mặt Mặt trăng, được cho là hình thành từ tác động của thiên thạch, thường quá nông, phẳng hoặc thậm chí đáy lồi. Độ sâu các miệng hố nhỏ tỷ lệ thuận với đường kính của chúng, nhưng miệng hố lớn không sâu hơn. Người ta cho rằng các thiên thạch nhỏ đã tạo ra những vết lõm hình chén trên bề mặt trong khi các thiên thạch lớn hơn thì khoan sâu tới 5 dặm xuyên qua lớp đá dày và đâm phải “thân tàu” có độ bền cao bên dưới.
Thêm vào đó các tác giả giả thuyết cũng lưu ý rằng vật liệu bề mặt Mặt trăng có cấu tạo cơ bản từ các nguyên tố (crom, titan, zirconi) khác so với bề mặt Trái Đất và đá Mặt trăng già hơn loại đá lâu đời nhất trên Trái Đất.
Họ cho là Mặt trăng bao gồm một lớp đá dày vài dặm bao phủ ‘thân tàu” khoảng 20 dặm bên dưới, còn bên trong lõi là khoảng trống có thể chứa một bầu khí quyển.
Năm 1975, Don W. Wilson xuất bản cuốn “Our Mysterious Spaceship Moon“, tạm dịch “Tàu vũ trụ Mặt trăng bí ẩn của chúng ta“, trong đó tổng hợp tất cả các yếu tố ủng hộ cho giả thuyết này.
Năm 1976, George H. Leonard xuất bản cuốn “Somebody Else is on the Moon“, tạm dịch “Có ai đó ở trên Mặt trăng“, in lại nhiều bức ảnh của NASA chụp bề mặt Mặt trăng và cho rằng có thể nhìn thấy những máy móc cỡ lớn qua đó, nhưng người đọc thường chẳng thấy có sự hiện hữu nào.
Mặc dù giả thuyết này có vẻ thú vị nhưng nó bị chỉ trích khá nhiều.
Link QR: https://qr.ae/pNyagP