Phong trào Chỉnh đốn Syria (Corrective Movement) và sự lên ngôi của gia tộc Al-Assad.
Trước tiên có vài vấn đề. Thứ nhất là không có tên tiếng Việt chính xác cho phong trào này. Nhiều trang Wiki có lẽ dùng Google dịch thẳng sang sẽ dùng ”Phong trào Khắc phục”. Dùng tên nào cũng được.
Thứ 2, ý tưởng về phần này của một mod khác, trước đây từng viết về sự kiện ”Tháng 9 Đen” ở Jordan năm 1970. Sự kiện này có liên quan mật thiết với các sự kiện ở Syria, nhưng vì mod chưa có thời gian viết tiếp nên mình viết thay, nhưng sẽ bắt đầu từ chính sự kiện ”Tháng 9 đen Jordan”.
1/ Sự kiện tháng 9 đen và cuộc can thiệp của Syria.
Sau chiến tranh 6 ngày năm 1967, thất bại của phe Arab đẩy hàng trăm nghìn người Palestine phải đi tị nạn. Theo kế hoạch của khối Arab, 3 quốc gia Ai Cập, Syria, Jordan chịu trách nhiệm trực tiếp về thất bại, phải có nghĩa vụ cho người Palestine tị nạn. Trong số đó, Jordan có dân số ít nhất (khoảng 1 triệu người) nhưng đã nhận số người tị nạn lớn nhất, chừng 225.000 đến 300.000 người Palestine. Con số người Palestine đó đã chiếm 1/3 dân số Jordan và được chính quyền Jordan ban cho một nửa số ghế quốc hội.
Tuy vậy, trong những người tị nạn Palestine hình thành một nhóm cực đoan – Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat. PLO ban đầu (nhấn mạnh là ban đầu) theo đường lối cực tả, khủng bố cực đoan, thậm chí có ý định lật đổ vua Jordan tiếm quyền. Sau một thời gian dài hành động vô luật pháp của PLO, tháng 9 năm 1970 vua Hussein của Jordan ra lệnh tấn công các nhóm vũ trang Palestine trong lãnh thổ của mình, mở đầu cho sự kiện ”Tháng 9 đen” năm 1970.
Vào lúc chiến sự nổ ra, lãnh đạo Arafat của PLO đã lên tiếng kêu gọi các nước Arab giúp đỡ. Và họ đã nhận được, xa hơn cả những gì mong đợi. Ngày 20/9/1970, không có thông báo trước, hơn 10.000 quân Syria cùng 300 xe tăng T-55 do Trung Quốc sản xuất (gọi là Type-59) đã vượt qua biên giới Jordan định hỗ trợ quân PLO. Cùng với đó, 17.000 Iraq áp sát biên giới phía Đông của Jordan, mặc dù cuối cùng họ đã không làm gì. Nhưng vào lúc đó, cuộc can thiệp bất ngờ của Syria đã khiến vua Jordan phải đi đến một nước cờ chưa từng có: cầu cứu Tổng thống Mỹ – điều chưa một nguyên thủ Arab nào từng làm trước đây.
Tuy nhiên, cuộc điều động quân của Syria có một sự bất thường: một lực lượng bộ binh và thiết giáp hùng hậu đi qua biên giới Jordan nhưng không có không quân hộ tống. Tại sao có sự bất thường này đến phần sau sẽ rõ. Nhưng quân đội Jordan đã rất nhanh nhạy nhận ra điều kỳ lạ này. Dự đoán quân đội Syria có biến, ngày 22/9/1970 quân Jordan dồn toàn lực mở cuộc không kích vào quân đội Syria. Cuộc tấn công đã chiến thắng một cách không thể mỹ mãn hơn: trong một buổi chiều nó tiêu diệt 600 lính Syria, phá hủy 120 bọc thép. Cuộc tấn công loại bỏ 1/3 lực lượng thiết giáp khiến quân Syria không dám tiến sâu.
Chưa hết, sáng sớm bình minh ngày 23/9/1970, hai tàu chiến USS Saratoga và USS Independence của Hải quân Mỹ lừng lững tiến về phía bờ biển Syria mà không hề bị phát hiện. Quân đội Mỹ đã đáp lại lời cầu cứu của vua Jordan. Lo sợ bị Mỹ tấn công, quân đội Syria rút toàn bộ quân đội ở Jordan về nước, bỏ rơi quân Palestine. Cuối cùng quân đội Mỹ đã không có một cuộc tấn nào, nhưng ở Jordan, quân PLO đã bị nghiền nát, phải bỏ chạy sang Lebanon. Sự kiện tháng 9 đen kết thúc với thất bại của Syria và PLO.
2/ Sự biến ở Syria năm 1970.
Giờ là phần giải thích cho điều bất thường ở trên: tại sao không quân Syria không tham chiến?
Nhưng trước tiên, có một thông tin thế này, có thể sẽ gây bất ngờ cho nhiều người: lá cờ của quân nổi dậy Syria hiện nay (sọc xanh-trắng-đen, ở giữa 3 ngôi sao đỏ) thực ra không phải của họ tạo ra. Đó là lá cờ của nước ”Cộng hòa Syria” từ năm 1950 đến năm 1963.
Trước năm 1963, Syria là một nước có quan hệ mật thiết với Ai Cập lẫn Liên Xô, ủng hộ đường lối Xã hội chủ nghĩa của các nước này. Đặc biệt, sau cuộc cách mạng ở Iraq năm 1958 đưa Đảng Cộng sản Iraq lên nắm quyền, phong trào cánh tả ở Syria càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng như Iraq, các phong trào cánh tả ở Syria bị chia cắt giữa phe thân Liên Xô (Đảng Cộng sản) và thân Ai Cập (Đảng Baath). Đến năm 1963, Đảng Baath ở cả Iraq lẫn Syria cùng tiến hành đảo chính, loại bỏ các Đảng Cộng sản ở các nước này để tự mình nắm quyền.
Tuy nhiên, nếu như Đảng Ba’ath ở Iraq trường tồn đến tận năm 2003 cùng Saddam Hussein, thì ở Syria họ ”chết yểu”. Chỉ 3 năm sau khi giành chính quyền, Đảng Ba’ath đã bị đẩy khỏi quyền lực bởi một người của chính họ. Salah Jadid – một lãnh đạo thân Liên Xô đã làm đảo chính loại bỏ các lãnh đạo mà ông cho là ”làm tay sai cho Ai Cập”. Salah Jadid lên nắm quyền, đưa đất nước theo con đường thân Liên Xô và đã được Liên Xô đầu tư rất nhiều về cả quân sự, kinh tế. Nhưng đường đến quyền lực của Salah Jadid không phải do một mình ông làm nên. Đó là nhờ sự ủng hộ của 2 sĩ quan quân đội có ảnh hưởng nhất trong quân đội Syria lúc bấy giờ: Hafez al-Assad và Mustafa Tlass – 2 nhân vật mà sau này trở thành 2 gia tộc quyền lực nhất Syria.
Thời kỳ lãnh đạo của Salah Jadid là thời kỳ mà Syria thoát khỏi sự chi phối của các nước láng giềng, thực sự trở thành quốc gia độc lập tự chủ. Nhưng thời Salah Jadid cũng chính là một thảm họa kinh tế của Syria. Từ năm 1960 đến 1970 đường phát triển GDP của Syria hầu như nằm ngang. Syria trở thành quốc gia nghèo đói bậc nhất khối Arab dù được Liên Xô tiếp sức không ít. Hơn một nửa dân số không có điện để dùng (hãy nhớ chi tiết này). Điều này gây ra bởi chính sách của Salah Jadid bóp chết nền khu vực tư nhân và tự do kinh tế của Syria như mô hình Liên Xô, trong khi không có một nền tảng công nghiệp trước đó.
Đến tháng 9 năm 1970, Salah Jadid còn gây bất bình hơn nữa. Trong khi người dân Syria thiếu ăn, ông cho quân đội Syria sang Jordan giúp đỡ người Palestine chống lại vua Jordan. Điều này bị ngay cả quân đội Syria phản đối dữ dội, bởi họ không thể nhìn ra tính chính nghĩa nào ở cuộc can thiệp này. Mà quân đội Syria lúc đó thực tế không hề phục tùng Tổng thống Jadid – mà họ tin tưởng vào 2 sĩ quan: Tham mưu trưởng Mustafa Tlass và tư lệnh Không quân kiêm bộ trưởng Quốc phòng Hafez al-Assad. Vậy là, sau khi quân đội Syria đã tiến sâu qua biên giới Jordan ngày 22/9/1970, tướng Hafez al-Assad vẫn ra lệnh cho toàn bộ lực lượng không quân Syria dưới quyền của mình án binh bất động bất chấp lệnh của Tổng thống Salah Jadid.
Mọi chuyện sau đó như đã biết: không có không quân, quân Syria hứng chịu không kích của quân Jordan và thảm bại nặng nề. Quân Syria rệu rã rút về nước ngày 23/9/1970, khiến Tổng thống Salah Jadid tức điên và ngay lập tức triệu tập một cuộc họp để chỉ trích các tướng Không quân, ở đây trực tiếp nhằm vào Hafez al-Assad, cách chức Assad khỏi ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Và vào ngày 12/11/1970, Salah Jadid triệu tập một Cuộc họp cấp cao của Đảng Ba’ath nhằm lên án và trục xuất Assad khỏi Đảng Ba’ath. Nhưng toan tính của Jadid đã tan tành. Assad đi đến cuộc họp bằng xe tăng, có binh lính vũ trang hộ tống. Lúc đó mọi người hiểu rằng, quân đội Syria sẽ chỉ phục tùng Assad mà thôi.
Hafez al-Assad chiếm quyền lực ngày 13/9/1970, thành lập chính phủ mới và tiến hành ngay một phong trào cải cách toàn diện mang tên tiếng Anh là ”Corrective Movement”.
3/ Cải cách của Hafez al-Assad – nền tảng Syria hiện đại.
Việc đầu tiên Assad làm là loại bỏ những người thân Liên Xô quá mức. Tổng thống Salah Jadid bị nhốt vào Nhà tù Mezzeh khét tiếng và ở đó cho đến lúc chết vào năm 1993. Nhà tù Mezzeh nổi tiếng là biểu tượng của đàn áp chính trị Syria, dù trong bất cứ thời nào. Vào năm 2000, con trai của Hafez al-Assad, chính là Tổng thống Bashar al-Assad hiện nay, đã ra lệnh đóng của nhà tù này trong một cuộc cải cách không kém phần nổi tiếng khác, sẽ nói trong bài sau.
Việc Assad chiếm quyền lực khiến Liên Xô nổi giận, đe dọa rút hết vũ khí và viện trợ cho Syria. Nhưng bản lĩnh chính trị của Hafez al-Assad đã thể hiện đúng lúc. Ông ”dọa” lại Liên Xô bằng cách cho đồng minh quan trọng của mình Mustafa Tlass – lúc này là Bộ trưởng quốc phòng – bay thẳng đến Trung Quốc từ trước đó. Ở Bắc Kinh, Tlass chụp ảnh vẫy tay với chủ tịch Mao Trạch Đông, cầm quyển ”Mao chủ tịch Ngữ lục” và mua vũ khí Trung Quốc. Hãy nhớ rằng, thời điểm sau năm 1969 Liên Xô sợ các đồng minh ngả về Trung Quốc còn hơn là ngả về Mỹ. Đòn dọa của Assad phát huy hiệu quả: Liên Xô vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Syria bất chấp cựu tổng thống thân Liên Xô đang bị giam trong tù.
Tuy nhiên, điều làm nên tên tuổi của Hafez al-Assad trong cuộc cải cách này, không nằm ở các cuộc thanh trừng chính trị, mà nằm ở những thành tựu kinh tế vượt bậc và chính sách ngoại gia khôn khéo, thứ mà di sản của nó còn lại đến tận ngày nay, ít nhất là trước khi nó bị phá tan.
*Cải cách kinh tế:
Trước năm 1970, Syria là một quốc gia nghèo đói. Phân nửa dân số không có điện. Hafez al-Assad hiểu rõ đất nước mình cần gì lúc đó. Ngay sau khi nắm quyền ông chỉ đạo dùng toàn bộ sức lực của đất nước, nhờ thêm sự giúp đỡ của Liên Xô để xây một con đập lớn trên sông Ơ-phơ-rát. Kế hoạch xây đập trên sông Ơ-phơ-rát này bị chỉ trích rất nhiều, bởi nó có thể nhấn chìm nhiều thành phố cổ dưới lòng hồ, và nhất là bị phía Iraq – nằm ở hạ nguồn sông- phản đối kịch liệt. Nhưng cuối cùng, Liên Xô và Arab Saudi đã đạt thỏa thuận, tài trợ cho Iraq hàng năm để đổi lấy việc cho Syria xây đập. Năm 1974, đập Tabqa – một trong những đập lớn nhất thế giới thời đó, được hoàn thành, mang lại ánh sáng cho hầu hết dân số Syria. Đập Tabqa vì vậy trở thành biểu tượng của phong trào cải cách và cá nhân Hafez al-Assad, hay nói cách khác, nhắc đến Hafez al-Assad là phải nhắc đến đập Tabqa. Để ghi nhớ công lao này, hồ chứa nước của đập Tabqa được đặt tên là hồ Assad.
Sau khi thành công trong việc mang điện, Hafez al-Assad theo đuổi chính sách tự do kinh tế. Dù nó không đủ để nói là thành công mỹ mãn như Chile hay Hàn Quốc từng làm thời đó, nhưng ít nhất là tốt hơn rất nhiều so với thời Salah Jadid tiền nhiệm. Đời sống người dân Syria được nâng cao đáng kể, nhất là giới trung lưu thành thị vốn bị bóp nghẹt dưới thời Jadid. GDP của Syria tăng từ 2 tỷ USD năm 1970 lên 18 tỷ USD năm 1983. Mặc dù vậy, thực tế là sự tăng trưởng của Syria có sự đóng góp lớn của giá dầu tăng cao những năm 1973, sau sự kiện khủng hoảng dầu mỏ. Chính vì vậy mà qua những năm 1985, khi giá dầu lao dốc, Syria không còn giữ được sự tăng trưởng, và Tổng thống Assad đã phải hạn chế các biện pháp tự do kinh tế của mình trước kia.
Nhưng đến năm 1990, đà tăng trưởng kinh tế đã trở lại. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, bất chấp quan hệ tồi tệ với Mỹ, Hafez al-Assad vẫn cho quân đội của mình gia nhập Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu chống lại Iraq. Chiến dịch thành công đã cải thiện đáng kể quan hệ giữa Mỹ và Syria. Để đền đáp Syria, chính quyền Tổng thống Bush lần đầu tiên mời Syria tham dự các Hội nghị ở Trung Đông, và cũng lần đầu tiên bật đèn xanh cho các nhà đầu tư vào Syria, một sự kiện chưa từng có trước đây. Điều này đã thúc đẩy Hafez al-Assad tiến hành tự do hóa kinh tế lần thứ 2 trong những năm 90s. Dù vậy, thực tế là làn sóng đầu tư nước ngoài vào Syria sau năm 1991 là từ các nước vùng Vịnh hơn là phương Tây.
Cho đến năm 2000 khi Hafez al-Assad qua đời, con trai ông Bashar al-Assad thừa hưởng một nền kinh tế thu nhập trung bình, và một nền chính trị ổn định. Tuy nhiên, lúc đó lại có ý kiến cho rằng chính sách kinh tế của Hafez al-Assad đã tạo ra sự bất bình đẳng, tập trung quyền lực kinh tế và chính trị vào tay giới thượng lưu thủ đô hơn so với phần còn lại của đất nước, hay được biết với cái tên ”Damascene bourgeoise” (tư sản Damascus).
*Cải cách chính trị và di sản:
Cùng với kinh tế, Hafez al-Assad cũng thay đổi đáng kể về đường lối đối nội và đối ngoại, hướng Syria theo con đường tự chủ. Sau khi lật đổ Jadid, Assad đã từng bước loại bỏ ảnh hưởng của Liên Xô vào nền chính trị Syria, trong khi khiến họ phải duy trì viện trợ quân sự và kinh tế. Dễ hiểu bởi thực tế ngoài Nam Yemen lúc đó, Liên Xô không còn một đồng minh đáng kể nào trong khu vực.
Còn với các nước xung quanh, Syria xác định mình là quốc gia Arab, và vì vậy al-Assad hàn gắn quan hệ của mình với Ai Cập và Arab Saudi cùng các nước vùng Vịnh. Riêng về Israel, al-Assad kiên định đường lối đấu tranh tiêu diệt nhà nước Do Thái, và vì vậy ông liên minh quân sự với Ai Cập đánh Israel năm 1973. Nhưng trong khối Arab, quan hệ của Syria với Iraq của Saddam Hussein vẫn khá xấu, do Assad đã lật đổ đảng Ba’ath ở Syria. Năm 1991, Syria đã gửi quân cùng Mỹ đánh Iraq.
Với các đảng phái trong nước, chính sách của Assad có sự thay đổi giữa chừng. Ban đầu Hafez al-Assad cho phép một sự tự do nhất định. Đảng Cộng sản lẫn các nhóm cánh hữu như ”Anh em Hồi giáo” đều được phép hoạt động. Riêng về giáo phái, al-Assad dù là người Alawite dùng Shia, đã cho người Sunni quyền lực lớn hơn trong chính quyền.
Tuy nhiên, đến những năm 1980s, sự tự do của al-Assad mang lại đã khiến nội tình Syria trở nên bất ôn. Các đảng chính trị, giáo phái đấu đá nhau, nhiều nơi dẫn đến đổ máu. Vì vậy đến năm 1982, Hafez al-Assad quyết định đi ngược lại, hạn chế tự do và tập trung quyền lực. Ông cấm Đảng Cộng sản lẫn Anh em Hồi giáo hoạt động. Quyền lực nhà nước nằm tuyệt đối trong tay người Alawite theo dòng Shia. Những sự việc này đã dẫn đến một cuộc nổi dậy nổi tiếng nhất ở Syria năm 1982 – nổi dậy Hama năm 1982.
Năm 1982, tổ chức cánh hữu dòng Sunni ”Anh em Hồi giáo” nổi dậy ở Hama, nơi được biết là thành trì của người Sunni ở Syria sau khi bị chính phủ Assad đàn áp. Quân đội Syria, sau khi không thể dập tắt, đã cho máy bay ném bom rải thảm và cho xe tăng, pháo binh bắn san bằng thành phố. Hơn 20.000 (có ước tính) 40.000 dân thường đã bị chết ở Hama năm 1982, với thành phố bị san phẳng. Đây là vụ đàn áp rất hiếm hoi ở Syria, nhưng lại là vụ đàn áp đẫm máu bậc nhất trong thế giới Arab hiện đại. Hama từ đó về sau đã trở thành nơi có ”truyền thống” chống chính phủ, và vì vậy, nội chiến Syria năm 2011 bắt đầu từ đây.
Ngoài trang đen tối ở Hama năm 1982, tồng quan nền chính trị mà Hafez al-Assad để lại vẫn rất tích cực. Syria trở thành một quốc gia thế tục, tiến bộ hơn nhiều nhà nước quân chủ khác vùng Trung Đông. Hơn hết, chính sách ngoại giao của Syria không để họ phụ thuộc vào bên nào, được đánh giá là quốc gia có đường lối độc lập nhất ở Trung Đông. Những di sản này đã được để lại cho con trại ông, Bashar al-Assad thừa kế. Vào năm 2000, Bashar al-Assad đã xin lỗi về vụ thảm sát Hama năm 1982, cho phép Anh em Hồi giáo hoạt động và đóng cửa nhà tù Mezzeh – những vết đen về đàn áp của cha mình. Đó là những hành động mở đầu cho một ý định cải cách theo bước cha của al-Assad – với cái tên ”Mùa xuân Damascus” sẽ nói ở bài sau.
Syria chỉ tự do kinh tế từ những năm 1990s thôi, chứ những năm 1970s kinh tế vẫn là nhà nước
Syria chỉ tự do kinh tế từ những năm 1990s thôi, chứ những năm 1970s đa phần kinh tế thuộc sở hữu nhà nước