Phi lý trí: Xu hướng tình dục cá nhân sẽ có thể lệch lạc đến mức nào trong trạng thái phi lý trí?

Một cuốn sách khiến người ta buộc phải nhìn nhận và suy ngẫm về tất cả những hành vi và sai lầm của bản thân.

Phi Lý Trí

Con người được tạo hóa ban tặng một quyền năng mạnh mẽ nhất, đó là lý trí. Con người luôn hành động theo lý trí và coi lý trí như một tiêu chuẩn để đánh giá bản thân và người khác.

Với hàng chục những thí nghiệm và ví dụ kì lạ, Giáo sư Kinh tế học hành vi thuộc Học viện Công nghệ Masschusettes (MIT) đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới, nơi sự phi lý trí ngự trị thường xuyên.

Tác giả đã khảo sát toàn bộ các yếu tố có khả năng tác động khiến con người không hành động theo lý trí của mình. Với những quan sát hết sức tinh tế, thông minh, cuốn sách giúp người đọc thấu hiểu những hành vi mà chúng ta luôn cho rằng có lý.

 

Tại sao cái nóng lại nóng hơn mức chúng ta nhận thấy?

 

Trong trạng thái tinh thần hoàn toàn bình thường, liệu bạn có:

  1. Quan hệ tình dục với người mà bạn ghét không?
  2. Cho đối phương uống thuốc kích thích để tăng khả năng quan hệ tình dục?
  3. Thường xuyên không dùng các biện pháp an toàn? (Bao cao su, thuốc tránh thai. v…v…)

….

Câu trả lời của bạn cho những câu hỏi trên hẳn sẽ là: bạn không muốn quan hệ tình dục với người mình ghét, bạn sẽ không cho đối phương uống thuốc kích thích và bạn sẽ sử dụng các biện pháp an toàn?

Đó là những câu trả lời lý trí, và chúng được đưa ra khi bạn đang ở trạng thái “lạnh”, không có bất kì tác nhân kích thích nào.

Một thí nghiệm về hành vi quyết định và hưng phấn tình dục đã được tác giả Dan Ariely và người bạn Geogre Loewenstein thực hiện với một nhóm các nam sinh viên.

Họ muốn tìm hiểu về sức ảnh hưởng của hưng phấn tình dục đối với hành vi con người để giúp xã hội giải quyết một số khó khăn lớn như: tình trạng mang thai ở độ tuổi vị thành niên hay sự lây nhiễm HIV/AIDS. Để biết người tham gia thí nghiệm có dự đoán được họ sẽ hành xử thế nào trong một trạng thái cảm xúc cụ thể hay không thì Dan Ariely và Geogre Loewenstein xác định cảm xúc đó phải là một thứ cảm xúc quen thuộc với họ. Đối với những nam sinh viên độ tuổi 20, thì đó chính là sự trải nghiệm hưng phấn tình dục thường xuyên.

Mỗi người tham gia thí nghiệm sẽ được giao cho một chiếc máy tính, trong đó đã có sẵn những hình ảnh và câu hỏi sắp xếp theo mức độ kích thích tăng dần. Người tham gia chỉ cần trả lời “không” hoặc “có”.

Trong hầu như tất cả các trường hợp, câu trả lời mà các cộng tác viên đưa ra khi ở trạng thái “lạnh” khác biệt hoàn toàn với câu trả lời được đưa ra khi ở trạng thái hưng phấn. Trong số 19 câu hỏi về sở thích tình dục, khi các cộng tác viên đang trong trạng thái hưng phấn, họ dự đoán sẽ thực hiện các hoạt động tình dục kì quặc gần như cao gấp đôi (lớn hơn 72%).

Ví dụ, ý tưởng qua hệ với động vật trở nên hấp dẫn gấp đôi khi họ đang ở trang thái hưng phấn so với lúc ở trạng thái “lạnh”. Trong 5 câu hỏi về xu hướng thực hiện những hành vi vô đạo đức, khi đang hưng phấn, cộng tác viên dự đoán xu hướng của họ cao hơn gấp đôi (cao hơn 136%) so với dự đoán trong trạng thái “lạnh”. Mặc dù đã được khuyến cáo không biết bao nhiêu lần về tầm quan trọng của việc sử dụng bao cao su, thế nhưng trong trạng thái hưng phấn, số lượng dự đoán mình sẽ không dùng bao cao su cao hơn bình thường 25%.

Trong trạng thái “lạnh”, khi lý trí bị chi phối bởi cái tôi siêu ngã, các sinh viên nam đều tôn trọng phụ nữ, không bị hấp dẫn bởi các hành động tình dục kỳ quặc, họ luôn đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu và cho rằng mình sẽ luôn sử dụng bao cao su. Họ nghĩ rằng họ hiểu bản thân, hiểu sở thích của mình cũng như họ có thể dự đoán được các xu hướng hành vi của mình. Tuy nhiên, họ đã đánh giá quá thấp mức phản ứng của bản thân.

Dù ta có nhìn vào các số liệu theo cách nào đi nữa, thì rõ ràng mức độ dự đoán sai của người tham gia thí nghiệm là tương đối lớn. Kết quả cho thấy, trong trạng thái “lạnh”, chúng ta không biết mình sẽ như thế nào khi hưng phấn. Sự đề phòng, bảo vệ, sự bảo thủ và đạo đức biến mất hoàn toàn. Đơn giản là chúng ta không thể dự đoán mức độ mà sự hưng phấn có thể tác động đến mình như thế nào mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *