Sinh ra tại Edinburgh (Scotland) nhưng Scott Neeson đã chuyển tới Australia định cư khi mới 5 tuổi. Ông là con trai của một lao công và một quân nhân. Năm 17 tuổi, Scott quyết định bỏ học và sống dựa vào tiền trợ cấp thất nghiệp. Nhờ chương trình hỗ trợ của chính phủ, ông được nhận vào vào một rạp chiếu phim là nhân viên kỹ thuật phòng chiếu.
Câu chuyện nhẽ ra sẽ kết thúc tại đây nếu không phải Scott là người khá tham vọng và tràn đầy nhiệt huyết. Người đàn ông này kiên trì leo lên từng bậc thang trong ngành điện ảnh, từ một nhân viên phát hành phim đến nhân viên kinh doanh phim. Cuối cùng, mọi công sức của Scott cũng được đền đáp khi ông được bổ nhiệm là Giám đốc Chi nhánh Australia của hãng 20th Century Fox (nay là 20th Century Studios thuộc Disney).
Bước ngoặt đến với Scott vào năm 2000 khi ông chuyển tới Los Angeles để tiếp quản vị trí trong mơ – Chủ tịch của 20th Century Fox International. Ông có thu nhập hơn 1,5 triệu USD/năm, sánh vai cùng với những tài tử hạng A của Hollywood trên thảm đỏ.
Chuyến đi định mệnh tới bãi rác nghèo nhất Campuchia
Trong 10 năm tại Fox, Scott đã có một sự nghiệp thành công rực rỡ, giám sát nhiều bộ phim có doanh thu cao nhất thời đại như Titanic, Star Wars, and X-Men. Đối với nhiều người, vị Chủ tịch sở hữu mọi thứ trong tay: một vị trí quyền lực trong ngành phim, những người bạn nổi tiếng, một căn biệt thự nguy nga, siêu xe và du thuyền.
Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy thiếu điều gì đó. “Tôi nghĩ là mình có vấn đề. Càng kiếm được nhiều, tôi càng không hạnh phúc”, ông tâm sự.
Năm 2003, chỉ vài tuần trước khi nhận vị trí mới ở Sony Pictures, Scott tới Phnom Penh (Campuchia) để du lịch. Chuyến đi 6 tuần này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.
“Tôi muốn xem nơi nghèo nhất đất nước”, Scott nói. “Họ đưa tôi đến Stung Meanchey – một bãi rác sâu hơn 90m và rộng hơn 100.000 m2”.
Tại đây, Scott chứng kiến hơn 1.500 đứa trẻ đang nhặt nhạnh giữa cái nóng hơn 50 độ C, xung quanh là đống rác đang phân hủy đầy và thải khí mê-tan, còn mặt đất như bị nung chảy. Ông còn bị bỏng ở chân do không để ý nơi mình giẫm lên. Khắp nơi nồng nặc mùi hôi thối.
Nhiều đứa trẻ ở đây bị cha mẹ bỏ rơi vì nợ nần, ốm đau, nghiện rượu hoặc tái hôn. Chúng buộc phải tìm phế liệu ở bãi rác này để đam bán, hôm nào may mắn thì được khoảng 1 USD (khoảng 23.000 VNĐ)
Scott muốn giúp những đứa trẻ này, nhưng ông có thành kiến với các tổ chức từ thiện. Cựu Chủ tịch 20th Century Fox sợ tiền không đến tay các em, lại lo “một cây chẳng làm nên non”.
“Lý do thứ ba: Đây vốn không phải là chuyện của tôi”, ông nói. “Tại Mỹ, bạn như đang sống ở bên kia thế giới. Bạn trả tiền thuế và chính phủ có quyền quyết định các khoản viện trợ nước ngoài”.
Tuy nhiên, bản chất lương thiện khiến Scott không thể lờ đi hoàn cảnh của lũ trẻ.
“Tôi biết chúng sẽ không bao giờ rời khỏi bãi rác nà. Chúng sống ở đây, chết cũng ở đây. Chúng có thể trở thành nạn nhân buôn người. Những bà mẹ sẽ sinh con tại đây. Điều này chẳng khác nào tận thế. Thật kinh khủng”, ông nói.
Khi thấy một đứa trẻ 9 tuổi đi ngang qua mình trong bộ dạng rách rưới, Scott đau lòng khôn xiết. Bụi bẩn, rác thải bám đầy người đứa trẻ, khiến ông còn chẳng thể nhận ra em là trai hay gái. Chỉ mất 90 phút và 35 USD tiền phí dịch vụ, Scott đã giúp đứa trẻ đó được tới trường và có tiền trang trải sinh hoạt hàng tháng.
Đây cũng là lúc mọi hoài nghi về từ thiện biến mất trong lòng ông.
“Là một con người, là một sinh vật đang sống trên Trái đất này, đây là nghĩa vụ của tôi. Tôi không ngờ rằng việc thay đổi số phận của đứa trẻ đó lại dễ như vậy”, ông cho biết.
Cuộc sống giằng xé giữa hai thế giới giàu – nghèo
Khi quay về Mỹ để bắt đầu công việc mới, Scott Neeson tự hứa sẽ không để bản thân rơi vào cảnh khủng hoảng tuổi trung niên thường thấy tại Los Angeles.
“Tôi đã làm việc hơn 26 năm trong ngành điện ảnh. Từ một nhân viên kỹ thuật chiếu bóng tại rạp phim lưu động, tôi đã nỗ lực hết mình để có ngày hôm nay. Tôi sẽ không vứt bỏ mọi thứ đi như vậy”, ông thuyết phục chính mình.
Tuy nhiên, khao khát được giúp đỡ lũ trẻ khiến Scott suy nghĩ rất nhiều. Trong một năm sau đó, cựu Chủ tịch 20th Century Fox vừa làm việc tại Hollywood, vừa tới Campuchia để làm thiện nguyện.
Có hai thế giới song song tồn tại trong cuộc sống của ông: Mỗi tháng, ông sẽ dành 3 tuần để giải quyết công việc, ngồi ghế hạng nhất trên máy bay, tham dự giải Oscars, gặp gỡ các ngôi sao điện ảnh, kiếm cả triệu USD/năm. Sau đó, ông sẽ gửi số tiền này đến Campuchia.
“Điều tôi không tính tới là những sang chấn tâm lý do phải liên tục chuyển đổi giữa hai thế giới khác nhau trong vòng 24 tiếng. Một bên là lối sống buông thả và xa hoa, một bên là bãi rác nghèo nàn và tồi tệ – nơi lũ trẻ có thể chết trước mặt bạn chỉ vì thiếu sự chăm sóc y tế cơ bản”, ông nói.
“Tôi không thể sống giữa hai thế giới như vậy được”.
Dù vậy, phải đến khi chứng kiến một khoảnh khắc sinh tử khó quên, Scott Neeson mới hạ quyết tâm buông bỏ tất cả.
Vào thời điểm đó, cựu Chủ tịch 20th Century Fox đang đàm phán với một diễn viên nổi tiếng cho bộ phim sắp công bố. Xong việc, ông bay tới Campuchia, còn ngôi sao kia đến Tokyo (Nhật Bản).
Scott tới thẳng bãi rác và gặp bốn đứa trẻ mồ côi dưới 10 tuổi. Các em đang hấp hối và không ai có thể đưa các em tới bệnh viện. Ông hoảng sợ và không biết mình nên làm gì.
Đúng lúc ấy, nam diễn viên vừa bay tới Tokyo kia gọi điện cho Scott. Anh ta khá bực mình vì công ty ông đã cung cấp sai tiện nghi trên chuyên cơ. “Tôi không nên bị làm khó như vậy”, ngôi sao đó phàn nàn.
“Đó là điều anh ta đã nói với tôi, khi tôi đang đứng trước mặt những đứa trẻ hấp hối”, ông nhớ lại. “Chính giây phút ấy đã thức tỉnh tôi; mọi nỗi lo lắng về việc bỏ Hollywood để tới sống ở Campuchia đều biến mất. Đó là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tôi đang đi đúng hướng”.
Ngay lập tức, Scott trở về Los Angeles và xin từ chức vào ngày thứ Hai.
Không phải ai cũng nghĩ quyết định của Scott là đúng đắn. “Cả thế giới đều cho rằng tôi bị điên khi từ bỏ công việc trong mơ đó”, cựu Chủ tịch 20th Century Fox nhớ lại. “Nhưng tôi không cần nó nữa”.
Năm 2004, Scott chuyển hẳn tới Campuchia và thành lập Quỹ Trẻ em Campuchia (CCF). Tổ chức này giúp đỡ các cộng đồng nghèo đang sống nhờ bãi rác ở Steung Meanchey, cung cấp các chương trình giáo dục, lãnh đạo, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em và hướng nghiệp.
Để có tiền, Scott không ngần ngại từ bỏ mọi thứ mình sở hữu. Ông bán biệt thự sang trọng ở Los Angeles, tổ chức một buổi garage sale (bán đồ cũ) để loại bớt “những thứ vô dụng” trong nhà. Kể cả siêu xe Porsche và du thuyền ông cũng không cần tới.
Vứt bỏ hào quang Hollywood để tới bãi rác làm từ thiện
Khi mới bắt đầu, mục tiêu của Scott chỉ là đưa 80 trẻ em ở bãi rác Stung Meanchey đến trường. Năm 2007, khi con số này lên tới 200 em, CCF đã thành lập một trung tâm cộng đồng, xây dựng các trường học lưu động, cung cấp nước sạch, lương thực và các dịch vụ cơ bản cho người dân nơi đây.
Năm 2009, bãi rác khổng lồ này chính thức đóng cửa. Số học sinh tại CCF cũng đã đạt số lượng 500 em. Tổ chức này mở thêm nhiều phòng khám tại địa phương, cung cấp dịch vụ y tế và tư vấn miễn phí cho người dân ở mọi lứa tuổi.
“Tôi khiến nhân viên phát điên”, Scott nói về 300 cấp dưới của mình, nhiều người trong số họ cũng từng lớn lên ở bãi rác. “Nếu nghĩ ra một kế hoạch nào đó, tôi muốn nó được thực hiện trong vòng 48 tiếng. Bạn không muốn mọi người phải chịu khổ quá lâu”.
Điều khiến Scott ấn tượng nhất về lũ trẻ là dù sống trong cảnh khốn cùng, chúng không bao giờ vòi tiền.
“Mỗi lần tôi đến bãi rác, các em sẽ chạy theo tôi và nói: ‘Som tov rien’ (Xin hãy cho cháu đi học)”, ông nhớ lại. “Thật khó để nói không, bởi đơn giản là chúng chỉ hỏi xin một cơ hội”.
Trong vòng 16 năm qua, Scott Neeson đã thay đổi hoàn toàn số phận của hơn 3.300 mảnh đời bất hạnh ở đây. Sreyoun – cô bé 9 tuổi năm xưa được ông cứu giúp – đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính và kinh tế vào năm 2019. 80% số trẻ được CCF hỗ trợ đều vào được đại học, theo đuổi các chuyên ngành như luật, kỹ sư xây dựng dân dụng, tâm lý học…
Vị doanh nhân này cũng chia sẻ rằng ông nhớ mặt, nhớ tên của từng đứa trẻ mà mình đã cứu, bởi “mỗi em là một cuộc hành trình”.
Bên cạnh đó, Scott cũng có nhiều đóng góp tích cực trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở sản phụ và trẻ sơ sinh tại Stung Meanchey. Ông còn cùng người cao tuổi ở đây khôi phục lại những giá trị truyền thống đã mai một tại Campuchia, để thế hệ trẻ có thể hiểu hơn về văn hóa nước mình.
Giờ đây, Scott Neeson vẫn sống một cuộc đời giản dị ở Phnom Penh, tiếp tục theo đuổi sứ mệnh cứu người của mình. Ông thường mặc áo phông và quần canvas trắng, chân đi đất, nhìn như dân Campuchia thứ thiệt.
Trên bức tường trong văn phòng ông, bên cạnh những chiếc poster phim có chữ ký người nổi tiếng là hàng trăm tấm ảnh trước-và-sau của từng đứa trẻ được cứu giúp.
Sống quá lâu ở Campuchia, Scott Neeson đã thấm nhuần không ít tư tưởng Phật giáo. Ông hiểu rằng mình phải thay đổi bản thân trước khi thay đổi những số phận ngoài kia.
“Bạn phải bỏ đi cái tôi của mình”, ông nói. Đây chính là lý mà vị doanh nhân này cố gắng rèn luyện để vượt qua sự phán xét của chính mình và người khác, kiên trì với lý tưởng của mình.
“Tôi chưa từng cảm thấy vừa không có gì, vừa có tất cả như lúc này”, Scott bày tỏ. “Về mặt vật chất, tôi không còn gì. Nhưng lạ thay, tôi cũng không cần chúng. Đó là một cảm giác tuyệt vời. Nó đem lại sự tự do tuyệt đối”.
“Sống ở Hollywood có nhiều lợi ích – những chiếc xe limo hiện đại, những chuyên cơ đắt tiền, những cô bạn gái xinh đẹp, được tham dự Oscars. Tuy nhiên, đó không còn là lối sống mà tôi theo đuổi nữa, khi tôi có thể thay đổi cuộc sống của hàng trăm đứa trẻ theo hướng tốt hơn”.
Scott Neeson tâm niệm rằng ông chính là người may mắn nhất thế gian này.
“Có những người sống cả một đời mà chưa từng trải qua giây phút giác ngộ như khi tôi gặp lũ trẻ ngày ấy tại bãi rác Stung Meanchey. Tôi cảm thấy thật may mắn”, vị doanh nhân mỉm cười nói.