PHAN THANH GIẢN VÀ CUỘC THƯƠNG LƯỢNG CHUỘC LẠI 3 TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM KỲ TẠI PHÁP.
Ngày 5.6.1862 Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã ký hòa ước Nhâm Tuất giảng hòa, trong đó điều 3 quy định:
“Ba tỉnh miền đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, và đảo Côn Lôn sẽ nhượng cho nước Pháp. Hơn nữa không được làm trở ngại tàu nhỏ và tàu lớn của Pháp từ ngoài biên vào mượn đường thủy của Đại Nam để buôn bán với Cao Miên; cũng phải để cho pháo thuyền và hạm đội Pháp được tự do chạy vào các con sông của Đại Nam đang thám hiểm”.
Cực chẳng đã phải nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhưng Triều đình vẫn luôn tìm cách để thương thuyết chuộc lại vì là đất khai nghiệp của nhà Nguyễn. Tháng 2.1863 là năm Tự Đức thứ 16, Thiếu tướng Bonard đã về Pháp. Hải quân Thiếu tướng De la Grandière sang thay, vua Tự Đức bèn nghĩ tới việc phải sang nước Pháp đề yết kiến vua Pháp mà thương thuyết mới mong có kết quả. Nghĩ vậy, vua Tự Đức xuống dụ cho Thiếu tướng De la Grandière biết ý định sẽ phái sứ bộ sang Pháp, nhưng nói dối rằng, đi đáp lễ Pháp hoàng Napoléon III, nói đi đáp lễ, không phải là không duyên cỡ, vì chính năm trước (1862) Bonard và Palanca đã ra Huế chúc mừng, cho nên nhà vua mới dựa vào đó mà mưu việc đưa sứ bộ sang Pháp.
Thiếu tướng Thiếu tướng De la Grandière chấp thuận đề nghị, phái chiếc tàu Echo đón sứ bộ Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn, Phan Thanh Giản lại được nhà vua ủy thác cho trọng trách, sung chức Toàn quyền Chánh sứ, cùng đi với hai ông Phó sứ là quan Tả tham tri Lại bộ Phạm Phú Thứ và quan Án sát sứ tỉnh Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản, với 53 người tùy tùng. Còn việc giao thiệp ở trong Nam kỳ thì giao lại cho Trương Văn Uyển làm Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long.
Trước khi đi, vua Tự Đức có hỏi: “Nếu như khanh vẫn bị bắt buộc phải nhượng ba tỉnh, khanh sẽ xử trí làm sao?”. Phan Thanh Giản tâu: “Thần sẽ cân nhắc từng sự lợi hại. Chừng ấy, nếu như cuộc thương thuyết thất bại, thần sẽ liệu đòi được quyền lợi nào thì đòi. Kết quả của cuộc thương thuyết tại Pháp tùy theo ý định của chính phủ Pháp. Thần không dám hứa trước, miễn là cố sức làm tròn sứ mạng của hoàng thượng trao phó cho thần”.
Nhà vua ban tửu và căn dặn:
“Phải đòi cho bằng được sự nhượng lại những phần đất mà Pháp chiếm cứ. Trong trường hợp chính phủ Pháp từ chối, các Khanh hãy kéo dài cuộc lưu trú tại Paris để chờ có cơ hột thuận tiện mở lại cuộc thương thuyết. Phải cố gắng gây một dư luận thuận lợi cho chính nghĩa của ta. Các khanh cũng phải cố gắng làm cho chính phủ Pháp mềm lòng đi với số phận của xứ sở chúng ta”.
Về cuộc hành trình, sứ bộ xuống tàu Echo vào Gia Định. Ngày 4.7.1863, sứ bộ từ Gia Định xuống tàu Européen sang Pháp, có trung úy Rieunier đi hộ vệ. Hai tháng bẩy ngày sứ bộ mới tới đất Pháp. Ngày 10.9.1863, sứ bộ đến cảng Toulon, hải quân Pháp chào sứ bộ Việt Nam bằng 17 phát thần công. Các chiến thuyền đậu tại hải cảng Toulon đều có treo cờ Việt Nam. Chính phủ Pháp phái Đại tá Aubaret là người ở bộ ngoại giao, thông thạo tiếng Việt, đứng ra làm thông ngôn khi nhà cầm quyền Pháp xuống tàu tiếp đón sứ bộ.
Ngày 10.9,1863, sứ bộ tới Marseille. Chính phủ Pháp tổ chức một cuộc tiếp đón chính thức. Ông Mure de Pelaune, đại diện cho Tổng trưởng bộ ngoại giao, tiếp sứ bộ đúng nghi lễ, rồi mời phái đoàn lên một biệt thự đã có mặt nhiều viên chức văn-võ Pháp sẵn đón.
Sứ bộ tạm nghỉ ở Marseille. Ngày 11.9.1863, sứ bộ lên Paris. Tới kinh đô Pháp được tiếp đón long trọng. Ông Feuillet de Conches, đại điện của Hoàng đế Napoléon III đến chào mừng sứ bộ, rồi đưa luôn sứ bộ về ở một biệt thự đường Lord Byron.
Ông Feuillet de Conches cho sứ bộ hay rằng: Hoàng đế Napoléon III còn ở Biarritz, tháng sau mới về Paris. Sứ bộ đành nấn nã ở lại chờ Pháp hoàng về. Trong thời gian chờ đợi, bộ ngoại giao Pháp lại mở cuộc đàm phán với sứ bộ Việt Nam, do ông Tổng trưởng bộ ngoại giao là Achille Fould chủ tọa. Cuộc đàm phán “không chính thức” ấy chẳng rõ như thế nào, mà sau đó báo giới ở Paris có đăng tin:
“Vua Đại Nam bằng lòng mua lại ba tỉnh miền đông Nam Kỳ với một số bạc 85 triệu và bằng lòng nhượng luôn thành Sài Gòn cho Pháp”.
Tờ báo của Bỉ viết thêm: “Sứ thần Phan Thanh Giản đã hội kiến với ông Achille Fould và đã ưng thuận như thế rồi, chỉ còn chờ Hoàng đế Napoléon III hồi loan sẽ quyết định”.
Những tin tức do báo chí đưa ra chẳng qua là để trấn áp dư luận bấy giờ đang xôn xao vì nghe có sứ bộ ta sang đó thôi.
Còn sự thật ra sao? Sứ thần Phan Thanh Giản rất cẩn thận từ hành vi tới ngôn ngữ, khi đàm phán tại Bộ Ngoại giao. Cụ chẳng hề có thốt ra một lời gì về sự chuộc ba tỉnh miền Đông với giá 85 triệu, huống chi việc giao thành Sài Gòn cho Pháp?
Hơn nửa tháng, Pháp hoàng vẫn chưa về. Đến ngày 7.10.1863 là ngày thứ 25 sứ bộ ở kinh đô Pháp, nhằm ngày lễ Vạn thọ vua Tự Đức, sứ bộ ta tổ chức cuộc khánh chúc, có mời các nhà tai mắt Pháp đến dự. Người Pháp vui vẻ góp mặt trong cuộc lễ Vạn thọ huy hoàng. Bộ ngoại giao họp với bộ Lễ cùng lo việc trang hoàng cho cuộc lễ tăng phần long trọng. Hành lễ xong, cụ Phan Thanh Giản thay mặt sứ bộ đứng ra tỏ lời cảm ơn và trao 50 lượng bạc cho người đại diện Pháp gọi là để chi phí. Nhưng Đại tá Aubaret đứng lên thay mặt cho người Pháp mà bảo rằng: “Tôi xin quý Ngài hãy cứ để cho vị quan bộ Lễ nước Pháp lo lắng, chúng tôi cùng chung hướng trong niềm hoan hỷ và một lòng kinh trọng Hoàng đế nước Nam như các Ngài. Xin các ngài chớ do dự”.
Đến ngày thứ 54 ở kinh đô Pháp (5.11.1863), sứ bộ mới được vào triều kiến Pháp hoàng. Bộ Ngoai giao Pháp sắp đặt việc đón sứ bộ Việt Nam tại điện Tuileries rất long trọng. Hoàng đế Napoléon III cho 4 chiếc xe đến đón. Sứ bộ mặc triều phục trang nghiêm. Phan Thanh Giản lên chiếc xe đầu với quan Tham tri bộ Lễ nước Pháp. Hai vị Phó sứ Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản thì đi xe hơi thứ nhì với Đại tá Aubaret, chiếc xe thứ ba, thứ tư rước những vị còn lại.
Sứ bộ vào triều yết Pháp hoàng. Cụ Phan dâng bức thư ngoại giao, cuộc đàm phán mở đầu. Một bên thống thiết kêu đòi công lý. Một bên luôn luôn trầm ngâm nghe mà ít nói, chiêm nghiệm lời của sứ thần Việt Nam.
Và đây, lời nói lịch sử của Hoàng đế Pháp:
“Nước Pháp nhân từ với tất cả dân tộc và sẵn sàng bảo vệ những kẻ yếu. Nhưng những kẻ nào cản đường tiến thủ của nước Pháp thì sẽ được biết sự nghiêm khắc của nó”.
Câu nói lịch sử này được Đại tá Aubaret làm thông ngôn dịch ra tiếng Việt cho sứ bộ nghe. Nhưng viên thông ngôn vì không thạo tiếng Việt Nam đã dịch ra “phải biết sợ nước Pháp”. Tuy nhiên cụ Phan vẫn chưa thất vọng, còn hy vọng ở cuộc đàm phán lại với ông Tổng trưởng bộ Ngoại giao Achile lould.
Sau buổi triều yết Pháp hoàng. Ông Achille Fould liền cho ông Aubaret theo chân cụ Phan để mời cụ và đoàn tùy tùng đến bộ Ngoại giao. Ông Achile Fould an ủi và xin cụ Phan thành thật tỏ bày nguyện vọng để rồi ông sẽ truyền đạt lên Pháp hoàng mà xin cho.
Mọi việc vẫn còn nắm trong vòng thương thuyết. Đến ngày 12.11.1863, thì báo chí Pháp công bố: “Hiệp ước 5.6.1862 sẽ phải sửa đổi lại, nhất là khoản thứ ba của Hiệp ước ấy”. Nhưng thời gian qua. Việc đâu còn đó, căn cứ vào những lời hứa hẹn, sứ bộ hãy còn hy vọng.
Và thời gian lưu trú tại Pháp cũng đã khá dài, sao thì sao, sứ bộ phải xuống tàu về bái mạng triều đình.
Trên đường về sứ bộ còn ghé Tây Ban Nha để chào Hoàng hậu Isabelle.
Ngày 24.3.1864, sứ bộ về đến Sài Gòn. Vua Tự Đức và triều thần đều vui mừng. Nhưng thực tế, triều đình Huế đã mừng hụt, vì phe thực dân đã vận động để chống lại việc cho chuộc đất, đứng đầu là các nhân vật thuộc bộ hải quân và thuộc địa như: Chasseloup Laubat, Bonard, De La Grandière… vì thế vua Napoléon đổi ý không cho chuộc lại đất. Tháng 2.1865, Aubaret tới Huế cho hay không có hòa ước mới và yêu cầu vua Tự Đức cho trả tiền chiến phí, đồng thời phải cấm nghĩa sĩ chống Pháp. Như thế, việc chuộc đất hoàn toàn thất bại vì kẻ mạnh trở mặt.
______
Khi người Pháp tiếp tục đẩy mạnh cuộc xâm lược để chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, nhà vua liền khai phục và thăng bổ Phan Thanh Giản làm Hiệp biện Đại học sĩ. Hộ bộ Thượng thư sung Kinh lược sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (1865) để sai phái ông vào Nam đương đầu trước làn tên mũi đạn. Phan Thanh Giản khước từ vua không chấp thuận. Sau đó lại xin hưu trí với lý do vì tuổi già sức yếu không kham được việc lớn, vua cũng không cho. Ông phải vâng mệnh.
Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Thế là chỉ trong 5 ngày (Từ 20-24.6.1867), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4.8.1867.
Hành động giao nộp ba tỉnh miền Tây của ông Phan Thanh Giản, được Trần Huy Liệu (nhà sử học hàng đầu của VNDCCH, người có công “sáng chế” ra nhân vật Lê Văn Tám cho lịch sử Việt Nam) đem ra bàn luận, và đã kết tội ông là kẻ “bán nước”. Chính vì vậy sau 1975, tất cả các đường phố, trường học ở Nam Việt Nam mang tên Phan Thanh Giản đã bị đổi thành tên khác.
Ông Võ Văn Kiệt trước đây có tham dự một cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản do các nhà sử học và các nhà văn hóa Việt Nam tổ chức, qua đó ông hiểu biết thêm về cụ Phan và thấy việc tên cụ bị xóa bỏ, cũng như mồ mả cụ bị bỏ hoang phế là không đúng, đã tuyên bố với ý đại khái là khi chết, ông muốn nhường “suất” đặt tên đường của mình cho cụ Phan Thanh Giản. Khi còn làm thủ tướng, còn quyền hành, ông Kiệt đã không làm được việc sửa sai đó để chuộc lại lỗi lầm với tiền nhân.
Năm 2008, Viện Sử học Việt Nam mới thống nhất kết luận rằng Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc, nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông và đã được giới có thẩm quyền chấp thuận.
____
Tham khảo nguồn:
– Phan Thanh Giản, Tác giả: Nam Xuân Thọ. NXB: Tân Việt, 1957.
– Đặc khảo về Phan Than Giản (Phan Thanh Giản đi sứ ở Paris), Tác giả: Trương Bá Cần. NXB: Khai Trí, 1967.
– Ảnh: Sứ đoàn Phan Thanh Giản tại Paris. Hàng đầu là Phan Thanh Giản (giữa) được cử làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ (phải) là phó sứ và Ngụy Khắc Đản (trái) được cử làm bồi sứ. Bức hình được chụp bởi André Adolphe-Eugène Disdéri, ngày 21-9-1863, phía trước công quán nơi sứ bộ Phan Thanh Giản ở, số 17 Rue Lord Byron, Paris..