Tôi chỉ mới xem bộ phim này lần đầu tiên, và 24 giờ sau đó, tôi đã xem lại nó lần thứ hai, rồi suy nghĩ về nó rất nhiều. Đây không phải một bộ phim đơn giản với một cái kết đơn giản, và chắc chắn là cái kết đã góp phần gây nên nhiều phản ứng trái chiều với bộ phim. Có người chỉ xem nó như một bộ phim hoạt hình tuyệt vời mang chủ đề lạc quan đến đáng sợ, có kẻ lại hoàn toàn căm ghét nó và coi nó như một thứ đi ngược lại với đạo đức con người (T/N: The Wind Rises vấp phải nhiều chỉ trích vì bị coi là một bộ phim ca ngợi kẻ sáng tạo ra cỗ máy giết người Mitsubishi A6M Zero). Nhưng tôi thấy rằng nếu bạn chú ý đến bộ phim này nhiều hơn, bạn sẽ thấy nó thực sự xuất sắc và không chỉ là một chuỗi những thứ thỏa mãn đam mê bay lượn của Miyazaki. Hãy cùng tìm hiểu về bộ phim này nhé!
The Wind Rises là một bộ phim nói về những giấc mơ bị nguyền rủa và những con người lựa chọn theo đuổi chúng.
– Jiro Horikoshi là một người mơ mộng. Ta đã thấy được điều đó ngay từ cảnh đầu tiên của bộ phim. Những giấc mơ của anh ấy đều rất tuyệt vời, đầy ảo mộng và đẹp đẽ. Tất cả những gì anh ấy muốn làm là thiết kế máy bay. Anh ấy nghiên cứu kỹ thuật hàng không cả cuộc đời và trở thành một thiên tài được người đời săn lùng.
– Đây là một bộ phim phản chiến tranh. Để ý một chút đến một phân cảnh nhỏ, dường như không quan trọng cho lắm, đó là khi Jiro đánh những đứa trẻ đang bắt nạt một đứa trẻ khác. Khi anh trở về nhà, mẹ đã nhìn thấy những vết bầm tím và bảo anh rằng bạo lực không phải chính nghĩa. Jiro đã được nghe những điều đó từ khi chỉ là một đứa trẻ. (Xa hơn chút nữa, ở phân cảnh Jiro lắng nghe những yêu cầu từ quân đội, tất cả bọn họ đều như hóa thành những con thú, với những đôi mắt trợn tròn lên như những người phục vụ tham lam trong nhà tắm ở Spirited Away)
– Mười năm sau, anh nhận được công việc thiết kế máy bay cho cuộc chiến tranh sắp tới. Lẽ ra Jiro nên biết rằng đây là một quyết định ảnh hưởng đến đạo đức, nhưng anh đã không nhận ra điều đó. Jiro luôn luôn hành động như kiểu cho dù mọi chuyện xung quanh có khủng khiếp đến thế nào thì anh ấy vẫn có thể sống ở một thế giới riêng trong tâm trí của mình. Ngay cả giữa trận động đất kinh hoàng, anh vẫn rút lui vào trong những ảo mộng. Trong thế giới tưởng tượng ấy, kỹ sư hàng không người Ý Caproni đã hỏi Jiro rằng anh sẽ chọn cái nào, một thế giới có kim tự tháp hay là không. Đó là phép ẩn dụ cho thực tế rằng những tiến bộ công nghệ đôi khi mang đến những nỗi đau, và thông thường, những người có quyền lực sẽ muốn những điều đó xảy ra. Caproni nói rằng ông thích thế giới có kim tự tháp hơn. Đến lượt Jiro, anh bảo rằng “Tôi chỉ muốn tạo nên những chiếc máy bay tuyệt vời”. Anh không trực tiếp trả lời câu hỏi ấy, trì hoãn việc phải đối mặt với những câu hỏi đầy ẩn ý về mặt đạo đức trong công việc của anh.
Xuyên suốt bộ phim, Jiro cũng thấy được những dấu hiệu thể hiện rằng ước mơ của anh là một thứ bị nguyền rủa, và có lẽ những gì anh đang làm là sai trái. Phần lớn những điều này xảy ra khi Jiro, có lẽ là trong lần đầu tiên quẫn trí, gặp gỡ quý ông người Đức Castorp. Castorp nói lên thực tế về tình hình đất nước của Jiro, những điều mà một công dân Nhật như anh biết rất rõ, nhưng dường như không bao giờ chịu thừa nhận:
– Đất nước của anh gây chiến ở Trung Hoa.
– Đất nước của anh tạo nên chính quyền bù nhìn ở Mãn Châu.
– Đất nước của anh rời bỏ Hội Quốc Liên và gây thù với cả thế giới.
– Đất nước của anh là đồng minh với chính phủ của Hitler, Đức Quốc xã, thứ mà Castorp mô tả là “không khác gì một lũ du đãng”.
Chính Jiro cũng đã chứng kiến một cuộc đột kích của Gestapo (T/N: Lực lượng cảnh sát mật dưới thời Đức Quốc xã, một trong những lực lượng tàn bạo nhất lịch sử, được coi là kiệt tác ma quỷ của Hitler), nhưng chỉ đứng với Honjo và nhìn.
Jiro và Honjo lẽ ra nên nhận thức được tình huống thảm khốc mà họ bắt gặp, nhưng họ chỉ bảo nhau rằng họ muốn thiết kế nên những chiếc máy bay đẹp. Tuy nhiên, trong khi Honjo nhận thức được những điều khủng khiếp mà quân đội sẽ làm với những chiếc máy bay của họ và nói điều đó với Jiro, Jiro lại không bao giờ chịu thừa nhận và chỉ giữ im lặng. Anh lắng nghe, nhưng không chịu đối mặt với thực tế, lại quay về với những ước mơ và tiếp tục làm việc.
– Nhân vật của Castorp cho ta biết về bản chất của những giấc mơ bị nguyền rủa và quan điểm của bộ phim này đối với chúng. Bản thân ông ấy cũng là một kẻ bị kết án. Một người Đức da trắng có chiếc mũi to nhất trong phim, không ngớ ngẩn tí nào khi cho rằng ông là người Do Thái (T/N: Đức Quốc xã coi mũi khoằm như ông Castorp là đặc điểm của người Do Thái). Cho dù không phải thế, ông ấy là một người chống đối lại chính phủ. Đức Quốc xã xử tử cả hai loại người đó.
Castorp biết rằng ông sẽ phải chết, nhưng chọn cách vui vẻ với phần còn lại của cuộc đời, dù cho thực tế rằng khoảng thời gian ông ấy và Jiro ở khách sạn có lẽ sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc cuối cùng trong cuộc sống của họ trước khi mọi thứ sụp đổ. Ông vẫn cười, vẫn chơi đàn piano và vui vẻ khi thấy những người xung quanh hạnh phúc. Ông ấy nói rằng đây thực sự là một mùa hè đáng nhớ, ẩn ý rằng sau đó sẽ đến mùa thu và mùa đông thảm khốc. Hãy tận hưởng khoảnh khắc này.
– Ta biết rằng Castorp đã tận số khi ông chủ của Jiro ở Mitsubishi bảo anh rằng bạn bè và đồng nghiệp của ông đã bị mật vụ bắt đi mà chẳng hiểu tại sao. Có vẻ rằng những người này đã nói nhiều thứ về cuộc chiến hơn thẩm quyền mà họ có. Jiro nhớ lại rằng mọi chuyện đã kỳ lạ như thế nào khi Castorp rời đi quá sớm mà chẳng nói cho ai biết như vậy (dù cho ông ấy đã nhìn thấy Jiro qua cửa sổ xe và vẫy tay chào anh).
– Tất cả những tình huống khủng khiếp này chỉ là thoáng qua đời Jiro. Anh hầu như chẳng bận tâm đến chúng cho đến khi ai đó nhắc đến. Bởi vì Jiro là một người mơ mộng đến mức bỏ bê thế giới xung quanh. Anh lờ đi tất cả mọi thứ tiêu cực và tập trung vào ảo mộng trở thành một chàng trai thiết kế nên những chiếc máy bay đẹp.
Jiro hầu như không nhận ra những điều này, tương tự như cách khán giả có lẽ sẽ không để ý đến chúng. Bộ phim reo rắc những gợi ý đen tối xung quanh bạn, như cách thế giới vận hành xung quanh Jiro và chủ yếu hướng bạn đến thế giới tưởng tượng tuyệt đẹp của Jiro, như cách Jiro làm với chính bản thân mình.
Nahoko Satomi là một giấc mơ bị nguyền rủa với mối tình lãng mạn cùng Jiro song song với mạch phim chính
Có một vài nhà phê bình cho rằng bộ phim đã tập trung quá nhiều vào cốt truyện lãng mạn, và thậm chí là lãng phí thời gian. Có lẽ 30 phút cuối nên dành cho các cảnh quay chiến tranh khi Jiro kinh hoàng nhận ra những lỗi lầm của mình, hoặc ít nhất là anh ấy sẽ thấy cắn rứt lương tâm khi đến cuối bộ phim. Hầy, để tôi nói cho mọi người biết ý nghĩa của mối quan hệ lãng mạn này nhé:
– Tình yêu của Jiro với Nahoko chạy song song với tình yêu dành cho máy bay của Jiro. Để ý đến khoảnh khắc khi Nahoko nói với anh rằng cô bị bệnh lao, biểu hiện trên gương mặt của Jiro hoàn toàn không thay đổi một chút nào. Anh không lỡ một nhịp nào cả, cũng chẳng cần nghĩ ngợi thêm một giây nào trước khi bảo Nahoko rằng cái chết sẽ không ảnh hưởng đến tình yêu anh dành cho cô.
– “Đây là ngu ngốc, hay là tình yêu?”. Giống như những câu hỏi ta dành cho Jiro khi anh tham gia vào việc thiết kế máy bay chiến tranh, ta cũng thắc mắc những điều tương tự về cuộc hôn nhân của anh với một cô gái bị bệnh. Y hệt như tình huống khó xử về mặt đạo đức khi trước, Jiro vẫn chỉ buộc bản thân phải đối đầu với sự khủng khiếp của thực tế khi có ai đó nói trực tiếp điều ấy với anh, hoặc khi anh trực tiếp bị ảnh hưởng, nhưng những khoảnh khắc ấy cũng chỉ là những phút giây ngắn ngủi.
– Kayo – Em gái của Jiro nói với anh rằng mỗi sáng Nahoko đã luôn dặm thêm phấn hồng lên gương mặt để nhìn cô ấy bớt ốm yếu và Jiro không phải lo lắng. Khi Kayo bắt đầu khóc và cầu xin Jiro trả lời rằng tại sao anh lại làm thế với Nahoko, tại sao anh lại kéo cô ấy vào ước mơ ngu ngốc của anh, điều đó đã phản ánh lại mối quan tâm của chúng ta – những khán giả xem phim về sự lạc quan ngớ ngẩn của Jiro đối với cuộc chiến tranh kinh hoàng do quân đội và chính phủ đất nước anh đã gây ra.
– Nahoko bị xuất huyết phổi. Jiro phải đối mặt với thực tế và bắt đầu khóc. Anh vội vã trở về nhà với cô ấy chỉ để ở bên cô một lúc và nắm tay cô. Chẳng lâu sau đó họ kết hôn, Nahoko đến viện điều dưỡng, rồi đến ngôi nhà của ông chủ Jiro, nơi em gái Jiro chăm sóc cô.
– Jiro ở lại với Nahoko một đêm cuối cùng ở ngôi nhà ấy, tiếp tục làm việc trong khi nắm tay cô, không từ bỏ bất cứ ước mơ nào của mình. Đêm muộn, Jiro cần một điếu thuốc và hỏi rằng có thể bỏ tay cô ra một chút và ra ngoài được không. Nahoko, cũng lạc quan như Jiro và biết thời gian họ ở bên gian là rất quý giá, nói rằng cô cô chẳng bận tâm, anh hút thuốc ở đây cũng được. Jiro lo lắng cho sức khỏe của cô, nhưng Nahoko bảo cứ kệ đi. Và Jiro đã làm như thế. Đó là một khoảnh khắc phản ánh sự lạc quan đến mức gần như vô trách nhiệm của Jiro.
Sự luyến tiếc Miyazaki giành cho Nhật Bản trước khi nó sụp đổ
– Khi Jiro quan sát chuyến bay thử nghiệm cho mẫu máy bay mới nhất (cũng là mẫu cuối cùng của mình), Nahoko nói rằng cô đã cảm thấy tốt hơn và sẽ ra ngoài đi dạo một chút, rồi cô rời khỏi nhà của ông chủ. Trái ngược với điều Nahoko đã nói với vợ ông chủ, thực ra cô ấy chẳng hề cảm thấy mình ổn hơn chút nào và rời đi với tâm trí sẵn sàng đối mặt với cái chết. Trong lúc ngồi xe buýt đến thăm chị, Kayo đã nhìn thấy cô trên đường và hoảng loạn. Kayo đến nhà, chạy nhanh lên phòng của Nahoko và nhìn thấy những bức thư cô ấy để lại. Kayo biết rằng người chị ấy đã chọn cái chết để những giấc mơ về cô gái trẻ trung xinh đẹp ấy sẽ còn đọng lại mãi trong tâm trí của Jiro, để anh không bao giờ phải thấy rằng cô ngày càng yếu đi và chết dần chết mòn.
– Phép ẩn dụ này không hoàn toàn là về những thông điệp của bộ phim, mà hơn cả, nó nói về chính bộ phim này. Miyazaki tập trung vào rất nhiều khía cạnh tích cực trong cuộc sống của Jiro và của Nhật Bản vào thời điểm đó bởi vì Nhật Bản ấy cũng là một giấc mơ bị nguyền rủa. Đó là một Nhật Bản trước những vụ đánh bom, nhưng ngay trên ranh giới của sự sống và cái chết ấy, bất chấp những nguy hiểm đang ngầm cuộn sóng, bất chấp những nỗi kinh hoàng mà quân đội và chính phủ của nó đang gây ra ở nhiều nơi trên thế giới và sắp tới sẽ là với chính những công dân của nó, thì Nhật Bản vẫn rất đẹp. Như thể một giấc mơ đến trước cơn ác mộng. Giống như Nahoko: Đã đến điểm cuối cùng của đời người, ốm yếu, bệnh tật, nhưng vẫn rất xinh đẹp và mộng mơ.
Những phân cảnh cuối của bộ phim:
– Khi mẫu máy bay cuối cùng của Jiro được đưa vào thử nghiệm, quân đội và những người theo dõi Mitsubishi đã ăn mừng chiến thắng ngay cả khi nó chưa đáp xuống đất thì mọi thứ như ngưng đọng lại. Niềm vui không còn ở lại trên gương mặt Jiro và thế giới trở nên lặng yên. Theo góc quay chậm của phim, ta đã nhìn thấy Jiro rời mắt khỏi máy bay và nhìn về phía đồng quê.
Giây phút ấy, Jiro đang quan sát Nhật Bản. Bởi vì khi chiếc máy bay của anh ấy cuối cùng đã hoàn thành, đã đến lúc Jiro rời khỏi thế giới ảo mộng và quay trở lại với thực tế. Jiro nhận ra mình là một phần của cỗ máy chiến tranh, và vùng đồng quê Nhật Bản mà anh đang ngắm nhìn chính là thứ đại diện cho giấc mơ của Nhật Bản, giấc mơ bị nguyền rủa bởi những điều mà chiến tranh sẽ mang lại, và đó là một phần trách nhiệm của anh. Cho dù chỉ là một bánh răng trong cỗ máy chiến tranh thì cũng phải chịu trách nhiệm.
Trong khoảnh khắc đáng ra phải là hạnh phúc nhất cuộc đời, khi người phi công bay thử bắt tay anh và nói “Nó tựa như một giấc mơ”, Jiro chết lặng và quẫn trí trước những điều khủng khiếp sắp xảy ra ở đời thực.
– Cảnh cuối cùng. Jiro tận mắt nhìn thấy cái chết, nỗi buồn, sự tàn phá và những điều kinh hoàng mà chiến tranh mang lại, và Jiro biết chiếc máy bay của anh là một phần của đống đổ nát này. Không ai từng lái những chiếc máy bay đó có thể trở về. Jiro lại chìm vào thế giới tưởng tượng và trò chuyện cùng Ngài Caproni thêm lần nữa. Nơi ảo mộng đó như lời ngụ ý cho việc có lẽ Jiro sẽ tự tử, khi anh ở trong một giấc mơ và “vùng đất của cái chết”. Sau đó Caproni bảo anh ta quay đầu lại, và Jiro đã thấy Nahoko đứng đó và bảo anh rằng anh phải sống. Sau đó, Jiro nhắm mắt, ngẩng đầu lên và thì thầm “cảm ơn” hai lần.
Mặc dù sự buồn bã bao trùm lấy bầu không khí cùng với hai nhà thiết kế biết rõ rằng giấc mơ của họ đã đi đến một hồi kết khủng khiếp, và cuộc sống của họ cũng vậy, thì Jiro và Caproni cuối cùng vẫn hạnh phúc vì được sống trọn vẹn trong giấc mơ ấy, cho dù chúng đã bị nguyền rủa.
Chúng ta/Bộ phim cảm nhận Jiro thế nào?
– Chúng ta, với tư cách khán giả phải đặt ra câu hỏi rằng Jiro cao quý hay chỉ là một kẻ ngốc ngây thơ cố gắng theo đuổi giấc mơ cho dù thực tế phũ phàng đã bày ra trước mắt: Tình yêu của cuộc đời anh (bị bệnh lao phổi nguyền rủa) và việc thiết kế những chiếc máy bay đẹp (gắn chặt với lời nguyền chiến tranh). Liệu sự sơ suất của Jiro có dẫn đến sự sụp đổ ấy? Có, một phần. Có lẽ vợ anh sẽ sống lâu hơn nếu tình yêu của họ không khiến cô ấy phải di chuyển nhiều như thế, từ nhà, đến bệnh viện, rồi lại đến trạm điều dưỡng. Hoặc là nếu Jiro không hút thuốc trước mặt Nahoko. Có lẽ Jiro sẽ chọn không theo đuổi ước mơ nếu anh để tâm đến những dấu hiệu cho thấy rằng đất nước của anh ấy đang chiến đấu vì những điều sai lầm. Chỉ là có lẽ mà thôi…
– Về phía bộ phim, nó ngụ ý rằng cho dù Jiro ngu ngốc đến thế nào, thì hầu hết những giấc mơ đều đã bị nguyền rủa. Tốt hơn hết là bạn nên nhận thức được điều này, hãy sống cho thời điểm hiện tại và tận hưởng những gì bạn có. Giống như Castop. Người đàn ông đó đủ thông minh để biết sớm muộn gì cũng sẽ phải chết, và chọn cách thừa nhận cái chết trong khi đón nhận cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, bởi vì giấc mơ tuyệt vời bị nguyền rủa đó vốn vẫn có cơ hội để được nở rộ như đóa hoa.
– Có vài người sẽ nói rằng “Vô đạo đức là vô đạo đức. Đáng lẽ Jiro nên lựa chọn khác đi.” Chà, chiến tranh thì vẫn sẽ xảy ra thôi, không có Jiro thì cũng có người khác sẽ thiết kế ra những chiếc máy bay đó, quân đội Nhật Bản cũng vẫn sẽ tàn bạo như thế, và cuộc đời của Jiro sẽ là một sự lãng phí tài năng đáng thất vọng thay vì một vẻ đẹp phù du bị lên án về mặt đạo đức, vẻ đẹp ấy cuối cùng cũng đã mất đi nhưng vẫn để lại nhiều trải nghiệm sâu xa. Những người quá tập trung vào cái kết bi kịch (cuối cùng thì ai cũng chết mà thôi, đời là vô thường, nhiều thứ khiến bạn phải nỗ lực có lẽ cũng chẳng quan trọng đến thế) có lẽ chưa bao giờ được sống với giấc mơ của họ, thay vào đó lại giam cầm mình trong một cuộc đời an toàn buồn bã, nguyền rủa sự e ngại của bản thân cho đến lúc từ giã cõi đời. Miyazaki tỏ ra đồng cảm hơn là lên án những người bị số phận trói buộc nhưng vẫn chọn cách sống thật với bản thân mình.
Được rồi, vậy là xong. Bạn nghĩ thế nào về những điều này? Liệu sự giải thích này có hợp lý không hay chỉ là tôi đang cố gắng vẽ chuyện ra, bắt lấy một hy vọng mong manh chỉ vì tình yêu dành cho Miyazaki và muốn ông ấy làm ra một bộ phim có điều gì đó tuyệt vời hơn “Chàng trai này làm ra những chiếc máy bay tuyệt vời, mấy người nên im mồm đi”? Nếu tôi đã tổng kết lại được mục đích của bộ phim, liệu nó có nên được trình bày rõ ràng hơn nữa không? Có phải bộ phim này chưa làm tròn trách nhiệm khi thêm vào những yếu tố thực tế khác nghiệt và sai lầm của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai với quá nhiều sự tin và quá ít thời lượng lên hình? Tại sao không đưa chữ Vạn (T/N: Biểu tượng trên cờ Phát xít Đức) vào? Bạn có coi đây là một bộ phim hay không? Với tôi thì đây là bộ phim yêu thích thứ tư trong kho tàng của Miyazaki (tôi đã xem hết tất cả rồi). Hãy phản hồi lại nếu bạn có cảm nhận như thế nhé.
_____________________
Dịch bởi Tô

Xem xong từ đầu đến cuối tui có 2 câu hỏi
Câu thứ 1 tui xem từ đầu đến cuối mấy lần r nhé thế con nahoko đã chết chưa
Câu trả lời chưa chết nha đittj cu mm
Nếu chết thì thằng chóa nào thấy cảnh con nahoko chết z m đã thấy cảnh đám tang của nahoko chưa bộ tôi muốn ăn tụy cậu hoặc thắng 4 là lời nói dối của e có để đấm tang vs cảnh con kia chết thì t k nói j còn cái này con kia đã chết đau nó chỉ bỏ đi tới viện điều dưỡng thui mà
Câu thứ 2 tại s khúc cuối tác giả cho con nahoko nói câu a phải sống??
Câu trả lời của t lúc con nahoko xuất hiện vs cây dù r nói a phải sống r biến mất lúc đấy đúng nhảm l nếu là m ngoài đời thật t thà chết mê cho xong s tác giả k để nahoko nói là hãy đợi e hoặc hãy chờ e t nghe còn dc ốc TG như z mg sẽ nghĩ là con nahoko chỉ đang dưỡng bệnh hoặc dưỡng bệnh xong r đi đâu đó tới h thằng kia vẫn tìm k dc r biến mất ta cx sẽ thấy buồn nhưng k đâu lòng lắm t xem xong khuyên tác giả bộ nào cứu vớt dc thì cứu
Cuộc sống không màu hồng như bạn nghĩ, không phải cay cú khi phim không theo happy ending và theo hướng tích cực
Là Nahoko nhận thức được mình đang đuối dần và không muốn Jiro phải nhìn thấy mình chết dần chết mòn nên mới quay trở về viện dưỡng lão để chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Bạn chỉ xem phần kết của bộ phim hay sao ạ mà không biết Nahoko bị bệnh nan y?