PARK CHUNG HEE, KẺ ĐỘC TÀI HAY ANH HÙNG DÂN TỘC HÀN QUỐC?
BÀI VIẾT NGHIÊM CẤM TỔ LÁI SANG VIỆT NAM DƯỚI MỌI HÌNH THỨC
Ngày 16/5/1961 một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra tại Hàn Quốc, dẫn đến kết quả là Thiếu tướng Park Chung Hee, một sĩ quan quân đội trở thành tổng thống mới của Hàn Quốc. Di sản cầm quyền của ông được đánh giá rất khác nhau giữa những người cánh tả và cánh hữu ở Hàn. Trong khi những người cánh tả cho rằng ông là một kẻ độc tài tàn ác đã đàn áp các phong trào cách mạng cộng sản, tước đoạt các quyền tự do cá nhân của nhân dân không thương tiếc. Đối với những người cánh hữu, tướng Park là một tổng thống liêm khiết, gương mẫu, hy sinh quyền lợi cá nhân, đồng cam cộng khổ cùng với nhân dân trong những ngày đầu gian khổ để đưa Hàn Quốc từ một đất nước bần cùng, đói nghèo lạc hậu nhất vươn vai trở thành cường quốc kinh tế châu Á.
Park Chung Hee cũng là điển hình của một Tổng thống liêm khiết, làm Tổng thống 19 năm, nắm hoàn toàn đại quyền quản lý kinh tế đất nước trong tay mà khi chết tài sản của ông chỉ có 10.000 USD. Sau này dù phe đối lập đã nỗ lực không ngừng tìm kiếm để kết tội ông là kẻ tham nhũng nhưng vẫn không thấy Park có tài sản gì khác.
KHỞI ĐẦU KỶ NGUYÊN PARK CHUNG HEE
Hàn Quốc những năm sau chiến tranh Triều Tiên là một quốc gia bần cùng gần nhất thế giới. Mâu thuẫn xã hội dâng cao, tội phạm lan tràn còn chính quyền chìm trong hỗn loạn, đấu đá chính trị và tham nhũng.
Ông Park Chung-hee (1917-1979) từng là giáo viên và tham gia quân đội Nhật Bản tại Mãn Châu. Sau khi bán đảo Triều Tiên được giải phóng năm 1945 và Đại Hàn Dân Quốc thành lập năm 1948, ông Park tham gia quân đội Hàn Quốc và mang hàm Thiếu tướng khi lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính năm 1961.
“Chúng tôi đã chờ đợi chính phủ dân sự mang lại trật tự cho đất nước. Thủ tướng và các bộ trưởng, tuy nhiên bị sa lầy trong tham nhũng, dẫn đất nước đến bờ vực sụp đổ. Chúng ta sẽ đứng lên chống lại chính phủ để cứu đất nước. Chúng tôi có thể hoàn thành mục tiêu của mình mà không đổ máu. Chúng ta hãy tham gia vào Quân đội Cách mạng để cứu lấy đất nước”. – Tướng Park Chung Hee phát biểu ngày 16/5/1961
Ngay sau khi phe đảo chính nắm và kiểm soát được chính quyền từ tháng 7/1961, tướng Park Chung Hee đã “dọn rác” làm sạch xã hội với hàng ngàn vụ bắt bớ, đàn áp bất kì ai nghi ngờ là gián điệp, cảm tình viên Cộng sản hay chống lại nền Đệ tam Cộng hòa và ông tuyên bố trước 20.000 sinh viên đại học Seoul:
“Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mỵ dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”
Park Chung Hee đã làm đúng như lời ông nói.
ĐIỀU HÀNH KINH TẾ
Trong quá trình điều hành quốc gia của mình, ông đã có công lớn trong việc tiến hành cải tổ lại toàn diện đất nước, đặc biệt là về mặt kinh tế, xã hội để chính từ đó, Hàn Quốc bước vào thời kỳ phát triển thần tốc và trở thành một trong những siêu cường của châu Á như ngày hôm nay.
Ngành công nghiệp Hàn Quốc đã chứng kiến sự phát triển vượt trội dưới sự lãnh đạo của Park. Park đã xem mô hình phát triển của Nhật Bản, đặc biệt là Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (MITI) liên kết với các tập đoàn (gọi là Keiretsu) như một ví dụ cho Hàn Quốc. Park mô phỏng MITI bằng cách thành lập Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) và Ủy ban Kế hoạch Kinh tế (EPB). Hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong việc mở rộng xuất khẩu của Hàn Quốc đã giúp dẫn đến sự tăng trưởng của một số công ty Hàn Quốc thành các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc ngày nay như Samsung, LG, Huyndai, Daewoo, SK, Doosan, Kumho….Dưới chính thể Park Chung Hee, Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ từ đói nghèo và trở thành con hổ châu Á.
Một dấu hiệu cho thấy sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc là năm 1969 có 200.000 TV đang hoạt động ở Hàn Quốc và đến năm 1979 đã có sáu triệu máy. Năm 1969, chỉ có 6% gia đình Hàn Quốc sở hữu một chiếc tivi; vào năm 1979, bốn trong số năm gia đình Hàn Quốc sở hữu một chiếc TV.
Năm 1960 GDP Hàn Quốc chỉ là 82 USD/người/năm. Dưới sự lãnh đạo của Park, đến năm 1975, thu nhập trung bình của Hàn Quốc là 1.310 USD/người/năm và dù Park bị ám sát năm 1979, nền tảng mà ông tạo ra giúp đất nước tiếp tục tăng trưởng tới mức 10.000 USD/người/năm vào năm 1992, trở thành nước công nghiệp mới.
Những kỳ tích của Hàn Quốc đã được gọi là phép màu trên sông Hàn (Miracle on the Han River)
NHỮNG LẦN BỊ TRIỀU TIÊN ÁM SÁT
Năm 1961, nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Il-sung đã bí mật gửi Hwang Tae-song, một người bạn cũ của Park Chung-hee và là thứ trưởng bộ thương mại tới Hàn Quốc với hy vọng cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên Park đã quyết định xử bắn Hwang.
Sau năm 1967 giới lãnh đạo Triều Tiên kết luận rằng phe đối lập trong nước không còn là thách thức nghiêm trọng đối với sự cai trị của Park Chung Hee. Triều Tiên quyết định thành lập một đội đặc nhiệm 31 người, lấy tên là đơn vị 124 để vượt biên giới ám sát Park tại dinh Tổng thống (Nhà Xanh, tiếng Hàn là Cheongwadae) tháng 1/1968. Cuộc tấn công thất bại nhưng đã khiến 26 người Hàn Quốc thiệt mạng và 66 người bị thương, trong đó có 24 thường dân. 29/31 lính Triều Tiên bị tiêu diệt, 1 người bị bắt sống.
Vào lúc 10:23 ngày 15 tháng 8 năm 1974 nhân ngày Quốc khánh, một người ủng hộ Bắc Triều Tiên là Mun Se-gwang nổ súng ám sát Tổng thống Park Chung-hee tại nhà hát Quốc gia ở Seoul khiến vợ ông, Yuk Young Soo bị thương nặng. Cuộc phẫu thuật đã không thể cứu sống bà và bà qua đời vào lúc 7:00 tối cùng ngày.
CÁI KẾT CỦA NHÀ ĐỘC TÀI
Park Chung Hee bị chỉ trích và lên án mạnh mẽ như một nhà độc tài, thủ tiêu dân chủ cũng như xâm phạm nghiêm trọng những quyền con người trong suốt thời gian tại vị. Ông cho rằng nền dân chủ tự do kiểu phương Tây không phù hợp với Hàn Quốc và vì sự ổn định để phát triển, đất nước cần một “nền dân chủ kiểu Hàn Quốc” với một vị tổng thống mạnh mẽ, không khuất phục. Nhiều người Hàn Quốc đã trở nên không hài lòng với sự cai trị chuyên quyền của ông cũng như các hạn chế được đặt ra đối với các quyền tự do cá nhân.
Vào ngày 26 tháng 10 năm 1979, sau một cuộc tranh cãi Park đã bị Kim Jae-gyu, giám đốc của cơ quan tình báo KCIA bắn chết sau một bữa tiệc tại một ngôi nhà ở Gungjeong-dong, Seoul. Ông được chôn cất với đầy đủ nghi thức quân sự một cách danh dự tại nghĩa trang Quốc gia. Kim Jae-gyu, người giết Park đã bị treo cổ vào ngày 24 tháng 5 năm 1980.
================
Cuộc thăm dò do Hãng Gallup Korea thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm độc lập của Hàn Quốc (1945- 2025) cho kết quả: 44% người được hỏi chọn Park Chung-hee là vị Tổng thống tốt nhất trong lịch sử, tiếp theo là các ông Roh Moo-hyun (24%) và Kim Dae-jung (14%). Hãng Gallup đã lấy ý kiến của hơn 2.003 người lớn tuổi, từ ngày 28-30/7 và từ 4-6/8. Vị Tổng thống để lại nhiều đánh giá trái chiều trong lịch sử Hàn Quốc đã dẫn đầu cuộc khảo sát về mức độ yêu quí mà người dân nước này dành cho các đời chủ nhân Nhà Xanh.
Trong đó, 62% những người ở độ tuổi 50, 71% những người ở độ tuổi 70 đã bỏ phiếu cho ông Park Chung-hee. Trong khi đó, 2/3 những người từ 20 đến 30 tuổi lựa chọn hai vị Tổng thống gắn liền với chính sách Ánh Dương là Roh Moo-hyun và Kim Dae-jung. Theo Yonhap, điều này cho thấy khoảng cách thế hệ khá lớn do hiểu biết và cảm nhận từng giai đoạn lịch sử khác nhau.