“OVERLOVE” – KHI TÌNH YÊU “QUÁ KHỔ”

TẠI SAO YÊU AI ĐÓ QUÁ NHIỀU KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG LÀ CHUYỆN TỐT? 

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta khi rơi vào tình yêu thường sẽ cảm nhận được một làn sóng cảm xúc ấm áp và tình cảm mãnh liệt dành cho đối phương. Thậm chí đối với những người với vẻ ngoài dường như sắt đá và mạnh mẽ nhất – cũng dễ dàng sợ hãi khi tưởng tượng về một cuộc sống thiếu vắng người mà họ xem là quan trọng nhất cuộc đời. Overlove = to love over excess. 

Có lẽ, được yêu và yêu thương người khác là một trong những trải nghiệm đẹp nhất trong đời mỗi con người, và có lẽ chính tình yêu là thứ luôn tồn tại ngay cả khi vạn vật trên thế giới này từng không thoát khỏi diệt vong. 

Thế nhưng, tình yêu có lẽ không phải chỉ luôn luôn tươi đẹp và tràn đầy niềm vui sống – đôi khi, tình yêu được trao đi quá nhiều, vượt quá mức độ mà người ta có thể nhận được – nó trở nên ám ảnh và day dứt, nó biến thân thành một con quái vật ẩn nấp duới vỏ bọc quan tâm hay thậm chí khiến người nhận cảm thấy gượng ép và bức bối. 

Đó là khi một ai đó yêu thương người khác sâu đậm và mãnh liệt đến mức trao đi cả một đại dương tình yêu, thậm chí là khiến cả 2 người bị nhấn chìm sâu trong nó.

TÌNH YÊU VS. TÌNH YÊU “QUÁ KHỔ” 

Chúng ta từ nhỏ đã được tiếp xúc với những câu chuyện về tình yêu qua các câu chuyện cổ tích, như nàng tiên cá đánh đổi giọng hát độc nhất vô nhị của bản thân để đổi lấy đôi chân đi tìm hoàng tử; như nàng lọ lem phải lòng chàng hoàng tử và ao ước được sống trọn đời với người ấy dù không hề biết rõ con người của chàng ta; như nàng công chúa Belle bị kiểm soát và giam giữ bởi chàng quái vật, rồi phải lòng anh ta sau khi nhận được sự quan tâm (như hội chứng Stockholm í nhỉ),.. khi lớn lên, phim ảnh và các câu chuyện trong cuộc sống lý tưởng hoá tình yêu rằng: ta đánh mất bản thân, mờ đi lí trí khi yêu là một điều bình thường. 

Chỉ cần nghĩ đến việc khiến người kia hạnh phúc, trái tim của kẻ đang yêu đã dễ dàng đánh rơi mất một nhịp. Khi rời xa họ, dường như nỗi nhớ da diết bám theo ta mỗi một giây phút trôi qua. 

Thế nhưng, tình yêu trở nên quá mức day dứt là khi một người bắt đầu cảm thấy rằng bản thân có nghĩa vụ và trách nhiệm phải luôn quan tâm và lo lắng đến hạnh phúc của người kia.

Là khi gặp được một ai khiến tim rung lên, họ không thể chỉ cho đi một nửa hoặc một mức độ vừa đủ. Họ không biết thế nào là giữ lại cho chính mình, điều duy nhất họ luôn làm khi là một người “overlove” chính là cho đi tất cả, là đặt người kia ở vị trí ưu tiên . Họ muốn chiều theo đối phương một cách tuyệt đối chỉ cần người ấy vui, họ nghĩ mọi cách để làm người kia hài lòng. Mục đích mỗi ngày của họ là làm sao để biến người kia trở thành người tình hạnh phúc nhất thế gian. 

Là khi họ cảm thấy cuộc sống trống vắng và vô nghĩa khi những việc họ làm thiếu vắng người kia bên cạnh. Là khi họ cảm thấy bản thân luôn muốn cho đi hơn là nhận lại, cảm giác dâng hiến tất cả những điều mình có thể làm. Họ yêu đến mức bản thân dần thấy đớn đau và thậm chí là đánh mất chính bản thân mình. Điều này có thể khiến họ mệt mỏi và cảm thấy đau đớn tự hỏi tại sao người kia lại không yêu họ được nhiều như cái cách mà họ trao đi? Mỗi khi người kia đặt ra các ranh giới hay yêu cầu khoảng thời gian riêng cho bản thân, hay đơn giản là thấy người kia vui vẻ và hạnh phúc khi ở bên cạnh gia đình và bạn bè lại khiến họ thấy tủi thân, lại nghĩ rằng sao người kia có thể vui đến vậy khi không có mình? 

Vì luôn yêu quá nhiều, khiến họ trở thành người mang nhiều suy nghĩ. Đôi lúc, nó trở thành những mối lo lắng không đáng có và tự vấn rằng liệu mình đã đủ tốt? Là khi nỗi sợ bị bỏ rơi xảy ra thường xuyên, khi giá trị bản thân liên tục lên xuống đánh đu như hình vẽ parabol – họ tự hỏi tại sao người kia lại không có mong muốn quấn quít họ như họ luôn làm? Dẫu vậy, với những người có xu hướng “overlove” – dù đôi lúc cảm thấy giá trị bản thân bị hạ thấp, hay khi thứ họ cho đi được nhận lấy một cách hờ hững và bị xem là điều hiển nhiên – họ vẫn không ngừng cống hiến, hay thậm chí là hi sinh mong muốn của bản thân và không ngừng nghĩ về việc làm sao để khiến người kia hạnh phúcHọ sẵn sàng từ bỏ những sở thích cá nhân, những hoạt động mà trước kia mình luôn tận hưởng, gạt đi thời gian bên cạnh người thân và gia đình. 

Cảm xúc của họ tỉ lệ thuận với cách mà người kia đối xử với họ – hạnh phúc trào dâng tựa như chạm đến tận mây xanh khi người kia xem họ là tất cả; và như bị đẩy rơi xuống địa ngục khi người kia làm cho họ cảm thấy bản thân không phải là điều quý giá nhất cuộc đời. Đối với những người mang theo tình yêu “quá khổ” – tình yêu là toàn bộ cuộc sống. Họ yêu người khác đến mức không biết cách quay đầu. Họ dường như quên mất rằng con người chúng ta vốn dĩ được sinh ra là những cá thể độc lập, chứ không phải dính chặt lấy một sinh vật sống khác để nuôi nấng nhịp đập cho trái tim mong manh của chính mình. 

TÌNH YÊU VÀ SỰ TỰ DO 

Như Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Nếu bạn yêu một ai đó hãy để cho người ấy cảm thấy tự do.” Hay như trong bài nói về “tình yêu độc hại” của Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, thầy đã nói rằng: “tình yêu thực sự là khi ta có quyền được phạm sai lầm.” 

Nhiều người lầm tưởng rằng ta có quyền lực tác động lên người yêu, rằng nếu họ yêu ta, những điều họ làm điều liên quan đến ta. Từ đó, nhiều người xem người yêu như những con tin, họ mong muốn người đó phải luôn nghĩ đến mình trong tất cả mọi quyết định dù đơn giản nhất. Tình yêu quá khổ đôi khi biến thành sự kiểm soát, thành những luật lệ và quy định khắt khe đặt lên người khác dưới danh nghĩa tình yêu. 

Tình yêu “quá khổ” đôi khi không chỉ xuất hiện trong tình cảm đôi lứa, mà còn là tình yêu giữa bố mẹ và con cái. Vì quá ám ảnh về hạnh phúc của người ta yêu, bố mẹ sẵn sàng tham gia vào mọi quyết định trong cuộc sống của con cái, họ bao bọc và tự vẽ ra những đường đi an toàn để đứa trẻ không phải vấp ngã. Nhưng họ lại quên mất rằng, ai cũng cần phải lớn lên. Sự bao bọc quá mức khiến đứa trẻ mất phương hướng, hay thậm chí là đi ngược lại với mong muốn riêng của chính nó, từ đó tình yêu trở thành ngục tù. 

LIỆU YÊU QUÁ NHIỀU CÓ PHẢI LÀ TÌNH YÊU? 

Nếu như một ai đó yêu đến mức không thể nghĩ về bất cứ điều gì khác, họ không thể quan tâm đến điều gì khác trừ người đó, có lẽ là lúc nên thành thật rằng: liệu họ có đang cảm thấy đó là tình yêu hay không? 

Có lẽ tình yêu là sự cho đi và nhận lại, là sự tôn trọng cho mong muốn và khao khát của bản thân, là nơi mà cả 2 đều không cảm thấy ngột ngạt hay phải che giấu khát khao của chính mình. Và khi bận tâm đến một ai đó quá nhiều đến mức quên đi hình ảnh và giá trị của bản thân – nó có thể trở thành một dạng “nghiện” yêu – là sự phụ thuộc vào tình yêu, giống như ai đó nghiện da diết được sử dụng chất kích thích. 

Họ xem tình yêu như một liều thuốc, như một cách né tránh bản thân, né tránh hiện thực, né tránh những nỗi đau mà chỉ cần thôi nghĩ về người đó – họ sẽ phải đối mặt với chính những đau đớn trống rỗng bên trong. Và họ tìm đến tình yêu – như một phương thuốc trốn chạy, vậy liệu đó có phải tình yêu khi mục đích của họ khi tìm đến đối phương là để trốn chạy chính mình? 

Và đôi khi, việc yêu thương quá nhiều chính là điểm yếu chết người của một người, là nhược điểm mà bản thân họ luôn không biết hoặc không thể vượt qua, là nơi mà chốt chặn phòng vệ của họ mong manh nhất. 

Nguyễn Lê Hoài Thương,

Psychological facts – Tâm lý học Việt Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *