Chiều, trời vẫn còn mưa rỉ rả, Kiên nằm trên võng đu đưa, Định nấu cơm làm đồ ăn, Tâm may đồ chục, Tuất xếp những áo đã may xong chuẩn bị ngày mai giao thì Lộc và gã đàn ông buổi sáng tới nữa. Hắn ta ghé đột xuất bắt gặp cảnh Tâm đang ngồi may đồ, khuôn mặt sáng trưng xinh đẹp nói cười vui vẻ bèn la lên:
— Thấy chưa? Người ta nói không sai mà. Dần, ba mới là ba ruột của con, theo ba về Sài Gòn liền đi con, về đó con sẽ là một tiểu thư khuê các chứ không phải ngồi may cực khổ lượm bạc cắc như vậy.
Tâm đứng bật dậy, phản ứng rất nhanh:
— Nói nhảm gì đó cha nội?
Nghe tiếng la của Tâm, Định dưới bếp chạy lên, Tuất và Kiên đứng bật dậy, Kiên dõng dạc:
— Đến đây làm gì nữa?
Lộc nghênh mặt:
— Anh quá đáng lắm nhen. Con gái tui rõ ràng xinh đẹp khéo léo như vậy ông dám cả gan nói nó bị khùng. Tui hiểu ý đồ của anh, muốn chiếm đoạt giọt máu của tui để làm của riêng mà phải không?
Kiên nhíu cặp chân mày, ngạc nhiên:
— Không hiểu ăn nhầm giống gì mà nói chuyện nghe lạ lùng. Con người mà nói của riêng. Nhưng tui cũng nói rõ cho ông biết, nó bây giờ là con gái tui, có khai sinh hẵn hòi, Nguyễn Kiên Tâm con của Nguyến Trung Kiên ông rõ chưa?
Lộc biến sắc:
— Ạ, thì ra anh có ý đồ từ lâu rồi. Nhưng giấy tờ cũng không quan trọng, tui dẫn đi xét nghiệm ADN là nó sẽ biết mình con ai, nó sẽ ngoan ngoãn đi theo ba ruột của mình chứ không thể ở lại chỗ khỉ ho cò gày nầy được.
Định nghe tới đây, tức không chịu nỗi bèn bốp chát:
— Nhưng liệu nó có chịu đi theo loại ba như ông không? Khi nhìn thấy bộ dạng hồi sáng của nó, ông phủ phàng gạt phăng còn biểu nó chết đi. Tui nhớ lúc nó chưa được một tuổi ông cũng hay rủa xả nó chết, đòi bóp mũi vặn họng, ông có thương nó bao giờ chưa mà nay tới đây ba ba con con?
Lộc nheo mắt ngó Định, cười cười:
— Mầy là thằng Tý hả? Khá lắm. Khen cho anh cũng nuôi được thằng nhỏ cao to vạm vỡ giống thằng cha thất bại của nó.
Định xấn tới:
— Ông nói ai thất bại? Hả? Biến ra khỏi nhà nầy mau.
— Ủa, mầy là hàng tiểu bối dám lớn tiếng với tiền bối hả mậy?
Tâm bước tới, nắm vai Lộc đẩy ra ngoài:
— Biến đi, biển khỏi gia đình nầy và khỏi tầm mắt tui, nhanh.
Lộc ngạc nhiên, xoay lại nắm chặt lấy tay Tâm:
— Con làm gì vậy? Ba là ba của con đó.
Tâm vùng tay ra khỏi Lộc, hét:
— Ai là con của ông? Trong nhà nầy không ai có quan hệ gì với ông hết. Biến đi.
Gã đàn ông đi theo lên tiếng:
— Quá đáng rồi, dẫn độ mẹ nó đi cho rồi hơi đâu đôi co.
Tuất rút cây kéo trên bàn máy may ra lăm lăm trong tay:
— Dẫn độ hả mậy? Ai phạm tội mà mầy đòi dẫn độ? Đụng tới con tao tao đâm đổ ruột không cho biết.
Kiên bình tĩnh:
— Báo chính quyền có kẻ gây rối đi Định.
Lộc ha hả cười:
— Ừ, báo đi, báo coi họ xử sao? Con của người ta mà dám khai sinh rồi nhận con mình. Pháp luật nào cho phép anh làm vậy? Báo đi.
Kiên cười khẩy:
— Bình tĩnh mà chờ. Tao có giấy bỏ con của Ngọ, Tâm cũng không có khai sinh nên về mặt pháp lý mầy không có danh nghĩa làm ba, về mặt xã hội mầy đã bỏ bê nó mười mấy năm không hề nuôi dưỡng, mầy lấy lý do gì hôm nay lại đi giành con? Tao hiểu, vợ chồng mầy không thể có con nên muốn đem nó về phụng sự tuổi già. Hay là vợ mầy đang bệnh gì cần con Tâm lên để bắt nó hiến tặng nội tạng?
Lộc bỗng run lên, mặt xanh chành, giọng nói run run:
— Sao anh biểt?
Kiên quay phắt lại, đập tay xuống bàn cái rầm:
— Sao? Đúng vậy à? Quân khốn kiếp, mầy còn nhân tính không mậy? Đem đứa con gái khỏe mạnh đầy ắp tương lai để đổi mạng con mụ vợ giàu có của mầy hòng lấy lòng hay sao? Mầy cấp tốc biến ra khỏi nhà tao không thôi tao kêu công an còng đầu mầy đó.
— Anh Hai, anh…
Định và Tâm bước tới, Tâm vố vào mặt Lộc một bạt tay, Lộc la lên:
— Sao con dám đánh ba mình như vậy? Trời phạt con đó.
Tâm hậm hực:
— Tui không đánh cha mình, tui đánh con người khốn nạn chỉ đem lại cho tui những đe dọa.
— Con đừng tin những gì ổng nói, ổng chỉ muốn giữ con và chị con để sau nầy được nhờ cả tiền bạc và thể xác thôi.
Một bộp tay nữa, lần nầy là của Định:
— Đúng là miệng chó không mọc được ngà voi. Tui cấm ông xúc phạm cha tui. Đi ngay, đi liền.
Bốn người trong nhà dàn hàng ngang để đuổi, gã đàn ông đứng dậy, liểc nhìn Lộc, chửi:
— Tao không thấy ai ngu như mầy, mới bị hù một câu đã khai ra. Lần nầy thất bại để coi mầy ăn nói làm sao với bả trong khi đã hứa chắc như đinh đóng cột sẽ đem được nó lên để ghép tim cho bả. Phải chi hồi sáng bắt mẹ nó đi cho rồi. Khùng thì còn dễ ra tay hơn.
Lộc lừng khừng định quay lại thì Tâm đã phang cái thau nhôm để bán vào mình hắn, hét lên:
— Đi.
Định nói với theo:
— Tui đi báo chính quyền, từ nay ông đừng hòng tới cái xứ nầy, em tui có bề gì tui giết ông đó. Thật kinh khủng. Có nằm mơ cũng nghĩ không ra con người đê tiện như ông.
Tuất cầm cây kéo đưa lên:
— Mầy đi chưa?
Lộc thất thiểu bước ra khỏi nhà. Trời đang mưa tầm tã.
Tâm ngồi xuống ghế, hai tay ôm vai, khuôn mặt vừa căm tức vừa hoảng loạn, nó rùng mình liên tiếp mấy cái. Tuất ôm lấy con gái, chảy nước mắt. Kiên trìu mến nhìn Tâm. Định nói:
— Để con làm tờ trường tình gửi công an cha à, lỡ chả túng quá làm ẩu lén bắt em con thì sao? Từ nay sau giờ học giá nào cũng phải chờ anh đón nghe hôn?
Tâm thất thần, tiếng nói như rớt vào thinh không:
— Thật không thể tưởng tượng nổi, ổng sẽ giết con mà lấy nội tạng thay thế cho vợ ổng, con chết cũng không được toàn thây sao?
Kiên thương đứt ruột:
— Không sao đâu con, cả nhà sẽ bảo vệ con.
Tâm đứng thẳng người, giơ một tay lên trời, nghiến răng:
— Con thề có trời đất chứng giám, sau nầy làm bác sĩ, ổng mang bịnh nan y vào đúng chuyên môn của con, con cũng sẽ ngoảnh mặt không điều trị.
Thời gian qua mọi việc rồi cũng tạm lắng dịu, cả nhà hân hoan đón Dung ra trường với bằng tốt nghiệp loại khá.
Tuất làm gà vịt chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn cho con gái. Trong lúc mọi người vui mừng hỉ hả thì Dung mang con heo đất ra đặt trên bàn, âu yếm nhìn mẹ:
— Con tặng má con heo nầy là con cuối cùng của thời nghèo khó. Từ nay trời quang mây tạnh rồi, anh em con sẽ cầm tiền mặt đưa cha má chứ không ki cỏm như vầy nữa.
Tuất rươm rướm nước mắt:
— Cha má không quan tâm các con có cho tiền hay không, quan trọng là các con sống đầy đủ thoải mái là cha má vui rồi. Nuôi các con không phải để sau nầy nhận lại bạc tiền, chỉ cần các con thương yêu nhau và luôn nhớ về cha má là được.
Dung nói:
— Không có tấm lòng bồ tát của cha má anh em con không được như ngày nay. Cha à, con có chuyện nầy thưa với cha, công việc của con chắc chắn là phải lên tận tỉnh mới có, lên đó rồi cũng phải ở trọ chứ không về nhà được mỗi ngày mà cũng chẳng có điều kiện tiến thân nữa, con nhớ hôm cha đưa anh Hai đi thi, cha cứ tiếc là không có người quen ở Sài Gòn, nay nếu cha má cho phép, con sẽ xin việc ở đó, để trong thời gian Tâm học Y có con lo cho nó cha má đỡ lo hơn. Chứ có ba đứa con mà đứa một nơi cha má sẽ nhớ và sẽ mỏi chân đi lại. Sau khi nó ra trường tính tiếp nữa hén cha?
Kiên trầm ngâm, Tuất hoảng hốt:
— Đi nữa hả? Trông con ra trường về với cha má mà giờ đi nữa?
Định xen vô:
— Con thấy ý kiến Dung hay đó cha má, dù gì mình cũng không thể để Tâm sống một mình, ở nhà có con rồi, cha má thì con lo.
Kiên nhìn Định:
— Con cũng bộn tuổi rồi đa, phải lo vợ con nữa chứ.
Định cười cười:
— Chừng Ốc Ờ ra trường con mới tính. Mà có vợ cũng ở chung với cha má chứ đi đâu? Con không có ở rễ à nha.
Mọi người cùng cười. Kiên quyết định:
— Các con tính sau cha cũng đồng ý hết. Yêu cầu đứa nào cũng tốt nghiệp ĐH là cha mãn nguyện rồi.
Dung mừng rỡ:
— Con cũng tính qua rồi. Năm nay Ốc Ờ học 12, con có một năm làm việc, tiền lương sẽ phụ gia đình, năm sau con lo cho nó. Vậy là nhà mình từ nay sẽ sống thoải mái, cha không cần vá dép, má cũng khỏi ráp đồ nữa, dành thời gian nghỉ ngơi để từ từ hưởng phước.
Tuất trề môi xì mà trong lòng thấy hạnh phúc vô bờ, Tâm đứng dậy, múa may:
— Con sẽ là một Ốc Ờ giỏi nhất của thời đại.
Cả nhà đồng thanh ” Chảnh cà”.
Viễn cảnh vô cùng tươi sáng. Tuất nhìn ba đứa con, Định cao lớn vạm vỡ, rất đẹp trai mà sao chị chưa từng nghe nó hẹn hò với cô gái nào. Hễ mỗi lần nhắc đến chuyện cưới vợ nó đều nói chờ các em ra trường và phải 30 tuổi mới thành thân.
Dung và Tâm thì đẹp, đẹp quá. Tuất hài lòng và hãnh diện khi nhìn chúng, nhất là khi ra đường ai cũng khen anh chị khéo nuôi dưỡng bọn trẻ ngoan ngoãn và thành đạt. Nếu như Tâm đỗ vào ĐHYK thì tâm nguyện của vợ chồng chị coi như hoàn thành. Đôi khi chị cũng nhớ về đứa em ruột nông nỗi của mình, chị cũng mong nó hồi tâm trở về chung sống với chị, Tuất sẽ bảo chúng nó tha thứ cho mẹ nhưng sau khi gặp Lộc rồi chị gạt phăng suy nghĩ đó, cùng một loại người, không biết khi Ngọ trở về sẽ gây thêm phiền phức gì nữa.
Niềm vui vở òa khi năm sau, Tâm nhận được giấy báo trúng tuyển vào ĐHYK với số điểm cao chót vót. Đây là lần đầu tiên khi biết các con đậu ĐH, Kiên khóc ròng vì vui mừng.
Kiên nhớ, hôm đưa Tâm đi thi ĐH, anh đang bị sốt liên tiếp mấy ngày, Định không cho anh đi theo, Tâm cứ khóc và lẩn quẩn bịn rịn với anh nhưng Kiên nhất định phải đi, vậy là ba cha con bỏ lại một mình Tuất ở nhà, đùm túm nhau đưa Ốc Ờ đi thi Ốc Ờ.
Tới SG có Dung đón, bốn cha con chùm hum trong căn phòng trọ thật là vui, Dung mượn bạn chiếc honda để Định đưa Tâm đi thi, nó xin nghỉ 2 ngày bắt anh đi khám bác sĩ tư, mua thuốc lủ khủ dù anh chỉ bị cảm sốt thông thường. Dung đi chợ, làm cơm và hủ hỉ suốt ngày với anh. Kiên rất hạnh phúc và anh thấy việc để Dung đi làm ở SG là quá đúng đắn.
Nhận giấy báo xong, Tâm mừng rơi nước mắt ôm lấy từng người. Xong rồi lại khóc lớn hơn:
— Hồi nào giờ chưa từng sống xa cha má, nay đi một hơi năm năm nhớ sao chịu nổi?
Tạo hóa cũng trớ trêu, đúng ngày cả gia đình mở tiệc ăn mừng thì Ngọ xuất hiện trên chiếc xe bốn chỗ báo lộng, nghênh ngang tự đắc, diêm dúa trong bộ áo quần thời trang và mặt đầy son phấn. Cô ta về quê cũ sau 17 năm ra đi biền biệt.
Xe đỗ xịch trước cửa nhà, Ngọ tỉnh bơ bước vào mặt dương dương, lớn tiếng gọi:
— Chị Hai ơi chị Hai, tui dìa rồi nè.
Cô ta đưa mắt quan sát thật nhanh ngôi nhà, cười tủm tỉm khi nhận ra tiệm tạp hóa của chị mình đang rất là hưng thịnh, nhìn lên vách tường có treo mấy bức ảnh cả gia đình chụp chung, khuôn mặt ai nấy cũng rạng rỡ với nụ cười thật tươi làm cô ta cảm thấy chạnh lòng.
Tuất đứng chết sửng khi nhìn thấy Ngọ, linh cảm có chuyện chẳng lành, chị bàng hoàng:
— Mầy đi đâu biệt bao nhiêu năm nay giờ trở về làm gì?
Ngọ nghênh ngang:
— Ủa, đi đâu là chuyện của tui mắc gì chị quản. Ba đứa trong hình là con của tui đó hả?
Tuất điếng người chưa biết trả lời sao thì Kiên và ba đứa con từ nhà bếp bước lên, Kiên từ tốn:
— Không có đứa nào là con của dì cả, chúng là con của tui.
Ngọ quay phắt lại, nhìn thấy Kiên lòng bỗng dịu lại, cô lịch sự gật đầu:
— Anh Hai.
Rồi đưa mắt nhìn từng đứa con, Ngọ ngạc nhiên khi thấy chúng lớn phổng phao và xinh đẹp. Cô hoàn toàn không thể tưởng tượng những đứa con của mình nay lại trở nên thanh lịch như vậy. Nhưng sao chúng cứ đứng trố mắt nhìn cô mà chắng đứa nào tỏ ra mừng rỡ đón chào mẹ của mình? Cô ríu lưỡi:
— Thằng Tý, con Sửu và con Dần đây hả chị Hai?
Tuất gật đầu trong vô thức, thấy thái độ của chị như vậy, Định hiểu ngay tình ruột thịt đang xao động trong lòng má mình, nó hỏi, tiếng nói rổn rảng:
— Ai vậy má?
Ngọ ngạc nhiên:
— Trời, các em con có thể quên, còn con thì sao lại không nhớ mẹ mình chứ.
Kiên buông lời cố ý cho Định hiểu và giải quyết:
— Người nầy tên Ngọ, là em ruột của má các con.
Ba đứa trẻ đều khom người xuống, đồng thanh:
— Chào dì.
Ngọ bức bối:
— Dì? Sao lại là dì? Mẹ là mẹ ruột, sinh ra các con đó.
Định dửng dưng:
— Dì ở chơi nói chuyện với cha má…tui. Đi hai em, xuống hoàn tất công việc đang bỏ dở.
Nó cặp cổ Dung, Tâm. Hai đứa ngoan ngoãn cười ríu rít đi theo anh trai. Ngọ ngơ ngẩn nhìn theo, tức tối:
— Anh chị dạy con tui cái kiểu gì vậy? Mẹ ruột nó mà nó coi không ra gì là sao?
Kiên liếc ngang, không thèm nhìn mặt Ngọ:
— Ủa? Dì đã từ chối quyền làm mẹ sau khi bỏ đi một năm rồi, nay trở về hạch sách tui hả? Tụi nó giờ đã hiểu chuyện, nó phản ứng hay quyết định như thế nào là quyền của nó tui không can thiệp.
— Tui từ chối quyền làm mẹ hồi nào? Có ai làm chứng không?
— Có đó. Là tờ giấy dì viết, nểu một năm sau dì không về thì coi như bọn chúng là con của vợ chồng tui.
Ngọ chợt nhớ ra, lắp bắp:
— Tại lúc đó tui nghèo quá nên quẩn trí.
— Sau đó dì cũng có tiền rồi, mà mười mấy năm nay không về tìm thăm hay chu cấp cho con?
— Tui biết anh chị có khả năng nuôi mà.
— Vậy hôm nay về làm gì?
— Bây giờ tui có nhà cửa rồi, muốn đem tụi nó lên ở chung cho mẹ con đoàn tụ để tính chuyện dựng vợ gả chồng cho tụi nó đỡ phiền hà anh chị. Nó sống thoải mái sẽ không quên công nuôi dưỡng của hai người đâu.
Định từ đâu bỗng xen vào:
— Vậy là dì nghĩ tụi tui hiện giờ sống không thoải mái hả? Dì sai lầm rồi. Anh em tui được cha má thương yêu, nâng niu như trứng mỏng, học hành tới nơi tới chốn, ba đứa ba bằng ĐH, tui và Dung đều có việc làm ổn định, Tâm vừa mới đậu ĐHYK, dì có thể làm được như vậy không? Hiện tại chúng tôi sống như vầy có cần về ở với dì để thoải mái hơn không? Buồn cười.
Ngọ tái mặt, cô bước tới định nắm tay Định nhưng nó dịch ra xa, Ngọ phân trần:
— Con không hiểu đâu. Người đàn bà hai lần bị chồng bỏ, xấu hổ nhục nhã ra sao con có biết không? Mẹ phải tự giải phóng mình, làm lại cuộc đời mới để chứng tỏ cho mọi người thấy mẹ không phải là loại bỏ đi.
Dung và Tâm cũng bước lên, cười khì sau câu nói của Ngọ:
— Dì muốn chứng tỏ mình là người vĩ đại nên sẵn sàng buông bỏ người chồng tào khang để đi ngoại tình, buông bỏ đám con nheo nhóc chạy theo cuộc sống xa hoa, bao nhiêu năm nay chưa một lần quan tâm chúng sống chết ra sao nay trở về mẹ mẹ con con với ý định gì?
— Ai nói với con mẹ buông bỏ người chồng tào khang?
— Ai nói? Sự thật rành rành, anh em tui đã gặp ba của mình rồi, đó là một người đàn ông chơn chất thủy chung.
— Bây giờ… bây giờ… Ổng ở đâu?
— Bà hỏi để làm gì? Hãy để cho ba tui yên.
Ngọ lắc đầu, lấy lại bình tĩnh:
— Ổng mà các con tha thứ được sao lại gọi mẹ bằng dì?
Tâm, từ khi Ngọ bước vào nhà chưa từng lên tiếng, giờ cũng bức xúc:
— Vì bà là em của má, em của má thì gọi bằng dì, vậy cũng hỏi. Mà hôm nay là làm bữa cơm ăn mừng tui vừa đậu ĐH, gia đình không muốn có người ngoài, dì nói xong chưa? Xong rồi thì mời dì về để cả nhà tui dùng cơm.
Ngọ bật khóc:
— Các con đối xử với mẹ mình vậy sao?
Tuất, trước những giọt nước mắt của em gái, chị bỗng nao lòng. Nhưng chợt nhớ đến Lộc, Tuất bỗng nổi cơn thịnh nộ:
— Mười mấy năm nay gia đình bình yên, bây giờ sóng gió cứ đến hoài. Hôm rồi là thằng Lộc tới đòi bắt con, tưởng sao, nó định đem con nhỏ đi đặng lấy tim thay cho con vợ nó.
Ngọ há hốc mồn:
— Hắn…tìm tới đây rồi à?
Kiên đang ngồi trên ghế, nhỏm người lên:
— Dì biết chuyện thằng Lộc à?
— Có biết. Cách đây mấy năm, nó đến sống chung với tui, cũng tại nó mà tui mất một chỗ kiếm tiền lớn. Sau đó nó cuỗm của tui một số bạc rồi biến đâu mất, tui cho người điều tra thì biết nó đang ở trong nhóm người buôn bán nội tạng ra nước ngoài. Tui đã gặp nó đòi tiền thì nó trơ tráo hâm he sẽ bắt tui giao cho băng nhóm của nó. Tui sợ quá nên dọn đi chỗ khác sợ nó nổi khùng làm bậy. Ai ngờ con ruột nó cũng không tha, nó đem bán người chứ vợ con nào bịnh mà thay tim. Như vậy thì con Dần nguy hiểm quá, anh chị nên cho hai đứa con gái theo tui để tui bảo vệ nó.
Dung la lên:
— Dẹp bà đi, chị em tui sẽ bảo vệ nhau. Tụi tui cũng không cần sự đùm bọc bảo trợ của bà. Lúc xưa, bà và ông Lộc ôm hai cái ống heo của anh em tui chắt mót từng đồng có nghĩ là tụi tui buồn lắm không? Nếu không có cha má, anh em tui đã đầu đường xó chợ, ăn mày lòng thương của người đời chứ được như bây giờ sao? Bà đâu có hiểu, để cho chúng tôi được ăn no mặc ấm, được quần lành áo tốt tới trường, cha má tui đã vất vả như thế nào. Đường đường là một nhà mô phạm mà cha tui phải ngồi vá từng chiếc dép lấy công vài ngàn đồng, má tui lo trăm ngàn chuyện, bé Tâm còn ẳm trên tay mà tranh thủ may thêm kiếm từng xu từng cắc. Bà biết không? Lúc ở với bà, Tâm khóc lè nhè mà về với má là cười nói bi bô. Cha tui tập nó nói từng tiếng, đi từng bước. Cao quí hơn là cha má tui không sinh con để toàn tâm toàn ý nuôi chúng tôi. Anh em tui có tuổi thơ hạnh phúc vui vẻ trong vòng tay cha má. Bây giờ, cuộc sống của gia đình đã khá hơn nhưng nếu nghèo như xưa chúng tôi vẫn chọn nơi nầy, bà đừng hy vọng đưa bọn tui đi đâu cả.
Dung nói một thôi dài. Ngọ đứng ngẩn ra một chút rồi ngồi bịch xuống ghế, nước mắt rưng rưng:
— Mẹ không hối hận vì những chuyện xẩy ra trong quá khứ. Bởi vì bây giờ mẹ cũng có cuộc sống đầy đủ, dì Hai nuôi các con cũng là lẽ đương nhiên vì dì cũng như mẹ. Nếu các con về với mẹ thì sẽ có cuộc sống tốt hơn. Mẹ cũng không ngăn cấm các con báo hiếu cho dì dượng vì suy cho cùng họ cũng là ruột thịt của mình.
Không chịu nổi những lời nói của Ngọ, Định hét lên:
— Thôi bà im đi bà ơi, giọng điệu của bà giống như đang ban phước cho người ta.
Tâm:
— Bà về là vừa rồi. Tui đói bụng rồi nhen. Cơm xong tui còn phải thu xếp đồ để đi học nữa. Bà yên tâm đi, SG đối với anh em tui cũng không lạ lẫm gì đâu, không cần ở với bà mới biết.
Tuất cảm thấy đau lòng, vừa thương vừa giận nhỏ em, chị dàn xếp:
— Thôi, đã về tới rồi thì ở lại ăn bữa cơm, việc có nhìn nhận con hay không thì để bọn trẻ quyết định.
Không ngờ ba đứa nhỏ phản ứng kịch liệt:
— Tụi con không ngồi ăn cơm chung với bả đâu má.
Ngọ thật sự bàng hoàng, cô không thể nào tưởng tượng được các con chính mình rứt ruột đẻ ra lại mang mối hận trong lòng thâm sâu như vậy. Ngọ suy nghĩ hoài không biết mình sai chỗ nào, do nghèo quá và thất chí khi bị chồng bỏ, mới 28 tuổi đời chẳng lẽ phải chịu cảnh góa bụa không chồng? Gửi con cho chị ruột nuôi là chuyện bình thường thôi có gì mà phải phẫn nộ như vậy? Ừ thì trong hoàn cảnh khó khăn phải nuôi thêm ba miệng ăn cũng có phần vất vả nhưng Tuất là người giỏi giang, buông cái nầy bắt cái nọ còn Kiên thì nhân hậu, Ngọ tin họ sẽ nuôi nổi ba đứa con của cô, cho chúng một gia đình hạnh phúc. Bao năm qua lăn lóc chốn phong trần, qua tay không biết bao nhiêu là đàn ông Ngọ luôn đinh ninh rằng bất cứ khi nào cô muốn, bọn trẻ sẽ lao vào vòng tay của cô. Bây giờ, thật ra Ngọ vẫn đang vợ tạm chồng hờ với gã ba Tàu giàu có nhưng hay ghen tuông, hắn ta thường xuyên đánh đập và cúp tiền chu cấp cho cô. Cuộc sống của Ngọ bấp bênh, cô lo sợ một ngày nào đó nhan sắc tàn phai sẽ bị hắn bỏ rơi nên tiền dành dụm được cô đem ra một lần đi Thẩm mỹ viện hết để hy vọng mồi chài tên nhà giàu khác. Mới có một gã lọt vào tầm ngắm của cô thì Ngọ đã bị hắn dần cho một trận phải trở vào mỹ viện lần nữa hết sạch tiền còn mang nợ.
Hôm rồi vô tình gặp lại Tuyết, người bạn thời thơ ấu và qua Tuyết, Ngọ biết các con mình đã thành đạt, Ngọ mừng lắm, cô quyết định trở về bắt con, cô sẽ dùng đủ mọi cách, từ việc hung hăng tráo trở hoặc quì lạy van xin vợ chồng Tuất để đem các con về, chúng sẽ lo cho cô tuổi xế chiều. Ngọ chỉ ngại anh chị mình chứ hoàn toàn chưa tính ra kế hoạch đối phó với đám con. Tình huống bất ngờ nầy xẩy ra làm Ngọ mất thế chủ động. Cô cứ đứng tần ngần mãi như vậy đến khi tài xế xe hối thúc:
— Nhanh lên bà ơi, sắp đến giờ trả xe rồi.
Ngọ đỏ mặt tía tai, chút sĩ diện cuối cùng cũng bị lật ngửa, cô mím môi nhìn Tuất:
— Tui sẽ còn trở lại.
Rồi không chào ai, Ngọ bước ra xe. Định nhìn theo, xoa xoa lòng bàn tay, buột miệng:
— Nhẹ nhàng . Thôi đi ăn cơm.
Tâm ưỡn ẹo:
— Ốc Ờ ói ụng uốn ết à.
Kiên và Tuất nhìn nhau, anh chị cũng bất ngờ không kém Ngọ.
(Còn nữa)