Dung đường hoàng đỗ vào trường ĐH Ngoại Thương sau khi có một buổi nói chuyện với cha má như hai năm trước Định đã xin lỗi cha để vào ĐHSP. Lý do Dung đưa ra là bây giờ hai đứa học ĐH, Tâm mới lớp 7 thì cũng chưa phụ được má may đồ. Hai năm nữa anh hai ra trường con còn hai năm nữa. Bây giờ tập trung kiếm tiền để lo cho Tâm vào Y khoa, Dung nuôi Tâm còn Định phụ với cha má. Kiên và Tuất chỉ cười và tôn trọng quyết định của Dung.
Dung lên SG học ở chung phòng trọ với Định, ngoài giờ học ra hai đứa đi làm gia sư dạy kèm, hôm nào không dạy thì đi phục vụ đãi tiệc cưới cho nhà hàng. Tiền bạc anh em xoay trở cũng đủ sống. Tiền Tuất gửi lên bao nhiêu chúng bỏ vào ống heo hết. Mỗi lần cùng nhau bỏ ống heo, hai anh em đều cười, lần nầy không lo bị đánh cắp nữa.
Mỗi lần anh em về nhà, Tuất đều làm gà vịt cho chúng ăn. Khi đi mang theo gạo, tép rang dừa, gà kho xã để ăn cả tuần sau. Anh em Định không còn nghĩ đó là dì dượng của mình nữa.
Tết về, ngày ba mươi tết, Dung ôm con heo đất ra để trên bàn rồi nhìn anh, Định trịnh trọng nói:
— Đây là lần đầu tiên tụi con thu hoạch heo, xin gửi mừng tuổi năm mới cha má, chúc cha má luôn khỏe mạnh sống lâu với tụi con, chờ Ốc Ờ ra trường. Cha má phải để anh em con báo hiếu nghe.
Kiên và Tuất trố mắt nhìn con heo mập ú trên bàn, Tuất vui chảy nước mắt còn Kiên la lên:
— Trời ơi, tụi bây đi học tiền đâu mà bỏ ống heo?
Tâm đưa tay sờ vào con heo, cười hì hì:
— Cổ lỗ sĩ hết biết. Sau nầy em đưa tiền cho cha má, ai lại bỏ ống heo?
Cả nhà cùng cười, không ai nói để Tâm biết chính ba mẹ ruột của nó đã ôm hai con heo ra đi, cho tới bây giờ, Tâm hoàn toàn tin rằng anh em của nó chỉ có một cha mẹ mà thôi.
Định ra trường về dạy ở Huyện và Tâm là học sinh của Định. Dung đã bước vào năm thứ ba , ở SG một mình. Trước khi về Định đã căn dặn em gái đủ điều dù nó biết Dung là đứa bãn lĩnh. Dung là sinh viên Ngoại thương và Định cũng công nhận, Dung rất đẹp.
Kiên, Định, Tâm mỗi ngày đều đi về, lúc nầy không chu cấp cho Định mà tiền lương bao nhiêu nó đều đưa hết cho má nên gia đình cũng thoải mái về tiền bạc.
Ngoài giờ học, Tâm ráp đồ cho má, nó làm cái gì cũng giỏi và nhanh nhẹn, học vẫn đứng đầu khối và ráp một buổi cả trăm chiếc áo. Lúc nào nó cũng vui vẻ và tươi rói, quấn quít cha má không rời. Tuất rất hài lòng về Tâm, đi đâu cũng luôn miệng khoe còn Kiên thì cưng nó ra mặt. Anh cứ nói hoài ” Nhỏ nầy chừng nữa đi học xa nhớ nó cho coi”.
Vậy mà vào một hôm mưa bão, ba Lộc của Tâm về nhìn con sau hơn 15 năm đi biệt.
Lúc đó, Tâm đang học lớp 11
Từ lúc được bổ nhiệm về dạy Anh văn cho một trường cấp 3 ở Huyện, tháng lương đầu tiên Định đưa hết cho mẹ, Tuất lấy tiền đó cộng với lương của Kiên, tiền ráp quần áo của Tâm sắm chiểc xe Cup 84 đèn vuông cho Định mỗi ngày đèo thêm Tâm đi học. Định nhất quyết để xe cho cha đi dạy nhưng Kiên cũng nhất quyết bắt Định phải đi:
— Cha dạy ở xã, 15 phút là tới trường, còn con và em hai đứa phải đạp cả 30km, cực lắm nên má con mới mua xe, con còn phải dạy thêm ngày mấy bận nữa thời gian đâu mà đạp mỗi ngày.
Kiên nói riết Định phải nhận. Từ đó, mỗi ngày nó chở Tâm đi học, hết giờ chạy ra chợ mua đồ ăn xong trở vô đón em về. Định kiêm luôn việc bổ hàng cho má nó. Anh em cùng đi với nhau Định luôn thổi vào tai Tâm niềm đam mê làm bác sĩ cứu người và chăm sóc sức khỏe cho cha má, nó luôn động viên Tâm thi vào ĐHYK để làm tròn tâm nguyện của người dưỡng dục vì Định biết rõ với sức học của Tâm điều nầy hoàn toàn nằm trong khả năng của nó.
Gia đình đó có hai nguồn lương chính, Kiên và Định lại dạy thêm thu nhập cộng lại nhiều hơn lương, thêm tiền ráp quần áo của Tâm nên cuộc sống rất thoải mái. Quán tạp hóa càng lúc càng nhiều đồ, Tuất bán thượng vàng hạ cám nên tiền lời cũng đủ để sinh hoạt hàng ngày. Tháng nào chị cũng trích ra hai triệu gửi cho Dung mặc dù Dung kêu ít thôi vì tự nó cũng xoay trở được.
Kinh tế khá dần. Mỗi khi Dung về là nhà vui như tết, Tuất làm gà vịt cho cả nhà ăn, làm thêm đồ ăn để Dung mang theo.
Đối với vợ chồng Kiên, như vậy là quá ấm áp rồi. Nghĩ đến cuối năm học nầy Dung ra trường họ càng vui hơn.
Nhưng vào một buổi sáng chủ nhật mưa bão, khi Định đã ra khỏi nhà để đến trường dạy thêm thì trời tối sẩm lại, mưa rỉ rả không lớn không nhỏ nhưng cứ suốt như vậy, Tuất cứ chắc lưỡi lo Định về sẽ mắc mưa lạnh chết, Tâm chu miệng cằn nhằn:
— Má lo đứa nầy, lo đứa kia, tụi con lớn hết rồi những chuyện mưa nắng phải tự mình giải quyết, má lo cả đời cũng không xiết đâu. Đến lúc nào đó phải để cho tụi con lo cho cha má chứ.
Tuất hứ cái cốc:
— Chừng đó rồi tính, bây có bao lớn cũng là con tao hà.
Tâm cười hi hi:
— Thôi, má còn lo được thì để má lo. Con xuống bếp lặt rau rửa xong giao má nấu cơm con ráp bậy 100 áo kiếm trăm bạc chơi.
Kiên nhìn Tâm:
— Lo học bài đó, ráp đồ hoài bài vở bỏ ai?
— Vui xuân không quên nhiệm vụ đâu cha. Thôi con đi xuống bếp đây.
Đang nói tới đó thì có hai người mặc áo mưa bước vào, Tâm bỏ đi vì nghĩ đơn thuần là khách tới mua đồ.
Khi họ đang chầm chậm cởi áo mưa ra, Tuất tươi cười:
— Hai chú mua gì sao?
Nhưng khi một người nhìn chị, gật đầu chào hỏi thì cả hai vợ chồng đều tá hỏa tam tinh:
— Chị Hai. Anh chị khỏe không?
Kiên đang nằm võng cũng đứng bật dậy khi nhận ra gã đàn ông đó, anh buột miệng:
— Lộc?
Hắn ta cười rạng rỡ:
— Đúng rồi, anh nhận ra phải không?
Lộc bây giờ khác xưa, mập mạp trắng trẻo, tướng tá bệ vệ ra vẻ người giàu có.
Trong khi Tuất ngỡ ngàng thì Kiên lại chua xót nghĩ đến Thiện, một con người có nghĩa có tình lại rơi vào con đường bế tắc còn hạng tham sang phụ khó lọc lừa, chôm chỉa cái ống heo của hai đứa bé ngây thơ hôm nay lại ăn trắng mặc trơn như vậy, đúng là tạo hóa bất công mà.
Kiên trở lại thực tế, anh hỏi sẳng lè:
— Hôm nay ghé đây làm gì?
Lộc cười giả lả, ngọt ngào:
— Thì anh chị cũng cho tui ngồi xuống để thưa chuyện với anh chị chứ?
— Khỏi. Tui nghĩ mình chẳng còn chuyện gì để nói nữa.
— Ý, đâu có giỡn chơi được anh Hai. Tui có dọ hỏi biết là anh chị đương nuôi con Dần, con gái tui mà?
Vợ chồng Kiên Tuất lạnh mình. Kiên bỗng lo sợ, Tâm là đứa anh thương nhất trong ba đứa vì nó vô tư và nhất là lúc nào cũng nghĩ anh chị là cha má ruột. Hôm nay nếu biết sự thật nầy thì nó sẽ làm sao? Nó có thể chịu đựng nổi không và nếu lỡ nó đồng ý đi theo ba ruột thì anh chị phải làm sao?
Nói xong, Lộc ung dung ngoắc gã đi chung ngồi vào bàn,Tuất nhìn thái độ đó càng thấy căm ghét:
— Mầy và con Ngọ thật vô lương tâm, tự lo cho mình mà ra đi bỏ con lại không cần biết nó sống chết ra sao. Mười mấy năm nay biệt tích ở đâu sao không lo giờ trồi đầu về hỏi?
Lộc vẫn cười cười:
— Tại vì lúc đó tui nghèo quá đâu có nuôi nổi nó, bây giờ tui giàu có rồi nên phải đem nó về cho hưởng phước với tui. Tính ra bây giờ nó cũng gần 17 tuổi rồi, công anh chị nuôi nấng nó tui sẽ bồi thường. Tui tin anh là nhà mô phạm chắc dạy con cũng nghiêm túc, biết cội nguồn để mà về nhận tổ qui tông. Ủa mà sao lạ vậy? Con tui thì anh chị phải trả cho tui chứ đâu thể để nó sống với người dưng được?
Tuất thường ngày hiền lành là vậy mà hôm nay nổi máu xung thiên, chị xấn tới chỉ vào mặt Lộc:
— Người dưng nào mậy?
Lộc cười vả lả:
— Tui quên, chị là dì ruột nó nhưng anh Hai không máu mủ gì, thương nó được sao chị?
Gã đàn ông đi chung với Lôc gắt lên:
— Khỏi nói nhiều nữa, con anh thì anh bắt về, đôi co làm chi cho mệt.
Tuất hét lớn:
— Đố cha thằng nào dám bắt con tao, tao liều mạng với nó.
Kiên xua tay, ngăn Tuất lại, anh từ tốn:
— Thôi em, Tâm nó cũng lớn rồi, để tùy nó quyết định.
Lộc bất ngờ:
— Tâm sao? Anh đổi tên nó rồi à?
Kiên không trả lời, anh gọi:
— Tâm à, ra đây con.
Mọi người hết sức bàng hoàng khi thấy Tâm bước ra chân thấp chân cao, đầu tóc rối nùi, mặt mày bẩn thỉu, hàm răng đen xỉn và tay thì bưng dĩa cơm có khứa cá nằm trên, tay kia thì bóc cơm chúm bỏ vào miệng, cơm cá dính đầy mặt trông nhơ nhớp hết chỗ nói, Tâm ngơ ngác nhìn mọi người rồi ngoác miệng ra cười:
— Ai iếm ui ạ? Iếm ui ựng o ui ăn ánh ả?
Rồi nó xấn lại gần Lộc, nghiêng đầu qua bên nầy, qua bên kia để nhìn rõ rồi hỏi lại:
— Ông iếm ui ả? Ẫn ui i ả? Ó o ui ăn o ôn? Ui ói ụng ài à en.( Ông kiếm tui hả? Có cho tui ăn no hôn? Tui đói bụng hoài hà nhen.)
Nói xong nó chúm một chúm cơm, nhéo miếng cá bỏ vô miệng nhai tèm lem, rồi quăng cái dĩa cơm xuống đất văng cơm tung tóé. Nó chụp tay Lộc:
— I, ẫn ui i, ớ o ui ăn ủ íu en.
Lộc hoảng kinh gở tay nó ra, cay cú nhìn Kiên:
— Anh nuôi nó ra như thể nầy hay sao?
Kiên mắc cười trong bụng nôn nhưng để phối hợp với Tâm, anh nghiêm sắc mặt:
— Ba bỏ đi, chưa biết đi biết nói lại bị mẹ bỏ, ông nghĩ đầu óc con bé bình thường được sao? Bây giờ gặp nó rồi, nó cũng chịu theo ông rồi đó.
Lộc gạt tay Tâm ra, gằn giọng:
— Cái thứ con khùng điên nầy tui không cần, anh chị nuôi quen rồi tui cho anh chị luôn đó.
— Ủa? Bây giờ ông giàu có, đem nó theo trị bệnh cho nó để nó cùng ông hưởng phước chứ.
— Tui không cần nữa, giàu là vợ tui giàu chứ không phải tui, nó không sinh được nên kêu tui đem con về hủ hỉ, bây giờ đem con khùng nầy về để nó đuổi tui ra khỏi nhà luôn à?
Kiên bĩu môi, khinh thường:
— Thì ra ông cũng chỉ nghĩ đến mình chứ thương yêu gì con cái. Hôm nay ông tuyên bố như vậy sau nầy đừng tới đây làm phiền gia đình tui nữa nghe không?
— Tui sẽ không bao giờ tới nữa.
Lộc đứng dậy, Tâm ra vẻ hoảng hốt, níu tay hắn:
— Ẫn ui i í, ua ánh ui ăn ũng ược.
Lộc phủ phàng gạt tay Tâm ra, hắn còn bỏ lại một câu:
— Chết đi mầy, cho người khác rảnh nợ.
Rồi cùng gã kia ra về trong mưa bão như trốn chạy. Tâm ngồi xuống nhặt từng hạt cơm rơi bỏ vào dĩa, nó cười như nắc nẻ mà nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt lấm lem cơm cá.
Vợ chồng Kiên đau lòng, họ không biết an ủi Tâm như thế nào. Tuất ôm lấy nó, lúc đó Tâm mới thực sự khóc, nó khóc tức tưởi, ngon lành. Kiên âu yếm vuốt mái tóc dài vốn dĩ óng ả suông mượt của Tâm đang nối nùi:
— Đừng khóc nữa con, rồi cha má sẽ kể hết cho con nghe mọi sự thật.
Tâm ngẩng mặt lên, đôi mắt ràn rụa nước:
— Sao trước giờ cha má không nói với con?
Kiên dịu dàng:
— Con gái, cha má không nói với con vì để con sống vô tư vui vẻ, khi con mở miệng gọi tiếng cha đầu tiên mà không phải ba là cha biết con có duyên nợ với cha má rồi. Anh chị con cũng thống nhất dấu biệt chuyện nầy để con có tuổi thơ êm đềm ấm áp. Con là niềm vui cho cả gia đình và là niềm tự hào của cha. Hôm nay con đã biết chuyện rồi thì cha sẽ kể hết cho con nghe.
Rồi anh từ từ kể cho Tâm nghe về ba của Định và Dung, về mẹ chúng nó đã ngoại tình với ba Lộc của nó bức Thiện phải ra khỏi nhà, về Thiện là người như thế nào còn Lộc như thế nào, về hai cái ống heo anh chị nó đã nuôi dưỡng hai lần đều bị ba mẹ nó cướp đi, về việc Lộc và Ngọ đã bỏ con đi tìm thú vui khác cho mình. Anh cũng giải thích cho Tâm biết vì sao khi Định đi thi ĐH anh lại dẫn theo Dung mà không cho Tâm theo.
Tâm im lặng lắng nghe, từng đợt cảm xúc đều biểu cảm hết trên khuôn mặt xinh đẹp của nó. Nghe đến câu cuối cùng, nó mím môi, lắc đầu:
— Thật đáng sợ. Tội nghiệp cho anh chị của con.
Kiên nói, giọng buồn rầu:
— Thú thật, lúc nãy cha cũng có sợ con sẽ đồng ý theo ông ta, nếu sự thật là vậy chắc cha má sẽ buồn lắm.
— Không bao giờ. Dù chưa biết chuyện gì, dù ổng khố rách áo ôm hay giàu sang phú quí con cũng không theo. Trong lòng con chỉ có cha má và anh chị, không có ba mẹ nào khác.
Có tiếng xe đỗ, nhìn thấy Định về tới, Tuất đon đả chạy ra, la lên:
— Trời ơi, mưa gió vầy không chịu đục tạnh hãy về, dầm mình vầy lạnh chết luôn.
Định vừa xách túi đồ ăn giao mẹ, vừa cởi áo mưa cười hề hề:
— Con mặc áo mưa mà má lo gì hỏng biết. Con có mua 1kg trứng cá gì đó về nấu canh chua, hai con nhỏ nhóc nhà mình mê món nầy lắm nè.
Định dừng lại khi thấy Tâm đầu tóc rối nùi, mặt mày tèm hem tuốt huốt ngồi bẹp dưới đất, hai mắt đỏ hoe còn cha nó ngồi kế bên dỗ dành, nó ngạc nhiên hỏi:
— Chuyện gì vậy má?
— Thằng Lộc về đòi bắt con.
— Trời, ai cho ổng bắt, gặp có con ở nhà là thằng chả chết liền. Rồi sao mà con Tâm ra nông nỗi nầy?
Tuất kể. Định mắc cười kéo tay Tâm đứng dậy:
— Thôi, coi như ác mộng đi em, giờ kể anh nghe coi nghĩ sao mà bày ra cái trò đó vậy?
Tâm đứng dậy, lấy tay áo chùi nước mắt, mặt tươi rói:
— Em thử bụng ổng thôi, nếu em như vậy mà ổng cũng nhận thì em suy nghĩ lại, có thể kính trọng ổng một chút nhưng hiểu rõ rồi nó khỏe trong mình trong mẫy hết biết luôn.
Định vỗ vỗ vào đầu Tâm:
— Từ nay đừng suy nghĩ gì thêm chuyện nầy, anh em mình chỉ có một cha má thôi. Nhưng cũng công nhận nhỏ nầy thông minh thiệt.
Tâm đứng thẳng người, giang hai tay ra rồi vỗ vào ngực:
— Chứ sao, Ốc Ờ mà.
Cả nhà cười vang, Kiên vui vẻ:
— Thôi, Ốc Ờ đi rửa mặt đánh răng chảy tóc đi, Ốc Ờ mà dơ bẩn vậy ai dám khám bệnh.
Tuất vẫn còn run:
— Thôi, sóng gió qua rồi.
(Còn nữa)