Mình biết được rằng nền quân chủ Thái Lan vẫn dùng số thứ tự, vì đương kim quốc vương là Rama X (Đệ Thập), mình đoán rằng không chỉ châu Âu mới dùng số thứ tự.
_____________________
Tuy quy ước đặt tên của các vua Nhật Bản chịu ảnh hưởng nhất định từ Trung Hoa nhưng về mặt lịch sử, họ vẫn tách bạch với nhau, nên ở đây, mình chỉ thảo luận về Trung Quốc mà thôi. Để tiếp tục, chúng ta phải hiểu điểm khác biệt giữa tên húy [personal name], thụy hiệu [posthumous name], miếu hiệu [temple name] và niên hiệu [era name].
- Tên húy là tên khai sinh (hoặc sau này đổi thành) của một hoàng đế. Nó chỉ đích danh hoàng đế và do đó bị cấm kỵ trong khi họ cai trị, và cũng không thể được dùng sau khi họ băng hà. Trên thực tế, theo quy ước, nó chỉ được dùng để gọi tên của trữ quân trước khi lên ngôi hoàng đế. Húy lệ thay đổi theo thời gian; cho đến thời Tống, các hoàng đế thường có một tên húy gồm họ (thường là một chữ, đôi khi hai chữ) và tên một chữ; từ thời Tống trở đi, tên của vua thường có hai chữ. Đến một lúc nào đó (thứ lỗi vì mình không biết), các thành viên nam trong một thế hệ nhất định của một dòng dõi cụ thể sẽ có chung một chữ trong tên, tạo thành công thức họ-tên thế hệ/tự bối-tên.
- Thụy hiệu là một trong hai cái tên mà hoàng đế được biết đến sau khi băng hà. Nó cũng sở chỉ đến người làm hoàng đế, nhưng do nó được truy tôn sau khi người đó qua đời nên không thể được dùng để nói về một hoàng đế đương nhiệm. Các chữ trong một thụy hiệu sẽ ca tụng những đức độ của cố hoàng đế (như một câu trả lời khác đã nêu ra, không chỉ có hoàng đế mới được ban thụy). Thụy hiệu hoàng gia bị thổi phồng đáng kể theo thời gian, từ chỉ hai chữ vào thời Hán sơ đến bảy chữ vào thời Đường, cho đến tận hai mươi ba chữ với các Thanh đế; công thức điển hình là sử dụng những chữ này ở cuối, thành một cụm ba chữ, là ‘X Y Đế’ hoặc ‘Y Hoàng Đế’, X là tên triều (‘dynasty’), Y là chữ từ thụy hiệu.
- Miếu hiệu là một tên hiệu khác được truy tặng sau khi hoàng đế qua đời. Tương tự, nó cũng sở chỉ đến tiên đế, nhưng vì được ban sau khi thăng hà nên không thể dùng để chỉ người sống. Miếu hiệu luôn chỉ có hai chữ mà thôi, các nhà chép sử từ thời Đường về sau cũng ưa dùng tên hiệu này hơn. Có một mức độ xây dựng theo công thức nhất định; thông thường, hoàng đế đầu tiên của triều đại sẽ được đặt là Thái Tổ, hoặc đôi khi là Cao Tổ, đệ nhị thường là Thái Tông; Cao Tông cũng thường gặp với hoàng đế thứ hai hoặc thứ ba của một triều đại. Mọi hoàng đế tiếp nối đều là gì đó-Tông. Cách thức tiêu chuẩn, nếu đã xác định triều đại trong ngữ cảnh, là sử dụng miếu hiệu hai chữ; nếu phải chỉ rõ triều đại thì trước miếu hiệu phải có tên triều.
- Niên hiệu sở chỉ đến một thời kỳ nhất định trong thời gian trị vì của một hoàng đế. Do đó, nó không sở chỉ đến chính hoàng đế đó. Trước thời Minh, các hoàng đế thường chia thời kỳ cai trị thành nhiều giai đoạn; các hoàng đế nhà Minh và Thanh tự hạn chế bản thân còn một niên hiệu cho mỗi người, trừ một trường hợp đặc biệt khi một Minh đế bị phế trong tám năm, rồi quay trở lại. Niên hiệu thường có hai chữ, và cấu trúc [niên hiệu] Hoàng đế thường là cách được dùng. Đáng chú ý rằng khi chúng ta thấy cụm ‘Càn Long Đế’ chẳng hạn, không có nghĩa đó là ‘hoàng đế tên Càn Long’, mà là ‘Hoàng đế trong niên hiệu Càn Long’. Do đó, nói ‘Hoàng Đế Càn Long’ là không đúng.
Lợi điểm của bốn cái tên này là đảm bảo bạn tránh bị lặp lại tên của các hoàng thất khác nhau. Đã chứng thực được 50000 chữ trong văn viết tiếng Trung, 20000 chữ trong đó đủ thông dụng để đưa vào các kim từ điển. Như thế là rất nhiều Hán tự, ngay cả khi bạn chỉ dùng tên một chữ, số hoán vị với công thức hai chữ là không thể tưởng tượng nổi. Nhìn chung, những Hán tự để đặt tên sẽ không được tái sử dụng trong cùng một tông thất, ít ra là trong khoảng cách vài đời, và cũng không trùng một cách cố ý. Dù vậy, chỉ có một phần nhỏ trong số hàng ngàn chữ Hán sẽ được dùng để đặt tên: cha mẹ sẽ khó lòng đặt tên con là “Xú Uế” chẳng hạn; một hoàng đế sẽ không có thụy hiệu kiểu như là “Bế Tắc Bàn Tọa”; ông cũng sẽ không gọi thời cai trị của mình là niên hiệu “Bất Hạnh Tai Ương”. Cơ mà chúng ta vẫn đang nói về một kho tàng Hán tự để chọn lựa. Do đó:
Với tên húy, thực ra thì cũng không ai gọi các hoàng đế bằng tên húy cả. Hơn nữa, vì sau này người ta đặt tên theo công thức [họ] – [thế hệ] – [húy] nên không tồn tại hai hoàng đế nào trong cùng họ mà trùng tên chỉ vì lặp lại tên lót chỉ thế hệ.
Về thụy hiệu, công thức [triều] – [thụy hiệu] nói lên rằng tuy hoàng đế của các triều khác nhau có thể có cùng tên thụy rút gọn, họ vẫn sẽ được tách bạch. Chẳng hạn, có một hoàng đế nhà Hán và một hoàng đế nhà Tống cùng tên Văn Đế, nhưng chúng ta có thể dễ dàng phân biệt thành Hán Văn Đế và Tống Văn Đế.
Về miếu hiệu, bạn cũng có thể dùng công thức [triều] – [miếu hiệu] để rạch ròi khi cần. Chẳng hạn, có thể dễ dàng phân biệt Tống Thái Tổ với Minh Thái Tổ.
Về niên hiệu, chúng là những công thức đặc trưng cho mỗi thời, vì đó là những thời kỳ khác nhau, không phải tên của hoàng đế, và phải biết không đặt trùng.
Điều tối quan trọng cần nhớ là không có một Đế quốc Trung Hoa liên tục với các triều đại kế vị nhau, nhưng chúng là các triều khác nhau, tại các thời điểm nhất định, triều này lại có thể dành quyền kiểm soát đủ lãnh thổ để đóng cọc tính chính danh dài hạn, với tư cách một bản triều chân chính. Điều đó nói lên rằng bạn không thể nói kiểu như ‘Trung Hoa Đệ Nhất Thái Tông’ rồi ‘Trung Hoa Đệ Nhị Thái Tông’. Tống Thái Tông cai trị một triều riêng biệt so với Minh Thái Tông chẳng hạn. “Tống Thái Tông” và “Minh Thái Tông” không chỉ là cách để phân biệt hai ‘Hoàng Đế Trung Quốc’ tách biệt, mà tước hiệu đó không tồn tại để truyền qua các triều.
Về mặt lý thuyết, nếu một dòng dõi chọn tái sử dụng cùng một Hán tự, có thể hình dung việc tồn tại những danh hiệu như ‘Đệ Nhất/Nhị/Tam Tần Văn’, nhưng nó không xảy ra vì có thừa chữ trong từ điển, bạn chỉ cần tìm đức hạnh nào mình muốn gắn liền.
>>u/EnclavedMicrostate (57 points)
Câu đầy đủ của mình là:
vì có thừa chữ trong từ điển, bạn chỉ cần tìm đức hạnh nào mình muốn gắn liền.
Thụy hiệu thường là về một đức độ nhất định; chẳng hạn, Tấn Văn Đế là ‘hoàng đế có văn hóa’, Hán Vũ Đế là ‘hoàng đế thượng võ’, Thanh Thuần Đế là ‘hoàng đế thuần khiết’. Không có tên húy ‘thông dụng’ nào, nó không tương tự với trường hợp châu Âu. Miếu hiệu ít bị muôn hình vạn trạng hơn, chúng được chọn một cách giống nhau và đặc thù, để mang ý nghĩa biểu tượng cho một hoàng đế cụ thể.
Mấu chốt là việc đặt tên hiệu ở Trung Quốc chưa bao giờ gặp việc lặp chữ, hay thậm chí là lặp tên đầy đủ xuyên suốt thế hệ, nghĩa là số thứ tự là hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng có thể thảo luận về một số phương diện khác.
____________________
Tại sao các hoàng đế Trung Hoa từ thời Minh và Thanh không được gọi bằng tên thật?
Dường như với các tiền triều, các hoàng đế thường chỉ được gọi bằng tên, như ‘X đế’ hoặc ‘Y X đế’ [hoàng đế X của triều Y]. Nhưng từ khi nhà Minh thành lập, quy ước đột nhiên chuyển thành ‘Vĩnh Lạc đế’, ‘Khang Hy đế’, v.v. Tại sao vậy? Những cái tên này đến từ đâu?
_____________________
Một điều quan trọng cần lưu ý về các hoàng đế Trung Quốc là chúng ta hầu như không bao giờ gọi họ bằng tên gốc ‘thật’, trừ khi đề cập đến họ vào lúc chưa lên ngôi, vì việc sử dụng tên húy của hoàng đế bị cấm kỵ trong thời kỳ trị vì của họ, và trong lúc cai trị, họ chỉ đơn giản là ‘hoàng đế’. Những cái tên của từng hoàng đế là được truy tặng sau khi mất, có nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Hãy lấy vài ví dụ:
- Hán Vũ Đế (漢武帝), hoàng đế thứ bảy của triều đại (141-87 TCN), thực tế tên là Lưu Triệt (劉徹). Cái tên ‘Vũ’ là một loại tước hiệu được thêm sau (có nghĩa là ‘võ’), và kỳ thực nó là rút gọn từ thụy hiệu đầy đủ hơn là Hiếu Vũ Hoàng Đế (孝武皇帝; ‘hiếu thảo và võ biền’). Về lý thuyết, chúng ta cũng có thể gọi ông bằng miếu hiệu Thế Tông (世宗), mở đầu bằng tên triều đại Hán, tạo thành Hán Thế Tông.
- Đường Thái Tông (唐太宗), hoàng đế thứ hai của triều đại (626-649 CN), ban đầu tên là Lý Thế Dân (李世民). ‘Thái Tông’ là miếu hiệu của ông, cũng là được truy tặng. Dạng rút gọn của thụy hiệu của ông là Văn Hoàng Đế (文皇帝; ‘hoàng đế lễ độ/giỏi văn/có văn hóa’), viết tắt từ Văn Vũ Đại Thánh Đại Quảng Hiếu Hoàng Đế (文武大聖大廣孝皇帝; ‘lễ độ, võ biền, thiêng liêng, quảng đại, có hiếu’), vì vậy, về mặt lý thuyết, chúng ta có thể gọi ông là Đường Văn Đế
- Thỏa Hoan Thiết Mộc Nhĩ, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyên (元) cai trị Trung Quốc (từ 1333-1368, mặc dù ông cai trị tàn dư nhà Nguyên ở Mông Cổ cho đến khi qua đời vào năm 1370), thường được gọi bằng tên Mông Cổ, nhưng ông cũng từng giữ các tước hiệu Trung Quốc. Nhà Minh gọi ông là Thuận Đế (順), nhưng về lý thuyết, có thể sử dụng miếu hiệu của ông là Huệ Tông (惠宗), tức là Nguyên Thuận Đế hoặc Nguyên Huệ Tông.
- Vị hoàng đế thứ mười bốn của nhà Minh (明), hay được biết đến là Vạn Lịch đế (萬曆; ‘vô số niên lịch’, 1572-1620), tên khai sinh là Chu Dực Quân (朱翊鈞). Thụy hiệu ngắn gọn của ông là Hiển (顯; ‘nổi bật’), viết tắt của Phạm Thiên Hợp Đạo Triết Túc Đôn Giản Quang Văn Chương Vũ An Nhân Chỉ Hiếu Hiển Hoàng Đế (範天合道哲肅敦簡光文章武安仁止孝顯皇帝; dài quá bỏ qua); miếu hiệu của ông là Thần Tông (神宗). Nếu muốn, chúng ta có thể gọi ông là Minh Hiển Đế hoặc Minh Thần Tông. Tuy nhiên, từ thái tổ nhà Minh* trở đi, các hoàng đế bắt đầu sử dụng một niên hiệu duy nhất trong toàn bộ thời cai trị, thay vì thường xuyên cải nguyên (ví dụ, Hán Vũ Đế đã trải qua 11 niên hiệu trong suốt 57 năm trị vì), do đó có thể gọi hoàng đế bằng công thức ‘[Niên hiệu] đế’, nghĩa là ‘hoàng đế trong suốt thời [Niên hiệu]’.
- Loại quy ước này đã được nhà Thanh (清) duy trì. Hoàng đế thứ năm của nhà Thanh, thường được gọi là Càn Long đế (乾隆; ‘vua [và] thịnh vượng’) (1735-1796/99), tên khai sinh là Hoằng Lịch (ᡥᡠᠩ ᠯᡳ/弘曆) của hoàng tộc Ái Tân Giác La (ᠠᡳᠰᡳᠨ ᡤᡳᠣᡵᠣ). Tiếc là chúng ta không gọi ông là Hoàng đế Abkai Wehiyehe (ᠠᠪᡴᠠᡳ ᠸᡝᡥᡳᠶᡝᡥᡝ; ‘thuận mệnh trời’), cơ mà không thể có mùa xuân ấy đâu. Về lý thuyết, chúng ta có thể gọi ông là Thuần đế (純; ‘thuần khiết’)**, hoặc thậm chí là sử dụng thụy hiệu Mãn Châu của ông, Hoàng đế Yongkiyaha (ᠶᠣᠩᡴᡳᠶᠠᡥᠠ, ‘hoàn hảo/hoàn chỉnh’); hoặc có thể sử dụng miếu hiệu Thanh Cao Tông (高宗; G’aodzung (ᡬᠠᠣᡯᡠᠩ) ở Mãn Châu). Tuy nhiên, cũng như các Minh đế, vì ông chỉ dùng một niên hiệu, nên chúng ta chủ yếu gọi ông là Càn Long đế, tuy một số vẫn gọi ông là Hoằng Lịch hay Cao Tông.
Ở một khía cạnh nào đó, bình luận này có lẽ hơi thừa thãi và chỉ thực sự khẳng định tiền đề của câu hỏi: rằng đến một lúc nào đó, chúng ta chuyển từ việc sử dụng những cái tên trực tiếp chỉ các hoàng đế, bất kể đó là những cái tên được sử dụng trong suốt cuộc đời của họ hay không (thụy hiệu và miếu hiệu ngắn gọn), đến ‘[niên hiệu] đế’. Vì sao có thể làm thế, vì như mình nói ở trên: các Minh đế chỉ sử dụng một niên hiệu duy nhất trong suốt thời kỳ trị vì.*** Nhưng lời giải thích ngắn gọn và đơn giản về việc vì sao lại làm vậy với nhà Minh và nhà Thanh ít nhiều tóm lại là… trời sinh nó thế. Như bạn lưu ý từ trước, đối với các vị hoàng đế tiền triều như nhà Hán, chúng ta ưu tiên thụy hiệu thay vì miếu hiệu, nhưng từ thời Đường, chúng ta lại xem xét miếu hiệu. Một phần lý do cho điều này, theo Dubs đề xuất (1945), là các thụy hiệu đã dần dần dài ra: giữa Hán triều và Tùy triều, thụy hiệu đầy đủ của các hoàng đế, ngoại trừ phần ‘hoàng đế’, thường chỉ có hai chữ, trong khi các hoàng đế nhà Đường sử dụng khoảng bảy ký tự, khiến miếu hiệu hai ký tự trở nên thực tiễn hơn nhiều. Tuy nhiên, nguyên nhân của việc chuyển đổi sang sử dụng niên hiệu có phần không rõ ràng, và về mặt lịch sử, dạng miếu hiệu đôi khi cũng được sử dụng trong chính các bản triều. Cùng lắm là chúng ta có thể nói tại sao nó có thể xảy ra, nhưng lý do thì không.
*Tên thật Chu Nguyên Chương (朱元璋), niên hiệu Hồng Vũ (洪武; ‘võ nghệ tuôn trào’), miếu hiệu Thái Tổ (太祖), thụy hiệu ngắn gọn Cao (高).
** rút gọn từ Pháp Thiên Long Vận Chí Thành Tiên Giác Thể Nguyên Lập Cực Phu Văn Phấn Vũ Khâm Minh Hiếu Từ Thần Thánh Thuần Hoàng Đế (法天隆運至誠先覺體元立極敷文奮武欽明孝慈神聖純皇帝)
*** Trừ Kì Trấn (朱祁鎮), miếu hiệu Anh Tông (英宗), thụy hiệu ngắn gọn Duệ (睿; ‘sáng suốt’), thường được gọi là Minh Anh Tông, vì ông trị vì hai lần, lấy hai niên hiệu Chính Thống (正統, 1435-1449) và Thiên Thuận (天順, 1457-1464).
____________________
Việt Nam chủ yếu gọi các vua bằng miếu hiệu, trừ vua Đinh Tiên Hoàng là thụy hiệu, vua Quang Trung và các vua nhà Nguyễn gọi bằng niên hiệu (giống trường hợp nhà Minh Thanh đó) và nhiều trường hợp khác. Ở đây mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm nhớ miếu hiệu:
- Vị vua đầu triều thường là Thái Tổ, ví dụ: Lê Thái Tổ, Lý Thái Tổ. Riêng nhà Trần thì vua Trần Cảnh là Trần Thái Tông, còn Trần Thái Tổ là Trần Thừa, cha của Trần Cảnh, lại có Trần Nguyên Tổ là Trần Lý, ông nội Trần Cảnh. Chú ý: Vua Gia Long là Nguyễn Thế Tổ, thế tổ là dành cho vị vua có công trung hưng triều đại, còn Nguyễn Thái Tổ là chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
- Thường ở Trung Quốc, khi 1 chi mới của dòng họ lên ngôi thì vị vua đầu tiên sẽ lại được gọi là Tổ, vì đó là 1 nhánh mới. Chẳng hạn, Chu Đệ, con Minh Thái Tổ, cướp ngôi của cháu và có miếu hiệu là Minh Thành Tổ. Có điều, ở Việt Nam có vẻ đơn giản hơn. Như vua Lý Nhân Tông không có con và truyền cho con của hoàng đệ, là Lý Thần Tông sau này, nhưng Lý Thần Tông lẫn cha ông đều không có miếu hiệu là tổ. Đến cả nhà Lê, đến thời Lê Anh Tông đã không còn là dòng đích của Lê Thái Tổ mà của anh ông là Lê Trừ, nhưng cũng không có vị Tổ mới nào cả. Riêng nhà Nguyễn sơ hơi khó hiểu là có đến ba vị tổ là Thế tổ (vua Gia Long), Thánh tổ (vua Minh Mạng) và Hiến tổ (vua Thiệu Trị), đến dòng vua Dục Đức và vua Khải Định là nhánh mới lên ngôi nhưng cũng không gọi là Tổ.
- Vị vua thứ hai thường là Thái Tông, ví dụ: Lê Thái Tông, Lý Thái Tông.
- Vị vua có công đức quảng đại thường là Thánh Tông, ví dụ: Lý Thánh Tông, Trần Thánh Tông mà tiêu biểu là Lê Thánh Tông. Vị vua được lòng dân thường là Nhân Tông, ví dụ: Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông. Hình như không có gì đặc trưng với Cao Tông, Anh Tông, Thần Tông, v.v.
- Những hoàng đế không chính danh sẽ không gọi bằng miếu hiệu hay thụy hiệu gì cả, như: Lê Uy Mục, Lê Nghi Dân, v.v.