Nói về Napoleon I – Phần 7: Chiến dịch Italia lần 1 (1796-1797) – Truy đuổi quân ÁoT…

Nói về Napoleon I – Phần 7: Chiến dịch Italia lần 1 (1796-1797) – Truy đuổi quân Áo
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Tên chỉ huy phía Pháp trừ Napoleon sẽ in nghiêng để phân biệt với chỉ huy phía quân liên minh.
Ngày 14/05, bốn ngày sau trận đánh ở Lodi, quân Pháp đầu tiên đã đến thành Milan, và ngày hôm sau, Napoleon tiến vào Milan với tư thái của người thắng cuộc. Hai ngàn quân Áo phòng thủ ở đây cũng đã rút lui theo đại quân, dâng tặng Milan cho Napoleon. Lúc này quân Pháp đã chiếm đóng MilanBrescia. Tuy nhiên đời không như mơ…
Khi tướng Kellermann, chỉ huy đội quân Alps và là người hùng Valmy của Pháp, không còn bị quân đồng minh kiềm kẹp nữa, và hành quân vào Italia, Paris quyết định cho Kellermann quyền chỉ huy chiến dịch chống lại quân Áo. Napoleon được giao nhiệm vụ đánh xuống phía nam, chống lại Giáo hoàng. Chuyện đương nhiên là Napoleon viết hai lá thư về Paris để tranh luận gay gắt về vấn đề chia quân và chia quyền chỉ huy này. Mặc dù nội dung lá thư không có đề cập đến chuyện đe dọa từ chức, nhưng tất nhiên, Napoleon có ý đe dọa như vậy, và Paris đã nhượng bộ ông.
Tuy nhiên quân Pháp phải tạm ngừng để dập tắt một cuộc nổi loại tại Pavia, thuộc vùng Lombardy. Tại ngôi làng Binasco, Napoleon đã hạ lệnh xử tử 100 người và đốt cháy ngôi làng vì họ đã nổi loạn chống lại sự chiếm đóng của quân Pháp tại miền Bắc Italia.
Quân Áo do Beaulieu chỉ huy rút lui về Mincio, cho quân tuần tra nghiêm ngặt phía Tây của con sông, đồng thời nhanh chóng biến pháo đài Mantua thành một pháo đài có thể chống cự được một đợt công thành của quân Pháp.
Ngày 30/05/1796, quân Pháp do Napoleon chỉ huy đến phòng tuyến của quân Áo tại sông Mincio, trận Borghetto bắt đầu. Quân Pháp với 28000 quân đối mặt với phòng tuyến do 19000 quân Áo thiết lập dọc bờ sông.
Do tướng Amédée Emmanuel François Laharpe đã tử trận tại trận Fombio, Napoleon phải tổ chức lại quân đội của mình. Ba sư đoàn được chỉ huy bởi sư đoàn trưởng André Masséna (9481 quân), Pierre Augereau (6089 quân), Jean-Mathieu-Philibert Sérurier (9075 quân), trong khi 6262 quân được chọn lựa và kỵ binh của cận vệ tiền quân được chỉ huy bởi Charles Edward Jennings de Kilmaine. Sư đoàn trưởng Hyacinthe François Joseph Despinoy với 5278 quân bao vây thành Milan và 5500 quân nữa đóng ở nhiều nơi miền Bắc Italy.
Trận đánh bắt đầu khi tiền quân của Kilmaine đẩy lùi một chốt canh của khinh kỵ hussar Áo và đến được cây cầu vào khoảng 9 giờ sáng. Khi kỵ binh Áo rút lui đến cầu, họ bị quá tải khi ai cũng muốn vượt sông mà cầu thì lại nhỏ, thế là một số quân Áo không thèm đi bằng cầu nữa mà lội sông, làm lộ những điểm có thể lội qua sông được cho quân Pháp. Chỉ có một tiểu đoàn và một trung đoàn bộ binh quân Áo có thể đủ bình tĩnh để phòng thủ nhịp cầu. Dưới sự dẫn dắt của tướng Pittoni, quân Áo chiến đấu anh dũng dù chống lại quân Pháp đông hơn nhiều. Tuy nhiên với việc chỉ có một ít quân Áo đến tiếp viện lực lượng phòng thủ, quân Pháp do lữ đoàn trưởng Gaspard Amédée Gardanne nhanh chóng lội qua con sông và đẩy lùi quân phòng thủ trên đồi về Valeggio.
Sau một vài giao tranh, quân Pháp đã dọn sạch Valeggio nhưng kỵ binh Áo đã ngăn cản họ tiến xa hơn khỏi thị trấn. Trong khi đó, tướng hoàng tử Friedrich Franz Xaver of Hohenzollern-Hechingen đã tập trung những người lính Áo thua trận lại và thậm chí tổ chức một cuộc phản công vào thị trấn. Vào lúc chiều, một số khinh kỵ hussar của Áo thậm chí đã phóng ngựa vào được thị trấn và suýt bắt được Napoleon. Chuyện này đã khiến các chỉ huy Pháp thành lập một lực lượng kỵ binh thân vệ gọi là the Guides và giao cho Jean-Baptiste Bessières chỉ huy. Về sau, đơn vị này đã trở thành đơn vị chasseurs à cheval (khinh kỵ binh Pháp – chasseurs à cheval có nghĩa là thợ săn trên lưng ngựa) nổi tiếng thuộc đội Cận vệ Hoàng gia.
Người Áo khá lề mề trong việc phản ứng lại tình hình lúc này. Tại Campagnola gần đó, quân của Sebottendorf vẫn còn đang chăm chăm nhìn vào quân Pháp phía đối diện nên đã không tiếp viện cho quân Áo tại Valeggio. Xa hơn về phía Bắc tại Salionze, quân tuần tra Pháp đã quấy rối khiến quân Áo do Melas chỉ huy không phát hiện được mục đích thật sự của Napoleon. Ở phía xa tại Goito, Colli chỉ huy toàn bộ quân mình hành quân về phía Bắc để giúp cánh quân trung tâm, nhưng ông đã đến quá muộn để có thể giúp được gì. Beaulieu ra lệnh cho toàn quân rút lui về phía Bắc.
Cố gắng chiếm lại Valeggiocủa Sebottendorf thất bại, và ông rút lui về Villafranca. Colli cho lữ đoàn do Rukavina chỉ huy quay lại để hội quân với quân đồn trú tại Mantua và đưa kỵ binh của ông về Villafranca. Melas tập trung quân Áo bên cánh phải quân trung tâm và rút lui về Castelnuovo, với quân Hohenzollern nhanh chóng đến hội quân sau đó. Lipthay cũng nhanh chóng từ bỏ Peschiera và bị quân Pháp truy đuổi. Khi quân Pháp của Augereau truy kích quá gần, kỵ binh của Lipthay đã xé nát họ, tiêu diệt 100 lính Pháp trong khi chỉ mất 9 người.
Tới sáng ngày hôm sau, đa số quân Áo đã đến được làng Dolcè trong thung lũng Adige thuộc tỉnh Trento an toàn. Quân Áo có 572 lính thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt, trong khi thương vong phía quân Pháp được ước tính vào khoảng 500 người. Vào tháng 7, quân Pháp bắt đầu vây hãm pháo đài Mantua, lúc bấy giờ đã bị cô lập hoàn toàn.
Một chuỗi thất bại liên tiếp đã làm quân Áo lòng người bàng hoàng, trong khi quân Pháp thì sĩ khí đắt đỏ, họ đã bắt đầu tin tưởng, chỉ cần có Napoleon, không trận nào không thắng được. Có một câu chuyện kể rằng, sau này, khi một đạo quân Áo đông hơn quân Pháp rất nhiều chuẩn bị tấn công, thì quân Pháp phao tin rằng chỉ huy của họ là Napoleon, lập tức, quân Áo quay đầu rút lui.
Những chiến dịch ở Italia còn hơi sớm, lúc Napoleon vẫn còn chưa có danh tiếng nhiều, nên tư liệu hình ảnh cũng ít, mình thêm hình ảnh các vùng giao tranh ở đó ngày nay, coi như chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một đế chế Rome từng một thời huy hoàng, lúc bấy giờ đang rung rẩy dưới gót sắt của cả Pháp và Áo.
Trong phim Troy, Odysseus độc thoại khi thiêu xác Achilles: “Tôi sống trong thời đại mà các Vương triều xuất hiện, phồn vinh rồi lụi tàn như gió thổi qua”. Đọc về lịch sử, chúng ta đều thấy: triều đại hưng rồi lại suy, quốc gia phân rồi lại hợp. Chỉ có dân tộc, với văn hóa truyền thống là mãi trường tồn mà thôi.
Không biết các bạn có thổn thức không, khi Italia, vào thời cổ đại, là đế chế La Mã, thống trị châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông, quân đội mạnh mẽ bậc nhất, giờ lại bị giày xéo bởi hai đạo quân nước ngoài đánh nhau trên đất họ. Quân đội của họ thậm chí chỉ có thể mang tính chất hỗ trợ, chứ không độc lập tác chiến được.
Chúng ta đọc về lịch sử, học lịch sử, để rút kinh nghiệm cho tương lai, tránh những điều đau thương lập lại. Và ngưỡng mộ những vĩ nhân đã góp phần tạo nên nền văn minh ngày nay mà chúng ta đã, đang, và sẽ tiếp tục được lợi từ nó.
Bài này ít các hình ảnh về chiến đấu, nên mình thêm các hình ảnh về những vùng, những tỉnh thành có trong trận này, mọi người coi như cùng nhau tham quan sơ qua miền Bắc nước Ý xinh đẹp và thơ mộng nhưng cũng không kém phần cổ kính nhé.
Hết phần 7.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *