Nói về Napoleon I – Phần 21: Vive l'Empereur!Tên các địa danh sẽ được in đậm để…

Nói về Napoleon I – Phần 21: Vive l’Empereur!

Nói về Napoleon I – Phần 21: Vive l’Empereur!
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Trong suốt thời gian làm tổng tài, Napoleon đã bị ám sát nhiều lần do phái Bảo hoàng và nhóm Jacobin chủ mưu, trong đó bao gồm “Âm mưu des poignards” (Âm mưu dao găm)vào tháng 10/1800 và “Âm mưu Rue Saint-Nicaise” (Còn được gọi là Cỗ máy địa ngục) vào hai tháng sau đó.
“Âm mưu des poignards” hay còn một tên nữa là “Âm mưu opera” thì không rõ ai là người tổ chức, nhưng lực lượng cảnh sát do Joseph Fouché chỉ huy đã ngăn cản được những tên sát thủ.
Trong khi đó, “Âm mưu Rue Saint-Nicaise” thì suýt nữa giết chết Napoleon. Vào ngày 24/12/1800, hai tháng sau âm mưu ám sát ông bằng dao găm kia, trên đường đi đến nhà hát opera, nhóm bảo hoàng đã để thuốc nổ trong một cái thùng đựng rượu vang lớn trên một xe lừa kéo. Chúng trả 12 đồng cho một cô bé 14 tuổi tên Marianne Peusol, đang cùng mẹ bán bánh mì và rau gần đó, giữ cương con lừa một vài phút gần rue du Bac. 8 giờ tối, đinh ninh rằng cảnh sát đã bắt được nhóm nổi loạn, Napoleon kiệt quệ sau một ngày làm việc quyết định đi đến nhà hát để xem vở “Die Schöpfung (The Creation)” của Joseph Haydn. Do quá mệt nên ông đã ngủ trên đường di chuyển. Tiếng nổ từ “quả bom” này đã đánh thức ông, và theo như lời ông kể, nó đánh thức ông khi ông đang gặp ác mộng về trận thua của mình với quân Áo ba năm về trước tại sông Tagliamento: “Chúng ta bị tấn công!” – một nguồn tin nói Napoleon đã hô lớn khi tiếng nổ đánh thức ông. Vụ nổ địa ngục này giết chết 5 người, bao gồm cô bé được thuê cầm cương con lừa, và làm 26 người khác bị thương. Napoleon quyết định tiếp tục đi đến nhà hát, nơi các khán giả reo hò vì ông đã thoát nạn.
Vào tháng 01/1804, cảnh sát phát hiện một âm mưu ám sát nhằm vào Napoleon được cho là có liên quan đến tướng Moreau và được hỗ trợ bởi nhà Bourbon, hoàng gia trước đây của Pháp. Theo lời khuyên của Talleyrand, Napoleon ra lệnh bắt cóc Công tước xứ Enghien, vi phạm chủ quyền của xứ Baden. Công tước nhanh chóng bị xử tử sau một phiên tòa quân sự bí mật, dù cho ông không có liên quan đến âm mưu ám sát. Vụ xử tử Enghien đã khiến các hoàng gia trên khắp châu Âu phẫn nộ và được xem là một trong những nguyên nhân chính trị khiến cuộc chiến tranh Napoleon bùng nổ (the Napoleonic Wars).
Để bành trướng quyền lực của mình, Napoleon đã sử dụng những âm mưu ám sát này để biện minh cho việc xây dựng hệ thống đế quốc dựa theo mô hình của La Mã. Ông tin rằng việc khôi phục địa vị của nhà Bourbon sẽ khó khăn hơn nếu như quyền kế vị của gia đình ông được quy định trong hiến pháp. Khởi động một cuộc trưng cầu dân ý khác, Napoleon được bầu làm Hoàng đế nước Pháp với tỷ lệ đồng ý lên đến 99%. Giống như lần trưng cầu dân ý về Tổng tài trọn đời 2 năm trước, lần này cũng rất đông người tham gia bỏ phiếu, lên đến gần 3.6 triệu cử tri đi bầu.
Một nhà quan sát có cái nhìn sâu sắc trong quá trình Napoleon vươn lên quyền lực tuyệt đối này, Madame de Rémusat, đã giải thích như sau: “người dân đã bị cuộc Cách mạng làm cho hao mòn […] họ cần một người lãnh đạo có năng lực thống trị mình” và “người dân tin tưởng chân thành rằng Napoleon, dù ở vị trí Tổng tài hay là Hoàng đế, sẽ sử dụng quyền lực của mình để chủng cứu họ khỏi nguy cơ vô chính phủ”.
Lễ lên ngôi của Napoleon, do giáo hoàng Pius VII làm lễ, được tổ chức tại Notre Dame de Paris – Nhà thờ Đức bà Paris, vào ngày 02/12/1804. Hai vương miện riêng biệt được mang đến buổi lễ: một vòng nguyệt quế bằng vàng để tưởng nhớ đến Đế chế La Mã và một bảng sao của vương miện vua Charlemagne(Vua Charlemagne là vị vua vĩ đại của người Pháp trong thời kỳ đầu Trung Cổ). Napoleon bước vào buổi lễ với vòng nguyệt quế trên đầu và đã mang nó suốt buổi lễ. Trong lễ lên ngôi chính thức, ông đã đội vương miện của Charlemagne trên đầu như một cử chỉ tượng trưng nhưng không thực sự đặt nó lên đầu mình vì ông đã đang đội vòng nguyệt quế vàng. Thay vào đó, ông đặt nó lên đầu của Josephine, sự kiện này được vẽ trong bức tranh được chính thức công nhận của họa sĩ Jacques-Louis David. Napoleon cũng lên ngôi Vua nước Ý với Vương miện sắt của Lombardytại Đại thánh đường Milan vào ngày 26/05/1805. Sau khi lên ngôi, ông phong 18 tướng trong hàng ngũ những vị tướng giỏi nhất của mình thành Thống chế của Đế chế để đảm bảo lòng trung thành của quân đội vào ngày 18/05/1804. Đây được xem là điểm chính thức bắt đầu của Đế chế.
Như vậy, nếu chúng ta nhìn lại các mốc thời gian trong cuộc đời của Napoleon: ông sinh năm 1769, năm 1779 nhập học trường quân sự, đến năm 1785, ông tốt nghiệp trường quân sự với quân hàm thiếu úy pháo binh, cùng năm ông đóng quân ở Valence. Vào thời điểm này, đại đa số tiền lương ông dành để trả nợ cho gia đình và nuôi các em. Trong quyển “Napoleon Đại đế” miêu tả lúc này ông mỗi ngày chỉ ăn một bữa, dành tiền để mua sách đọc. Thứ duy nhất bầu bạn ông là những quyển sách, cũng như những bài luận văn do ông viết. Dù thời điểm đó, chuyện viết lách rất khó khăn chứ không đơn giản gõ phím như bây giờ, nhưng Napoleon vẫn luôn viết, từ luận văn đến tiểu thuyết, truyện ngắn… như một cách để ông diễn tả tư tưởng của bản thân mình khi cô độc và không ai lắng nghe.
Năm 1793, do bị xem là quá ủng hộ nước Pháp, gia đình Napoleon bị trục xuất khỏi đảo Corse. Tháng 12/1793, do biểu hiện xuất sắc và lòng dũng cảm trong trận vây thành Toulon, Napoleon được phong hàm thiếu tướng vào năm 24 tuổi. Tuy nhiên chưa đầy một năm sau ông bị tống giam vì cáo buộc thuộc phe Jacobin. Tuy nhiên không lâu sau ông được thả, trong bối cảnh rối ren chính trị xã hội lúc bấy giờ, chuyện lên hàm nhanh như diều gặp gió rồi ăn hành bất chợt là điều không lạ lẫm gì.
Năm 1795, Napoleon được phong làm chỉ huy quân đội phía Tây. Tháng 10 cùng năm, ông được giao nhiệm vụ đè bẹp cuộc nổi loạn của phe Bảo hoàng tại Paris và bảo vệ nền Cộng hòa. Cũng trong thời gian này, ông gặp vợ ông, Josephine.
Tháng 03/1786, Napoleon được phong làm chỉ huy quân Pháp tại Italy và cưới Josephine, sau đó 2 ngày ông lên đường đến Italy chống lại người Áo. Sau một hai trận thua ban đầu, ông đạt được một loạt chiến thắng và buộc người Áo phải ký kết hiệp định đình chiến Campo-Formio. Tháng 12/1797 ông trở về Paris như một anh hùng chiến tranh.
Không bao lâu sau, tháng 05/1798, ông bắt đầu cuộc viễn chinh Ai Cập, mặc dù đạt được những chiến thắng lớn, chiến dịch này được xem là thảm họa chiến lược với quân Pháp. Tuy nhiên Napoleon đã chứng tỏ mình là bậc thầy về truyền thông khi biến chiến dịch thảm họa này thành chiến thắng vẻ vang và vẫn giữ được ánh hào quang anh hùng của mình khi trở về Pháp vào tháng 08/1799. Ba tháng sau khi trở lại, ông trở thành Tổng tài thứ Nhất, của chính phủ Pháp mới. Lúc này ông mới có 30 tuổi, vừa bước vào độ tuổi hoàng kim của nam giới.
Đã đến đỉnh cao quyền lực nhưng bước chân của vị tướng quân chưa dừng lại, trên cả một chính trị gia, ông là một tướng quân, tháng 05/1800, ông tiến quân về Italy lần thứ hai, nhằm đánh bại người Áo lần thứ hai. Chưa đầy 1 năm, ông đã buộc người Áo lần thứ hai ký kết hiệp định đình chiến vào năm 1801.
Tháng 08/1802, Napoleon được dân bầu làm Tổng tài trọn đời và được ghi vào hiến pháp sau một loạt các thành tựu trong quá trình làm Tổng tài. Và chỉ 2 năm sau, vào tháng 12/1804 Napoleon lên ngôi hoàng đế tại Nhà thờ Đức bà Paris cũng do dân bầu, và quyền kế vị của gia đình ông được ghi vào hiến pháp. Lúc này, ông mới 35 tuổi và đã đến đỉnh cao quyền lực mà bao đời người không với đến.
Theo mình, quá trình ông vươn lên, có rất nặng yếu tố “thời thế tạo anh hùng”, cũng như việc ông như là con cưng của nữ thần may mắn vậy. Tuy nhiên, đó cũng là kết quả tất nhiên của việc nỗ lực không ngừng, cố gắng không ngừng cùng tài năng thiên bẩm của ông. Đọc sách chưa chắc giàu, nhưng người giàu đều đọc sách; Cố gắng chưa chắc sẽ thành công, nhưng người thành công đều cố gắng. Theo ý kiến cá nhân mình, may mắn và cơ hội luôn đến với mọi người, nhưng để nắm bắt được nó, thì phải không ngừng cố gắng từ trước khi nó đến để đủ khả năng nắm bắt được may mắn và cơ hội của mình. Napoleon là một ví dụ điển hình về việc này. Mình cũng thích đọc sách, nhưng mà đến mức ngày ăn một bữa để có tiền mua sách đọc thì lạy luôn. Chỉ ăn rẻ tiền để dành tiền mua sách thì được, chứ ăn uống kiểu đó sao đi làm nổi. Chúc các bạn, những người đang đọc bài này hoặc series bài về Napoleon này, vững chí rèn luyện năng lực để luôn sẵn sàng cho cơ hội của đời mình khi nó đến.
Napoleon lúc này đã đạt đến đỉnh cao quyền lực, nếu là một chính trị gia thuần túy, chắc có lẽ ông sẽ giã từ yên ngựa, giao hết chuyện binh gia cho 18 vị Thống chế của mình để họ tự đi đánh nhau với các quốc gia đang tuyên chiến với Pháp (Anh đã xé bỏ hiệp ước hòa bình Amiens với Pháp và tuyên chiến vào tháng 05/1803 và đã ký hiệp ước với Thụy Điển để hùa nhau đập Pháp, tiền đề cho Liên minh thứ ba). Nhưng không, Napoleon là một người lính, một vị tướng, ông đi lên đỉnh cao quyền lực bằng chiến thắng, và sẽ duy trì quyền lực của mình bằng chiến thắng trên chiến trường. Vậy nên chúng ta sẽ tiếp tục chiêm ngưỡng những trận đánh với khứu giác chiến lược tuyệt vời của ông trong các phần sau. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là ông chỉ biết quánh lộn. Thực tế những thành tựu về mặt dân sự của Napoleon cũng “khủng” không kém các thành tựu về mặt quân sự của ông, tiêu biểu là Bộ luật Napoleon (Napoleon’s Code)… Đó cũng là một trong những lý do vì sao, so với những vị hoàng đế khác, những vị tướng lĩnh kiệt suất khác, số lượng đầu sách viết về Napoleon lên đến hàng ngàn quyển, và vẫn tiếp tục tăng không ngừng.
Hai video phân đoạn lên ngôi vua của Napoleon:
Dài: https://www.youtube.com/watch?v=J4-hcmBsll0
Ngắn: https://www.youtube.com/watch?v=-bBJIR6TYF8
Thời gian qua bận việc quá nên gián đoạn không viết tiếp được. Mong các bạn thông cảm và hẹn gặp các bạn, những người cùng sở thích về lịch sử giống mình ở phần tiếp theo ở một ngày chưa xác định haha.
Hết phần 21.
Các bạn có thể tìm theo từ khóa Napoleon phần … để xem các phần trước, nhiều nên mình không liệt kê ở đây.
#Napoleon #Napoleonphan21





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *