Nói về Napoleon I – Phần 18: Nước Pháp! Đã đến lúc ta mang vinh quang đến cho nàng!
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Đúng như Napoleon đã nói, may mắn đã luôn bên cạnh ông, trong suốt 41 ngày lênh đênh trên biển, ông không gặp bất cứ chiến hạm Anh nào. Ngày 01/10, ông cặp cảng Ajaccio, cảng thuộc đảo Corsica, gió nghịch khiến họ ở đó đến ngày 08/10 khi họ lần nữa khởi hành đến Pháp. Đây cũng là lần cuối cùng Napoleon về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Khi bờ biển Pháp đã hiện ra trong tầm mắt thì 10 chiến thuyền Anh cũng xuất hiện. Phó đô đốc Ganteaume đề nghị quay ngược lại đảo Corsica, nhưng Napoleon đã từ chối: “Không, hành động đó sẽ mang chúng ta đến nước Anh, và ta muốn quay về Pháp!”. Hành động dũng cảm này đã cứu họ và vào ngày 08/10/1799, chiếc tàu hộ tống đã thả neo gần ngôi làng Fréjus. Vì không có bất cứ ai bị bệnh trên thuyền và dịch hạch tại Ai Cập cũng đã kết thúc được 6 tháng trước khi họ xuất phát, Napoleon và tùy tùng đã được phép lên bờ ngay lập tức mà không cần phải cách ly (Đang thời Corona, anh chị em cũng cẩn thận sức khỏe nhé). Vào lúc 6 giờ tối, ông xuất phát đi Paris, cùng ông có tham mưu trưởng Berthier. Ông dừng lại tại ngôi làng Saint-Raphaël, nơi đó ông ra lệnh xây một kim tự tháp nhỏ để kỷ niệm cuộc viễn chinh.
Sáng ngày 18 Brumaire, Lucien Bonaparte đã thuyết phục được Hội đồng là nhóm Jacobin đang tổ chức một cuộc đảo chính tại Paris, và khiến họ đến vùng ngoại ô Château de Saint-Cloud để an toàn. Napoleon được giao nhiệm vụ giữ an toàn cho hai Hội đồng và được giao quyền chỉ huy tất cả các quân đội trong khu vực.
Cuối buổi sáng hôm đó, Emmanuel Joseph Sieyès và Roger Ducos từ chức Đốc chính. Cựu bộ trưởng ngoại giao giai đoạn 1797–1799 Charles Maurice de Talleyrand-Périgord, đồng thời cũng là đồng minh thân cận của Napoleon, đã gây áp lực cho Đốc chính Paul Barras làm điều tương tự.
Việc 3 trong số 5 Đốc chính từ chức chỉ trong ngày đầu tiên của cuộc đảo chính khiến hội đồng 5 Đốc chính coi như giải tán. Tuy nhiên 2 Đốc chính của Jacobin là Louis-Jérôme Gohier và Jean-François-Auguste Moulin, tiếp tục chống cự quyết liệt. Cả hai đều bị bắt trong ngày thứ hai của cuộc đảo chính bởi đồng minh của Napoleon, tướng Jean Victor Marie Moreau, và trong ngày tiếp theo đã hoàn toàn từ bỏ chống cự.
Trái ngược với Hội đồng Đốc Chính, hai Hội đồng vẫn không bị đe dọa và tiếp tục họp.
Ngày hôm sau, các đại biểu bắt đầu nhận ra họ đang đối mặt với một cuộc đảo chính hơn là đang được bảo vệ khỏi cuộc nổi loạn của phái Jacobin. Đối mặt với sự chống đối này, Napoleon đã xông vào hội trường với một nhóm nhỏ lính ném lựu grenadier trong khi có lẽ ông không hề có kế hoạch về việc này, và hành động này đã chứng minh đảo chính trong đảo chính: từ thời điểm này, đây là một vấn đề quân sự.
Napoleon gặp phải phản đối khi ông nói với các đại biểu những sự thật như “Nền Cộng hòa không có chính phủ” và có vẻ ông đã nói “Cách mạng đã kết thúc”. Một đại biểu đã hô lớn: “Còn Hiến pháp thì sao?”. Napoleon trả lời, đề cập đến các cuộc đảo chính của quốc hội trước đó: “Hiến Pháp! Chính bản thân các ngươi đã phá hủy nó. Các ngươi vi hiến vào ngày 18 Fructidor; các ngươi vi hiến vào ngày 22 Floreal; các ngươi vi hiến vào ngày 30 Prairial. Không ai tôn trọng Hiến pháp nữa!”
Hội đồng Năm trăm thậm chí đón chào Napoleon với thái độ thù địch vô cùng. Lính grenadier của ông bước vào hội trường ngay đúng lúc phái Jacobin đang chất vấn về tính hợp pháp của việc Barras từ chức. Vừa bước vào, Napoleon đã bị chen lấn, sau đó bị tấn công. Một số nguồn còn nói ông gần như sắp ngất xỉu. Không phải bản thân Napoleon mà chính em trai ông, Lucien, Chủ tịch Hội đồng, đã lệnh cho lính ném lựu bảo vệ lãnh đạo của họ. Napoleon thoát ra được nhờ sử dụng vũ lực của quân đội.
Trong Hội đồng Năm trăm bắt đầu xuất hiện kiến nghị tuyên bố đặt Napoleon ngoài vòng pháp luật. Tại thời điểm này, Lucien Bonaparte đã ra khỏi hội trường và nói với các binh lính đang canh gác Hội đồng rằng đa số trong số Năm trăm đại biểu đang bị khủng bố bởi một nhóm đại biểu có dao găm. Theo lời của Michael Rapport: “Ông ta chỉ vào khuôn mặt tái nhợt xanh xao của Napoleon như bằng chứng. Tiếp theo, trong một hành động mang tính biểu tượng là chủ yếu, ông ta giật lấy thanh kiếm và hứa sẽ đâm thanh kiếm này xuyên qua tim anh trai mình nếu Napoleon là kẻ phản bội.”. Lucienlệnh cho quân đội trục xuất những đại biểu bạo lực ra khỏi hội trường. Lính grenadier dưới sự chỉ huy của tướng Joachim Murathành quân vào trong và giải tán Hội đồng. Đây thực sự là phần cuối của chế độ Đốc chính.
Rốt cuộc một sắc lệnh được thông qua tạm hoãn hoạt động của Hội đồng trong ba tháng, bổ nhiệm Napoleon, Sieyès và Ducos làm tổng tài tạm thời, đặt tên là Corps législatif – tiền thân Hội đồng Đại biểu Pháp sau này. Đây cũng là cơ quan thiết lập các luật lệ.
Napoleon sau cuộc nổi loạn này đã đạt được vị trí Tổng tài thứ nhất với nhiệm kỳ 10 năm cùng 2 tổng tài khác do ông chỉ định. Napoleon có nhiều quyền lực hơn hai người Tổng tài còn lại nhiều, họ cũng chỉ mang tính tượng trưng mà thôi. Sau đó, ông bổ nhiệm Thượng nghị sĩ của Thượng viện, đổi lại, họ ủng hộ ông điều hành đất nước theo các sắc lệnh, khiến vai trò của Quốc hội kém quan trọng đi, tạo tiền đề chính trị cho việc Napoleon lên ngôi hoàng đế. Lúc này thì dù Pháp có Quốc hội, có đại biểu… như một nền cộng hòa nhưng thực tế, nó đã dần biến chuyển thành một nền độc tài.
Napoleon sau đó ban hành Hiến pháp năm thứ VIII vào ngày 24/12/1799, thiết lập chính phủ theo thể chế Tổng tài. Hiến pháp này đã trao tất cả quyền lực cho Napoleon và trong mắt một số người là dấu chấm hết cho cuộc cách mạng Pháp. Hệ thống chính trị do Napoleon thiết lập này sau đó được sử gia Martyn Lyons người Anh gọi là “nền độc tài do toàn dân bầu ra”. Napoleon đã hợp thức hóa chức vị Tổng tài thứ nhất của mình bằng cách cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, với 99.94% người bỏ phiếu đồng đã đồng ý chức vị này của ông (tính ra anh Na lúc này là anh hùng trong lòng dân Pháp, được lòng dân ghê thật)
Sau này người ta vẫn còn tranh cãi về con số thực sự bao nhiêu người đã tham gia bỏ phiếu, tuy nhiên nó dao động từ 1.5 – 3 triệu người. Mặc dù đã ngồi lên ghế Tổng tài thứ nhất, nhưng quyền lực của Napoleon vẫn còn rất mong manh khi chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn trên lục địa châu Âu cũng như trong nước vẫn còn nhiều bất ổn. Cũng chính vì vậy mà vào mùa xuân năm 1800, Napoleon lại rời khỏi Paris đi làm chuyện ông am hiểu nhất: dẫn đệ đi đập nhau.
Phần này khá ngắn và liên quan đến chính trị nên khó viết khó nhai. Từ phần sau chúng ta lại tiếp tục theo dấu chân anh Na đi đập mấy nước khác. Chẳng bao lâu nữa thôi, anh Na của chúng ta sẽ làm hoàng đế nước Pháp, dẫn đệ đi đánh khắp châu Âu.
Một đoạn ngắn trích từ phim Napoleon năm 2002 về cuộc đảo chính:
https://www.youtube.com/watch?v=gUOsMQhiQcQ
Hết phần 18.
#Napoleon #Napoleonphan18