Nói về Napoleon I – Phần 17: Viễn chinh Ai Cập (1798) – Chiến thắng cuối cùng tại vương quốc của cát
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Tên chỉ huy phía Pháp trừ Napoleon sẽ in nghiêng để phân biệt với chỉ huy phía quân liên minh.
Sau khi thất bại trong việc chiếm thành Acre, tình hình của quân Pháp hiện tại đang cực kỳ nguy cấp – quân địch có thể tấn công hậu quân khi quân Pháp rút lui, bản thân quân Pháp cũng đang bị cái đói và kiệt sức dày vò, đồng thời họ đang phải mang theo một lượng lớn binh sĩ bị nhiễm bệnh theo. Nếu để những binh sĩ bị bệnh ở trung quân thì dịch bệnh có thể lan ra toàn quân, thành ra phải để các bệnh binh này ở hậu quân, nhưng như vậy lại khiến họ rất dễ dàng hứng chịu lửa giận của người Ottoman đang muốn báo thù. Hiện tại quân Pháp có hai bệnh viện, một tại ngọn Carmel và một tại Jaffa. Theo lệnh của Napoleon, tất cả những người tại ngọn Carmel đã được di tản đến Jaffa và Tantura. Tất cả các con ngựa dùng kéo pháo được Napoleon và các sĩ quan chuyển giao cho sĩ quan vận tải Daure, bản thân Napoleon cũng đi bộ làm gương.
Để che giấu hành động rút quân của mình, đạo quân khởi hành vào ban đêm. Sau khi đến Jaffa, Napoleon lệnh sơ tán những binh lính bị dịch hạch đến ba nơi khác nhau: một bằng đường biển đến Damietta, một bằng đường bộ đến Gaza và một đường cuối bằng đường bộ đến Arish. Trong suốt cuộc rút quân, đạo quân Pháp đã dọn sạch tất cả mọi thứ tại nơi họ đi qua, từ gia súc đến lương thực, cũng như phá hủy nhà cửa. Gaza là nơi duy nhất không bị ảnh hưởng bởi chiến thuật cướp sạch này, như là một hồi báo cho việc họ vẫn tiếp tục trung thành với Napoleon. Có lời đồn rằng để tăng nhanh tốc độ rút quân, Napoleon đã hạ lệnh giết những người lính bị dịch hạch mà bác sĩ chuẩn đoán không có khả năng phục hồi. Tuy nhiên chuyện này có thật hay không thì chỉ có trời biết đất biết chứ lịch sử cũng do người thắng ghi lại. Kẻ thắng là chính nghĩa nên họ muốn biến Napoleon thành ác quỷ cũng là điều dễ hiểu.
Cuối cùng, sau khoảng 4 tháng viễn chinh khỏi Ai Cập, đội quân viễn chinh Pháp về đến Cairo với 1,800 người bị thương, 600 người chết vì bệnh dịch và 1,200 thiệt mạng trong chiến đấu. Trong khi đó, phái viên của người Ottoman và người Anh đã loang tin về việc Napoleon rút quân khỏi Acre về Ai Cập, đồn đãi rằng quân viễn chinh Pháp bị thiệt hại nặng nề và bản thân Napoleon đã thiệt mạng. Để trả lời cho những tin đồn nhảm đó, Napoleon đã trở lại Ai Cập như đang dẫn đầu một đoàn quân khải hoàn quay về, quân lính của ông mang theo cành cọ, biểu tượng của chiến thắng. Thậm chí để khẳng định chiến thắng của mình (tất nhiên có thắng chứ không phải không, có điều không nói không đánh được Acre thôi), Napoleon đã có một bài diễn thuyết với dân chúng thành Cairo.
Tại Cairo, quân Pháp được tiếp tế và nghỉ ngơi khôi phục, tuy nhiên kỳ nghỉ này chả kéo dài lâu. Napoleon đã được thông báo rằng Murad Bey đã thoát được truy binh của tướng Desaix, Belliard, Donzelot và Davout đồng thời đang di chuyển đến vùng Thượng Ai Cập. Napoleon vì vậy hành quân tấn công ông tại Giza, đồng thời Napoleon cũng biết được 100 tàu Ottoman đã rời khỏi Aboukir, đe dọa an toàn của Alexandria.
Không cần mất thời gian quay về Cairo, Napoleon lệnh cho các tướng hành quân hết tốc lực để chống lại đội quân do thủ lĩnh của Rumelia là Saïd-Mustapha. Đạo quân này đã gia nhập vào lực lượng do Murad Bey và Ibrahim chỉ huy. Trước khi rời Giza, nơi ông phát hiện ra họ, Napoleon đã viết thư cho hội đồng divan ở Cairo, nói về việc có khoảng 80 tàu đã tấn công Alexandria nhưng đã bị đẩy lùi bởi pháo bờ biển và đã trở lại thả neo tại vịnh Aboukir, lúc này đã bắt đầu đổ bộ quân lính. Napoleon tuyên bố mình đã để quân địch đổ bộ hoàn tất, nhằm tấn công và diệt gọn bọn họ tại đó.
Trận Aboukir trên bộ (phân biệt với Trận Aboukir trên biển hay còn gọi là Trận sông Nile, nơi hạm đội Pháp bị tiêu diệt) diễn ra vào ngày 25/07/1799 tại vịnh Aboukir giữa 7,700 bộ binh, 17 khẩu pháo và 1,000 kỵ binh Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon và Joachim Murat, và 18-20,000 quân Ottoman cùng 30 khẩu pháo do Mustafa Pasha, Murad Bey và Ibrahim Bey chỉ huy.
Đầu tiên Napoleon hành quân đến Alexandria, từ đó hành quân đến Aboukir, lúc này nơi đây đã có lực lượng Ottoman mạnh mẽ canh giữ. Napoleon đã triển khai quân để Mustapha buộc phải chiến thắng hoặc chết cùng với toàn bộ gia đình của mình.
Mustafa là một chỉ huy giàu kinh nghiệm từng chiến đấu chống lại người Nga. Ông hiểu rằng việc cho kỵ binh xung phong thẳng vào các đội hình vuông của quân Pháp là chẳng khác nào tự sát. Nên ông đã tránh so tài tự sát với quân Nhật bằng cách gia cố phòng ngự phía bờ biển với hai phòng tuyến. Từ bờ biển này Mustafa có thể tổ chức tấn công thẳng vào Ai Cập. Tuy nhiên, Napoleon đã ngay lập tức nhìn thấu kế hoạch của ông và bố trí binh lực đối ứng. Điều này đồng nghĩa với việc quân Thổ sẽ chẳng có đường nào để chạy nếu bại trận.
Ngày 25/07, quân Thổ đang trong thế phòng ngự và phụ thuộc nhiều vào một đồn nhỏ nằm giữa phòng tuyến và biển. Người Anh vẫn còn ở quá xa bờ do thủy triều rút khiến mực nước quá nông để chiến hạm có thể tiến đến gần bờ, điều này khiến người Anh không thể sử dụng pháo binh yểm trợ hỏa lực cho quân Thổ chống lại người Pháp. Napoleon cho pháo binh dọn xong trận địa trên một điểm cao nhưng đợt tấn công đầu tiên thất bại do Desaix né tránh nhiệm vụ và Murat thì không dám tiến lên khi ông nhìn thấy đạn pháo bay vù vù trên đầu mình.
Mustapha nhanh chóng lợi dụng tình thế khi mang quân tấn công người Pháp, chém đầu tất cả quân Pháp bắt được. Hành động này khiến người Pháp phẫn nộ đến mức không cần bất kỳ hiệu lệnh gì, quân Pháp lập tức tràn vào hàng ngũ quân địch. Murat dẫn theo kỵ binh dưới quyền nhanh chóng xé toạc phòng tuyến quân Thổ, xuyên qua thị trấn khiến quân Mustapha không còn đường rút lui. Tốc độ của kỵ binh Murat quá nhanh đến mức ông xông thẳng vào căn lều của Mustapha, cắt đứt hai ngón tay của của vị chỉ huy quân Thổ. Đáp trả, Mustapha cũng bắn vào cằm của Murat khiến ông phải phẫu thuật ngay. Tuy nhiên vết thương này cũng chỉ khiến Murat nghỉ ngơi một ngày, ngay hôm sau ông đã trở lại cương vị của mình.
Quân Thổ tháo chạy trong hoảng loạn, một số đã chết đuối khi cố bơi ra các tàu chiến của Thổ và Anh cách bờ biển khoảng 2 dặm. Khoảng 3,000 quân Ottoman khác thành công trốn chạy vào trong pháo đài, tuy nhiên do thiếu chỉ huy, cộng thêm đói khát, họ đầu hàng chỉ hai ngày sau trận đánh.
Quân Pháp có 220 lính thiệt mạng, 600 người bị thương, trong khi phía quân Ottoman có 2,000 lính thiệt mạng ngay trong trận đánh, khoảng 4,000 chết đuối, 1,000 lính chết và 1,500 người khác bị bắt khi quân Pháp chiếm pháo đài Abukir hai ngày sau đó.
Murat lên hàm tướng ngay trong đêm đó do chiến công của mình. Còn tin tức về chiến thắng vang dội này bay nhanh đến Pháp trước cả khi Napoleon trở về, khiến ông càng thêm nổi tiếng hơn. Đây cũng là vốn liếng quan trọng cho ông trong bối cảnh lúc bấy giờ đủ thứ rắc rối đang sôi trào trong trong Hội đồng Đốc Chính. Chiến thắng này cũng là trận cuối cùng Napoleon chỉ huy trước khi ông lên đường về Pháp, nên chiến thắng này góp phần đảm bảo cho quyền cai trị của người Pháp tại Ai Cập.
Chiến thắng tại Abukir cũng khiến cho người Pháp có được vài tháng nghỉ ngơi an ổn tại Ai Cập. Tuy nhiên Napoleon đã cảm thấy hiện tại ông đã không còn bất kỳ thứ gì để làm tại Ai Cập, đã đến lúc ông quay về Pháp. Quân viễn chinh theo ông, dù đã thắng những trận đánh với tỷ số thương vong đáng kinh ngạc, lại bị hành hạ bởi dịch bệnh, khí hậu nơi Ai Cập, cũng như bị thiệt hại nặng trong trận vây hãm thành Acre. Theo ông, hiện tại quân đội viễn chinh đã không đủ khả năng để hoàn thành tham vọng ban đầu của ông là kiểm soát vùng Trung Đông sau đó đánh sang Ấn Độ. Linh tính mách bảo, quân đội của ông sẽ phải đầu hàng sớm và bị kẻ thù bắt làm tù binh, đồng nghĩa với tất cả các thành tựu ông đạt được sau hàng loạt chiến thắng của mình. Napoleon bắt đầu suy nghĩ nên trở về nước Pháp. Lý do cuối cùng giúp ông thuyết phục chính bản thân mình là việc ông biết được các sự kiện gần đây của nước Pháp thông qua hạm đội Anh khi hai bên trao trả tù binh. Tin tức Napoleon nhận được là Pháp đang thua trận và đã đánh mất các ưu thế có được sau các chiến thắng trước đó. Napoleon tin rằng, người dân Pháp và chính quyền đều đang cần những chiến thắng để giành lấy nền hòa bình vinh quang mà Hòa ước Campo Formio – hòa ước ký sau khi Napoleon cho quân Áo ăn hành ngập mặt. Với niềm tin đó, Napoleon chắc chắn cả nước Pháp sẽ chào đón ông nếu ông quay về vào lúc này.
Thực tế là chính quyền Pháp đã nhiều lần kêu ông quay về, nhưng liên lạc bị gián đoạn, thêm nữa hạm đội Pháp bị tiêu diệt và người Anh thống trị Địa Trung Hải khiến những mệnh lệnh này không đến được với Napoleon. Có bạn từng comment trong loạt bài về Napoleon này: Ông giỏi, nhưng cũng rất may mắn. Đúng vậy, một lần nữa, hành động mà Napoleon nghĩ rằng mình đang tự tiện quay về, lại biến thành về theo lệnh điều động, về để cứu vớt nước Pháp trong dầu sôi lửa bỏng.
Napoleon chỉ cho một số người thân tín biết về việc ông chuẩn bị quay về Pháp. Ông rời Cairo trong tháng 08/1799 với lý do đi thị sát vùng đồng bằng sông Nile khiến không ai có nghi ngờ gì. Đi cùng ông có các học giả Monge và Berthollet, họa sĩ Denon, các tướng Berthier, Murat, Lannes và Marmont. Ngày 23/08/1799 một thông báo cho toàn quân là Napoleon đã chuyển quyền chỉ huy cho tướng Kléber khiến phẫn nộ bùng lên trong quân đội. Binh sĩ nghĩ rằng Napoleon và chính quyền Pháp đã bỏ rơi họ. Tuy nhiên tướng Kléber đã thuyết phục họ rằng Napoleon không rời đi luôn mà sẽ trở lại nhanh chóng với viện quân mới từ Pháp. Điều này khiến binh sĩ nhanh chóng lấy lại tự tin vào tình cảnh của mình. Khi đêm đến, tàu hộ vệ Muiron yên lặng rời bến, với ba chiếc tàu khác hộ tống. Một số người đã lo lắng rằng tàu Anh sẽ phát hiện ra họ khi họ khởi hành, nhưng Napoleon nói to: “Không! Chúng ta sẽ làm được, may mắn chưa bao giờ bỏ rơi chúng ta, chúng ta sẽ đến được, mặc kệ quân Anh”. Dành cho ai đã quên chiếc tàu Murion này, mọi người còn nhớ đoạn giải vây thành Mantua ở Ý, tại trận Arcole, Napoleon đứng phất cờ cổ vũ, nhiều sĩ quan trúng đạn, nhưng ông vẫn không hề hấn gì, và một người phụ tá của ông tên Murionđã tử trận không? Khi quân Pháp chiếm được Venice, Napoleon đã đặt tên cho một tàu hộ vệ đang đóng dang dở là Murion.
Link Youtube trích đoạn phim Napoleon 2002 về chiến dịch Arcole: https://www.youtube.com/watch?v=gyXxYh7PoOQ
Từ nay mình sẽ cố gắng tìm thêm các link trích đoạn của phim về Napoleon với nội dung phù hợp các phần. Tuy nhiên trong khả năng thôi chứ không hứa phần nào cũng có nhen.
Từng kề vai sát cánh chiến đấu với nhau, giờ một lần nữa, “Murion” lại đưa Napoleon về với nước Pháp.
Quân Pháp ở lại Ai Cập được tướng Kléber dẫn dắt đã chiến thắng vang dội tại trận Heliopolis ngày 20/03/1800 khi 10,000 quân Pháp đánh bại 60,000 quân Ottoman, gây cho quân Ottoman khoảng từ 8-9,000 thương vong, trong khi bản thân chỉ có 600 thương vong. Những tưởng quân Pháp sẽ tiếp tục thủ vững thì ngày 14/06 Kléber bị một sinh viên người Syria ám sát. Quyền chỉ huy quân đội rơi vào tay Menou, người không có tài hoa quân sự như Kléber hay Napoleon. Liên quân Anh Thổ sau đó đã đánh bại quân Pháp tại trận Alexandria ngày 21/03/1801 khi 14,200 quân Anh khiến 4,000 người trong tổng số 9,710 lính Pháp thiệt mạng hoặc bị thương, bản thân quân Anh cũng có 2,300 thương vong.
Tướng Menou đầu hàng quân Anh ngày 02/09/1801, đặt dấu chấm hết cho cuộc viễn chinh Ai Cập của người Pháp. Tướng Menou cùng tàn quân được trở về Pháp trên tàu Anh, đổi lại, ông đã phải trao cho người Anh tất cả những khám phá của người Pháp tại Ai Cập, như tảng đá Rosetta chẳng hạn. Đây cũng là lý do bảo tàng Anh có bộ xương của con ngựa Napoleon từng cưỡi.
Mãi đến ngày 25/06/1802 Hiệp ước Paris mới coi như kết thúc tất cả những thù địch giữa Pháp và Ottoman, đồng thời Ai Cập một lần nữa về tay người Ottoman.
Từ đây, cuộc đời của Napoleon bước sang những trang huy hoàng mới, tạo nên huyền thoại mà cả đến nay rất nhiều người trong chúng ta vẫn phải sợ hãi thán phục.
Hết phần 17.
#Napoleon #Napoleonphan17