Nói về Napoleon I – Phần 12: Chiến dịch Italia lần 1 (1796-1797) – Rốt cuộc xong anh Áo

Nói về Napoleon I – Phần 12: Chiến dịch Italia lần 1 (1796-1797) – Rốt cuộc xong anh Áo
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Tên chỉ huy phía Pháp trừ Napoleon sẽ in nghiêng để phân biệt với chỉ huy phía quân liên minh.
Sau khi đập tan chủ lực quân Áo tại miền bắc Italy với chiến thắng không tưởng tại trận Rivoli, cũng như ăn hiếp Giáo hoàng, bắt nạt Giáo hoàng phải cho tiền xài, Napoleon lại quay lại miền bắc, chuẩn bị băng qua dãy Alps, nốc ao kình địch Áo.
Suốt năm 1796, chiến dịch ở Đức mới là nơi trọng điểm ưu tiên của Pháp, khi mà các quân đoàn liên tục được viện binh. Nhưng sau một thời gian dài thiếu thốn thành công, Paris mới có một quyết định muộn màng là chi viện cho chiến trường Italy (nếu ngay từ đầu vẫn ưu tiên chi viện Napoleon, khả năng ông đã đánh chiếm đến miền nam nước Ý hoặc chiếm luôn Áo rồi). Tuy nhiên như chúng ta đã biết qua các phần trước, dù nằm trong thế bất lợi, Napoleon vẫn đập cho người Áo chạy té khói, dù tất nhiên, cũng có vài trận thua. Trung tướng Jean-Baptiste BernadotteAntoine Guillaume Delmas đã được điều đến chiến trường Italy với quân đội trực thuộc quyền chỉ huy của họ.
Mặc dù chỉ huy mới của quân Áo tại Italy, thống chế – hoàng tử nước Áo Charles, Công tước xứ Teschen có 50,000 quân, quân đội của ông bị dàn trải trên một chiến tuyến rộng. Napoleon quyết định sẽ tấn công Charles trước khi quân Áo kịp chuẩn bị (một phút mặc niệm cho Charles – đùa thôi chứ ông này cũng đánh bại được Napoleon một lần, chuyện này sẽ nói sau, theo tiến độ hiện tại có khi là phần thứ n+1 luôn mới tới trận đó). Với 60,000 quân sẵn sàng ra trận, Napoleon dự định sẽ tấn công thông qua Friuli với 2/3 lực lượng. Ông cho trung tướng Barthélemy Joubertchỉ huy 20,000 quân bảo vệ Tyrol trong trường hợp quân Áo đột kích. Còn nếu không có đe dọa nào xuất hiện, Joubert được lệnh sẽ hội quân với Napoleon tại thung lũng sông Drava.
Với việc trung tướng Pierre Augereau không có mặt, trung tướng Jean Joseph Guieu thay thế ông chỉ huy sư đoàn này. Trung tướng André Masséna, Bernadotte, và Sérurier cùng với Napoleon ở trung quân. Đến cuối tháng 2, quân Pháp bắt đầu tiến công với việc Napoleon vượt sông Brenta. Tuy nhiên thời tiết không thuận lợi khiến hành động bị hoãn lại, nhưng đến 10/03, người Pháp tiếp tục tiến tới theo hai đạo quân. Napoleon mang 32,000 quân thông qua làng Sacile, nhắm đến Valvasone. Canh giữ bên cánh trái là Masséna và 11,000 quân. Charles triển khai trung quân giữa SpilimbergoSan Vito al Tagliamento. Đến ngày 14, Massénagiao tranh với một lực lượng nhỏ quân Áo của trung tướng Franz Joseph, Marquis de Lusignan.
Ngày 16/03/1797, trận Valvasone diễn ra: Napoleon chỉ huy 40,000 quân Pháp vượt sông Tagliamentodưới sự yểm trợ của pháo binh. Charles với chỉ 5,000 quân phòng thủ không chống nổi, buộc phải lùi đến dãy Tarvis. Quân Pháp mất 500 người, trong khi Áo mất 700 người và 6 khẩu pháo.
Tuy nhiên ác mộng của người Áo chưa chấm dứt, ngày hôm sau, Bernadottephát hiện một đạo quân của Áo tại Gradisca d’Isonzo và với 18,000 quân của mình, ông bắt cả đạo quân 2,500 người của Áo đầu hàng mà không tốn một binh một tốt nào. Ba tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh “Hoch und Deutschmeister” số 4, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh “Splényi” số 51, 10 khẩu pháo và 8 cờ hiệu rơi vào tay anh Napoleon.
Trong khi quân Áo bị “anh Na” đánh chạy, bắt cóc… thì cách đó 300km về phía tây, Joubert với 18,000 người đụng độ trung tướng Áo Wilhelm Lothar Maria von Kerpen với 12,000 quân ngày 20/03 tại St. Michael, gần Salorno ngày nay. Quân Áo của Kerpen bao gồm 5 tiểu đoàn thuộc 2 trung đoàn bộ binh, cộng thêm một đội dragoons và 5,000 dân binh Tyrol. Trong trận đánh này, Joubert đã gây ra 300 thương vong cho quân Áo, bắt sống 3,500 người, trong khi chịu 200 thương vong.
Ngày 21-23/03/1797, trận Tarvis nổ ra: 11,000 quân Pháp do Napoleon, Masséna Guieu chỉ huy tấn công 8,000 quân Áo do Hoàng tử Charles, Ocskay và Bajalics chỉ huy.
Khi Masséna hướng về Tarvisio (Tarvis), tấn công Lusignan phía trước ông, hoàng tử Charles cho 3 tiểu đoàn đến phòng thủ con đường núi tại Tarvis. Tuy nhiên khi họ đến vùng lân cận thì phát hiện họ bị bao vây bởi quân của Masséna phía trước, còn quân Napoleon thì phía sau họ (mấy anh Áo lại bị Napoleon dụ với mồi nhử là quân của Masséna). Trong trận đụng độ đầu tiên ngày 21/03, tiền quân của Masséna hất văng quân của trung tướng Joseph Ocskay von Ocsko ra khỏi Tarvis, chặn luôn đường rút lui của họ (thảm, lại bị bao vây). Ngày hôm sau, quân của trung tướng Charles Philippe Vinchant de Gontroeul xuất hiện và đẩy lùi người Pháp khỏi Tarvis. Masséna mở một cuộc tấn công lớn vào ngày 22, đẩy tướng Gontroeul ra khỏi thị trấn và khiến ông buộc phải rút về Villach (thời này đánh nhau, cứ hôm nay đứa này chiếm làng, qua hôm sau, thậm chí vài tiếng sau đã rơi vào tay địch).
Điều này khiến cho quân Áo của trung tướng Adam Bajalics von Bajahaza bị rớt lại phía bên kia đường núi. Bajalics và trung tướng Samuel Köblös de Nagy-Varád chiến đấu vào ngày 22/03 chống lại các sư đoàn của Masséna, Guieu Sérurier. Đến ngày hôm sau, họ buộc phải đầu hàng với 4,000 quân Áo, 25 khẩu pháo và 500 xe ngựa. Theo một nguồn khác, quân Pháp bắt được 3,500 người Áo, 25 pháo và 400 phương tiện. Về phía người Pháp, trong các cuộc giao tranh, họ mất 1,200 người khi khiến quân Áo chịu 1,000 thương vong.
Tiểu đoàn số 3 thuộc trung đoàn bộ binh Klebek số 14, tiểu đoàn số 4 thuộc trung đoàn bộ binh Archduke Anton số 52 và tiểu đoàn lính ném lựu Khevenhüller Grenadier bị bắt. Một số đơn vị Áo khác tham gia trận đánh là 2 sư đoàn thuộc trung đoàn bộ binh Fürstenburg số 36, 3 tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh Nadásdy số 39, tiểu đoàn lính ném lựu Rüdt Grenadier, bốn đội kỵ binh thuộc trung đoàn khinh kỵ Erdödy Hussar số 11 và 1 đội kỵ binh thuộc trung đoàn kỵ binh dragoon Toscana số 26.
Trong khi Bernadotte truy đuổi một bộ phận quân của Charles đang rút lui về Ljubljana (Laybach), trung tướng Charles Dugua chiếm cảng Trieste với một đạo quân kỵ binh. Do đường tiếp tế trở nên quá dài, Napoleon quyết định lập một trung tâm điều phối mới tại Palmanova. Nhằm tránh cánh trái chiến lược bị quấy rầy, Napoleon lệnh cho Joubertbảo vệ Brixen. Đến thời điểm này, trung tướng Louis François Jean Chabot nhận quyền chỉ huy sư đoàn của Sérurier do ông bất ngờ bị bệnh. Vào ngày 29/03, sư đoàn của Masséna, GuieuChabot đã chiếm được Klagenfurt.
Do có quá ít quân để tấn công, Napoleon chuyển trung tâm hành động của ông sang Klagenfurt và lệnh cho các đạo quân độc lập của Joubert, Bernadotte Victor (từ Vatican) đến hội quân với ông tại đó. Thiếu tướng Louis Friant được giao trấn giữ Triestevới 1,500 quân. Ngày 31/03 Napoleon gửi một bức thư cho hoàng tử Charles yêu cầu hòa đàm. Ông hy vọng sẽ có đủ thời gian để cuộc tấn công của trung tướng Jean Victor Marie Moreau vào Đức bắt đầu. Để thuyết phục Charles tin rằng quân Pháp đang nắm giữ sức mạnh tuyệt đối, Napoleon cho quân tiến tới. Ngày 07/04, họ chiếm Leoben, cách Vienna chỉ 121 km. Cũng vào ngày hôm đó, quân Áo đồng ý ngừng bắn trong 5 ngày.
Sau khi tiếp tục gia hạn ngừng bắt thêm 5 ngày vào ngày 13/04, Napoleon đề nghị đàm phán bắt đầu vào ngày 16/04, dù cho ông không hề có quyền làm việc này (từng chút một, chút ta đã bắt đầu thấy được tham vọng của Napoleon đang dần lớn mạnh hơn theo những vinh quang và thắng lợi ông đạt được trên chiến trường). Lo sợ về một cuộc tấn công phía sông Rhine,người Áo ký hiệp định sơ bộ tại Leoben vào ngày 18. Đa số các điều khoản đều được xác nhận bằng hiệp ước Campo Formio vào ngày 17/10/1797. Theo sau hiệp định tạm thời này là những trận đánh không mục đích phía sông Rhine. Ngày 18, quân Pháp dưới sự chỉ huy của trung tướng Lazare Hoche thắng lớn quân Áo do trung tướng Franz von Werneck chỉ huy trong trận Neuwied. Quân của Moreaurốt cuộc cũng lắc lư ra chiến trường vào ngày 20-21/04 khi họ đẩy lùi quân Áo của trung tướng Anton Count Sztáray de Nagy-Mihaly trong trận Diersheim.
Trong trận đánh tại Tarvis, đạo quân của Joubert tiếp tục tiến lên. Quân Pháp đẩy lùi một cuộc tấn công do trung tướng Johann Ludwig Alexius von Loudon chỉ huy tại Neumarkt vào ngày 21/03. Để lại Delmas chỉ huy 5,000 quân canh giữ đường tiếp tế, Joubert nhanh chóng tiến về Klausen rồi một lần nữa cho Kerpen ăn hành vào ngày 22/03. Quân Áo rút lui về hướng đông bắc tới Mittenwald nơi họ lại ăn hành lần n+1 vào ngày 28/03 và bị đẩy văng khỏi Sterzing. Với dân binh Tyrol tham chiến chống lại người Pháp xâm lược, Joubertbị buộc phải lùi về Brixen. Ngày 31/03, Kerpen tấn công người Pháp tại Brixennhưng đã không đủ sức đánh đuổi họ. Sau khi được viện quân 12,000 người từ lữ đoàn của Laudon vừa đến, Kerpen một lần nữa tấn công Brixen vào ngày 02/04 nhưng vẫn không thành công. Tuy nhiên, dưới áp lực liên tục, Delmas phải rút khỏi Bolzano(Bozen) vào ngày 04/04. Ngày tiếp theo, Joubert hành quân về Villach để hội quân với Napoleon theo kế hoạch. Sau một loạt giao tranh với dân quân Tyrol, quân của ông đến được nơi hội quân ngày 08/05, sau khi hiệp định Leoben được ký kết. Trong suốt các chiến dịch của Joubert, quân Pháp chịu khoảng 8,000 thương vong.
Đáng buồn cho quân Áo trong suốt chiến dịch Italia lần 1 này, họ đã mắc rất nhiều sai lầm, dẫn đến kết cục thảm họa, Napoleon có một câu nói hay về vấn đề này: “Never interrupt your enemy when he is making a mistake” – (Đừng bao giờ làm phiền kẻ địch khi họ đang phạm sai lầm!”.
Chiến tranh thì tất nhiên sẽ không thể không có người chết. Công tước Wellington của Anh từng nói: “Nỗi buồn nhất sau nỗi buồn thua trận chính là thắng trận”. Tuy rằng sau một loạt chiến thắng, Napoleon đã thành công buộc người Áo phải ký hiệp ước đình chiến, nhưng cái giá phải trả cho những chiến thắng lẫy lừng này không ít: hàng chục ngàn quân Pháp, Áo thiệt mạng. Tuy nhiên khi nhìn về lịch sử, chúng ta cần đặt bản thân mình vào vị trí người xưa với bối cảnh đó để cảm nhận chính xác.
Nền cộng hòa non trẻ của Pháp không thể không chiến đấu, cả châu Âu đang ùn ùn kéo đến để tiêu diệt cuộc cách mạng này, Napoleon, với cương vị là một vị tướng, điều duy nhất ông có thể làm là dẫn dắt quân đội của mình chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ nền cộng hòa Pháp này. Thay vì bị động phòng ngự, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon đã liên tục tiến công, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, rốt cuộc buộc một đế quốc mạnh mẽ của châu Âu phải ký hiệp ước với mình.
Đối với người Áo và người dân miền Bắc nước Ý, Napoleon có thể là ác quỷ, là kẻ xâm lược, nhưng đối với nhân dân Pháp lúc bấy giờ, ông chính là người hùng của họ, cứu nước Pháp khỏi dầu sôi lửa bỏng.
Bằng cách áp dụng một chiến thuật mới mẻ lúc bấy giờ: thành lập các quân đoàn độc lập, để họ tự do tác chiến, giúp tăng cao tốc độ hành quân, đồng thời có thể nhanh chóng hội quân để đè bẹp kẻ thù, Napoleon đã gặt hái những thành công đầu tiên trong cuộc đời truyền kỳ của mình.
Cám ơn các bạn đã theo dõi đến phần này. Phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn theo những bước chân của Napoleon, để xem bằng cách nào, ông đã trở thành Hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử nước Pháp.
“Until you spread your wings, you’ll have no idea how far you can fly” (Cho đến khi bạn sải cánh bay, bạn sẽ chẳng bao giờ biết bạn có thể bay bao xa) – Napoleon Bonaparte.
Hết phần 12.
#Napoleon #Napoleonphan12





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *