Phần I /
Chị về nhà chồng khi cái bụng đã nhấp nhô. Cửa trước không được vào mà phải vào bằng cửa sau. Mẹ nói chị không biết giữ gìn, vào cửa trước … sẽ làm xui cho nhà. Ngày vui vắng bóng cha chồng (ông bỏ đi biền biệt từ ngày anh sinh). Suốt tiệc, mẹ không nhoẻn miệng cười.
1 ngày của 6 tháng sau,
Anh cãi nhau kịch liệt với mẹ, nối gót cha, anh cũng bỏ nhà mà đi. Ngày chị hạ sinh đứa con đầu lòng, vắng chồng bên cạnh. Mẹ chồng ngửa cổ lên tru tréo “khốn nạn cho đời tôi quá”. Ba người đàn bà quây quần bên nhau trong căn nhà tối. Năm ấy Anh đi không về …
Ít lâu sau cha chồng tìm về, thân tàn ma dại sau nữa đời phiêu bạc. Đón ông ở cổng không phải là mẹ mà lại là chị ! Trước ngày anh đi, như đã tiên liệu, anh lần giở cuốn album chỉ cho chị biết mặt cha mình. Bữa cơm sum họp đêm hôm ấy nặng nề và u ám. Chỉ có chị nói chuyện cùng cha. Năm ấy anh vẫn đi không về ….
Ông dựng tạm túp lều nhỏ ven bìa làng để vá xe kiếm sống. Chị với cương vị là con dâu đã thay chồng phụng dưỡng ông. Miệng đời lúc nào cũng cay nghiệt “hớ hênh … cái thứ vắng chồng”. Không thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Năm đó chị lại có bầu ? Bé trai sinh ra thiệt kháu khỉnh với đôi mắt tròn xoe hệt như cha chồng. Xóm giềng, mẹ chồng, không tiếc lời miệt thị chị. Họ đổ dồn mọi tội lỗi cho hai con người đầy xấu xa đó. Chị một mực im lặng và cam chịu. Năm ấy Anh vẫn đi không về ….
Chị bỏ làng, ôm hai đứa nhỏ thuê một căn nhà be bé nơi chợ huyện, nhận may đồ nuôi con. Cha chồng thi thoảng có ghé thăm cho quà bánh. Ông rất thương đứa cháu sau, vì nó rất giống ông. Miệng đời lại miệt thị “có nhà không ở … dọn ra ngoài để dễ bề trai trên gái dưới”. Nghiệt ngã làm sao, 1 năm sau đó chị lại có bầu, một bé trai nữa chào đời. Sự việc đỉnh điểm khi lần này nó lại một lần nữa y khuôn cha chồng Chị. Trong cơn ghen. Mẹ chồng đã châm lửa đốt rụi cửa hàng của chị. Hai người lớn và ba đứa nhỏ vẫn im lặng, một lần nữa bỏ làng ra đi. Năm đó Anh đi vẫn chưa về …Từ đó trở đi không có một ai biết được tin tức của họ nữa.
Ngày Mẹ chồng trăm tuổi.
Già, khó tính, con cháu không ai muốn viếng thăm. Nghe tin, cũng chỉ có chị tìm về thay chồng báo hiếu cho mẹ. Bà không thèm nhìn lấy mặt chị một lần. Ba đứa trẻ chạy giỡn với nhau rối rít ngoài sân. Trong nhà bà trút hơi thở cuối cùng mà mắt vẫn nhìn chị đầy căm phẫn. Thay chồng. Chị chịu tang mẹ. Năm đó Anh đi vẫn không về …
Giỗ 8 năm sau của Mẹ chồng.
Mấy đứa trẻ cũng đã lớn. Ông nội cũng đã không còn đủ sức để chạy theo chúng. Đứa nhỏ nhất đá trái bóng lăn về phía cửa nên chạy theo. Trái banh va phải cửa một chiếc xe hơi đen bóng cáu cạnh. Người đàn ông lịch lãm bước xuống xe nhặt trái banh đưa cho nó mỉm cười. Lật đật chị chạy ra rối rít tính tạ lỗi. Nhưng chồng chén mà chị đang ôm trên tay đột nhiên … rớt xuống … vỡ tan !
Chồng của Chị trở về.
– Là Anh … Anh đã về … !!
Chị chạy lại, gục đầu lên vai chồng mà nức nở. Oan ức mười mấy năm của chị đã đến hồi được giải quyết.
(Hết Phần I)
***
Phần II /
Tôi cùng Anh ngồi bất động hàng giờ để nhìn chị. Người phụ nữ ngoài 50 mà vẫn còn ngô nghê như 1 đứa trẻ. Mà chị ngô nghê thật, suốt ngày chỉ loanh quanh chơi với mấy đứa mồ côi bị cha mẹ bỏ trước cổng chùa. Chị cứ mê mê dại dại tới lúc đứng trước Tôn tượng của Đức Như Lai thì lại quỳ phục xuống và khóc …. nức nở ??? Anh cũng khóc. Nhưng dòng lệ không rơi lã chã như người ta. Lệ của Anh đã “nuốt ngược vào lòng”. Mưa ngoài trời đã kéo đến, nước trút xối xả như ai khóc. Dòng nước tuôn trào như dòng lệ của chị mấy mươi năm trước. Sự tuổi hờn và mối oan khiên mấy mươi năm của chị. Cuối cùng cũng được giải toả.
– Anh … Anh đã về !
Sau câu nói đó chị đã vỡ oà trên vai người chồng của mình như thể đứa trẻ. Anh ôm ghì lấy vợ vào lòng. Người cha già đứng tựa vào vách cửa mà tuôn trào nước mắt. Không ai tin ông và không ai tin con dâu của ông là trong sáng. Trong sáng làm sao được khi con trai thì vắng nhà liên tục, còn con dâu ông thì đều đặn 3 năm chửa đẻ. Đứa nào cũng giống ông y đúc ! Anh tiến vào gian thờ, thắp cho mẹ mấy cây nhang. Nhang cháy làm cay mắt người và làm mát lòng những người có mặt hôm đó !
Mấy năm sau ngày bỏ nhà đi, anh có trở về lần đầu. Nhưng không ai biết ngoài chị. Đêm đó, trời đã khuya, con gái đầu đã ngủ. Mẹ chồng bỏ về nhà ngoại mấy hôm. Chị tựa đầu lên vai anh, cả hai cùng im lặng trên bờ đê sau nhà.
– Anh cần ít vốn. Em cấp cho anh.
– Dạ. (Chị thỏ thẻ gật đầu)
Sáng đó anh đã bỏ đi thật sớm, trước lúc chị tỉnh dậy sau “một đêm dài cùng anh” và còn trước khi con gà kịp gáy tiếng đầu tiên. Năm đó. Họ có với nhau đứa con trai thứ nhì.
Khi Chị cùng hai đứa con nhỏ cuốn gói lên huyện, ít lâu sau anh cũng tìm về một lần nữa. Anh vẫn nhìn chị âu yếm như ngày nào. Hai đứa con nhỏ đã ngủ say. Anh hôn lên trán từng đứa một. Anh trìu mến nhìn Chị :
– Con trai giống anh quá. Mà anh thì lại giống cha .Chắc em đã phải chịu nhiều lời không hay.
– Dạ có. Nhưng là do em cam tâm, suốt đời vì chồng, em không nửa lời oán trách !!!
Đêm đó, chị trải một tấm chiếu mỏng dưới sàn nhà. Nhường cái giường duy nhất cho hai con ngủ. Và họ đã “quấn vào nhau” trong từng hơi thở. Sáng đó Anh lại ra đi khi ba mẹ con còn đang say giấc. Sau lần đó họ có với nhau đứa con trai thứ ba.
Anh đi buôn biệt xứ. Rồi lụn bại không dám về. Chị cũng đứt tin chồng từ đó. Ngày mẹ chồng mất, chị cũng không biết làm cách nào để báo tin cho anh. Chị chỉ biết cắn răn chịu đựng thay chồng đội tang. Cho đến tận giây phút cuối đời bà vẫn nhìn chị bằng cặp mắt đầy căm phẫn !!!!! Không ai tin Chị, không ai tin 2 đứa con sau không phải là kết quả của sự gian diếu giữa cha chồng và con dâu.
– Rồi sao lúc đó chị không lên tiếng để nói nó là con của anh?
– Vì lúc đó anh làm ăn thất bát, chủ nợ lùng sục khắp nơi, chị mà hở răng ra là họ sẽ tìm được anh.
– Vậy thì đừng để chị sinh con nữa. Khổ bả….
– Em có biết cái gì gọi là “tình cảm vợ chồng” không ? Nó kéo đến làm sao ai cản ngăn được.
Ba tháng sau ngày anh trở về thì cha anh qua đời. Cái tang lần thứ 2 trong ngôi nhà ấy ai cũng tiếc thương. Hàng xóm. Những kẻ trước buông lời thị phi cho ông im lặng đến thắp nhang, rồi lăng xăng mua việc. Cái mặc cảm tội lỗi sau khi nói xấu người khác làm ai cũng ngượng ngùng. Cũng cỡ vài năm sau, mãn tang cha. Anh đề nghị đập nhà cũ xây căn nhà mới bù đắp cho mẹ con chị. Nhưng chị chỉ nhẹ nhàng lắc đầu :
– … dạ … thôi … như vầy ở cũng còn được mà chồng !
Chị không muốn chồng tốn tiền, và hơn hết chị đã trải qua hơn nửa đời người trong ngôi nhà ấy. Từng khổ đau, từng hạnh phúc, và từng đau đớn vì anh. Chị không muốn xoá sạch những thứ quen thuộc ấy. Những thứ đã là một phần cuộc đời của mình. Đàn bà Việt thật kỳ lạ ?
Cuộc sống thấm thoát thoi đưa, ngày đứa con trai út lấy vợ cũng là ngày chị hóa điên dại. Chị bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Anh đã đánh đổi nửa gia tài để đưa Chị sang Singapore phẫu thuật. Ngày về mạng sống của Chị đã được cứu nhưng lại bị ngây dại. Chuyên gia phẫu thuật nói đã làm tới bước cuối cùng. Không chết não đã là một kỳ tích ! Khi tỉnh, Chị vẫn cầm giẻ lau lau chùi nhà cửa. Đi chợ cùng hàng xóm để nấu ăn cho chồng. Khi lên cơn, Chị nhảy múa như 1 đứa trẻ. Khóc cười mất kiểm soát … bóc cả chất thải để ăn !!
– Rồi Anh xử lý tiếp thế nào ? Hông lẽ để bả vậy hoài sao ??
– Anh giao công ty lại cho 3 đứa con và lui về sống với chị.
– Phải vậy !
– Anh nghe nói lên chùa nghe sư thầy tụng kinh có thể làm nguôi ngoai nổi đau của vợ.
– Rồi ! Có giảm không ạ ?
– Đó. Em thấy đó !
Người đàn bà một đời lam lũ vẫn cứ nhảy múa cùng mấy chú tiểu dưới tán Sala già. Tiếng chuông chùa đổ dồn liên hồi. Người đàn bà chạy vội lại chính điện rồi quỳ mọp xuống vái lạy liên hồi. Chị khóc rối rít, dập đầu đến tươm cả máu. Anh vội lao lại ôm chầm lấy Chị và vỗ về “không sao … không sao đã có chồng ở đây”.
Do cuộc đời vốn không có sự công bằng – hay định mệnh đã khiến người và người không thể rời xa nhau … NỢ DUYÊN.
Bùi Quang Minh