Trong những thực đơn của nhà hàng, quán ăn tại các điểm đến du lịch hay trong ẩm thực của người Việt, món canh luôn là món ăn không thể thiếu. Điều đặc biệt là sự phong phú và hấp dẫn, độc đáo các món canh từ cách chế biến của người Việt như canh xiêm lo, canh don Quảng Ngãi, canh khoai mỡ nấu tôm thịt…
Ẩm thực Việt Nam: Canh Xiêm Lo
Canh Xiêm Lo là một trong những món ăn truyền thống của người Khmer và thường được dùng với cơm trắng và ăn kèm với món kho tiêu hay khô cá chiên mặn.
Nét độc đáo của món này được chế biến từ rau tập tàng, thịt, cá trong đó có thể nấu với nhiều loại cá khác nhau như cá kèo, cá lóc, cá bông lau,… đặc biệt, một nguyên liệu không thể thiếu trong món canh Xiêm Lo là mắm Bò Hóc.
Để nấu món canh Xiêm Lo ngon, trước tiên, củ sả xắt mỏng, bằm sơ và không nên băm nhuyễn, sau đó phi thơm tỏi với mỡ lợn cho đến khi sả hơi vàng thi đổ nước vào theo, chờ nước sắp sôi lăn tăn thì bỏ số mắm bò hóc vào nồi “nước lèo” sắp sôi.
Chờ nước sôi một lúc thì lấy cá ra lọc, lúc này con mắm đã rã ra chỉ còn xương, và nồi “nước lèo” đã có mùi thơm nức mũi. Sau khi nêm nếm cho vừa miệng thì bỏ cá và thịt ba rọi vào, cá vừa chín vớt ra để cá không bị rã thịt. Kế đó cho măng đã luộc vào, vài phút sau bỏ tiếp một nhúm rau tập tàng để “lấy” thêm chất ngọt, số rau còn lại thì để ăn tới đâu, nhúng tới đó, như vậy là đã có một nồi canh Xiêm Lo ngon nức tiếng rồi.
Ẩm thực Việt Nam: Canh don Quảng Ngãi
Mộc mạc, dân dã song canh don gần như chứa đựng tất cả con người, tình cảm và văn hóa của vùng đất búi Ấn sông Trà này. Don là một loại nhuyễn thể có nhiều ở nơi con sông Trà Khúc và sông Vệ gặp biển. Canh don Quảng Ngãi, món đặc sản miền Trung đậm đà hương vị của miền quê dân dã, nhưng khi ăn lại vô cùng ngon, ấn tượng. Canh don ăn dai dai, nước dùng nóng hôi hổi, vị ngọt thanh kèm với ớt hiểm cay the the để thực khách nhớ mãi về xứ Quảng thân thương.
Người ta có thể chế biến don thành nhiều món như cháo don đến canh don. Một phần canh don đơn giản với nước dùng xanh xanh hành lá, trăng trắng hành tây, vài con don bé tý dưới đáy tô, chiếc bánh tráng nướng, đĩa ớt xanh đặc trưng. Để thưởng thức, khách cứ từ tốn bẻ nhỏ bánh tráng, cho vào nước dùng. Khi bánh tráng ngậm đủ nước cũng là lúc thực khách cảm nhận trọn vẹn vị ngọt của nước dùng, vị thơm của bánh tráng, cay cay của ớt, tươi ngon của don.
Ẩm thực Việt Nam: Lạ miệng cây atisô nấu canh
Cây atisô được biết đến tại tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt với công dụng làm thanh lọc, mát gan và bổ dưỡng, không những thế atisô còn nổi tiếng với nhiều món ăn mang nét văn hóa ẩm thực của xứ sở sương mù này.
Hoa atiso chế biến được nhiều món ăn, đặc biệt dùng để nấu canh rất thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Món canh hoa atiso có công dụng mát gan nhuận phổi, tốt cho sức khỏe.
Nước dùng thanh và ngọt, ăn kèm bông atiso tạo cảm giác là lạ rất kích thích. Giò heo chín mềm, nhai sựt sựt cực kỳ thích thú. Canh atisô không chỉ ngon, lạ miệng mà còn bổ dưỡng, có tác dụng thanh nhiệt, giúp loại bỏ độc tố trong gan.
Ẩm thực Việt Nam: Canh khoai mỡ nấu tôm thịt
Khoai mỡ và tôm là món ăn phổ biến mà dường như vùng miền nào cũng có. Món canh này là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Để có được món canh khoai mỡ và tôm ngon, người nấu cần chuẩn bị nguyên liệu tôm tươi, khoai mỡ bở tơi và các gia vị như hành tím, hành trắng, cà rốt, đường, dầu ăn, muối, hạt tiêu…
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, người nấu sẽ làm sạch tôm, khoai mỡ được cắt miếng nhỏ, cắt nhỏ hành tím, hành trắng, cà rốt và cho dầu ăn vào chảo và phi hành tím và hành trắng cho thơm. Thêm khoai mỡ vào phi chung khoảng 1 phút.
Tiếp đến là cho nước và cà rốt vào nồi, đun sôi khoảng 10 phút để nước có màu đỏ tươi rồi cho tôm và khoai mỡ vào nồi nấu tiếp khoảng 10 phút cho chín. Nêm gia vị với muối, đường, tiêu, hạt nêm để tạo hương vị đậm đà và thơm ngon.
Món canh khoai mỡ nấu tôm có vị ngọt thanh của thịt tôm thêm vị béo bùi của khoai mỡ giúp món ăn thêm thú vị hơn.
Ẩm thực Việt Nam: Canh đậu phụng hầm đuôi heo
Sự kết hợp giữa đậu phụng và đuôi heo không chỉ đem lại món canh lạ miệng mà còn rất thơm ngon và bổ dưỡng.
Đuôi heo hầm đậu phộng là một món canh vừa bổ dưỡng vừa có hương vị ngọt ngon, thơm béo vô cùng hấp dẫn. Món này sau khi hoàn tất sẽ dậy mùi thơm hấp dẫn, hương vị canh thì ngọt, mặn vừa ăn. Đuôi heo mềm, ngon kết hợp cùng vị béo, bùi của đậu phộng.
Ẩm thực Việt Nam: Canh lá đắng Thanh Hóa
Đúng như tên gọi, món ăn này được chế biến bằng cách lấy cây lá đắng nấu canh. Nếu có dịp du khách ghé thăm bản Mường nằm tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, sẽ được chủ nhà thiết đãi món canh lá đắng đậm chất núi rừng này.
Cây lá đắng (hay còn có tên gọi khác là lá mật vịt) là một loại cây rừng thường mọc ở các khe núi. Lá cây có vị đắng, hình dạng thon dài và được người dân địa phương đem từ rừng về trồng trong nhà. Để món ăn thêm chuẩn vị, người chế biến phải lựa chọn thật kỹ lưỡng, chỉ sử dụng những chiếc lá bánh tẻ có hình răng cưa, phiến mỏng mới nấu được bát canh ngon.
Lần đầu thưởng thức canh lá đắng, hẳn du khách sẽ không dễ dàng quen ngay được bởi vị đắng của lá đắng. Chỉ vừa thưởng thức muỗng đầu tiên, vị đắng đã len lỏi vào trong miệng khiến cổ họng hơi tê nhẹ, bất giác làm người ăn phải rùng mình một cái. Tuy nhiên khi đã nếm xong muỗng canh đầu tiên dư vị vẫn còn đọng lại trên lưỡi đăng đắng, đủ để khiến du khách ngẩn ngơ mong muốn nếm lại lần thứ hai.
Sự kết hợp hài hòa của ớt, mẻ cùng nhiều loại gia vị khác đã giúp cho canh lá đắng thêm độc đáo. Sau vị đắng, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt, bùi bùi xen kẽ. Điều này tạo nên một hương vị độc đáo khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ khi thưởng thức.
Ẩm thực Việt Nam: Canh mận (quả roi) Miền Tây
Người miền Tây có một thói quen ăn uống dân dã mà những vùng khác vô cùng lạ lẫm, đó chính là ăn cơm cùng với trái cây. Nhưng chỉ ăn trái cây chan nước đá hay nước lọc thôi vẫn chưa hết, người dân nơi đây còn có một món canh độc đáo kết hợp từ loại qủa mọi người không ngờ tới, đó là quả mận hay còn gọi là quả roi.
Đây là một loại quả mọng nước, có vị ngọt và chát nhẹ nên khi có món canh nấu từ loại quả này, nhiều người cảm thấy vô cùng mới lạ. Có nhiều kiểu nấu canh mận, nhưng nấu chua với cá hoặc nấu mận nhồi thịt là phổ biến nhất.
Món ăn có sự kết hợp lạ kỳ nhưng lại thể hiện sự sáng tạo trong ẩm thực của người dân địa phương. Canh chua mận cũng mang lại nét dân dã, bình dị của vùng miệt vườn miền Tây.