NHỮNG HOÀNG ĐẾ KHÔNG CÓ CON TRAI NỐI DÕI

1. Đinh Phế Đế: Ông ở ngôi 8 tháng, chưa đặt niên hiệu. Tháng 7 năm Canh Thìn (980), vì ông còn quá nhỏ (6 tuổi) mà tình hình đối nội cũng như đối ngoại lại rất rối ren, triều đình đã tôn quan Thập đạo tướng quân của nhà Đinh là Lê Hoàn lên ngôi. Hoàng đế từ đó bị giáng làm Vệ Vương. Ông hy sinh năm Tân Măo (991), hưởng dương 17 tuổi. 

2. Lê Trung Tông: Tiền Lê Trung Tông hoàng đế được lập làm thái tử năm 1004. Tháng 3 năm Ất Tị (1005), Lê Hoàn mất, các con tranh giành ngai vàng. Sau 8 tháng đánh nhau quyết liệt, Lê Long Việt được đưa lên ngôi nhưng ở ngôi chỉ mới ba ngày đã bị người em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết chết. Chính sử không chép tình trạng vợ con thiếp thất của ông thế nào. 

3. Lý Nhân Tông: Ông ở ngôi 56 năm, lâu nhất trong lịch sử. Năm 1115, ông lập 3 hoàng hậu: Lan Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo và 36 cung nhân. Năm 1118, ông lập cháu là Lý Dương Hoán làm thái tử. 

4. Lý Huệ Tông: Năm Giáp Thân, Kiến Gia năm thứ 14 (1224), tháng 10, Lý Huệ Tông hạ chỉ lập Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử rồi truyền ngôi đổi niên hiệu Thiên Chương Hữu Đạo. Ngay sau đó, bà lên ngôi với tôn hiệu Chiêu Hoàng. 

5. Lý Chiêu Hoàng: Nữ hoàng ở ngôi hơn một năm, đến tháng 12 năm Ất Dậu (1225) thì nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Từ đây, bà là Chiêu Thánh hoàng hậu. Tháng 1 năm Đinh Dậu (1237), 19 tuổi, vì lí do “không có con”, bà bị phế và giáng làm công chúa. Người thay địa vị hoàng hậu là bà Thuận Thiên (chị ruột của bà, trước đã gả cho Trần Liễu là anh ruột của vua Trần Thái Tông và đã có thai với Trần Liễu được ba tháng). Tháng 1 năm Mậu Ngọ (1258), 40 tuổi, bà được đem gả cho Lê Tần (tức Lê Phụ Trần), một danh tướng của triều Trần. Cuộc đời bà có 3 người con: Trần Trịnh, sinh năm 1233, mất ngay sau đó. Lê Tông, tức Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, con rể của Trần Thái Tông. Ứng Thụy công chúa (hoặc quân chúa) Lê Thị Ngọc Khê, phu nhân Kinh trạng nguyên Trần Cố. 

6. Trần Hiến Tông: Ông con thứ của Trần Minh Tông, thân mẫu là bà Minh Từ Lê thị (cô ruột Hồ Quý Ly). Được truyền ngôi ngày 15 tháng 2 năm Kỉ Tị (1329), ở ngôi 12 năm (1329-1341). Ông mất ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341), hưởng dương 22 năm. 

7. Trần Dụ Tông: Con thứ 10 của Trần Minh Tông (em của vua Trần Hiến Tông), thân mẫu là Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu (cháu nội Trần Nhân Tông). Ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị (1341), ông được thượng hoàng Trần Minh Tông đưa lên ngôi. Ông ở ngôi 28 năm (1341 – 1369), chưa làm thượng hoàng thì đã mất vào ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), thọ 33 tuổi. Trần Dụ Tông từng cầu tự & từng loạn luân với chị gái Thiên Ninh để chữa bệnh nhưng vẫn không con. 

8. Trần Thiếu Đế: Ông sinh năm Bính Tí (1396), lên ngôi ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1398), ở ngôi 2 năm (1398 – 1400).  Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400) bị Hồ Quý Ly cướp ngôi rồi bị giáng làm Bảo Ninh Đại Vương. Ông vốn là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết nhưng sau không rõ mất vào lúc nào. 

9. Lê Nhân Tông: Ngày 8 tháng 12 năm Nhâm Tuất (1442) được lên nối ngôi. Ông ở ngôi gần 17 năm, mất ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão (1459) vì bị anh là Lê Nghi Dân giết, hưởng dương 18 tuổi. Trong thời gian tại vị, ông không lập hậu cung, không có con cái. 

10. Thiên Hưng Đế: Lê Nghi Dân là con cả của Lê Thái Tông. Ngày 21 tháng 3 năm Canh Thân (1440) được lập thái tử, nhưng đến tháng 1 năm Tân Dậu (1441) thì bị giáng truất, cho làm Lạng Sơn Vương.Ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng đồ đảng nổi dậy giết chết Lê Nhân Tông rồi tự lập làm hoàng đế. Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) thì bị triều thần giết, hưởng dương 21 tuổi. Tương tự như em mình, trong 8 tháng tại vị, ông không lập hậu cung & không có con cái. 

11. Lê Túc Tông: Ông sinh ngày 3 tháng 8 năm Mậu Thân (1488), được lập làm thái tử tháng 12 năm Kỉ Mùi (1499), lên nối ngôi từ tháng 6 năm Giáp Tí (1504), ở ngôi được 6 tháng thì mất vào tháng 12 năm Giáp Tí (1504), hưởng dương 16 tuổi. Tương tự 2 vị trên, ông không có thê thiếp, con cái. 

12. Lê Uy Mục: Ông lên ngôi tháng 12 năm Giáp Tí (1504), ở ngôi 5 năm, bị giết mà mất vào ngày 1 tháng 12 năm Kỉ Tị (1509) hưởng dương 21 tuổi. Ông có lập hoàng hậu nhưng con trai bà mất sớm. 

13. Lê Tương Dực: Tháng 10 năm Kỉ Tị (1509), được quần thần tôn lên ngôi để lo việc lật đổ Lê Uy Mục. Tháng 12 năm đó (1509), giết Lê Uy Mục mà lên ngôi. Ông ở ngôi hơn 6 năm, bị giết vào ngày 7 tháng 4 năm Bính Tí (1516), hưởng dương 23 tuổi. Ông có 3 con gái: Phúc Bảo công chúa, hoàng nữ Thọ Nguyên, hoàng nữ Thọ Kính. 

14. Lê Chiêu Tông: Ông sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần (1506) ở ngôi 6 năm (1516 – I522), bỏ kinh đô chạy vào Thanh Hoá ngày 18 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1522), bị giết vào tháng 12 năm Canh Dần (1530), hưởng dương 24 tuổi. Có nhiều thông tin cho rằng, Lê Trang Tông là con của ông nhưng Chiêu Tông hơn Trang Tông chỉ 8 tuổi mà thôi. Theo Đại Việt thông sử, hoàng đế nhà Mạc nói với Minh rằng Lê Trang Tông là con của Nguyễn Kim. 

15. Lê Cung Hoàng: Ông sinh ngày 26 tháng 7 năm Đinh Mão (1507), lên ngôi tháng 12 năm 1522 (khi Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hoá)Vua ở ngôi 5 năm. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, sau đó vài tháng thì bị giết, hưởng dương 20 tuổi. Ông có 2 Quý phi: Bà Nguyễn thị (chị em vợ của Mạc Thái Tổ), bà Đào thị nhưng không con. 

16. Mạc Toàn: Ông được cha là Mạc Mậu Hợp truyền ngôi vào tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592). Bị Trịnh Tùng bắt vào tháng 1 năm Quý Tị (1593) và bị giết cùng với Mạc Kính Chỉ. Không có thông tin về thê thiếp con cái của ông. 

17. Lê Trung Tông: Hậu Lê Trung Tông hoàng đế là người con duy nhất của Lê Trang Tông. Ông lên ngôi năm Mậu Thân (1548), ở ngôi 8 năm, mất ngày 24 tháng 1 năm Bính Thìn (1556), hưởng dương 22 tuổi. Ông không có con nối dõi. Thái sư Trịnh Kiểm mới tìm hậu duệ của Lam quốc công Lê Trừ đưa lên ngôi, trong khi con cháu Thái Tổ vẫn còn & đã ra phụng sự cho triều này. 

18. Lê Chân Tông: Ông sinh năm Canh Ngọ (1630), được truyền ngôi tháng 10 năm Quý Mùi (1648), ở ngôi 6 năm, mất vào tháng 8 năm Kỉ Sửu (1649), hưởng dương 19 tuổi. Ông không có con nối dõi. 

19. Lê Huyền Tông: Ông sinh năm Giáp Ngọ (1654), được lập làm thái tử từ tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), lên ngôi tháng 11 năm 1662. Ông ở ngôi 9 năm, mất ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), hưởng dương 17 tuổi. Ông có hoàng hậu là bà Trịnh Thị Ngọc Oánh, con gái Trịnh Tạc nhưng không có con. 

20. Lê Gia Tông: Ông sinh năm Tân Sửu (1661), được lên nối ngôi ngày 19 tháng 11 năm Tân Hợi (1671), ở ngôi 4 năm, mất ngày mồng 3 tháng 4 năm Ất Mão (1675), hưởng dương 14 tuổi, không có con để nối dõi. 

21. Nguyễn Cảnh Thịnh: Nối ngôi từ tháng 9 năm 1792, ở ngôi 10 năm, sau bị Gia Long bắt và giết vào ngày 7 tháng 10 năm Nhâm Tuất (1802). Ông có phi là công chúa Lê Thị Ngọc Bình – truyền thông đại chúng gọi bà là hoàng hậu nhưng không con cái. 

22. Nguyễn Dực Tông: Tự Đức lên nối ngôi từ tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), cải nguyên từ năm 1848. Ở ngôi 35 năm, mất ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (1883), hưởng dương 54 tuổi. Có nhiều phi tần nhưng phải nuôi 3 người cháu: Dục Đức, Đồng Khánh, Kiến Phúc làm con thừa tự. 

Nguồn:

– Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần

– Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam, Đinh Công Vĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *