Cây coca không chỉ đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ, phương pháp chữa bệnh và cúng bái, mà còn được coi là một loại cây thiêng liêng. Tuy nhiên, kể từ giữa thập niên 1980, khi nhu cầu toàn cầu về cocaine tăng vọt, cây coca bị gắn liền với những vấn đề nghiêm trọng như suy thoái môi trường, đói nghèo và bạo lực.
Chính phủ Colombia đã nỗ lực kiểm soát các vấn đề này, nhưng theo các chuyên gia và những người trồng coca, những nỗ lực này không mang lại hiệu quả như mong đợi. Sản lượng coca và tình trạng phá rừng ở Colombia vẫn tiếp tục gia tăng đáng kể.
Trong thỏa thuận hòa bình lịch sử năm 2016 giữa chính phủ Colombia và nhóm vũ trang FARC, chính phủ đã phát triển Chương trình Quốc gia Toàn diện về Thay thế Cây trồng Bất hợp pháp (PNIS). Mục tiêu của PNIS là khuyến khích nông dân từ bỏ việc trồng coca để chuyển sang các cây trồng hợp pháp, giúp các cộng đồng trồng coca vượt qua tình trạng nghèo đói.
Cây thiêng coca và những hệ lụy tại Colombia
Tuy nhiên, thực tế không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Mặc dù nhiều nông dân đã tham gia chương trình với hy vọng thoát khỏi việc trồng coca, họ lại gặp phải tình trạng thiếu hỗ trợ từ chính phủ. Một nông dân ở Tumaco cho biết: “Chúng tôi tham gia chương trình thay thế cây trồng để loại bỏ coca vì ở đây bạn cần tiền để đầu tư vào một dự án. Nhưng họ không mang đến đây bất kỳ sự hỗ trợ nào. Chúng tôi cần sự giúp đỡ, con cái chúng tôi đang đi học và tôi không có tiền”.
Đánh giá gần đây của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho thấy, mặc dù PNIS đặt ra mục tiêu giảm thiểu việc trồng coca, sản lượng cây coca thực tế đã tăng lên kể từ khi chương trình bắt đầu. Từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2022, diện tích trồng coca ở Colombia đã tăng 13%, từ khoảng 204.000 lên 230.000 hecta.
Ông Guillermo García Miranda, điều phối viên khu vực của Chương trình Phát triển Thay thế UNODC, cho biết thỏa thuận hòa bình ban đầu đã cam kết rằng toàn bộ quy trình PNIS sẽ kéo dài hai năm và trong hai năm đó, tất cả sự hỗ trợ sẽ được cung cấp cho các dự án sản xuất. Tuy nhiên, bảy năm sau, hầu hết những lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện, gây thất vọng trong cộng đồng.
Trước khi có PNIS, chính phủ Colombia đã thực hiện một chiến dịch tiêu hủy cây coca bằng cách nhổ bỏ hoặc sử dụng máy bay phun thuốc diệt cỏ trên diện tích 1,4 triệu hecta. Tuy nhiên, chiến lược này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm quyền dân sự và cộng đồng, họ lo ngại về tác hại đến sức khỏe và môi trường do tiếp xúc với hóa chất, cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của những người trồng trọt.
Chương trình PNIS, mặc dù không phải là thất bại hoàn toàn, nhưng cũng chưa đạt được những thành công như mong đợi. Bà Diana Ximena Machuca Perez, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Colombia, nhận định rằng chương trình này có ý nghĩa tích cực khi chuyển hướng từ việc tiêu hủy cưỡng chế sang cung cấp sinh kế thay thế cho người trồng coca. Tuy nhiên, bà cho rằng:”Nhà nước đã không thực hiện được các cam kết của mình đối với cộng đồng trồng coca, và điều này thật đáng thất vọng”.
Thiết kế của chương trình đã không tính đến một số yếu tố quan trọng. Ví dụ, nhiều người hưởng lợi từ chương trình sống trong các khu vực nhạy cảm về môi trường, và khi họ nộp đơn xin hỗ trợ cho các dự án như chăn nuôi gia súc, yêu cầu của họ bị từ chối vì các hoạt động chăn nuôi này bị cấm trong các khu vực bảo vệ. Như vậy, họ không biết làm gì để sống vì đã tự nguyện tiêu hủy cây coca của mình.
Ngoài ra, chương trình yêu cầu người trồng coca phải tiêu hủy toàn bộ cây trồng của họ thay vì áp dụng một phương pháp tiếp cận dần dần. Kết quả là khi chính phủ không cung cấp hỗ trợ tài chính như đã hứa, nhiều người dân đã rơi vào tình trạng không có nguồn thu nhập và phải quay lại trồng coca.
Sự thất bại trong việc thực hiện chương trình PNIS cũng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Một đánh giá gần đây của Bộ Kế hoạch Quốc gia Colombia và Trung tâm Nghiên cứu về Ma túy và An ninh tại Đại học Andes cho thấy, ở những khu vực nơi chương trình PNIS được triển khai, tình trạng phá rừng thực sự đã tăng từ 15,4% đến 22,7%. Tình trạng này cũng gia tăng bên ngoài các khu vực này, từ 19,3% đến 28%.
Cây coca, mặc dù không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng phá rừng ở Colombia, nhưng có tác động gián tiếp. Trong một nghiên cứu gần đây đánh giá tình trạng phá rừng liên quan đến cây coca ở các vùng Amazonía và Catatumbo của Colombia, UNODC phát hiện rằng từ năm 2005 đến 2014, chỉ có 6% diện tích rừng bị mất là do việc trồng cây coca bất hợp pháp trực tiếp gây ra. Tuy nhiên, 42% tổng số vụ phá rừng ở các khu vực này lại có liên quan đến việc trồng cây coca.
Theo các nhà nghiên cứu, điều này xảy ra vì cây coca thường được trồng ở các khu vực xa xôi, rừng rậm, và việc mở rộng diện tích trồng cây này, người dân phải phá rừng để xây dựng đường xá hoặc các cở sở hạ tầng khác.
Trong bối cảnh đó, Colombia cần phải tìm ra giải pháp hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng này, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho các cộng đồng bản địa.