Những giải thưởng văn học danh giá mà bất kì nhà văn nào cũng mong muốn được nhận trong đời
Nhân sự kiện Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn Chương 2016, viết về các giải thưởng văn học lớn trên thế giới. Vì số lượng các giải thưởng rất nhiều nên không liệt kê hết, mình thích giải thưởng nào thì mình nói về giải thưởng đó thôi.
* ANH:
– Giải Man Booker (Man Booker Prize): Giải thưởng văn học được trao hàng năm cho một tiểu thuyết hư cấu được coi là hay nhất, viết bằng tiếng Anh và có tác giả là công dân quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh hay công dân Cộng hòa Ireland.
– Giải Man Booker quốc tế (Man Booker International Prize): Giải thưởng văn học quốc tế, được trao 2 năm một lần cho một tác giả còn sống thuộc bất cứ quốc tịch nào, cho toàn bộ tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh hoặc có thể dịch sang tiếng Anh, để tưởng thưởng “sự sáng tạo không ngừng, sự phát triển và sự cống hiến toàn diện cho văn học hư cấu trên phạm vi thế giới” của một tác giả. Do đó giải này là sự công nhận toàn bộ tác phẩm của nhà văn, chứ không riêng một tác phẩm nào.
* MỸ:
– Giải Pulitzer: Giải thưởng trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất. Joseph Pulitzer, chủ bút báo New York World đề nghị giải này trong di chúc của ông viết năm 1904.
Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu (Pulitzer Prize for Fiction): dành cho những tác phẩm hư cấu xuất sắc do một nhà văn Mỹ sáng tác, ưu tiên cho tác phẩm đề cập tới đời sống ở Hoa Kỳ.
– Huy chương Newbery (Newbery Medal): Giải thưởng văn học được trao cho tác giả có “những đóng góp nổi bật đối với văn học thiếu nhi Mỹ”.
Năm 1971, Ủy ban Newbery còn lập thêm các giải danh dự Newbery Honor để dành cho các tác giả được đề cử nhưng không đạt Newbery Medal.
Giải Newbery Medal và Newbery Honor Book chỉ giới hạn các tác giả là công dân Mỹ và sách của họ phải được xuất bản và phát hành tại một NXB Mỹ.
– Giải Agatha (Agatha Awards): Giải thưởng văn học dành cho tác giả viết tiểu thuyết trinh thám theo phương pháp truyền thống của Agatha Christie, trao tặng hằng năm cho 5 thể loại: Tiểu thuyết hay nhất; Tiểu thuyết đầu tay hay nhất; Truyện ngắn hay nhất; Truyện phi hư cấu hay nhất; Tiểu thuyết thiếu niên nhi đồng hay nhất.
– Giải Edgar (Edgar Awards): Giải thưởng văn học của Hội Trinh Thám Mỹ (Mystery Writers of America), trao tặng hằng năm cho các thể loại: hư cấu, phi hư cấu, truyền hình, điện ảnh, sân khấu, được xuất bản hoặc sản xuất trong năm trước.
* PHÁP:
– Giải Goncourt: Giải thưởng văn học Pháp được sáng lập theo di chúc của Edmond de Goncourt vào năm 1896, trao mỗi năm cho “tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm”, nhưng hầu như chỉ trao cho tiểu thuyết.
Giải chỉ trao cho mỗi nhà văn một lần. Riêng có Romain Gary năm 1956 nhận giải với tiểu thuyết Racines du ciel rồi đến năm 1975 lại “lươn lẹo” dùng bút danh Émile Ajar để nhận một giải nữa với La vie devant soi.
Ngoài giải thưởng chính, từ năm 1974 Hội văn học Goncourt trao thêm Giải Goncourt cho truyện ngắn, từ năm 1985 trao thêm Giải Goncourt cho thơ (được trao cho toàn bộ tác phẩm của một nhà thơ chứ không trao riêng cho một tập thơ), từ năm 1990 trao thêm Giải Goncourt cho tiểu thuyết đầu tay.
– Giải Renaudot: Giải thưởng văn học của Pháp, được 10 nhà báo và nhà bình luận văn học Pháp thành lập năm 1926, trong khi chờ đợi kết quả cuộc thảo luận của ban giám khảo Giải Goncourt. Giải thưởng Renaudot ra đời với tiêu chí “sửa chữa các sai lầm của giải Goncourt” (cũng như trước đó giải Goncourt ra đời để sửa chữa các sai lầm của Giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp).
Khác với tất cả các giải khác, Renaudot không trao cho tác giả đã từng nhận một trong những giải thưởng văn học của Pháp trong 5 năm gần nhất.
Ngoài giải thưởng chính, từ năm 1992 ban giám khảo đã trao thêm một giải thưởng hàng năm cho tác phẩm của các học sinh trung học, từ năm 2003 thêm một giải thưởng cho “Tiểu luận” và từ năm 2009 một giải thưởng cho “Sách bỏ túi”.
– Giải Femina: Giải thưởng văn học Pháp được tạo ra nhằm đối lập với giải Goncourt mà trên thực tế là ưu tiên nam giới.
Giải Femina được trao hàng năm cho một tác phẩm văn xuôi hoặc văn vần viết bằng ngôn ngữ Pháp, không phân biệt tác giả nam hay nữ. Ban giám khảo gồm toàn các nhà văn nữ.
– Giải Alain-Fournier: Giải thưởng văn học của Pháp dành để khuyến khích một tác giả tiểu thuyết mới vào nghề – có thể là tác phẩm đầu tay, tác phẩm thứ hai hoặc thứ ba – và chưa từng đoạt một giải thưởng cấp quốc gia.
Một số giải thưởng văn học trên thế giới.
* Giải Cervantes: Giải thưởng văn học hàng năm trao cho các tác giả viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Các nhà văn được đề cử bởi Viện ngôn ngữ của các nước nói tiếng Tây Ban Nha, và giải thưởng được trao bởi Bộ Văn hóa Tây Ban Nha.
* Giải Franz Kafka: Giải thưởng văn học quốc tế nhằm vinh danh Franz Kafka, do Hội Franz Kafka và Tp. Praha đồng bảo trợ.
Các tiêu chuẩn để đoạt giải bao gồm “Tính nhân văn của tác phẩm nghệ thuật cùng việc đóng góp vào sự khoan dung văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo; tính chất tồn tại vô tận, hiệu lực nhân văn nói chung và khả năng của nó để chuyển giao bằng chứng về thời đại của chúng ta”.
* Giải Nobel Văn học (Nobelpriset i litteratur): là một trong sáu nhóm giải thưởng của Giải Nobel, giải được trao hàng năm cho một tác giả từ bất cứ quốc gia nào có, theo cách dùng từ trong di chúc của Alfred Nobel, tác phẩm xuất sắc nhất theo khuynh hướng duy tâm (nguyên văn tiếng Thụy Điển: “den som inom litteraturen har producerat det utmärktaste i idealisk riktning”). “Tác phẩm” ở đây có thể là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của người được trao giải hoặc là một số tác phẩm riêng biệt được nêu trong phần lí do trao tặng.
* Giải Hans Christian Andersen (Hans Christian Andersen Awards): Giải thưởng quốc tế dành cho văn học thiếu nhi, được trao hàng năm cho một tác giả và một họa sĩ vẽ minh họa cho sách thiếu nhi.
Giải này được coi là giải thưởng cao nhất dành cho văn học thiếu nhi và thường được gọi là “Giải Nobel nhỏ”.
* NHẬT:
– Giải Akutagawa (Akutagawa Prize): Giải thưởng văn học Nhật Bản được trao 2 lần mỗi năm, vào tháng 1 và tháng 7, cho tác phẩm văn học nghiêm túc nhất được xuất bản trên báo hoặc tạp chí của một tác giả mới vào nghề, thường trao cho truyện ngắn và truyện vừa.
– Giải Naoki (Naoki Prize): Giải thưởng văn học Nhật Bản được trao 2 lần mỗi năm, cho tác phẩm văn học đại chúng hay nhất, dưới bất kỳ hình thức nào, của một tác giả trẻ và/hoặc mới vào nghề.
– Giải Edogawa Rampo (Edogawa Rampo Award): Giải thưởng văn học của Hội Trinh Thám Nhật Bản (Mystery Writers of Japan) trao tặng hàng năm cho tiểu thuyết trinh thám (chưa từng được xuất bản) hay nhất.
* Ý kiến cá nhân thì mình không cho rằng giải thưởng nào là cao quý nhất, hay giải này thì giá trị hơn giải kia, vì mỗi giải đều có một tiêu chí khác nhau để đánh giá. Gu đọc của mình thì khá giống với Ban giám khảo Man Booker, Goncourt và Akutagawa. Mua sách được giải thưởng khác thì đọc có thể hợp, có thể không, chứ mua sách được 3 giải thưởng này thì chắc chắn ưng ý 100%.
Hội thích truyện trinh thám.
Nguồn bài viết: sachvatoi.com