1. Hoàng hậu là nữ tướng: Phạm Thị Uyển, Bùi Thị Nhạn
– Phạm Thị Uyển: Bà Phạm Thị Uyển, vợ Mai Hắc Đế, được xem là hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử nước ta từng cầm quân đánh giặc. Theo sử sách, bà quê ở quận Nam Xương (Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay). Vốn là người có chí khí, văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, bà thường bàn luận việc cơ mật với Mai Thúc Loan. Khi nhà Đường mang 100.000 quân sang đàn áp khởi nghĩa, bà Phạm Thị Uyển đưa binh thuyền bày trận trên sông Tô Lịch, chiến đấu dũng cảm. Khi sức cùng lực kiệt, bà cùng số ít binh tướng nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn. Ngày nay, đền Dục Anh nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch, đoạn gần cầu Trung Hòa, chính là đền thờ bà.
– Bùi Thị Nhạn: Nữ tướng Bùi Thị Nhạn là con út của ông Bùi Đắc Lương, một nhà giàu ở thôn Xuân Hòa. Bà là cô họ của Đô đốc Bùi Thị Xuân nhưng tuổi cùng trang lứa. Theo tác giả “Nhà Tây Sơn” là Quách Tấn – Quách Giao thì “Bùi Thị Nhạn kết duyên cùng Nguyễn Huệ sau khi bà Phạm Thị Liên (vợ trước của ông) qua đời”.
2. Vương hậu được chính thất nhường ngôi
Ngô Vương Quyền có 2 người vợ cùng họ Dương. Theo dã sử, thấy Ngô Quyền trẻ tuổi nhưng có tài, lại là con trai của hào trưởng Ngô Mân, một người bạn cũ từng làm quan với mình thời chính quyền họ Khúc nên Dương Đình Nghệ rất yêu mến cho Ngô Quyền làm nha tướng, lại đặc biệt đem người con gái có tên dã sử là Dương Thị Như Ngọc gả cho, mặc dù ông biết rõ Ngô Quyền đã có vợ.
Thấy Dương Thị Như Ngọc xinh đẹp tài giỏi, là con gái vị hào trưởng danh tiếng vang dội, lại hơn mình một tuổi nên tuy lấy Ngô Quyền trước nhưng vợ đầu của ông là Dương Phương Lan (tên dã sử) khiêm tốn nhường cho Như Ngọc làm vợ cả ở địa vị chính thất, còn mình lui xuống làm vợ thứ.
Chính Dương Phương Lan đã thuyết phục Ngô Quyền chấp thuận việc đó, theo bà thì địa vị chỉ là thứ bậc, quan trọng là thân gái phải biết lo đến sự nghiệp của chồng và đặc biệt là vẫn được ở bên chồng cùng thương yêu gắn bó.
Vì khéo nhường nhịn nên tình cảm giữa hai người vợ của Ngô Quyền khá thắm thiết, họ coi nhau như chị em ruột, họ đã cùng nhau góp sức vào sự nghiệp đánh đuổi quân Nam Hán giành quyền tự chủ cho đất nước, rồi lại cùng nhau đem quân diệt Kiều Công Tiễn để báo thù cho Dương Đình Nghệ sau khi ông bị giết hại vào năm Đinh Dậu (937).
Sau chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền lên ngôi vua đã phong Dương Thị Như Ngọc làm hậu. Đây là bà hậu đầu tiên của nước Việt thời kỳ độc lập, tự chủ. Sử chép: “Vua xưng vương, lập Dương thị làm hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục” (Đại Việt sử ký toàn thư).
3. Đinh Tiên Hoàng và Lê Quảng Hiếu lập sương phụ làm hoàng hậu
– Đinh Tiên Hoàng cưới mẹ Ngô Nhật Khánh: Tên dã sử của bà là Hoàng Thị Thi, bà sinh ra thái tử Đinh Hạng Lang, hai người con riêng của bà với họ Ngô đều được gả cho hai con của vua Đinh với người vợ cả là Đinh Liễn và công chúa Phất Kim.
Bà là người có số phận bi thảm khi con trai Hạng Lang của bà được lập làm thái tử nhưng bị anh mưu sát rồi vua Đinh bị sát hại, con riêng Ngô Nhật Khánh của bà bị bão dìm chết trận. Khi Đinh Toàn lên ngôi thì quyền lực về tay Đại Thắng Minh Hoàng hậu, bà đã rời bỏ hoàng cung về ngôi chùa phía Bắc kinh đô Hoa Lư tu hành. Ngôi chùa đó được gọi là chùa Bà Ngô.
– Lê Quảng Hiếu cưới hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng: Năm 982, ĐVSKTT chép: “Lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ cúa Vệ Vương Toàn. Khi vua lấy được nước, đem vào cung, đến đây lập làm Hoàng hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý Hoàng Hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng Hậu, Trịnh Quấc Hoàng Hậu, Phạm Hoàng Hậu là 5 hoàng hậu (về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, hồi quốc sơ [đầu thời Lê] vẫn còn như thế. Sau An Phủ Sứ Lê Thúc Hiển mới bỏ)”.
4. Nhờ mẹ mà con bị truất ngôi trữ quân
Chiêu Linh Thái hậu Vũ thị là vợ Lý Anh Tông, mẹ cả Lý Cao Tông, có con là Bảo Quốc Vương Lý Long Xưởng nguyên là thái tử nhưng bị giáng truất. Theo Đại Việt sử lược, năm 1174, “Long Xưởng có tính hiếu sắc, trong cung có những cung nữ được vua yêu dấu, Long Xưởng đều tư thông với họ. Vua lại ghét Long Xưởng vô lễ. Bà Nguyên phi Từ thị được Vua yêu, Hoàng hậu bèn sai Long Xưởng ngầm giở ngón tư tình để mê hoặc Từ thị, muốn cho bà Từ thị đó bị Vua nhạt tình. Từ thị đem hết việc đó tâu vua, Vua nhân đó mà giận dữ, phế Long Xưởng đi”.
5. Hoàng hậu từng là thái tử & hoàng đế
Tháng 10/1224, Lý Huệ Tông: “xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng” (ĐVSKTT).
Năm 1226, Trần Thái Tông: “sách phong Chiêu Hoàng làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh” (ĐVSKTT). Đây là cặp vợ chồng đều từng làm hoàng đế duy nhất trong sử ta.
6. Hoàng hậu bị lập khi chồng còn sống
Thuận Thiên Hoàng hậu Lý Oanh, không rõ cưới Trần Liễu năm nào nhưng hẳn là trước khi em gái bà lên ngôi. Năm 1237, thái tử Trịnh mất trước đó, Chiêu Thánh không con nên mẹ hai bà là Thiên Cực công chúa bàn với chồng phế em lập chị, vì bà Thuận Thiên đang mang thai. Chiêu Thánh hậu bị giáng làm công chúa, Hoài Vương Liễu nổi loạn. Cuối cùng, Trần Liễu đến xin Thái Tông tha tội, hai anh em ôm nhau khóc thảm thiết. Sau đó, ông được đổi phong hiệu làm An Sinh Vương được ban các vùng Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang làm ấp thang mộc (nay thuộc hai huyện Đông Triều và Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh). Sự kiện đó đều gây khó xử cho Trần Quốc Khang, Trần Tung và Trần Quốc Tuấn sau này.
Sau khi về làm vợ của Trần Thái Tông, Thuận Thiên sinh ra đứa con vốn là của Trần Liễu, đứa bé sinh ra tức Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Vì thân phận đặc biệt, Quốc Khang được Trần Thái Tông nhận làm con trưởng, là anh cả trong tất cả những người con của Thái Tông, thế nhưng cuối cùng lại không có quyền kế thừa ngôi vị. Vào năm Canh Tý, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 9 (1240), vào ngày 25 tháng 9 (âm lịch), Thuận Thiên Hoàng hậu sinh “Hoàng tử thứ 2” tên gọi Trần Hoảng, lập tức được lập làm trữ quân, tức tương lai là Trần Thánh Tông. Sang năm sau, là năm Tân Sửu (1241), khoảng tháng 10 (âm lịch), bà sinh ra tiếp vị hoàng tử thứ 3 là Trần Quang Khải.
7. Cặp đế hậu Thái y bảo cưới
Năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), tháng 2, Thái tử Trần Hoảng lên kế vị, miếu hiệu Trần Thánh Tông. Tháng 8 năm ấy, bà được sách phong làm Thiên Cảm phu nhân , rồi không lâu sau thì chính thức phong làm Hoàng hậu. Bà một bước lên vị trí mẫu nghi thiên hạ .
Ngày 11 tháng 11 năm ấy, Hoàng hậu sinh ra Hoàng trưởng tử Trần Khâm, tức Nhân Tông hoàng đế. Như vậy, bà đã gặp gỡ và được Thánh Tông sủng hạnh ít nhất khoảng đầu năm đó, ngay khoảng thời gian Thánh Tông kế vị hoặc sớm hơn nữa.
Theo mốc thời gian này, tức bà đã mang thai con của Trần Thánh Tông trước khi được sách lập làm Hoàng hậu. Dựa theo việc bà có thai trước với Thánh Tông và những dữ kiện lịch sử sau đó, chúng ta có thể suy đoán bà vốn không phải là người chắc chắn được chọn làm Hoàng hậu. Vụ việc mang thai Nhân Tông hoàng đế gần như đã giúp cho bà danh chính ngôn thuận.
8. Chắn hổ cản voi
Bảo Thánh Hoàng hậu là con gái Hưng Đạo Vương, vợ Phật Hoàng. Về độ dũng mãnh của tướng môn hổ nữ, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng:
“…Thượng hoàng (chỉ Trần Nhân Tông) thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, thượng hoàng ngự trên lầu để xem, thái hậu (ý nói Bảo Thánh hoàng hậu) và phi tần đều theo hầu. Vì lầu thấp, song chuồng và thềm cũng thấp, con hổ chợt nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, những người trên lầu đều chạy toan cả, duy chỉ có thượng hoàng và thái hậu cùng 4, 5 người thị nữ vẫn ở đấy. Thái hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy chiếu che cho thượng hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu rồi kêu gầm lên mà nhảy xuống, không hại ai cả.”
Vào một lần khác, Trần Nhân Tông đang ngự tại điện Thiên An, xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên sổng thoát định xông lên điện tới nơi ông ngồi, khiến tả hữu sợ chạy tán loạn, chỉ có Bảo Thánh không dao động, bình tĩnh đối phó với thú dữ, bảo vệ ông.
9. Cưới thím dâu kiêm chị họ cô bác ruột làm hoàng hậu
Tháng 5 năm Canh Ngọ (1630), chúa Trịnh Tráng ép vua Lê Thần Tông phải lấy con gái của ông là bà sương phụ Trịnh Thị Ngọc Trúc làm hoàng hậu. Năm ấy vua Lê Thần Tông mới 23 tuổi còn bà Ngọc Trúc đã ở tuổi 36. Chồng trước của bà chú họ của Thần Tông, bản thân bà là cháu gọi Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh bằng cô ruột.
Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc ở ngôi vị quốc mẫu không được bao lâu, bà đã mang theo con gái Ngọc Duyên (con của bà và Lê Trụ) rời cung, tu hành tại chùa Bút Tháp ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Linh mục Alexandre de Rhodes từng viết về bà Ngọc Trúc với rất nhiều lời ngợi khen: “Bà rất thông chữ Hán, giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Ca-tê-ri-na vì bà giống Thánh nữ về nhiệt tâm cũng như đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ”.
10. Bà hậu có trực hệ thân bại danh liệt dưới thời trị vì của con nuôi
Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu Tống Thị Lan, người Tống Sơn, Thanh Hóa, con gái Quý Quốc Công Tống Phúc Khuông, mẹ họ Lê.
Năm 1779, bà làm vợ Nguyễn Ánh, năm này ông bà đều 17 tuổi. Năm 1803, bà được lập làm Vương hậu. Năm 1806, sách lập làm Hoàng hậu. Năm 1814, bà mất, hưởng dương 54 tuổi, sai hoàng tử Đảm dâng lễ tế điện. Nguyên bà có 4 con trai: Chiêu, Anh Duệ thái tử Cảnh, Hi và Noãn nhưng đều mất sớm, Gia Long cho hoàng tử Đảm làm con nuôi bà. Bà yêu cầu phải có phải có khế khoán. Vua sai Lê Văn Duyệt viết một tờ giấy đưa cho. Bà giao cho cung tỳ là Nguyễn Thị Lê cất giữ. Đến lúc có tang bà, các quan hặc có người bàn đem Hoàng tôn Đán giữ việc thừa tự, Gia Long dụ rằng: Hoàng tử là con của Hoàng hậu, còn có khế khoán ở kia, nên sai làm chủ việc thờ cúng: việc lớn của nước không thể nhất khái câu nệ lễ của nhà mọi người. Nguyễn Văn Thành lại cho là lời xưng hô trong văn khấn khó nói. Vua bảo rằng: Con phụng mệnh cha để tế mẹ, danh chính ngôn thuận, có gì là không được.
Năm sau, 1815, Nguyễn Phúc Đảm được sách phong làm thái tử. Năm 1820, ông lên ngôi. Và đến năm 1824, vụ án cháu nội bà Thừa Thiên là Mỹ Đường loạn luân với mẹ xảy ra. Dòng đích từ đó thân bại danh liệt.
Nguồn:
– Đại Việt sử ký toàn thư
– Đại Nam liệt truyện chính biên, tập 2
– Một chút đáng yêu sử Việt
– Báo Pháp Luật
– Thoại Sử Đàm Lâu

Đoạn 3. “Hai người con của bà đều đc gả…” Đoạn này dễ gây hiểu nhầm, theo mình hiểu là con gái của bà gả cho Đinh Liễn còn Ngô Nhật Khánh lấy công chúa Phất Kim đúng k, lấy sao gọi là cả hai đều gả đc