Như thế nào gọi là “vờ cố gắng”?

Họ hàng nhà tôi có con bé đang học cấp 3, ngày nào cũng cắm đầu học đến nửa đêm mà điểm số vẫn chẳng lên được tý nào; Thế là bố mẹ con bé bèn nhờ tôi đến xem có giải quyết được gì không.

Thật ra, tôi nghe câu “học đến khuya khoắt” là đoán được phần nào rồi.

Tôi hỏi con bé: “Con học giỏi môn nào, kém môn nào?”

Quả không sai, con bé bảo học tiếng Anh còn được chứ Toán thì thua.

Con bé nói thêm, bản thân rất thích học từ vựng, nhưng ghét nhất là làm đề Toán; mỗi lần nói đến việc học từ vựng thì rất vui vẻ, con bé có thể học cả ngày như vậy mà không chán.

Sau tôi nói với họ hàng là để con bé năng làm đề Toán hơn, ít học từ vựng lại, như vậy có thể tăng cao xếp hạng mà không cần thức khuya.

Họ hàng không hiểu, bèn hỏi tại sao?

Tôi nói, bởi vì học thuộc từ vựng là não đang bị động tiếp nhận thông tin, không cần dùng nhiều nơ-ron, nên con bé mới thích học từ vựng cả ngày; Còn làm đề toán phải tự suy nghĩ, phải vận dụng não rất nhiều, liên kết logic kiến thức cũ lẫn mới mới làm được, rất mệt đầu, nên con bé mới không muốn làm đề Toán; Thế nên con bé mới học từ vựng cả ngày được, chứ bảo cháu nó làm đề Toán cả ngày chắc rã rời, suy sụp mất…

Lúc tôi học cấp 3 chỉ dành ra nhiều nhất là 10% thời gian và sức lực để học thuộc từ vựng; chủ yếu vẫn là làm đề Toán, Lý Hoá, chỉ khi nào mệt quá, tôi mới học từ vựng cho thư giãn đầu óc. Còn cháu mình thì hay rồi, học từ vựng xuyên suốt từ ngày này sang ngày khác, thế khác gì đưa não đi du lịch nghe tiếng gió thoảng êm dịu bên tai đâu…

Một trường hợp khác, lúc trước tôi thường đánh cầu lông với anh đồng nghiệp; lần nào rủ anh cũng đến, lần nào đánh anh cũng dùng hết sức bình sinh, quả là chăm chỉ đến mức đáng khâm phục.

Ban đầu, chúng tôi chỉ là dân nghiệp dư, đánh cầu bằng bản năng và cảm giác. Lúc sau tôi mời người đến huấn luyện chuyên nghiệp, kỹ thuật của tôi dần được nâng cao, xem như là bước một chân vào cánh cửa của dân nhà nghề.

Nhưng anh trai ấy, vẫn chỉ là dân nghiệp dư loay hoay bên bờ cát không nhúng chân xuống dòng nước biển mặn bên cạnh được.

Mà những môn thể thao như thế này nếu có khác biệt về kỹ thuật quá nhiều thì đối phương chẳng phải là đối thủ mình cần dốc lòng cạn sức chiến đấu nữa; cho nên dần dà tôi không còn đi tụ tập với các anh nữa.

Lâu lâu, các anh sẽ gọi tôi đi ăn uống ôn lại chuyện xưa; anh trai nọ gặp tôi bèn hỏi: “Chúng ta cùng nhau chơi cầu lông, tôi siêng hơn cậu, tập nhiều hơn cậu, nhưng sao cậu thành dân nhà nghề mà tôi vẫn dậm chân tại chỗ?”

Tôi nói: “Bởi vì tâm trí anh bình thản, không màng thắng thua, anh đánh cầu lông chỉ để hoạt động cho ra mồ hôi, cho khoẻ người, cũng không quyết tâm muốn nâng cao trình độ, nên đương nhiên sẽ như vậy. Còn tôi thì khác, hôm nào tôi đánh không tốt là đêm đó tôi ngủ không yên, nửa đêm cũng phải bật dậy tìm cách xử lý đường cầu ban sáng, khi nào ra được giải pháp tôi mới ngon giấc được.”

“Đấy, anh thấy đấy, tuy là cùng chơi cầu lông, nhưng đối với tôi và anh, đó là hai hoạt động khác nhau với hai mục tiêu khác nhau, nên đương nhiên sẽ dẫn đến kết quả khác nhau.”

“Anh xem đó là thú vui lúc rảnh rỗi, tôi lại xem đó là thi đua thật sự; vốn đã đôi đường, nên không thể so sánh được.”

Lúc sau tôi làm trưởng nhóm dự án, trong nhóm có một bạn nữ ngày nào cũng tăng ca làm đến tối muộn. Ban đầu tôi cố ý không về, ngày nào cũng ngồi xa xa, đợi bạn nữ về, tôi mới về. Nhưng ngày nào cũng thế tôi chịu không nổi, còn cảm thấy rất buồn phiền, chẳng lẽ cô ấy nhiều việc đến vậy sao? Nhiều đến nỗi ngày nào cũng phải tăng ca như thế này á?

Cuối cùng, có một ngày tôi nhịn không được nữa, bèn tò mò đứng sau lưng xem cô ấy làm gì.

Đứng yên 5 phút, tôi thấy cô ấy vẫn đang sửa 1 trang trong powerpoint; không phải đơn giản là sửa nội dung mà còn sửa cả bố cục, căn lề, hiệu ứng các loại…

Mà bất lực nhất là cô ấy không dùng đến phím tắt, chỉ đơn giản là tìm chỗ click chuột; nhìn một hồi lại một hồi, tôi không thể chịu được nữa, tôi phải nói thôi: “Thật ra không cần phải phí sức vậy đâu, slide trình chiếu nội bộ chỉ cần đầy đủ nội dung là được, không cần làm hoa mỹ chói mắt vậy đâu.”

Có lẽ cô ấy cảm thấy sự cố gắng của mình đã được ghi nhận, thế là cô hào hứng khuyên ngược lại tôi: “Không sao đâu sếp, em làm sắp xong rồi, xong slide này nữa là xong.”

Ừa, là xong rồi thật đó, bởi vì kể từ đó, tôi chuyển sang dùng Word để họp nội bộ; nội dung phân tách rõ ràng, chưa hết 1 trang nữa, nhanh gọn lẹ lại súc tích giản đơn, không mất thời gian vào những chuyện vô bổ như thế này.

Ba câu chuyện trên bạn thấy có điểm chung nào không?

Điểm chung lớn nhất là không chịu động não.

Bản thân họ còn không phát hiện ra, sự cố gắng của bản thân chỉ là tiêu tốn thời gian mà không đạt được thu hoạch thực tế.

Cho nên, tôi định nghĩa “vờ cố gắng” như thế này:

+ Tất cả những hành động không cần dùng não đều là “vờ cố gắng”

+ Tất cả những hành động “vờ cố gắng” đều đang tiêu tốn tài nguyên của bản thân nhưng không tạo ra giá trị thực chất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *