Lời người dịch: Áp lực đồng trang lứa là cụm từ khá phổ biến trong thời gian gần đây. Bài viết cung cấp cho người đọc một cái nhìn khách quan hơn và giải pháp cho vấn đề nêu trên. Bản dịch còn nhiều sai sót, mình mong nhận được sự góp ý từ tất cả mọi người.
________________________________________
Trong bài thi, khi đáp án của bạn bè xung quanh không giống của bạn, có thể bạn sẽ nghĩ, liệu mình có nên sửa đáp án không;
Trong kỳ nghỉ hè, trên facebook toàn là những bức ảnh đi chơi của bạn bè, vậy là bạn cảm thấy mình cũng nên đi chơi đâu đó;
Sau khi đi làm, nhìn đồng nghiệp chuẩn bị kết hôn sinh con, bạn có thể sẽ cảm thấy lo lắng cho bẳn thân khi vẫn còn độc thân.
Ngay khi bước chân vào một tập thể, bạn sẽ luôn cảm nhận được áp lực và ảnh hưởng vô hình đến từ người khác
**Không chỉ những người bằng tuổi, những người có địa vị, hoàn cảnh, sở thích tương tự hoặc cùng nhóm xã hội với bạn đều thuộc phạm vi “đồng trang lứa”. **Bởi vậy, cho dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn sống ở đâu, bạn đều rất có thể cảm nhận được [Áp lực đồng trang lứa] (Peer pressure)
Dưới Áp lực đồng trang lứa, một người thường thay đổi thái độ, hành vi hoặc quan điểm của mình để tuân thủ các chuẩn mực hành vi của tập thể. Loại áp lực này thường làm giảm mức độ tự tin và lòng tự trọng của một người. Ở nhóm thanh thiếu niên, nó cũng làm tăng xác suất của các hành vi nguy hiểm như quan hệ tình d*c và lạm dụng rượu bia.
**Vậy có mối quan hệ nhất định nào giữa Áp lực đồng trang lứa và lứa tuổi không? **
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thanh thiếu niên có nhiều khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Áp lực đồng trang lứa hơn người lớn. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được chia thành ba nhóm theo độ tuổi. Bọn họ được yêu cầu tiếp xúc với những người cùng nhóm tuổi trong khi thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm.
Kết quả cho thấy, sau khi tiếp xúc với những người cùng nhóm tuổi, nguy cơ thực hiện những hành vi nguy hiểm của thanh thiếu niên tăng gấp đôi, sinh viên đại học tăng 50%, nhóm người trưởng thành hầu như không bị ảnh hưởng
Một kết quả thực nghiệm khác từ Steinberg và Monahan (2007) cho thấy : “Khả năng chống lại Áp lực đồng trang lứa” có xu hướng tăng trưởng tuyến tính ở độ tuổi 14-18, trong khi những người ở nhóm tuổi 10-14 và 18-23+ có sự khác biệt không quá rõ ràng. Từ đó có thể thấy, giai đoạn từ 14-18 tuổi là vô cùng quan trọng, rất nhiều thanh thiếu niên có được niềm tin vào bản thân mạnh mẽ trong giai đoạn này, có thể đối diện thẳng với Áp lực đồng trang lứa.
**Áp lực đồng trang lứa cũng có những mặt tích cực. **
Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra rằng, việc gia nhập một nhóm kiểm soát cân nặng nghiêm ngặt có thể giúp chúng ta giảm cân thành công (Gorin et al., 2005).
Trong trường học, khả năng tự kỷ luật của thanh thiếu niên sẽ được cải thiện do ảnh hưởng của quy tắc ứng xử cộng đồng. Đồng thời, khi chúng ta cần sự giúp đỡ, những người “Đồng trang lứa” hay nói rộng hơn là cộng đồng có đặc điểm chung cũng sẽ có hành động nhất định.
Vậy làm sao để đối mặt với Áp lực đồng trang lứa?
1. Lợi dụng mặt tích cực của Áp lực đồng trang lứa: Tìm đến những hội nhóm hoặc những người bạn khiến bạn cảm thấy [Tiếp thêm năng lượng]
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy bị kìm nén và áp lực trong một tập thể, điều này không có nghĩa là “vấn đề của bạn” hoặc “vấn đề của họ”, có thể đó chỉ là vì các quan điểm và giá trị của hai bên không đồng điệu. Bạn có thể thử bước vào một môi trường mới, hoặc tham gia một nhóm về sức khỏe thể chất và tinh thần. Ở bên những người sẵn sàng giúp bạn trở nên tốt hơn có thể khiến bạn cảm nhận được kỳ vọng của mình vào tương lai và giảm bớt sự mệt mỏi, khó chịu do căng thẳng quá mức gây ra. Như nhà tâm lý học Lanzisera đã nói, bạn càng dành nhiều thời gian để chia sẻ các giá trị và lý tưởng của mình với người khác, bạn càng cảm thấy ít áp lực hơn.
2. Giữ khoảng cách với những người thường gây áp lực cho bạn
Khi cố gắng thay đổi lối sống, bạn có thể gặp phải nhiều “cám dỗ”: Bất cứ khi nào bạn quyết định giảm cân, sẽ luôn có những người bạn giúp bạn gọi một ly trà sữa; bất cứ khi nào bạn quyết định bỏ thuốc lá, sẽ luôn có những người bạn thuyết phục bạn uống “hút điếu cuối cùng”. Ngay cả khi bạn chưa làm gì, chỉ cần sử dụng mạng xã hội, những hành động đa dạng của bạn bè cũng sẽ khiến bạn cảm thấy lo lắng. Khi bạn không chắc mình có thể kiểm soát được bản thân để không bị ảnh hưởng, việc giữ khoảng cách với những người này sẽ là một lựa chọn tốt.
3. Hiểu bản thân muốn gì
Trong phim [Giáo dục giới tính 1] (Sex Education Series 1), cô học sinh trung học Lily rất nóng lòng muốn tìm cơ hội quan hệ tnh dc, đơn giản vì cô “không muốn bị tụt lại phía sau người khác”. Áp lực mạnh mẽ từ những người “cùng trang lứa” sẽ khiến chúng ta “khó thở”, và thậm chí giống như Lily, vì để giống với người khác mà làm ra những hành động bốc đồng.
**Thói quen cạnh tranh được hình thành từ bé sẽ khiến chúng ta luôn để mắt đến nhất cử nhất động của những người đồng trang lứa: “Người khác có mình cũng phải có”. **Tuy nhiên, cuộc sống không giống một bài thi, và không thể dùng một tiêu chuẩn thống nhất để đánh giá cái nào cao hơn, thấp hơn. Đằng sau áp lực của bạn bè đồng trang lứa còn có “tác dụng phụ” là chúng ta quá chú ý đến những cái “tập thể” mà bỏ qua nhu cầu thực sự của mình. Đối với mỗi chúng ta, “sự thống nhất” không bằng “phù hợp, càng hiểu rõ bản thân bao nhiêu, khả năng ngăn chặn những điều không phù hợp bản thân của bạn càng mạnh bấy nhiêu.
Cuối cùng, chúc bạn có thể thoát khỏi mặt tiêu cực của [Áp lực đồng trang lứa], đón nhận con người chân thật và duy nhất của bản thân.