nhin-nhan-lai-cong-nghiep-che-bien,-che-tao

Nhìn nhận lại công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2010, giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 17,13% trong GDP, chiếm 19,2% trong tổng giá trị tăng thêm (GVA – Gross Value Added) và chiếm 64,04% trong toàn ngành công nghiệp. Đến năm 2021, tỷ trọng này tăng lên tương ứng là 24,6%, 27% và 78,1%. Nhưng liệu có đúng nếu cho rằng công nghiệp chế biến chế tạo là động lực phát triển của nền kinh tế thời gian qua?

Để trả lời, trước hết, cần lưu ý rằng, giá trị tăng thêm theo giá cơ bản bao gồm thu nhập của người lao động và lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận trước thuế của khu vực FDI chiếm hơn 90% trong tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Số liệu trong Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 cho thấy, đến năm 2020 lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp FDI là 463,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD) thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài của nền kinh tế là 400.000 tỷ đồng, nếu chỉ tính riêng khoản chi trả sở hữu khoảng 423.000 tỷ. Phải chăng khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng phần lợi nhuận đó chuyển về nước gần hết (khoảng hơn 90%)?

Như vậy, việc đặt vấn đề công nghiệp (bao gồm cả khai thác và điện nước) đạt 40% GDP vào năm 2035 không phải mục đích xa vời. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của một ngành vào GDP về thực chất không phản ánh mức độ ảnh hưởng của ngành đó trong nền kinh tế.

Điểm chung của nền công nghiệp nước ta sau vài chục năm công nghiệp hóa là sa lầy vào gia công – lắp ráp, khai thác – xuất khẩu tài nguyên thô và sự mở rộng không thể kiểm soát của những ngành thâm dụng năng lượng và chất thải ra môi trường không khí, nước và đất. Một mâu thuẫn có tính cốt lõi: khi mục tiêu tối hậu mà quốc gia hướng tới là “dân giàu nước mạnh” thì công nghiệp lại đi theo những ngành tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu! Nói cách khác, tăng trưởng công nghiệp lâu nay chỉ dựa trên khai thác vốn tài nguyên và cơ bắp thay vì chất xám.

Để đạt mục tiêu công nghiệp hóa kiểu này, cái giá phải trả sẽ là sự biến mất những cánh đồng, dòng sông, bờ biển, khu rừng, ngọn núi và cả bầu trời; trong mọi hoạt động kinh tế, công nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây cạn kiệt, suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường hơn một thập kỷ qua tại Việt Nam. Kết quả tính toán từ mô hình cân đối liên ngành (input – output analysis) cho thấy, sản phẩm cuối cùng của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo lan tỏa rất cao đến sản lượng, nhưng lại lan tỏa thấp đến giá trị tăng thêm ở cả hai giai đoạn mà bảng I.O 2012 và 2016 là đại diện. Điều này phần nào cho thấy hàm lượng trí tuệ trong hai nhóm ngành này không cao, nếu không muốn nói là thấp và cơ bản làm gia công. Theo ý niệm này, khi sản xuất cơ bản là làm gia công thì mức độ công nghiệp hóa hoặc số hóa rất thấp kém.

Hơn nữa, một nghiên cứu dựa trên phương pháp cân đối liên ngành của người viết và cộng sự đã chỉ rõ thêm, lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của Việt Nam thực sự đáng báo động, đặc biệt ở hai lĩnh vực mũi nhọn ở phía cung và phía cầu là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất, gấp 3 lần mức bình quân của thế giới. Xét về phía cầu cuối cùng, qua tính toán, sản xuất hàng xuất khẩu gây nên phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm trên 50% tổng lượng phát thải khí nhà kính mà nền kinh tế thải ra môi trường. Như vậy, tỷ trọng ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng chiếm trong GDP càng nhiều càng khiến cấu trúc của nền kinh lệch lạc, chèn ép sự phát triển các ngành khác và môi trường ngày càng bị hủy hoại.

Liệu có cách nào để đất nước giàu mạnh mà không nhất thiết phải công nghiệp hóa như con đường đang đi?

TS. Bùi Trinh

Nguồn Báo Đại biểu Nhân dân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *