Thứ bảy, ngày 12/04/2025 12:14 GMT+7
Nhiều bác sĩ tại Đắk Lắk nghỉ việc sau khi hết hỗ trợ… thu hút
Công Nam Thứ bảy, ngày 12/04/2025 12:14 GMT+7
Tại Đắk Lắk, nhiều bác sĩ đã nghỉ việc sau khi hết thời gian hưởng chính sách thu hút nhân lực, do thu nhập thấp và áp lực công việc cao.
Trước Kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XV, ngày 11/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực y tế.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong 5 năm qua, đơn vị tiếp nhận 5 bác sĩ mới.
Tuy nhiên, 3 người trong số đó đã nghỉ việc sau khi kết thúc thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ thu hút nhân lực của tỉnh.

“Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp, áp lực công việc cao và môi trường làm việc còn nhiều khó khăn khiến họ không thể gắn bó lâu dài.
Cần có cơ chế đãi ngộ bền vững hơn như tăng phụ cấp đặc thù để giữ chân bác sỹ có chuyên môn”, bà Luyến kiến nghị.

Không chỉ thiếu hụt nhân lực, các cơ sở y tế trên địa bàn còn đang chịu áp lực tài chính lớn do việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt dự toán bị chậm trễ.
Ông Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết:
“Năm 2023 Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vượt dự toán khám chữa bệnh khoảng 32 tỷ. Năm 2024 vượt khoảng 22 tỷ. Tổng cộng 2 năm gần 54 tỷ, đến nay vẫn chưa được thanh toán cho nên rất là khó khăn.
Kiến nghị với Chính phủ là có cách nào để thay đổi quy trình làm sao để nhanh hơn. Nếu chưa thay đổi được thì có nên cho các cơ sở y tế tạm ứng tiền đó.”
Ngoài ra, việc tái tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, huyện cũng làm dấy lên lo ngại về sự ảnh hưởng đến hệ thống y tế cơ sở.
Theo bà Lê Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm y tế huyện M’Đrắk, việc sáp nhập các xã, bỏ cấp huyện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế xã vốn đang là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng sâu, vùng xa.

“Việc sau khi thực hiện sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp thì vấn đề y tế cơ sở, đặc biệt y tế tuyến huyện, trong đó có hệ thống khám chữa bệnh, công tác phòng chống bệnh, công tác dân số sẽ như thế nào cho hiệu lực hiệu quả và đảm bảo tính liên tục trong mô hình tổ chức.
Do đó tôi cũng xin đề xuất phải có lộ trình, phải tùy từng địa phương để đưa ra giải pháp cho phù hợp với tình hình địa phương”, bà Thủy cho biết.
Bên cạnh đó, cử tri tiếp tục phản ánh những khó khăn kéo dài trong công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế, quy định pháp lý còn phức tạp, nhân sự chưa được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, nên dễ dẫn đến sai sót trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cảnh báo tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội, gây nhầm lẫn với thuốc điều trị.
Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành chế tài mạnh để siết chặt hoạt động quảng cáo và kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Những ý kiến, kiến nghị đã được lãnh đạo Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội và Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk giải đáp theo chức năng, đồng thời được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp để kiến nghị đến các bộ, ngành trong kỳ họp sắp tới.