5.
10 giờ tối ngày 11 tháng 5 năm 2014. Mưa lớn.
Trong nhà.
Tiếng mưa bên ngoài lớn dần, như đang gột rửa một nỗi oán hận trong lòng, gột rửa từ đầu đến đuôi sự xấu xa đáng thẹn ở chốn nhân gian. Đối mặt với cơn mưa, luôn có rất nhiều cảm xúc, vui thích, lưu luyến, cũng chạm phải cả sự lạnh lùng và vô tình của nó. Trước nay, tôi đều không thích mưa. Tôi thích trời quang, cái kiểu trời quang tỏa nắng ấm áp. Nhưng mà, thời tiết như này, dường như đang gây khó dễ cho tôi. Mưa lúc nào cũng dầm dề như thế, và tâm trạng của tôi thì cũng ầm ĩ không nguôi.
Bất chợt nhận được cuộc gọi của bố, hỏi tôi đang làm gì.
“Hôm nay con hơi mệt, định tắm rửa rồi đi ngủ sớm.” Tôi lơ đễnh đáp.
“Bố đang đứng ngoài cửa. Vừa mới đi đánh cờ với mấy ông bạn về, tiện đường ghé qua thăm con.”
Tôi có chút ngạc nhiên. Bố rất ít khi đến đây, dù có việc, cũng sẽ gọi điện bảo tôi qua. Tối nay lại đội mưa đội gió, nhất định không đơn giản chỉ là tiện đường ghé thăm.
Mở cửa, bố đứng bên ngoài cởi áo mưa, tháo ủng, nở nụ cười bước vào. Nhưng nụ cười gượng ép của ông ấy không thể qua mắt được tôi, rõ ràng bên trong ẩn chứa vài phần khổ tâm.
Nói mấy câu chẳng liên quan, bố tôi dường như vô tình chuyển chủ đề sang vụ án của Đổng Văn Bằng.
Đây là lần đầu tiên bố hỏi han tôi về vụ án. Ông ấy là một người lao động ưu tú trên mặt trận cảnh sát, nhẽ nào lại không hiểu về kỷ luật cảnh sát? Ông ấy đích thân đến hỏi về vụ án của Đổng Văn Bằng, rốt cuộc là vì cái gì?
“Thực ra bố đến tìm con vì vụ án đó đúng không.” Tôi thẳng thừng vạch trần ông ấy.
Bố tôi cố gắng lấp liếm: “Làm gì có chuyện? Bố đọc được tin Đổng Văn Bằng bị hại ở trên báo, nên hỏi đại vậy thôi.”
Tôi cười gượng. Bố năm nay đã 64 tuổi rồi, tóc bạc trắng, năm tháng như lưỡi dao sắc bén, vô tình hằn lên những nét thăng trầm trên trán ông. Sau khi mẹ mất, tôi và bố sống nương tựa vào nhau, ông ấy là người thân thiết nhất, đáng tin nhất của tôi. Tình yêu của bố rất sâu đậm, ít khi bày tỏ ra bên ngoài, phải thật tinh tế mới có thể cảm nhận được.
Khoảnh khắc này, sự không thành thật của bố khiến tôi có chút bối rối.
Đột nhiên, như khơi dậy lòng người, đầu tôi lóe lên một tia sáng, buột miệng nói: “Thực ra bố đã quen biết Đổng Văn Bằng và Dương Chiêu từ lâu, không chỉ quen biết, quan hệ giữa mọi người còn khá tốt, phải vậy không?”
Bố tôi cười khó xử: “Làm gì có chuyện đó, sao bố lại quen biết họ được?”
Giọng nói của tôi trở nên nghiêm nghị, tôi thề là từ bé đến giờ mình chưa từng nói chuyện với bố bằng cái giọng điệu ấy: “Con đã nhìn thấy ảnh hồi trẻ của Đổng Văn Bằng và Dương Chiêu ở nhà ông ta, trông rất quen, nhưng nhất thời không nhớ được đã gặp ở đâu. Ban nãy con đột nhiên nhớ ra, ở nhà chúng ta có bức ảnh bố chụp với hai người đấy, là ảnh năm bố hai mấy tuổi, được kẹp trong cuốn [Tập thơ của Shelley]. Bố, tại sao bố lại không nói thật?”
Gương mặt của bố lộ rõ vẻ buồn bã: “Tuy bố không biết bọn con đã phá án đến đâu, nhưng những chuyện quá khứ chắc không liên quan đến cái chết của Đổng Văn Bằng. Bố cố tình không nhắc đến những chuyện đó, vì nếu nói ra, lại làm mọi chuyện trở nên phức tạp hơn. Đều là những chuyện từ rất lâu rồi.”
“Con không cho là vậy.” Tôi lạnh nhạt đáp.
Sự khó xử và bất an đan xen trong ánh mắt của bố, ông lẩm bẩm: “Mấy chuyện đó…… đều từ rất lâu rồi.”
“Còn nữa, tại sao mộ phần nhà Đổng Văn Bằng lại sát bên mộ phần của bố và mẹ, làm gì có chuyện trùng hợp thế?” Tôi vẫn không chịu bỏ qua.
Bố tôi thở dài: “Đáng ra bố không nên đến đây hỏi con về vụ án. Bố đã sớm nghĩ đến, con thông minh như vậy, làm sao mà qua mắt được? Giờ cũng muộn rồi, con nghỉ ngơi trước đi, để hôm nào, bố nhất định sẽ kể những chuyện quá khứ của Đổng Văn Bằng và Dương Chiêu cho con nghe.” Bố tôi chưa nói xong đã vội vã bỏ về dưới cơn mưa, không còn chút phong độ của bậc trưởng lão như trước đây.
Để lại tôi một mình trong căn phòng nghĩ đi nghĩ lại, trằn trọc không sao ngủ được. Cơn mưa ngoài kia mỗi lúc một to, giống như bị điên, vỗ lộp độp vào song cửa sổ.
6.
Ngày 14 tháng 5 năm 2014. Trời nhiều mây.
Sở Cảnh sát khu Hòa Bình.
Tôi đã tra ra sự kiện con gái Đổng Văn Bằng tự sát.
Là vụ án do Sở Hòa Bình phụ trách. Con gái lớn của Đổng Văn Bằng tên là Đổng Thiến. Mùa xuân hai năm trước đã nhảy hồ tự vẫn, có mười mấy người làm chứng, tình tiết đơn giản rõ ràng, vừa nhìn là biết.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là, trong bản giám định nói Đổng Thiến chưa kết hôn, nhưng khi tự sát đã mang thai được 6 tháng.
Con gái của một đại gia, dù có ăn cơm trước kẻng, cũng chẳng phải chuyện gì quá to tát. Tại sao cô ấy lại chọn cái chết cơ chứ?
Tôi nhớ lại bộ dạng muốn nói lại thôi của Đổng Khanh và giữ kín như bưng của Lý Văn Huệ.
Máy tính ở hệ thống cảnh sát thành phố Sở Nguyên đều được hòa lưới mạng, nên tôi rất dễ dàng tìm ra toàn bộ tư liệu cá nhân của Đổng Thiến, bao gồm nhóm máu, dấu vân tay và kết quả giám định DNA của cô ấy.
Sự nhiều chuyện của tôi suýt chút nữa đã dọa chết bản thân: Dấu vân tay của Đổng Thiến trùng khớp với dấu vân tay trên cốc thủy tinh ở hiện trường Đổng Văn Bằng bị hại.
Nhẽ nào là vong hồn gây án?
Tôi lo mình làm sai, lại cẩn thận đối chiếu hai lần dấu vân tay được lưu trong hồ sơ máy tính với dấu vân tay thu thập ở hiện trường vụ án Đổng Văn Bằng, không lệch đi đâu được, hai cái giống hệt nhau, có thể xác định là dấu vân tay của cùng một người.
Tôi cảm thấy toàn thân lạnh toát. Lúc này, trong căn phòng trống trải chỉ có mình tôi, hai dấu vân tay trên màn hình máy tính như đang nhìn tôi cười quỷ quyệt. Đầu óc tôi trống rỗng, huyết thanh trong cơ thể như bị cảnh tượng đáng sợ kia nhanh chóng làm lạnh, đóng băng. Trái tim tôi như bị một bàn tay vô hình bóp nghẹt, không sao thở nổi.
Mãi lâu sau tôi mới hoàn hồn lại, dường như vô thức nhấc máy gọi cho Thẩm Thư, nói cho cậu ấy về cái tin động trời này.
Thẩm Thư cũng vô cùng kinh ngạc. Chúng tôi đã cho rà soát toàn bộ người thân xung quanh Đổng Văn Bằng để tìm ra chủ nhân của dấu vân tay lưu lại trên cốc thủy tinh ở hiện trường vụ án, nhưng lại không ngờ rằng, dấu vân tay đó thuộc về một phụ nữ đã chết cách đây hai năm, hơn nữa còn là con gái của nạn nhân.
Nếu không phải vong hồn gây án, nhẽ nào Đổng Thiến vẫn chưa chết?
Tôi nhất định phải nói chuyện với Đổng Khanh một lần.
7.
Ngày 17 tháng 5 năm 2014. Mưa nhỏ.
Một khách sạn kinh doanh ở thành phố Sở Nguyên.
Tôi đã nhúng quá sâu vào vụ án này, làm rất nhiều việc không thuộc về mình, còn cố tình né tránh Thẩm Thư, tôi biết là vì ba tôi. Tôi cảm giác ông ấy rất thân với Đổng Văn Bằng, nhưng từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng nghe ông ấy nhắc đến cái tên này. Sau khi Đổng Văn Bằng chết, biểu hiện của bố rất kì lạ, rõ ràng là đang giấu tôi điều gì.
Khi tôi càng lúc càng nghĩ bố mình hình như có quan hệ gì đó với Đổng Văn Bằng, tôi phát hiện ra trong tiềm thức mình đang do dự có nên tiếp cận với cốt lõi của vụ việc hay không, tôi chẳng qua chỉ bị tính hiếu kì dẫn dắt khám phá mà thôi. Nhưng tiếc là, tôi không có khả năng để khám phá bí mật riêng tư của bố. Có thể, đây chính là hàm ý thực sự khi người khác nói tôi [tốt bụng], hoặc nó ám chỉ sự thiếu quyết đoán của tôi. Quả thật có những lúc tôi rất bảo thủ. Biết rõ đối phương sai rồi, nhưng không thể nói [Bạn không đúng] hay [Bạn sai rồi], tôi cho rằng nói như vậy sẽ làm tổn thương người khác. Tôi cảm giác nỗi đau đó dường như của chính mình vậy. Tôi rất ghét cái tính ấy của mình. Đó không phải tốt bụng mà là hèn nhát.
Tôi thử liên hệ với Đổng Khanh, nhưng mãi không gọi được cho cô ấy. Tận đến sáng ngày thứ ba, cô ấy mới chủ động liên hệ với tôi.
“Tôi là Đổng Khanh, con gái Đổng Văn Bằng.” Là một giọng nói trẻ trung, lay động lòng người, “Có một số chuyện tôi muốn kể với chị.” Ngữ khí nghe có vẻ nặng nề.
Tôi không hề thông báo cho Thẩm Thư, một mình đi gặp Đổng Khanh, đó là điều hiếm có trong suốt những năm tôi và Thẩm Thư hợp tác cùng nhau. Tôi và Đổng Khanh hẹn nhau ở phòng nghỉ hướng mặt ra sân của một khách sạn kinh doanh. Phía trước cửa kính khổng lồ, một thác nước đổ xuống xối xả, ghế bên cạnh cửa trống không.
Đổng Khanh là một cô gái danh xứng với thực, da trắng như tuyết. Lần đầu gặp mặt tôi có chút ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cô ấy. Nhìn dưới ánh đèn, gương mặt cô ấy ngoài xương hàm hơi rộng, khiến người ta có cảm giác hơi ương bướng ra, thì gần như là thập toàn thập mỹ. Ánh mắt cô ấy sáng ngời có hồn, người khác nhìn vào có thể sẽ nghĩ cô ấy ghê gớm, nhưng tôi lại cho rằng điều này thể hiện một thế giới nội tâm tràn đầy năng lượng, thanh cao và ngạo mạn.
“Chị Thục Tâm, cho phép em được gọi chị như vậy, chị không phải cảnh sát, mà là một bác sĩ pháp y, có phải không?” Hàn huyên xong, Đổng Khanh đột nhiên hỏi thẳng vào vấn đề.
“Đúng vậy, thực ra…… với thân phận này của tôi, không nên điều tra quá nhiều như thế.” Tôi bỗng có chút hoang mang, mình đang làm gì thế này? Danh bất chính ngôn bất thuận.
“Không, đến thời điểm hiện tại, trong số những cảnh sát mà em tiếp xúc, người mà em tin tưởng nhất là chị, thật lòng muốn nhờ chị giúp.”
“Nhờ tôi giúp?” Tôi không hiểu ý cô ấy.
“Đúng. Mấy ngày nay trong nhà rất lộn xộn, có quá nhiều việc cần phải xử lý, nhưng em vẫn luôn dõi theo tiến triển vụ án của bố. Chẳng phải mỗi mình chị là phát hiện ra dấu vân tay của chị gái em hay sao? Những cảnh sát khác đều không để ý đến. Không chỉ cảnh sát, dù là ai cũng sẽ không để ý đến chuyện như vậy. Khi em và mẹ nghe được tin trên cốc trà của bố có dấu vân tay của chị gái, đã kinh ngạc đến mức suýt ngã ngửa. Mẹ em rất sợ, mấy ngày nay không sao ngủ được.”
Tôi gật đầu đáp: “Quả thực có chút không ngờ tới, rất nhiều cảnh sát khi biết tin cũng bị dọa cho hết hồn. Nhưng mà, sao cô biết dấu vân tay của chị gái xuất hiện ở hiện trường vụ án? Không nhiều người biết tin này.”
Đổng Khanh cười gượng: “Đừng quên là gia đình em rất có ảnh hưởng ở thành phố Sở Nguyên. Tuy bố đã mất, nhưng nguồn tin của chúng em vẫn chưa bị cắt đứt.”
Tôi thở dài, không biết đáp lại ra sao, những gì Đổng Khanh nói là hiện thực. Luôn có một số kẻ thích chủ động tiếp cận người có tiền, lực lượng cảnh sát cũng không phải ngoại lệ.
Đổng Khanh vẫn tỏ ra bối rối: “Nhưng tại sao lại có dấu vân tay của chị ấy cơ chứ? Với cả sao chị lại nghĩ tới chuyện đó? Em đã hỏi nhiều cảnh sát cấp cao, họ đều nói không rõ. Em cảm giác không phải họ giữ bí mật hay gì, mà thực sự không biết.” Đổng Khanh giữ khư khư cốc nước cam trên tay, hai mắt tròn xoe.
Nhìn bề ngoài của Đổng Khanh chắc chỉ gần 20, trẻ hơn tôi cả chục tuổi. Nhưng mà, dù tôi đang đối diện với người trẻ tuổi hơn mình, hay người lớn tuổi hơn mình, đều sẽ dùng một tâm thái và tư thế giống nhau để nói chuyện. Trong Tâm lý học thì người như tôi được gọi là kiểu người dễ thích nghi và thiếu tính chủ thể.
Tôi không biết phải giải thích cho Đổng Khanh thế nào: “Thực ra tôi cũng không ngờ rằng, dấu vân tay mà cảnh sát thu thập được lại là của chị gái cô, chỉ là lòng hiếu kỳ đã xui khiến, tiềm thức cho rằng chỉ có những người thân xung quanh bố cô mới có cơ hội chạm vào đồ vật, nếu những người khác đều đã bị loại trừ, vậy chỉ còn lại mỗi chị cô.” Tôi nói xong câu này, cảm giác bản thân như rối loạn thần kinh.
Đổng Khanh tỏ vẻ hồ nghi: “Thật kỳ lạ, chị Thục Tâm, cách thức tư duy của chị thật khác người.”
Tôi có chút khó xử, không còn gì để nói, chỉ đành đổi chủ đề, tiếp tục câu hỏi mà lần trước chưa có lời giải đáp: “Cô có thể kể cho tôi nghe về quá trình chị gái mình tự sát được không?”
Sắc mặt của Đổng Khanh lập tức tối sầm lại, hàng mi dài óng ánh: “Chị ấy lớn hơn em bốn tuổi, nếu còn sống, thì giờ đã trở thành một người mẹ hạnh phúc rồi. Chị ấy tự sát, vì bố không đồng ý cho hôn sự của chị, còn tên bạn trai của chị ấy cũng bỏ chị ấy mà đi một cách khó hiểu. Lúc đó, chị ấy đã mang thai được 6 tháng, do bị đả kích quá lớn về mặt tinh thần, nên chị ấy đã chọn con đường một đi không trở lại.” Đổng Khanh vừa kể, cổ họng vừa nghẹn ngào.
Tôi nghe hơi khó hiểu, đành phải vuốt lại mạch tư duy hộ cô ấy: “Bạn trai của chị cô là ai? Giờ anh ta đang ở đâu?”
Đổng Khanh dùng giấy ăn lau đi hàng lệ: “Lần trước không phải mẹ em cố tình che giấu gì đâu, quả thực là không muốn hồi tưởng lại quá khứ đau thương ấy. Bạn trai cũ của chị em tên là Lý Kiện, từng là kiện tướng thể thao nổi tiếng của Đại học Sở Nguyên. Anh ta sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào tập đoàn Ascendas, không biết làm sao mà quen được chị gái em, hai người bắt đầu qua lại. Khi đó, chị em đang học Đại học, nhưng tình cảm của hai người rất tốt, đã bàn đến chuyện cưới xin rồi.
“Nhưng mối tình của họ không nhận được sự ủng hộ và chúc phúc của người nhà. Thái độ của bố mẹ em thì cứ mập mờ, Dương Chiêu thì kiên quyết phản đối để chị gái em qua lại với Lý Kiện, lý do của ông ấy là Lý Kiện xuất thân bần hàn, không xứng với chị, đồng thời ra sức thuyết phục bố mẹ em tách hai người họ ra. Hồi đó em rất ghét thói bợ đỡ của Dương Chiêu, thời đại bây giờ, tác phong gia trưởng bảo thủ truyền thống đã không còn phổ biến nữa. Nhưng sau đó không biết vì sao, thái độ của bố cũng trở nên cương quyết, phản đối việc chị em qua lại với Lý Kiện một cách thô bạo. Sau này chị em đã mang thai con của Lý Kiện, bố em lại càng nổi giận, không chỉ sa thải Lý Kiện, còn ép chị ấy phải phá thai. Sau này, không lâu sau khi Lý Kiện bị sa thải, chị ấy liền nhảy sông tự vẫn, lúc đó cái thai đã được 6 tháng rồi.”
“Tự sát……” Tuy đã biết trước chuyện này, nhưng khi nghe chính miệng Đổng Khanh nói ra từ đó, tôi vẫn cảm thấy chấn động, “Tại sao cô ấy lại chọn cái chết? Nếu có quyết tâm để chết, sao cô ấy không bỏ trốn cùng Lý Kiện?”
Đổng Khanh lắc đầu đáp: “Đó là lý do khiến em căm hận Lý Kiện nhất – Sau khi bị sa thải, hắn liền cắt đứt liên lạc với chị ấy, giống như bốc hơi khỏi nhân gian vậy, lập tức biết mất mà không để lại dấu vết. Thực ra em biết hắn vẫn còn ở trong thành phố này, chỉ là cắt đứt tình nghĩa mà thôi, nhẫn tâm vứt bỏ chị ấy và đứa con trong bụng chị. Khoảng thời gian đó, chị ấy luôn ở trong trạng thái tinh thần suy sụp, cuối cùng đến một ngày nọ, chị ấy lẻn ra ngoài rồi nhảy sông tự vẫn.”
Tôi cảm giác đầu lưỡi tê dại, tâm trạng vô cùng ngột ngạt, mãi lâu sau mới nói: “Sao cô biết Lý Kiện vẫn còn ở Sở Nguyên?”
Đổng Khanh thở dài một cái, bình tâm lại rồi đáp: “Bó hoa tuy-lip mà em đặt trước mộ của mẹ chị, là Lý Kiện mang đến.”
“Cô đã nhìn thấy anh ta?”
“Không, chẳng cần phải nhìn thấy. Khi chị em còn sống thích nhất là hoa tuy-lip xanh, Lý Kiện rất hay tặng cho chị ấy. Thành phố Sở Nguyên không có loại hoa này, Lý Kiện đã nhờ người mua từ Viện Khoa học Nông nghiệp Bình Hồ. Tiết Thanh Minh năm ngoái, khi em dọn mộ cho chị ấy đã trông thấy một bó hoa tuy-lip xanh đặt trước mộ, biết ngay là do tên Lý Kiện vong ân bội nghĩa kia đem đến. Hắn ta đến sớm nên em không bắt gặp, nếu không nhất định sẽ ném thẳng bó hoa vào mặt hắn. Em không muốn để hoa trên mộ chị, mà vứt đi thì tiếc, thấy mộ bên cạnh không có ai quét dọn, nên đã tiện tay đặt lên đó. Không ngờ đấy lại là mộ của mẹ chị, đã thế còn gây khó chịu cho chị, em thật sự xin lỗi.” Vẻ mặt của Đổng Khanh lộ ra vẻ áy náy.
“Không sao,” Tôi đáp, “Chỉ là một bó hoa thôi, chẳng phải chuyện gì to tát. Nhưng mà, tôi vẫn thấy lạ, nếu Lý Kiện còn tình cảm với chị cô như thế, tại sao hồi đó lại tuyệt tình bỏ đi? Nhẽ nào anh ta vì áy náy nên mới đến mộ của chị cô?”
“Cái này, e chỉ có hắn mới biết.” Trước khi rời đi, Đổng Khanh cúi chào tôi, “Mong chị sớm bắt được hung thủ giết hại bố em, để ông ấy dưới cửu tuyền được nhắm mắt.”
[Còn tiếp]