Nhà Triều Tiên/Joseon, tiền thân của Nam Bắc Hàn hiện đại: Chính thống phái Lý học và khởi nguyên của vương quốc ẩn sĩ [hermit kingdom] (1392-1910)

Thời thịnh vượng buổi đầu

Trong 100 năm đầu, nhà Triều Tiên là một vương triều trung đại thịnh vượng và phát triển. Hầu hết người Hàn đều đã nghe đến lời hát “Tae-Jung-Tae-Se-Mun-Dan-Se” là âm tiết đầu tiên của miếu hiệu của 7 vị vua đầu tiên. Mình sẽ xếp 9 quốc vương sơ kỳ (bao gồm cả Duệ Tông/Yejong và Thành Tông/Seongjong) vào Giai đoạn 1, “Thời thịnh vượng buổi đầu”.

[ND: Taejo/Thái Tổ, Jeongjong/Định Tông, Taejong/Thái Tông, Sejong/Thế Tông, Munjong/Văn Tông, Danjong/Đoan Tông và Sejo/Thế Tổ.]

1. NHỮNG TRUYỀN THUYẾT KHAI NGUYÊN (THÁI TỔ/TAEJO)

Mình đã giải thích sự chuyển giao Cao Ly-Triều Tiên vào bài đăng trước. Tướng Lý Thành Quế/Yi Seong-gye, được tầng lớp cai trị theo Nho gia đưa lên ngôi, sẽ là thái tổ khai quốc của nhà Triều Tiên (hay nhà Lý/Yi).

Khác với những hậu duệ kế vị mình, những vị vua sẽ suốt đời chịu thống khổ với những giáo điều Khổng Nho lặp đi lặp lại bởi các học giả và việc quan liêu, Lý Thành Quế về cơ bản là một võ tướng. Ông lớn lên trong một đồn quân sự phía Bắc, nơi trực tiếp bị cai trị bởi quân Mông Cổ. Mình không biết ông có biết tiếng Mông Cổ hay không, nhưng ít ra ông cũng có vài người bạn thân phi Hàn, chẳng hạn như Lý Chi Lan/Lee Ji-ran, một người Tungus (Nữ Chân).

Lý Thành Quế cũng có một cận thần cố vấn, nhà sư Vô Học/Muhak. Có nhiều truyền thuyết về ông.

  • Nhà sư là một thầy phong thủy, đã chọn ra nơi đắc địa cho kinh đô mới là Hán Dương/Han-yang, tên cũ của Seoul ngày nay. Địa thế của Seoul nổi tiếng với nguyên lý phong thủy – “(Bắc) bối sơn (Nam) lâm thủy”. [ND: baesanimsu 배산임수, nghĩa là “(phía Bắc) dựa núi, (phía Nam) ngó mạch nước”].
  • Có một truyền thuyết khác: Lý Thành Quế có một giấc mộng lạ thường. Ông bước vào một ngôi nhà cũ nát, sàn thì cọt kẹt, cột thì lung lay và mái thì chuẩn bị đổ. Ông thoát ra kịp lục ngôi nhà sụp đổ với một tiếng vang. Trong lúc thoát ra, có ba thanh rui đặt sau lưng ông. 
  • Chiếu theo truyền thuyết, sau khi nghe kể, nhà sư đã tiên định rằng Lý Thành Quế sẽ trở thành người khai nguyên triều đại mới. “Ngôi nhà cũ đó là nhà Cao Ly, người đã trốn ra với ba thanh rui có hình giống với chữ Hán “vương” (王).

** Ở Trung Hoa, “rồng” và “ngọc” là biểu tượng của vương quyền và điềm lành. Nhà Triều Tiên cũng theo như thế. Mặt của vua được gọi là “long nhan”, áo choàng là “long bào”, đai lưng là “ngọc đới”, ấn triện là “ngọc tỷ”. Tìm và sở hữu ngọc tỷ là một chuyện lớn, vì người ta từng cho rằng bảo tỷ sẽ tự nhiên tìm đến tay của vị vua có “thiên mệnh”… Giống như chiếc nhẫn trong Chúa Nhẫn ấy, haha.

Nhiều người Hàn đã quá quen thuộc với những điều lặt vặt này từ phim chính kịch hàn [K-drama]. Có một bộ phim hay mới ra gần đây là “Lục Long Tranh Bá” (2015) (nhan đề sử dụng các từ Hàn trung đại]. Tuổi thơ của mình là “Tears of the Dragon” (1996) cũng lấy bối cảnh đó.

2. VƯƠNG TỬ THỨ NĂM CỦA THÁI TỔ ĐÃ TRỪ KHỬ NHỮNG HUYNH ĐỆ CÙNG CHA KHÁC MẸ VÀ ĐOẠT LẤY NGAI VÀNG (THÁI TÔNG/TAEJONG)

Hai bộ phim chính kịch “Lục Long Tranh Bá” (2015) và “Tears of the Dragon” (1996) ở trên đều dựa trên câu chuyện này. Vương ngũ tử của thái tổ, Lý Phương Viễn/Yi Bang-won, là người con có tham vọng nhất, đã thân chinh cùng phụ vương trong nhiều chiến dịch – bao gồm ám sát một trung thần Cao Ly nổi tiếng (người ta nói rằng vết máu hãy còn hiện hữu ở một cây cầu của Triều Tiên ngày nay).

Tuy nhiên, cận thần cố vấn Lý học của thái tổ đã nài nỉ lập người con nhỏ tuổi nhất (thứ ???? làm vương thế tử, để Đại Triều Tiên trở thành một vương quốc lý tưởng được lãnh đạo bởi một triều đình trọng văn, mà không phải một nền quân chủ chuyên chế. Điều này đã làm vương ngũ tử nổi giận.

Sau đó, một vương hậu của thái tổ đã qua đời (mẹ ruột của người con thứ 8, mẹ kế của người con thứ 5). Khi nhà vua còn đang khóc thương, vương ngũ tử đã xông vào cung điện cùng binh lính, gi.ết hại tên quan cố vấn và hai người anh em cùng cha khác mẹ, bao gồm vương thế tử nhỏ tuổi.

Hai vương tử xấu số là con của sủng hậu của thái tổ, bà vừa qua đời và được quốc vương khóc thương. Vừa bàng hoàng vừa ghê tởm, thái tổ đã thoái vị và sống ẩn dật ở thành phố Hàm Hưng ở biên cương phía Bắc, gần với quê hương thơ ấu.

  • Sứ thần biến mất: Chuyện là vương ngũ tử ấy đã cố nhiều lần truyền sứ thần cho thái thượng vương – để được tha thứ, công nhận, và quan trọng nhất là ngọc tỷ. Tuy nhiên, những sứ giả ấy một đi không trở về – cha ông đã bắn tên tất cả. Từ đó, người Hán có thành ngữ “Sứ thần Hàm Hưng” để chỉ bất kỳ ai phản hồi lề mề.

Vương tử thứ 5 trước tiên lập đại huynh để vỗ về phụ vương. Nhưng rồi, vị vua bù nhìn sớm thoái vị (vì khiếp sợ) và ngũ tử kế vị.

Có nhiều dị bản khác nhau về chuyện hai cha con họ hòa giải. Có chuyện rằng người cha rốt cuộc cũng được nhà sư cố vấn thân tín thuyết phục nhìn mặt con mình. Người con (nay là quốc vương) đã dốc sức chào đón cha mình, dựng lều trên đường đi. Tuy nhiên, khi thấy mặt con, cơn giận của người cha lại bùng phát và ông bắn con mình bằng mũi tên, nhằm gi.ết con. Nhưng người con đã thành công tự vệ bằng khiên. Sau cuộc đối mặt đầy bạo lực này, người cha cuối cùng đã buông cơn giận và họ hòa giải.

3. VƯƠNG TRƯỞNG TỬ CỦA THÁI TÔNG CHỌN TỰ DO THAY VÌ NGAI VÀNG; EM CỦA ÔNG, VƯƠNG TAM TỬ, TRỞ THÀNH THẾ TÔNG ĐẠI VƯƠNG VÀ TẠO RA BẢNG CHỮ CÁI HÀN (THẾ TÔNG/SEJONG)

Khác với phụ vương, vương trưởng tử của Thái Tông là Nhượng Ninh/Yangnyeong Đại quân không có giấc mộng đế vương. Dân gian truyền tụng rằng ông là một “người thư thái”, yêu săn bắn, thư pháp và phụ nữ. Ông từng là một người con nổi loạn thuở thiếu thời – trốn khỏi cung điện và qua lại cùng tiện dân và kỹ nữ [gisaeng]. Có lẽ việc thấy cảnh nồi da xáo thịt của cha mình đã tác động đến thái độ của ông.

Ông có một người em (vương tam tử của Thái Tông) là Trung Ninh/Chung-nyeong Đại quân yêu chuộng học vấn. Một ngày nọ, cậu chàng thông minh ấy (vương tam tử) bị cúm. Nhà vua đã chứng kiến con mình đọc sách bên giường bệnh. Ngày đó, quốc vương đã nhận ra rằng Trung Ninh đủ tài đức để kế vị hơn vương thế tử.

Một số người nói rằng vương thế tử đã ăn chơi sa đọa để quốc vương cùng các vị quan triều đình tước đi cái vương vị mà ông không thiết tha. Thật hay không thì ngai vàng đã bị tước khỏi ông và trao về vương tam tử uyên bác.

Từ đó, Nhượng Ninh, người tự nguyện từ bỏ ngôi vị, đã có một cuộc đời viên mãn – du hành khắp nơi, tận hưởng cuộc sống và vẫn giữ kết nối với toàn bộ chính trị gia có tầm ảnh hưởng đương thời. Theo thế phả nhà Lý, tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc là hậu duệ trực hệ của người này.

Người con thứ ba trở thành vua Thế Tông lừng lẫy, người Hàn thường tôn xưng là Thế Tông Đại Vương.

Thành tựu nổi tiếng nhất của ông là sáng tạo bảng chữ cái Hàn, Hangul. Giới cầm quyền lúc bấy giờ sử dụng tiếng Hán cổ làm văn tự, nhưng rất khó để ký âm Hàn và những từ bản địa bằng Hán văn.

Ông đã giao phó công việc này cho một nhóm học sĩ trẻ tuổi tài năng, bao gồm Thân Thúc Chu/Shin Suk-ju. Có một câu chuyện như thế này – một ngày nọ, Thúc Chu đã làm việc thâu đêm và ngủ gật trên bàn trong nha môn. Sáng ra, Chu nhận ra có ai đó đã khoác áo cho mình, đó chính là long bào. Ông thấy lâng lâng về chuyện này và quỳ rạp nhiều lần về phía cung điện trong tiết trời tinh mơ lạnh lẽo.

Hangul là một bảng chữ cái tượng thanh, rất dễ học đối với tiện dân (nó cũng nổi tiếng vì dễ học đối với người ngoại quốc). Ý tưởng bảng chữ cái tượng thanh này không mới, vì người Hàn lúc bấy giờ đã biết đến văn tự Mông Cổ, nhưng hình dáng và quy luật của bảng chữ cái này là hoàn toàn thuần túy. Vào thời Triều Tiên mạt kỳ, văn học bạch thoại Hàn trở nên hưng thịnh.

Người Hàn hiện nay rất đỗi tự hào về bảng chữ cái này – họ thường gọi nó là “bảng chữ cái giàu tính khoa học nhất trên thế giới”, vãi. Mình không biết có thật không, nhưng đây vẫn là một bảng chữ cái vĩ đại.

Một số cuốn sách do ông biên soạn:

  • Giới thiệu văn tự mới: Huấn dân chính âm.
  • Sách thơ đầu tiên được viết bằng bảng chữ cái mới: Long phi ngự thiên ca.
  • Sách văn học: Nguyệt lân thiên giang trì khúc.
  • Sách Phật giáo: Thích phổ tường tiết. Điều này hơi mỉa mai vì ông cũng hạn chế Phật giáo và cấm sư sãi bước vào kinh đô.
  • Hướng dẫn thứ dân làm nông: Nông sự trực thuyết/Nongsa jikseol.

** Có một thần thoại/tiểu thuyết giả tưởng được viết bởi một học giả Hàn đương thời. (Kim Ngao tân thoại). Ở thời Triều Tiên sơ kỳ, bạn vẫn thấy tính thần bí Phật giáo ảnh hưởng mạnh đến văn hóa Hàn. Nhiều câu chuyện là về một người đàn ông rơi vào lưới tình với một bóng ma hay tiên nữ từ quá khứ xa vời. Nghe giống K-drama quá đi!

Nhân vật nổi tiếng:

  • Tưởng Anh Thực/Jang Youngsil: một đầy tớ cung đình được thăng làm kỹ sư trưởng của triều đình. Ông là một kỹ sư thiên tài đã chế ra các đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước, máy đo lượng mưa, máy in, dụng cụ thiên văn, v.v.. Thật không may, một chiếc kiệu do ông tạo ra cho nhà vua đã sụp, khiến ông bị tống cổ khỏi triều đình (dù nhà vua đã phản đối).
  • Hoàng Hỉ/Hwang Hee: một chính trị gia làm tể tưởng trong 18 năm. Ông nổi tiếng với việc sống trong một ngôi nhà rất cần kiệm, và là một “ông cụ hàng xóm hiền lành” đối với những đứa trẻ trong xóm. Ông là một người đàn ông lý tưởng hoàn hảo theo Nho gia.
  • Thôi Mậu Tuyên/Choi Mu-seon: một kỹ sư quân sự, người tìm ra cách sản xuất thuốc súng ở trong nước.
  • Lý Tòng Mậu/Yi Jongmu: một võ tướng, người đã đánh tan hải tặc Nhật Bản từ đảo Tsushima (đảo Nhật Bản gần Hàn nhất. Bạn có thể nhìn thấy thành phố Busan của Hàn từ Tsushima). 

Những sự thật ít biết hơn:

  • Thế Tông là một người đàn ông cao to, ông có 11 vợ và 25 người con.
  • Một trong những vương tử tần của ông là đồng tính nữ và ngoại tình với hai tì nữ. Khi mọi việc phát giác, Bong Sunbin tội nghiệp bị đuổi cổ và ch.ết trong danh dự bởi chính gia đình của cô.
4. VƯƠNG NHỊ TỬ CỦA THẾ TÔNG ĐẠI VƯƠNG ĐÃ SÁT HẠI MỘT ẤU QUÂN (CHÚ GI.ẾT CHÁU) VÀ CHIẾM LẤY NGAY VÀNG (THẾ TỔ/SEJO)

Vương trưởng tử của Thế Tông mất sớm, con trưởng 12 tuổi của ông lên ngôi. Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, nơi tuân theo cha truyền con nối, đây là một vấn đề tồn hiện và thường không có hậu.

Mình sẽ không đi vào chi tiết, nhưng nói chung, người con thứ hai của Thế Tông (“Thủ Dương Đại Quân”), vương thúc 38 tuổi của vua trẻ, đã tiến hành đảo chính và lưu đày vua. Sau đó, cậu bé tội nghiệp bị bắt phải uống thuốc độc và ch.ết.

  • Ban thuốc độc là một cách thường gặp để xử tử một quý tộc – bạn thấy xu hướng đó trong K-drama dài tập hoài. Chất lỏng đen đặc, giống với thảo dược Trung Hoa, thường được cho vào một bát sứ. Cái thực sự nằm trong chất lỏng đó chưa được biết rõ.

Một vị quan triều đình tên Hàn Minh Quái/Han Myeong-hoe là người đóng góp cao nhất vào cuộc đảo chính này. Để trọng thưởng, tân vương đã gả các vương tử cho con gái hắn.

=> Cuộc đảo chính này vi phạm lý tưởng Lý học về giữ gìn chuẩn mực xã hội chính đạo (và theo đó là sự hài hòa của thế giới). Điều này sẽ manh nha mầm mống của các bè phái chính trị và khủng hoảng về tính chính danh, điều nãy sẽ mãi mãi lũng đoạn chính sự của vương triều Triều Tiên.

5. THÀNH TÔNG/SEONGJONG THÀNH CÔNG TRỊ VÌ SUỐT 20 NĂM / CẤM QUẢ PHỤ TÁI HÔN VÀ PHỤ NỮ “THÔNG DÂM”

Sau khi Thế Tổ băng hà, người con lớn nhất còn sống đã kế vị ông, nhưng lại mất ngay 1 năm sau. Sau đó, cháu trai của ông (đích tôn lớn nhất của Thế Tổ) đã kế vị – đó là Thành Tông.

Ông là vị vua cuối cùng trong giai đoạn mà mình đề là “thời thịnh vượng buổi đầu”. Ông là một minh quân lý tưởng của Nho gia. Ông sống thọ, chăm lo cho đất nước và cố xiển dương hệ tư tưởng Nho giáo.

  • Tục truyền rằng ông thường giả trang làm một quý tộc thông thường và trốn ra khỏi cung điện vào ban đêm, để tận mắt xem các thường dân sống như thế nào.
  • Ông cũng đã hoàn tất việc san định bộ luật (Kinh quốc đại điển, 经国大典)
  • Sự tập quyền hóa chế độ cai quản các địa phương gần như hoàn tất.

Tuy nhiên, trong thời ông cai trị, vị thế của nữ giới hạ thấp đáng kể.

  • Vương triều Triều Tiên đã dần dần tước đi nhiều quyền lợi khác nhau của phụ nữ, và lần này, nhà vua đã ban hành “luật cấm quả phụ tái hôn”. Một người phụ nữ góa chồng trong vương tộc đã tự sát sau khi bị bắt gặp sống chung với người hầu.
  • Ư Vũ Đồng/Eo-u-dong, một thi sĩ, vũ công và nghệ sĩ nổi tiếng từ một quý tộc, đã bị xử tử vì “thông dâm” với nhiều người.
  • Mẹ ruột của vương thế tử đã bị xử tử vì ghen tuông. Bà là vương hậu thứ hai, cũng là thứ bậc khá cao. Nếu hay xem K-drama dài tập, bạn sẽ quen thuộc với hệ thống phẩm trật trong chốn hậu cung. Sau khi sinh hạ vương thế tử, bà được nâng làm vương hậu chính thất. Nhưng bà ghen tuông với các vương phi khác – một ngày, bà đã cào phu quân của mình, để lại những vết cào rõ nét trên “long nhan” thiêng liêng của ông. Nhà vua đã cố giấu vết thương, nhưng mẹ của ngài, Nhân Túy/Insu Vương thái hậu, đã phát hiện và ra lệnh vương hậu phải bị phế truất và lưu đày.
  • Các vị quan triều đình theo Lý học đã kiến nghị vương hậu phải chết vì tội tày đình. Bà bị bắt phải uống thuốc độc – trong cơn cay đắng chí tử, bà đã ói ra máu lên một chiếc khăn và đưa cho mẹ mình, nhờ bà ấy đưa lại cho con mình (vương thế tử).

_____________________

Chỉ muốn ghi chú vắn tắt về sự sáng tạo Hangul; các học giả thời nay đã tranh luận xem có ai ngoài vòng nội bộ của Thế Tông Đại Vương (bao gồm trưởng tử Văn Tông của ông) đã tham gia vào việc sáng tạo bộ chữ này không. Trên thực tế, Tập Hiền điện (집현전 Jiphyeonjeon), một nhóm học giả trẻ tuổi đã bị kịch liệt chống đối về việc thông qua hệ chữ cái mới. Thay vào đó, vai trò của họ là viết nên một cuốn sách nhằm phân tích và thảo luận về dụng pháp của bộ chữ sau khi nó được ban hành; cuốn sách được biết đến với vai trò “giáo huấn” hệ chữ cái mới được gọi là Huấn dân chính âm giải lệ bản (Hunminjeongeum Haeryebon, 훈민정음 해례본). Đây là một điều rối rắm thường gặp, nhưng việc tách biệt hai cuốn sách là rất quan trọng; cuốn sách không phải là bảng chữ cái.

Bên cạnh đó, lý do mà các quý tộc chống đối hệ chữ mới này phức tạp hơn là giữ gìn hệ thống tầng lớp xã hội nghiêm ngặt. Do tầm ảnh hưởng quảng đại của Đại Minh, việc chứng minh công khai sự tiếp thu hệ thống của nhà Minh là rất quan trọng về mặt ngoại giao, với vai trò biểu thị rằng họ đã “được giáo hóa” và có thể được đối xử văn minh. Nếu không, họ sẽ trở thành “mọi rợ” và sẽ bị xâm lược hoặc ức thương, điều đó sẽ gây hậu quả khôn lường. Việc Thế Tông thúc đẩy việc tạo ra hệ chữ cái mới, khác với chữ Hán, có thể sẽ bị Minh triều coi là một nước đi “thoái hóa”, do đó các quý tộc mới khiếp sợ. Vì vậy, không chỉ có lý do văn hóa (thiếu nhận thức về độ cần thiết phải tạo ra một hệ chữ mới để tầng lớp hạ lưu học và dùng), mà còn có lý do bang giao tối quan trọng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *