Nguyên nhân nào gây ra sự suy tàn của Đế quốc Khmer và sự trỗi dậy của Đại Việt và Thái Lan vào những năm 1200? Và liệu sự thay đổi cán cân quyền lực này có thể được hiểu là sự thay đổi về ảnh hưởng văn hóa giữa nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ ở Đông Nam Á không?

Cách đây không lâu tôi đã đọc cuốn “Monsoon: The Indian Ocean and the Future of American Power” của Robert Kaplan và có một câu cứ đọng lại trong tôi. Tôi không mang theo cuốn sách này nên tôi sẽ diễn giải theo trí nhớ “Đông Dương đã trở nên bớt Ấn Độ đi và nhiều Trung Quốc hơn kể từ thời trung cổ.”

Wiki cho thấy rằng sự suy tàn của Đế quốc Khmer xảy ra đồng thời với sự trỗi dậy của Đại Việt và Vương quốc Thái Lan. Một suy đoán mà tôi có thể nghĩ ra là sự chuyển đổi qua lại giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo với tư cách là Quốc giáo của đế chế Khmer.

Với cả, sự trỗi dậy của một Đại Việt có ảnh hưởng bởi Trung Quốc và người Thái có phần gốc Hoa chống lại người Khmer chịu ảnh hưởng của Ấn Độ có thể được hiểu như một sự thay đổi rộng rãi hơn trong ảnh hưởng văn hóa giữa nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ không?

_____________________

Yay, đúng cái luận án của tôi luôn. (Nhân tiện thì bạn có thể check một vài thông tin về Campuchia và đặc biệt là Angkor ở tài khoản trước của tôi /u/leprechauns_scrotum).

Được rồi, để bắt đầu thì tôi đã đưa ra tám lý do có liên quan đến nhau về sự sụp đổ của Đế chế Angkor:

(không giống như 210 lý do khiến Rome sụp đổ của Alexander Dermandt -> http://www.utexas.edu/courses/rome/210reasons.html):

  1. Như bạn đã đề cập, thiếu sự ổn định về tôn giáo – điều này quan trọng hơn nhiều so với những gì bạn có thể nghĩ.
  2. Cái chết đen (chủ đề khá rủi ro, do thiếu nguồn thông tin chất lượng).
  3. Chiến tranh với người Thái.
  4. Sự thay đổi khí hậu.
  5. Sự suy giảm của hệ thống tưới tiêu.
  6. Sản xuất nông nghiệp suy giảm (không đủ gạo).
  7. Đế quốc Khmer mất vai trò là trung tâm thương mại.
  8. Không đủ nhân lực – ảnh hưởng cả quân sự và nông nghiệp.

Bây giờ thì ta hãy nói về các lý do nhé, từng cái một.

Lý do 1:

À thì, như tôi đã nói đấy, đây là một vấn đề lớn hơn nhiều so với việc thiếu ổn định. Campuchia từng là một quốc gia bị Ấn Độ hóa ngay từ ban đầu. Kaundinya, người cha huyền thoại của người Khmer, người đã kết hôn với công chúa naga Soma, là một bà la môn người Ấn Độ. Tôn giáo của Phù Nam là Trimurti, nơi đây từng là một trung tâm thương mại quan trọng, kiến trúc của Phù Nam (và sau này là Angkor) thì mang đậm chất Ấn Độ. Phật giáo xuất hiện muộn hơn một chút và có lẽ đó là Phật giáo Sri Lanka – Phù Nam thậm chí còn cử các nhà truyền giáo Phật giáo sang Trung Quốc để dịch chữ Phạn sang tiếng Trung. À phải rồi, tiếng Phạn là ngôn ngữ cung đình – một ngôn ngữ chung, giống như tiếng Latin ở châu Âu thời trung cổ ấy – tất cả các câu văn đều được viết bằng tiếng Phạn, một ví dụ khác về sự Ấn Độ hóa của nền văn minh này. Quay trở lại với Phật giáo – à thì, nó cũng giống như với các vị thần ở Miến Điện thôi, việc ca ngợi Trimurti và Đức Phật cùng một lúc không phải là điều gì đó bất thường. Sau nhà cai trị Ấn Độ giáo vĩ đại Suryavarman II, một số rung chuyển đã xảy ra và sau một khoảng thời gian, chúng ta có một nhà cai trị vĩ đại khác, đó là Jayavarman VII. Nhưng ông ấy lại là một Phật tử. Hơn nữa ông ấy còn là một Phật tử Mật thừa (chứ không phải Nguyên thủy!) – Ian Harris đã viết một điều khá thú vị rằng đó cũng là thời điểm mà Mật tông truyền vào Tây Tạng và đó là do sự xâm lược của người Hồi giáo đối với Bengal (giống như các nghệ sĩ và nhà khoa học của Đế quốc Đông La Mã di cư đến Ý vào thế kỷ 14/15). Mật tông là một điều gì đó xa lạ với người Khmer. Dẫu cho sự trị vì của Jayavarman khá tuyệt vời (ông ngưỡng mộ Aśoka và đầu tư vào các dịch vụ xã hội như bệnh viện và cơ sở hạ tầng), nhưng mỗi một hành động đưa ra đều sẽ nhận được phản ứng tương ứng. Và phản ứng lần này chính là sự chống lại Phật giáo một cách quyết liệt, hay đúng hơn là chống lại quân vương -> sự cai trị của người kế vị ông là Indravarman II (hay theo như David P. Chandler thì chính là Vua Cùi khét tiếng) là một thảm họa. Mặc dù đã cai trị hơn 20 năm nhưng hầu như không có ghi chép nào về sự cai trị của ông và nhiều tác phẩm điêu khắc, tòa nhà, v.v. đều đã bị phá hủy. Sau đó là sự phát triển của Phật giáo – nhưng không phải Mật tông mà là Nguyên thủy! – như một quốc giáo. Trong khoảng thời gian đó có một số ảnh hưởng mà những thay đổi đó đã tác động lên xã hội. Đầu tiên chính là sự bất thường cổ điển (phong cách Durkheim). Thứ hai là các quy tắc cơ bản của một số thay đổi xã hội nhất định – trong tình huống cụ thể này thì chính là sự suy giảm về quyền lực của nhà vua. Các hoàng đế Khmer đã từng là những vị thần. Sau khi theo đạo Phật, họ không còn là thần thánh nữa. Có một giai thoại do giáo sư của tôi (hiện ông là đại sứ ở Malaysia) kể rằng người Khmer đã thay đổi tôn giáo vì họ muốn có những vị thần linh nghiệm hơn và Trimurti đã không nghe thấy lời cầu nguyện của họ – trong khi Đức Phật đã làm vậy. Thực ra thì kiểu tư duy này vẫn đang tồn tại ở Campuchia hiện đại, tôi từng gặp một anh chàng nói rằng anh ta là người rửa tội (anh ta sở hữu một chiếc xe tuk-tuk với hình vẽ graffitti của Chúa Giêsu trên khắp thân xe), bởi vì sau khi pháp sư của anh ta (tôi không nhớ cách anh ta gọi người này nhưng ta có thể hiểu rằng đó là một nhân vật tâm linh nào đó trong cộng đồng của họ) không thể chữa khỏi bệnh cho cha của anh, anh ta đã đến gặp một nhà truyền giáo và đã chữa khỏi bệnh cho cha mình chỉ bằng một lời cầu nguyện đơn giản. Vậy nên anh ta quyết định quay sang một vị thần mạnh mẽ hơn. Đó là Đức Chúa Trời của Cơ Đốc giáo.

Lý do 2:

Cái Chết Đen xảy ra cùng thời kỳ với sự sụp đổ của Angkor. Việc giả định rằng đại dịch đã lan đến tận đây thì cũng dễ thôi, nhưng tôi không thể tìm thấy bất kỳ nguồn tài liệu nào về việc này. Hơn nữa tôi cũng không tìm được bất cứ tài liệu chất lượng nào nói về Cái Chết Đen ở châu Á… Tuy nhiên nó là một vấn đề lớn vào thời kỳ đó, vì vậy ngay cả khi Cái chết đen giết chết 1/5 dân số Campuchia thì đó sẽ là một đòn rất lớn, bởi hệ thống tưới tiêu cực kỳ phức tạp và tiên tiến cần rất nhiều công nhân để duy trì nó.

Lý do 3:

Chiến tranh với người Thái kéo dài trong rất rất nhiều năm – Người Thái từ phương Bắc kéo đến vùng đất của Vương quốc Lanna và những vùng đất do người Môn kiểm soát. Nói chung đây là những địa hình do người Khmer kiểm soát một cách gián tiếp. Cuối cùng, người Thái đã giành chiến thắng. Họ cũng ở vị trí thoải mái hơn Angkor, vì sau lưng người Khmer là người Việt và người Chăm – những nền văn minh khá hùng mạnh và được tổ chức tốt. Phía Tây của người Thái là các bang Shan phi tập trung và Vương quốc Pagan – một nơi cực kỳ hùng mạnh từ trước khi người Thái trỗi dậy, dưới thời trị vì của Anawrahta vào thế kỷ 11. Ngoài ra, Angkor còn bị quân Mông Cổ tấn công và thua trận (vua là tù binh).

Lý do 4:

Tôi không thể viết nhiều về cái này vì tôi chưa nghiên cứu kỹ về nó. Nhưng về cơ bản thì nó dẫn đến việc thu hoạch bị ít đi. Ít cây trồng hơn = ít thức ăn hơn. Và nó sẽ dẫn đến nhu cầu cần phải thay đổi toàn bộ cách tổ chức tưới tiêu vì sự thay đổi lượng nước.

Lý do 5:

Như tôi đã viết từ trước rồi đấy, đó là một vấn đề lớn. Thậm chí còn có thuyết thủy văn về sự sụp đổ của Đế chế Angkor, tôi không nhớ là ai đã viết nó. Nhưng về cơ bản thì hầu hết các nguyên nhân khác đều dẫn đến nguyên nhân này – vốn là thứ gây ra nguyên nhân thứ 6. Đế quốc Khmer hùng mạnh vì họ có thể thu được ba vụ lúa một năm. Ba vụ lúa là rất nhiều. Kinh đô Angkor có tới một triệu nô lệ, phần lớn là công nhân xây dựng hoặc nhân viên bảo trì các ngôi đền. Hãy tưởng tượng viễn cảnh mà họ chết và tưởng tượng cảnh những người cai trị Angkor không thể tìm được nguồn nhân lực thay thế mà xem. Ngoài ra còn có cả sự thay đổi của khí hậu nữa – mọi thứ đều dẫn đến việc không có đủ nguồn lực để duy trì hệ thống thủy lợi (thực ra đó là hệ thống kênh rạch cũng được sử dụng để vận chuyển người dân và cai trị vùng đất rộng lớn này – nếu càng khó để đến được một số tỉnh xa xôi thì sẽ càng có ít tiền mặt và gạo để duy trì một đội quân lớn, từ đó việc chống lại người Thái và người Chăm sẽ khó khăn hơn). Nguyên nhân chính dẫn đến sự vĩ đại của Đế chế Angkor cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của nó.

————-

Lý do 6:

Thì đấy, hệ thống thủy lợi/kênh bị hư hỏng nên giờ chẳng còn đủ gạo để nuôi mọi người. Không đủ gạo đồng nghĩa với việc người dân bị chết đói. Người chết đồng nghĩa với việc không đủ người để duy trì hệ thống thủy lợi. Và số lượng lớn nô lệ ở Angkor – họ không sản xuất thực phẩm, không duy trì hệ thống tưới tiêu. Họ được giao nhiệm vụ trông coi các ngôi chùa – có thêm miệng ăn phải nuôi.

Lý do 7:

Campuchia là một trung tâm thương mại quan trọng kể từ thời Phù Nam – Óc Eo, có lẽ là thủ đô của Phù Nam, là thành phố quan trọng nhất trên đường từ Trung Quốc đến Ấn Độ. Tuy nhiên các cuộc xâm lược của người Mông Cổ, người Hồi giáo tấn công các bang của Ấn Độ, Cái chết đen – tất cả những điều đó có lẽ đã làm giảm bớt hoạt động của thương nhân (cái này cần nghiên cứu thêm). Ngoài ra, còn có những đối thủ cạnh tranh đang nổi khác như Malacca.

Lý do 8:

Không đủ nhân lực, tôi đã viết một chút về lý do này rồi. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập trước đó rồi đấy, có rất nhiều nô lệ ở Campuchia. Nhưng hầu hết nô lệ mà bạn có thể có được là từ các cuộc trốn thoát của quân đội và như một khoản thanh toán từ các nước chư hầu. Cả hai điều này đều trở thành vấn đề. Đầu tiên, chẳng có chỗ nào mà người Khmer có thể tấn công – Champa khá mạnh, họ thậm chí còn cố gắng hòa hợp với những người này, thêm vào đó còn có dãy núi An Nam hơi cản đường một chút (và chúng hoàn toàn tách biệt Đại Nam với Angkor). Ở phía tây có người Thái – và vấn đề là người Thái đang tấn công, ta không thể chiếm jassyr trên lãnh thổ của chính mình được. Hệ thống kênh mương suy thoái khiến việc tiếp nhận nhân lực từ các chư hầu hoặc các tỉnh trở nên khó khăn hơn. Và Campuchia không phải là một đế chế mạnh về hàng hải – nếu có bất kỳ cuộc viễn chinh nào ra nước ngoài thì phải là người Java tấn công Campuchia mới đúng, chứ không phải ngược lại.

Rồi, giờ thì chuyển qua các quốc gia khác – tôi nghĩ là tôi đã viết đủ về người Thái rồi. Thêm vào đó thì tôi không phải là chuyên gia nhưng người Thái rất là Ấn Độ hóa, tôi không biết là nó xảy ra khi nào – có lẽ chính người Khmer đã gây ra tác động lớn, có rất nhiều tòa nhà theo phong cách Angkor ở Thái Lan (ví dụ: Wat Arun ở Bangkok, nó được xây dựng trước thế kỷ 17). Về phần Đại Việt – họ ít liên quan đến sự sụp đổ của Angkor, họ đã chiến đấu với người Khmer rất lâu sau khi đất nước của họ hoàn toàn hỗn loạn. Đại Việt đã phá hủy nền văn minh Ấn Độ hóa của Champa (điều thú vị là người Chăm hiện nay theo đạo Hồi, họ cũng có xu hướng tìm kiếm những vị thần linh nghiệm hơn). Tôi sẽ không nói rằng sự sụp đổ của Angkor là kết quả của sự xung đột giữa các nền văn minh – tôi xin khẳng định rằng không hề có chuyện đó. Cả Thái Lan và Campuchia đều bị Ấn Độ hóa cho đến ngày nay. Còn Việt Nam là một nước theo Nho giáo.

Tôi xin lỗi vì đã không cung cấp thêm thông tin và đưa ra một số suy đoán ở một mức độ nào đó, nhưng việc không suy đoán về chủ đề này là điều không thể, bởi vì chúng ta không có nhiều nguồn thông tin trong lĩnh vực này (thực sự đấy, không có lịch sử Campuchia trước thời của Coedes).

Nguồn:

  1. John Audric, Angkor Khmer Empire
  2. Brendan M. Buckley, Kevin J. Anchukaitis, Daniel Penny, Roland Fletcher, Edward R. Cook, Masaki Sano, Le Canh Nam, Aroonrut Wichienkeeo, Ton That Minh and Truong Mai Hong, Climate as a contributing factor in the demise of Angkor, Cambodia, in: Proceedings of the National Academy of Sciences vol. 107, nr 15, Waszyngton 2010
  3. Lawrence Palmer Briggs, Siamese Attacks on Angkor Before 1430, in: The Far Eastern Quarterly, vol. 8, nr 1, Ann Arbor 1948
  4. David Chandler, A History of Cambodia, Boulder 1992
  5. Georges Coedès, Etudes cambodgiennes, in: Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 31, Paryż 1931
  6. Mary Beth Day, David A. Hodell, Mark Brenner, Hazel J. Chapman, Jason H. Curtis, William F. Kenney, Alan L. Kolata and Larry C. Peterson, Paleoenvironmental history of the West Baray, Angkor (Cambodia), in: Proceedings of the National Academy of Sciences vol. 109, nr 4, Waszyngton 2012
  7. Alexander Dermandt, Der Fall Roms: Die Auflösung des römischen Reiches im Urteil der Nachwelt, Monachium 1984
  8. Damian Evans, Christophe Pottier, Roland Fletcher, Scott Hensley, Ian Tapley, Anthony Milne and Michael Barbetti, A comprehensive archaeological map of the world’s largest preindustrial settlement complex at Angkor, Cambodia, in: Proceedings of the National Academy of Sciences vol. 104, nr 36, Waszyngton 2007
  9. Heinrich Hackmann, Erklaerendes Woerterbuch Zum Chinesischen Buddhismus: Chinesisch – Sanskrit – Deutsch, Lejda 1951
  10. Ian Harris, Cambodian Buddhism: History and Practice, Honolulu 2008
  11. Carool Kersten, Cambodia’s Muslim King: Khmer and Dutch Sources on the Conversion of Reameathipadei I, 1642–1658, in: Journal of Southeast Asian Studies, vol. 37 nr 1, Singapur 2006
  12. Paul A. Lavy, As in Heaven, So on Earth: The Politics of Vishnu, Śiva and Harihara Images in Preangkorian Khmer Civilisation, in: Journal of Southeast Asian Studies, vol. 34 nr 1, Singapur 2003
  13. I. W. Mabbett, Varnas in Angkor and the Indian Caste System, in: The Journal of Asian Studies, vol. 36, nr 3, Ann Arbor 1948
  14. E. Moore, Water Management in Early Cambodia: Evidence from Aerial Photography, in: The Geographical Journal, vol. 155, nr 2, Hoboken 1989
  15. Stephen O. Murray, A Thirteenth Century Imperial Ethnography, in: Anthropology Today, vol. 10, Nr 5, Londyn 1994
  16. Himanshu Prabha Ray, Archaeology and empire : Buddhist monuments in monsoon Asia, in: Indian Economic & Social History Review vol. 45, nr 3, Londyn 2008
  17. Peter D. Sharrock, Garuda, Vajrapani and religious change in Jayavarman VII’s Angkor, in: Journal of Southeast Asian Studies, vol. 40 nr 1, Singapur 2009
  18. Richard Stone, The End of Angkor, in: Science vol. 311, Waszyngton 2006
  19. Geoff Wade, An Early Age of Commerce in Southeast Asia, 900–1300 CE, in: Journal of Southeast Asian Studies, vol. 40 nr 2, Singapur 2009
  20. Barbara Watson Andaya, Localising the Universal: Women, Motherhood and the Appeal of Early Theravada Buddhism, in: Journal of Southeast Asian Studies, vol. 33 nr 1, Singapur 2002
  21. O. W. Wolters, Jayavarman II’s Military Power: The Territorial Foundation of the Angkor Empire, in: Journal of the Royal Asiatic Society of Great Britain and Ireland, nr 1, Nowy Jork 1973
  22. Hiram W. Woodward, Jr, Tantric Buddhism at Angkor Thom, in: Ars Orientalis, vol. 12, Waszyngton 1981

Những nguồn trên là từ luận án của tôi, mong là chúng sẽ giúp ích, hầu hết các nguồn đều có ở trên mạng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *