Tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, thai bám ở sẹo mổ lấy thai là bệnh lý không mới nhưng tần suất tăng đáng kể trong những năm gần đây do tỷ lệ phụ nữ sinh mổ ngày càng cao.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện tiếp nhận hơn 100 trường hợp bệnh nhân bị thai bám ở sẹo mổ lấy thai.
Trong tuần vừa qua, khoa Phụ Nội tiết, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận liên tiếp 7 trường hợp bệnh nhân nhập viện vì tình trạng thai bám sẹo mổ cũ.
Điển hình là bệnh nhân T.T.M (43 tuổi, Thị xã Thái Hòa) mang thai 7 tuần, nhập viện với cơn đau bụng âm ỉ và chảy máu âm đạo bất thường. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối chửa trên vết mổ cũ kích thước 20 x 23 mm.
Trường hợp khác là bệnh nhân N.T.T.N (38 tuổi, Hà Tĩnh) có tiền sử sinh mổ lấy thai 3 lần. Lần thứ 4 mang thai tự nhiên, bệnh nhân đi khám tuyến dưới, siêu âm phát hiện thai bám sẹo mổ cũ và tìm đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.
Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là bệnh lý không mới nhưng tần suất tăng đáng kể trong những năm gần đây do tỷ lệ phụ nữ sinh mổ ngày càng cao. Ảnh BVCC
Cả hai trường hợp bệnh nhân trên đều may mắn đến Bệnh viện kịp thời, được các bác sĩ khoa Phụ Nội tiết chẩn đoán bị thai bám sẹo mổ cũ và chỉ định áp dụng phương pháp đặt bóng chèn và hút thai.
Phương pháp này được các bác sĩ cân nhắc, ưu tiên áp dụng nhằm đảm bảo chức năng sinh sản và tâm sinh lý cho bệnh nhân. Ekip sẽ tiến hành đặt bóng chèn, tiếp đó bơm 20 ml nước muối sinh lý giúp đẩy túi thai và chèn vị trí vết mổ nhằm giảm thiểu máu, sau 24h được tiến hành hút thai.
Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe các bệnh nhân ổn định, kết quả siêu âm kiểm tra lại, thai và rau đã được hút sạch. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân phục hồi tốt và đã được xuất viện.
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Hà – Trưởng khoa Phụ Nội tiết, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc gia tăng nhiều nguy cơ do thai bám sẹo mổ cũ.
Để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ căn cứ vào tuổi thai, kích thước túi thai, tình trạng huyết động học và mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản của bệnh nhân mà đưa ra phương pháp điều trị. Việc điều trị có thể cần phối hợp nhiều phương thức tùy theo tình trạng bệnh nhân cụ thể.
Cũng giống như thai ngoài tử cung, dấu hiệu thai bám sẹo mổ cũ thường thấy nhất là trễ kinh, ra huyết âm đạo bất thường, đau bụng lâm râm… Những trường hợp mang thai ở vết mổ cũ, thai phụ cũng có những triệu chứng như mang thai bình thường như nghén, mệt mỏi…
Nguy hiểm hơn cả là những trường hợp thai bám sẹo mổ cũ nhưng vẫn phát triển thậm chí đến cuối thai kỳ. Ở những trường hợp này, sản phụ dễ rơi vào những biến chứng như nứt sẹo mổ cũ, hoặc phát triển nhưng trở thành rau cài răng lược.
Sản phụ cũng gặp nguy nếu vỡ tử cung, tai biến sản khoa này rất nguy hiểm, nếu không phát hiện và cầm máu kịp thời, thai phụ có thể bị sốc, mất máu và tử vong.
Qua đây, bác sĩ Hà khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là với những người đã từng sinh mổ khi có thai cần đi siêu âm sớm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai ở đâu.
Nếu thai làm tổ ở vị trí ống cổ tử cung hoặc trên vết mổ cũ thì cần phải cân nhắc dưới sự tư vấn các bác sĩ chuyên khoa vì thai càng lớn càng gây các biến chứng trong thai kì đe dọa tính mạng của thai phụ.
Thủ thuật bỏ thai hay giữ thai trong những trường hợp này cũng đòi hỏi người thực hiện phải vững vàng chuyên môn, người bệnh nên chọn các Bệnh viện chuyên khoa để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.