Cha tôi, mất rồi, 37 tuổi.
Cha của bạn học tôi, cũng mất rồi, 35 tuổi.
Chú họ của tôi, không còn nữa, 33 tuổi.
Toàn là những bậc tiền bối hơn tôi một đời mà tôi quen biết và hiểu rõ. Tôi từng thấy họ tụ tập thành từng nhóm ba đến năm người, họ chỉ dùng một cái kim tiêm, lúc đâm vào thì kim tiêm màu đỏ sẫm, tiêm cho nhau, lúc rút ra thì kim tiêm cũng đậm màu máu. Thậm chí, tôi từng lén lút vứt kim tiêm của cha đi, và cũng rừng lén lút nhìn thấy dáng vẻ nóng ruột của cha khi không tìm thấy kim tiêm. Tôi vẫn nhớ ngày đó, tôi và mẹ tôi đến tận nhà bạn cùng lớp để bắt cha tôi, nhớ cả cái dáng vẻ tiu nghỉu của cha tôi và cha nó khi bị bắt quả tang hút chích khi trốn sau một cái thùng to trong nhà bạn học tôi. Thậm chí của thậm chí, mẹ tôi cũng đã từng h.í.t thứ đó, bởi vì cha tôi bảo mẹ tôi rằng đó là thứ tốt lành. Mẹ tôi thử 2 lần mới nhận ra không ổn chút nào, nên mới dừng sử dụng.
Còn thật sự quá đáng hơn nữa là (T/N: thật sự không biết dùng gì để diễn tả, người đọc có thể hình dung là thậm chí của thậm chí của thậm chí), hồi đó tôi bị cảm vặt, cha cầm một điếu thuốc lá, đầu thuốc đã được phủ kín bởi bột bạc, vừa châm lửa vừa hỏi tôi có muốn hay không. Cha nói với tôi đó là thuốc trị cảm, dù hồi đó tôi còn non lắm nhưng chẳng biết vì sao vẫn từ chối, cự tuyệt lời mời của cha tôi. Sau đó, tôi kể lại chuyện này với mẹ, sau đó cha và mẹ cãi nhau to, là trận cãi nhau kịch liệt nhất trong kí ức của tôi. Ngày hôm đó, cha tôi đè cứng mẹ tôi trên giường, giáng cơn mưa đòn, hết đấm này đến đấm khác vào người mẹ, còn tôi chỉ biết quỳ xuống xin cha đừng đánh mẹ nữa, nếu muốn đánh thì hãy đánh tôi đây. Van xin mãi cũng không có kết quả , tôi phải đi kêu cứu ông ngoại sống cách đó mấy trăm mét. Ông ngoại lúc đó đang phơi đồ, nghe tôi cầu cứu xong, vội vã lên tầng, vừa lấy sào chọc cha tôi vừa chửi “Này thì đánh con gái tao, này thì đánh con gái tao!”. Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, hai mẹ con tôi ngồi xổm trước cổng nhà ông ngoại, cậu tôi khuyên rằng khoan hẵng về nhà, mẹ lại nói “Không sao đâu”. Tôi hỏi mẹ nhỡ bây giờ về nhà cha lại đánh mẹ tiếp thì sao, mẹ chỉ cười đáp “Không sao mà, có ông ngoại rồi, cha con không dám đâu.”.
Tất cả những chuyện đó, đều xảy ra khi tôi chỉ mới là một đứa con nít.
Sau đó nữa, cha tôi cai nghi.ệ.n thành công, sống yên lành được mấy năm. Rồi lại vài năm trôi quá, cha tái lại, nhanh chóng lìa đời. Đúng. Chính là căn bệnh đó. Từ khi phát bệnh đến khi mất chỉ vẻn vẹn vài tháng. Khi đó tôi đang học hành ở tỉnh khác, trong ba tháng cuối đời của ông, tôi chỉ gặp cha một lần. Cha vốn là người cao to giờ lại gầy đét như khỉ, hai hốc mắt sâu hoắm, hổn hển nằm trên sofa nói rằng muốn nhìn thấy tôi. Từ khi đó đến khi cha mất, chúng tôi không gặp nhau lần nào nữa.
Khi bệnh tình trở nặng, cha có nói với mẹ tôi rằng ông muốn sống lắm, có lẽ đó là khi cha biết mình không thể khỏe lại nữa rồi, đó cũng là những mong muốn thật lòng của ông ấy. Cha nói rằng, đợi đến khi cha khỏe lại rồi, cả nhà sẽ sống bên nhau những tháng ngày hạnh phúc. Một sáng sớm cô đơn, ông trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện, điện thoại mẹ tôi thì tắt nguồn, điện thoại tôi cũng tắt máy, đến giây phút cuối đời, ông cũng không thể gọi được cho người nhà.
Đến giây phút hạ huyệt, tôi mới bừng tỉnh nhận ra, xung quanh có những người khóc than, còn đứa con trai của ông là tôi đây lại chẳng hề rơi một giọt nước mắt.
Năm đó, ông 37 tuổi, còn tôi 17.
Bây giờ tôi đã 30, còn ông vẫn mãi 37 tuổi.
Lời cuối cùng, xin gửi lòng tôn kính đến những người cảnh sát làm công tác phòng chống ma túy, mong rằng sẽ chẳng còn những bạn nhỏ nào phải trải quả một tuổi thơ như tôi từng trải qua.