Theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2019, người lao động được phép làm nhiều nơi nhưng phải tuân thủ luật và hoàn thành công việc được giao theo quy định nơi làm việc. Hiện nay, xu hướng lao động làm việc tại một công ty, đơn vị chính nhưng cũng có thể cộng tác hoặc làm thêm tại một công ty, đơn vị khác. Vì vậy, vấn đề đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được nhiều lao động quan tâm.
Lao động tham gia đóng BHXH đối với quỹ hưu trí, tử tuất:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật BHXH 2014, người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Khi hết tuổi lao động, lao động được nhận lương hưu từ chính quỹ này. Hiện nay, quý hưu trí là nguồn quỹ có số lượng tiền đóng cao nhất trong các loại quỹ bảo hiểm.
Đối với quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Lao động tham gia đóng BHYT
Theo Khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2008 (được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014), trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Như vậy, nếu người lao động làm việc cùng lúc tại nhiều công ty thì đóng bảo hiểm như sau:
Với BHXH (quỹ hưu trí, tử tuất) lao động đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên;
BHXH (quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp): Đóng ở tất cả các công ty đã ký hợp đồng lao động (tuy nhiên người lao động không cần phải đóng vào quỹ này mà người sử dụng lao động sẽ đóng);
Bảo hiểm thất nghiệp: Đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên;
BHYT: Đóng tại công ty ký hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất hoặc công ty đầu tiên.
Trường hợp lao động có 2 sổ BHXH thì làm thế nào?
Thực tế trước đây, vì không có thông tin và không nắm rõ luật nhiều lao động đi làm ở 2 nơi và có tới 2 sổ BHXH. Việc lao động cùng lúc có 2 sổ BHXH là phạm luật vì lao động không khai báo công khai về công việc cũng như việc đang tham đóng BHXH ở một công ty khác để đóng trùng BHXH.
Trong trường hợp này, lao động cần phải gộp sổ BHXH. Nếu không gộp sổ BHXH sẽ ảnh hưởng tới quá trình thực hiện các chính sách lương hưu, nhận trợ cấp, nhận BHXH 1 lần…
Đại diện BHXH Việt Nam từng cho biết, nếu lao động khai báo đóng trùng sổ BHXH thì sẽ được gộp sổ. Số năm đóng dư sẽ được hoàn trả lao động. Điều này cũng sẽ không ảnh hưởng tới quá trình về hưu và nhận lương hưu của lao động.