nguoi-ha-noi-chi-hang-chuc-trieu-mua-may-loc-tong-sau-vu-noi-man-ngua,-bong-troc-khi-dung-nuoc-sach

Người Hà Nội chi hàng chục triệu mua máy lọc tổng sau vụ nổi mẩn ngứa, bong tróc khi dùng nước sạch

Dùng nước sạch Khu đô thị Thanh Hà gây mẩn ngứa, người dân chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng

Những ngày qua, kể từ khi nghe tin nguồn nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội không đảm bảo chất lượng có thể là nguyên nhân gây khó thở, tức ngực, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt mũi… cô Thái Kim Anh, chủ trường mầm non trên địa bàn đã phải chi gần 20 triệu đồng mua 1 máy lọc tổng. 

Người Hà Nội chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng sau vụ khốn khổ, nổi mẩn ngứa khi dùng nước sạch - Ảnh 1.

Hàng nghìn người phản ánh nguồn nước cung cấp cho Khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) không đảm bảo chất lượng gây mẩn ngứa, khó thở… Ảnh: Gia Khiêm

Theo cô Kim Anh, do trường có nhiều trẻ nhỏ, có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ nên dù số tiền lắp đặt thiết bị tốn kém nhưng nhà trường đã nhanh chóng tìm hiểu các thiết bị lọc tổng để đặt mua.

“Trước đó, cơ sở mầm non của chúng tôi đang dùng 2 máy lọc nước gia đình trên bếp ăn và 1 máy lọc khu vực tầng 2. Nước dùng nấu ăn cho trẻ 100% là nước dùng từ máy lọc nước. Tuy nhiên, sau sự việc nguồn nước sạch không đảm bảo chất lượng, chúng tôi rất lo lắng nên đã nhanh chóng trang bị thêm 1 máy lọc tổng nữa. 

Người Hà Nội chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng sau vụ khốn khổ, nổi mẩn ngứa khi dùng nước sạch - Ảnh 2.

Nhiều trẻ nổi mẩn ngứa ở cổ. Ảnh: Gia Khiêm

Người Hà Nội chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng sau vụ khốn khổ, nổi mẩn ngứa khi dùng nước sạch - Ảnh 3.

Nhiều người dân cho rằng, nước sạch có mùi như nước tẩy rửa Javen gây bong tróc tay, chân khi sử dụng. Ảnh: Gia Khiêm

Ngay trong ngày, thợ đã hoàn thiện xong việc lắp lọc tổng đặt tại tầng 5. Theo đó, cột 1 sẽ xử lý mùi màu, cột 2 sẽ xử lý chất amoni… Sau 3 ngày kể từ ngày lắp, thợ sẽ tới test lại chất lượng nước. Trong 3 ngày trước khi test lại, các con sẽ uống nước 100% nước lọc đóng chai loại can 5 lít. Nước nấu ăn sẽ sử dụng qua máy lọc nước lõi RO như trước”, cô Kim Anh chia sẻ với PV Dân Việt.

Tương tự, tại hệ thống mầm non IQ – Thực nghiệm – Stream Thanh Hà cũng đã gửi thông báo tới phụ huynh có con em theo học tại đây về việc nhà trường đã lường trước được tình trạng nguồn nước sạch có thể bị ảnh hưởng nên đã trang bị thêm hệ thống lọc tổng, lọc RO để mọi người yên tâm hơn.

Người Hà Nội chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng sau vụ khốn khổ, nổi mẩn ngứa khi dùng nước sạch - Ảnh 4.

Một nhà dân chi gần 10 triệu đồng để lắp hệ thống lọc tổng. Ảnh: NDCC

“Hiện nay tình trạng nước sạch ở khu Thanh Hà là vấn đề phụ huynh quan tâm và lo lắng nhất. Chính vì vậy, khi chưa đi vào hoạt động, nhà trường đã lắp đặt hệ thống lọc tổng, lọc RO. Nước ăn của cô và các con qua 2 hệ thống lọc rồi mới đưa vào sử dụng. Nước rửa rau, thực phẩm, rửa bát đều qua lọc tổng an toàn và đảm bảo”, đại diện nhà trường thông tin.

Người Hà Nội chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng sau vụ khốn khổ, nổi mẩn ngứa khi dùng nước sạch - Ảnh 5.

Hệ thống lọc tổng được lắp đặt tại một cơ sở mầm non. Ảnh: Gia Khiêm

Người Hà Nội chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng sau vụ khốn khổ, nổi mẩn ngứa khi dùng nước sạch - Ảnh 6.

Trong quá trình thử nghiệm lọc tổng, nhiều gia đình, cơ sở giáo dục vẫn phải dùng nước sạch đóng chai. Ảnh: Gia Khiêm

Cùng chung tình cảnh trên, trao đổi với PV Dân Việt, nhiều cư dân sống tại Khu đô thị Thanh Hà cho biết, trước việc lo lắng cho sức khoẻ, không ít gia đình cũng đã chi số tiền từ vài triệu đến cả chục triệu lắp đặt máy lọc tổng để nguồn nước sạch được đảm bảo hơn.

“Biểu hiện của nguồn nước không đảm bảo chất lượng thể hiện rõ nhất khi mọi người nổi mẩn ngứa, trẻ con phồng rộp da. Gia đình tôi cũng đã bỏ số tiền gần 9 triệu đồng để lắp đặt máy lọc. Ở chung cư diện tích nhỏ hẹp, dùng nước sạch nhưng mà nước sạch cũng không đảm bảo nên cực chẳng đã chúng tôi mới ồ ạt lắp thêm máy lọc để bảo vệ sức khoẻ cho cả gia đình mình”, một cư dân chia sẻ.

Hàm lượng Amoni… trong nước sạch khu đô thị Thanh Hà cao gấp nhiều lần cho phép?

Liên quan đến nguồn nước sạch cung cấp cho Khu đô thị Thanh Hà được phản ánh không đảm bảo, ngày 6/10, chị Trần Thị An, ở toà nhà HH03D, Khu đô thị Thanh Hà đã lấy mẫu gửi lên Phòng phân tích chất lượng môi trường (Viện Công nghệ môi trường) để thử nghiệm. 

Người Hà Nội chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng sau vụ khốn khổ, nổi mẩn ngứa khi dùng nước sạch - Ảnh 7.

Người dân test bằng quỳ tím xác định nguồn nước không đảm bảo. Ảnh: NDCC

“Theo kết quả tôi mới nhận được ngày 10/10 từ đơn vị trên cho thấy, riêng hàm lượng Amoni vượt gấp hàng chục lần cho phép trong khi tiêu chuẩn là 0,3mg/L. Nhiều chỉ số khác cũng vượt ngưỡng khiến người dân không khỏi lo lắng. Bên đơn vị cung cấp nước sạch cho chúng tôi cũng đã lấy mẫu nước bất kỳ mang đi thử nghiệm, hiện chưa có kết quả”, chị An cho hay.

Cũng theo chị An, tháng 7 vừa qua, người dân Khu đô thị Thanh Hà nhận được văn bản của Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà về việc tăng giá nước.

Người Hà Nội chi hàng chục triệu đồng mua máy lọc tổng sau vụ khốn khổ, nổi mẩn ngứa khi dùng nước sạch - Ảnh 8.

Hàng trăm người dân đại diện cho hàng nghìn người sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội đến Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội và Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà sáng 9/10 để yêu cầu làm rõ việc nguồn nước sạch không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Gia Khiêm

“Chúng tôi cho rằng việc tăng giá nước nhưng chất lượng nước cũng phải được đảm bảo, vậy việc nguồn nước không đảm bảo ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ và kinh tế của cư dân thì trách nhiệm ra sao?”, chị An thẳng thắn chia sẻ.

Trước ý kiến bức xúc của nhiều cư dân sống tại Khu đô thị Thanh Hà, ngày 10/10, Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội đã có thông báo phúc đáp trong cuộc đối thoại giữa đơn vị này với cư dân HH03-B2.1 ngày 9/10 vừa qua.

Theo đại diện đơn vị cung cấp nước sạch này, trước hết trong giai đoạn này, thời gian, tần suất nước đi kiểm tra chất lượng nước đối với khu HH03-B2.1 Khu đô thị Thanh Hà được thực hiện ngay sau khi có sự đồng thuận, giám sát của các bên liên quan và thực hiện 10 ngày/lần hoặc khi các chỉ tiêu xét nghiệm nước đạt kết quả tốt. Đơn vị thực hiện xét nghiệm do cư dân lựa chọn và gửi đi. 

“Về thời gian để diễn ra cuộc họp đối thoại giữa các đơn vị liên quan, hiện tại chúng tôi đã tiếp xúc như Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty CP nước mặt sông Đuống, Công ty TNHH MTV PP nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai các đơn vị sắp xếp và báo lại cho chúng tôi thời gian sớm nhất có thể chúng tôi sẽ thông báo lại cho quý khách hàng sau”, ông Trịnh Trung Dũng, Giám đốc Công ty CP nước sạch Nam Hà Nội trả lời trong văn bản.

Ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch Thanh Hà cho biết, trước đó lưu lượng nước do Công ty CP nước sạch Nam Hà Nội cung cấp không đủ dùng nên Công ty Thanh Hà đã tăng sản lượng nước từ nguồn giếng khoan từ 1.000 – 3.000m3/ngày đêm (tăng 2.000m3/ngày đêm). Vì thay đổi lưu lượng, đồng thời bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh…

Theo ông Trình, nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sạch là do Công ty CP Nước mặt Sông Đuống cấp thiếu. Bình thường cấp khoảng 2.000m3/ngày đêm, giờ chỉ được 700m3/ngày đêm…

Được biết, trong tuần này, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ mời Công ty Nước sạch Thanh Hà và các đơn vị, tổ chức liên quan đến làm việc để làm rõ việc hàng nghìn người dân ở khu đô thị Thanh Hà phải sử dụng nước sạch sinh hoạt không đảm bảo.

Tháng 6/2023, Khu đô thị Thanh Hà đã từng bị cắt nước đột ngột khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, xử lý, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân. Nguyên nhân của việc cắt nước cũng do nguồn cung từ Nhà máy nước sạch sông Đuống thiếu hụt.

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *