Ảnh: Miêu Thái Công
Khi Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đưa quân ra bắc đánh bại quân Trịnh, uy thế lẫy lừng khiến ai cũng sợ hãi. Vua Lê Hiển Tông dù lúc này đang lâm bệnh rất yếu nhưng cũng phải đồng ý gặp ông ở điện Vạn Thọ.
Quân Tây Sơn khi ra bắc với khẩu hiệu “phò Lê diệt Trịnh”, nhưng phong thái Nguyễn Huệ đến gặp vua Lê không có dáng vẻ “phò Lê” nào cả. Đúng như linh mục Thomas Diên viết: “Ai nếu đều tin chắc rằng Bắc Vương ra Bắc Kỳ là để chiếm ngai vàng vương quốc mà thôi.”
Theo giai thoại Thăng Long thì Nguyễn Huệ mặc tướng phục mang theo thanh gươm cùng các võ tướng Tây Sơn đi vào thẳng sân rồng.
Bỗng người đứng đầu thị vệ bước lại cản đường ngay trước mặt, nhìn thẳng vào Nguyễn Huệ kính cẩn nói: “Dám thưa tướng quân, theo phép nước, khi lên điện chầu vua, không được phép mang gươm. Xin tướng quân cởi kiếm cho”.
Nguyễn Huệ đột nhiên bị cản trước mắt thì bất ngờ, trừng mắt nhìn người vừa nói. Nhưng viên chỉ huy thị vệ cương quyết đứng cản ngay trước mắt Nguyễn Huệ, yêu cầu ông phải giữ đúng phép tắc, quyết không nhường đường. Hai bên đứng nhìn nhau rất căng thẳng không ai muốn chịu ai.
Mấy viên tướng theo sau Nguyễn Huệ tiến lên sẵn sàng theo lệnh chủ tướng. Tuy nhiên người chỉ huy thị vệ vẫn điềm nhiên không thay đổi thái độ, yêu cầu tất cả phải bỏ lại vũ khí.
Nguyễn Huệ nhìn quanh rồi quyết định bỏ vũ khí của mình lại và yêu cầu tả hữu làm tương tự. Lúc này người thị vệ mới mời phái đoàn Tây Sơn bước vào gặp Vua.
Nguyễn Huệ biết vua Lê hoàn toàn bị chúa Trịnh lấn át nên rất xem thường, thế nhưng khí phách của người thị vệ khiến Nguyễn Huệ giữ lễ với vua Hiển Tông đang lâm bệnh. Nhờ đó cuộc gặp gỡ giữa vua Lê và quân Tây Sơn diễn ra êm ả. Sau này Nguyễn Huệ biết được rằng người thị vệ cản đường ông là Phương Đình Pháp – vị tướng người gốc Chăm, chỉ huy quân thị vệ cuối thời vua Lê Hiển Tông. Ông là người ở Quán La, sát kinh thành Thăng Long.
Nguồn: Giai thoại Thăng Long, Vũ Ngọc Khánh