nguoi-bi-benh-dong-kinh-can-lam-gi-de-han-che-phat-benh?

Người bị bệnh động kinh cần làm gì để hạn chế phát bệnh?

Theo TS, bác sĩ Trịnh Thị Bích Huyền (Bệnh viện Bạch Mai), động kinh là một bệnh với biểu hiện lâm sàng dưới nhiều triệu chứng khác nhau trong đó có một thể thường gặp là cơn co giật trong trạng thái mất ý thức, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

“Động kinh được điều trị bằng cách sử dụng thuốc chống động kinh nhưng những biện pháp như lối sống hành vi, chế độ ăn, tập luyện, vận động góp phần không nhỏ vào việc phòng và điều trị bệnh động kinh nhất là khi cơn động kinh không kiểm soát được hoàn toàn bằng thuốc”, TS Huyền chia sẻ. 

Theo TS Huyền, người mắc bệnh động kinh muốn hạn chế tái phát cần: 

Chế độ ăn, lối sống lành mạnh rất quan trọng đối với người bệnh động kinh

Người bệnh động kinh cần có một chế độ ăn lành mạnh, duy trì cân nặng ổn định tránh tăng cân nhiều bằng cách tập luyện thể dục thể thao. 

Tuy nhiên, người bệnh cần tránh những môn nguy hiểm như bơi lội, đạp xe… và khi đã tập luyện thể thao cần phải có các phương tiện bảo vệ an toàn nếu cơn co giật xảy ra bằng cách đội mũ bảo hiểm tránh chấn thương đầu. 

Người bị bệnh động kinh cần làm gì để hạn chế phát bệnh?- Ảnh 1.

Lối sống hành vi, chế độ ăn, tập luyện, vận động góp phần không nhỏ vào việc phòng và điều trị bệnh động kinh. Ảnh minh họa BSCC

Đeo kính râm để tránh những cơn động kinh do kích thích của ánh sáng khi bạn làm việc với máy tính, điện thoại hay xem tivi, hay những ánh sáng nhấp nháy, không ngồi quá gần màn hình và cần phải có thời gian nghỉ ngơi khi làm việc với các phương tiện máy tính hay điện thoại. 

Không hút thuốc lá, rượu bia, giảm căng thẳng stress bằng cách tập thiền, nghe nhạc, có sự kết nối với gia đình bạn bè. 

Chế độ ăn ketogenic: khi người bệnh không đáp ứng điều trị với thuốc kháng động kinh, một giải pháp về chế độ ăn ketogenic sẽ có hiệu quả với một số thể động kinh. Đây là chế độ ăn giàu chất béo và ít carbonhydrate. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ hướng dẫn cụ thể và người bệnh tuân thủ theo chế độ ăn này. 

Đặc biệt cần quản lý các căn nguyên gây sốt, như viêm họng, cúm nhất là ở trẻ em là nguyên nhân gây cơn động kinh, trẻ em cần được tiêm phòng cúm và covid 19.

Theo dõi cơn động kinh

TS Huyền cho biết, đây là một vấn đề rất quan trọng để bạn có thể hiểu được về cơn động kinh của mình xảy ra khi nào để có biện pháp phòng tránh.

“Cơ thể mỗi người có một đặc điểm riêng, cơ thể bạn là của bạn, hơn ai hết bạn hãy lắng nghe cơ thể mình và yêu thương cơ thể mình. Bạn có thể biết được khi nào cơn động kinh sắp xảy ra, những gì có thể làm cho cơn động kinh bùng phát và có thể hạn chế đáng kể cơ số cơn cũng như những biến chứng nếu xảy ra”, TS Huyền nói. 

Theo TS Huyền, có những bệnh nhân chỉ xuất hiện cơn về ban đêm, có bệnh nhân xuất hiện cơn khi sốt nhẹ, chính vì vậy cần tránh các nguyên nhân gây sốt như viêm mũi họng, cúm, Covid-19, uống thuốc hạ sốt, khi thay đổi thời tiết cần mặc ấm, nhất là vào mùa đông, bật điều hòa không quá lạnh vào mùa hè. 

Có những bệnh nhân xuất hiện cơn động kinh khi căng thẳng stress, thiếu ngủ, hay cơn động kinh xuất hiện vào thời điểm quanh chu kỳ kinh nguyệt hoặc có thể tránh thai bằng liệu pháp hormon thay thế có thể làm khởi phát cơn động kinh. 

Vì vậy cần phải trao đổi với bác sĩ của bạn nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai. Cơn động kinh cũng có thể xảy ra khi bạn ngủ không đủ giấc, bạn gặp stress căng thẳng hay khi uống rượu, dùng caffein.

Theo dõi các dấu hiệu khởi phát cơn động kinh của bản thân

TS Huyền cũng chia sẻ, việc theo dõi cơn động kinh xảy ra như thế nào, tính chất cơn, tần suất xảy ra cơn, dấu hiệu báo trước của cơn rất quan trọng. 

Do đó, người bệnh cần ghi ngày giờ xảy ra cơn động kinh, thời gian kéo dài bao lâu, kiểu cơn động kinh như thế nào? 

 Đặc biệt, cần lưu ý xem điều gì xảy ra trước khi có cơn động kinh, xem người bệnh có hành vi gì đặc biệt, có sự thay đổi gì của môi trường bên ngoài hay cơ thể, những dấu hiệu của cảm xúc như lo âu, căng thẳng hay cảm giác hưng phấn hay trầm buồn. Người bệnh có thể nhận ra những dấu hiệu báo trước như có cảm giác khứu giác hay vị giác bất thường. 

Khi đó, người bệnh chủ động ở tư thế hay vị trí an toàn, nằm xuống tránh các chấn thương sọ não hay các chấn thương khác. Trong trường hợp có các dấu hiệu báo trước về mùi vị, bệnh nhân có thể chống lại cơn động kinh bằng cách ngửi những mùi mạnh ví dụ như mùi tỏi hoặc hoa hồng. 

Khi những dấu hiệu như trầm cảm, kích thích hoặc đau đầu thì việc tăng liều các thuốc điều trị các bệnh trên có thể giúp ngăn ngừa cơn xảy ra (việc tăng liều này cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ) với những cơn động kinh cục bộ, việc đè hay ấn vào vùng cơ xuất hiện giật (tay, chân hay vùng mặt) đôi khi có thể làm ngăn cản việc xuất hiện cơn động kinh.

Tuân thủ uống thuốc

Người bị bệnh động kinh cần làm gì để hạn chế phát bệnh?- Ảnh 2.

Cách sơ cứu khi có người bị bệnh động kinh. Ảnh BSCC

TS Huyền khẳng định, người bệnh động kinh cần phải uống thuốc đều đặn, không được quên thuốc. Để kiếm soát, cần cài đặt chuông báo giờ uống thuốc hàng ngày. 

Người bệnh có thể sử dụng hộp chia thuốc thành từng ngăn chia thành các liều dùng mỗi ngày, trong 1 tuần hay một tháng. 

Nếu đi công tác hay đi du lịch mà quên thuốc, cần đến các nhà thuốc nơi bạn đến để mua những thuốc cần thiết, liên lạc với bác sĩ của mình để kê thuốc trong trường hợp khẩn cấp. 

Người bệnh động kinh cần trao đổi về những tác dụng phụ gặp phải với bác sĩ, đặc biệt là khi có ý định không dùng thuốc vì những tác dụng không mong muốn này. 

Bác sĩ có thể hướng dẫn xử lý tác dụng phụ đó bằng cách thay đổi giờ uống thuốc vào buổi tối nếu người bệnh dùng thuốc gây buồn ngủ, hoặc thuốc không dung nạp thì bác sĩ có thể thay đổi thuốc khác. 

Nếu người bệnh động kinh có ý định lập gia đình và sinh con, cần thông báo với bác sĩ để bác sĩ lựa chọn thuốc an toàn cho mẹ và thai nhi. Việc trao đổi với bác sĩ về công việc hay những vấn đề liên quan rất quan trọng để đảm bảo an toàn và người bệnh vẫn có thể làm công việc phù hợp. 

“Với bệnh nhân động kinh cần tránh những công việc sau: Làm việc ở độ cao; trèo cao; lái xe; nấu nướng gần lửa; sử dụng máy móc hay vận hành máy móc nguy hiểm; đi bơi hay tắm mà không có sự giám sát của người khác…..để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân nếu cơn động kinh tái phát xảy ra”, TS Huyền khuyến cáo. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *