Tên gọi đặc sản Trà Vinh gây tò mò cho du khách nhưng lại lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam
Trà Vinh là một tỉnh duyên hải có cảnh quan khá đa dạng với hệ thống kênh, rạch, sông nước, rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao cùng bãi biển đẹp chạy dài… Cùng đó, Trà Vinh cũng được biết đến là địa điểm về du lịch biển, du lịch vùng sông nước, miệt vườn, các cồn nổi ven biển, những vựa trái cây vô cùng độc đáo, có bề dày về bản sắc văn hóa của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Đặc biệt là ẩm thực là các món ăn từ đặc sản sang trọng tới bình dân, dân dã đều rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
Vừa qua, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã trao chứng nhận 121 món ăn lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa để ẩm thực Việt Nam trở thành nền ẩm thực hàng đầu thế giới, góp phần phát triển kinh tế du lịch Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng.
Theo ông Lê Tân, nhà nghiên cứu văn hoá ẩm thực, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam, ba món ăn của Trà Vinh tuy là ba món ăn dân dã nhưng lại đáp ứng tiêu chí của Hội đồng giám khảo, tức là ba món ăn có nguồn gốc, xuất xứ của vùng miền, đồng thời nghệ nhân, người đã sáng tạo ra món ăn và được chế biến tại vùng miền đó. Và tiếp đến là món ăn đó mang tính lan toả, đảm bảo khi nhắc đến tên món ăn, người ta biết được đó là món ăn của vùng miền nào. Cũng vì lẽ đó là ba món ăn dân dã, mang nét văn hóa của người dân Trà Vinh đã được vinh danh.
Bên cạnh bún nước lèo, bánh canh Bến Có thì bún suông cũng là một trong những món đặc trưng của Trà Vinh mà du khách không nên bỏ qua. Điểm đặc biệt của món ăn này đó là những sợi bún suông dài được làm từ những con tôm tươi đã lột vỏ. Khác với những sợi bún thông thường, bún suông có vị dai, thơm mùi tôm và có một màu cam hấp dẫn.
Theo người dân Trà Vinh, bún suông còn có một tên gọi khác nữa là bún đuông. Tên gọi bún này bắt nguồn từ nguyên liệu được chế biến ăn kèm với bún. Những con tôm đất được quết, giã nhuyễn, nêm nếm vừa ăn rồi nắn thành sợi dài đem hấp chín, hoặc chiên trong chảo dầu cho vàng, giòn và gọi đó là suông.
Để có bát bún suông ngon đúng điệu và hấp dẫn thì nhất định phải có nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn. Nguyên liệu ngập trong nước dùng chua ngọt khiến thực khách hài lòng khi thưởng thức. Để tô bún thêm hài hòa, người dân Trà Vinh còn có thể cho thêm vài lát thịt ba chỉ luộc, giá trụng, rau xà lách và ăn kèm bắp cải trắng bào sợi. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.
Ẩm thực Trà Vinh: Canh Xiêm Lo
Theo người dân nơi đây, xưa kia cuộc sống khó khăn, nghèo đói, lại sống ở vùng quê hẻo lánh, nên mỗi lần đi làm ruộng về thì thường hái rau và bắt cá xung quanh nhà để nấu loại canh này.
Canh Xiêm Lo là một trong những món ăn truyền thống của người Khmer và thường được dùng với cơm trắng và ăn kèm với món kho tiêu hay khô cá chiên mặn.
Nét độc đáo của món này được chế biến từ rau tập tàng, thịt, cá trong đó có thể nấu với nhiều loại cá khác nhau như cá kèo, cá lóc, cá bông lau,… Đặc biệt, một nguyên liệu không thể thiếu trong món canh Xiêm Lo là mắm Bò Hóc.
Để nấu món canh Xiêm Lo ngon, trước tiên, củ sả xắt mỏng, bằm sơ và không nên băm nhuyễn, sau đó cho vào chảo có mỡ, tỏi phi, đến khi sả hơi vàng thì đổ nước vào theo, chờ nước sắp sôi lăn tăn thì bỏ số mắm bò hóc vào nồi “nước lèo” sắp sôi.
Chờ nước sôi một lúc thì lấy cá ra lọc, lúc này con mắm đã rã ra chỉ còn xương, và nồi “nước lèo” đã có mùi thơm nức mũi. Sau khi nêm nếm cho vừa miệng thì bỏ cá và thịt ba rọi vào, cá vừa chín vớt ra để cá không bị rã thịt. Kế đó cho măng đã luộc vào, vài phút sau bỏ tiếp một nhúm rau tập tàng để “lấy” thêm chất ngọt, số rau còn lại thì để ăn tới đâu, nhúng tới đó, như vậy là đã có một nồi canh Xiêm Lo ngon nức tiếng rồi.
Ẩm thực Trà Vinh: Bánh tét Trà Cuôn
Khi nói đến ẩm thực Trà Vinh, không thể không nhắc đến bánh tét Trà Cuôn tại xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang. Đây quả thực là đặc sản của vùng đất Trà Vinh. Bánh tét được nhào nặn thành hình hài đẹp từ chính đôi bàn tay khéo léo của người dân Trà Cuôn.
Theo người dân ở đây, để làm ra những đòn bánh tét xinh xắn, thơm ngon, phải lựa loại nếp dẻo. Nhân bánh tét được làm ra từ hạt đậu xanh đã bỏ đi hết phần vỏ rồi đem luộc qua nước sôi cho thật mềm. Thịt mỡ heo tươi được cắt thành những khúc dài vừa với đòn bánh tét. Lòng đỏ của quả trứng vịt muối cũng được chọn để làm nhân bánh tét. Mặt khác, lá chuối để gói bánh cũng được chọn lá xanh tươi, dùng dây lạt để gói những đòn bánh tét theo kiểu truyền thống.
Với công đoạn gói bánh cũng rất cần cẩn thận, tỉ mỉ. Đòn bánh tét hoàn thành có dạng như hình trụ, đó là sự kết tinh những sản vật vốn có của quê hương, cộng thêm lòng yêu nghề làm bánh của con người nơi đây đã đem đến cho chiếc bánh tét Trà Cuôn có một ý nghĩa thiết thực, giàu nét văn hóa bản địa.
Bánh tét được luộc trong khoảng tám tiếng mới được vớt ra ngoài để cho ráo nước, khi bóc bánh sẽ thấy lớp vỏ chuối bao bọc bên ngoài ngả sang màu xanh bầm, phía bên trong là những hạt nếp đã nấu đến mềm và dẻo.
Để cho mỗi miếng bánh tét Trà Cuôn cắt ra được đẹp, nhiều người dân đã nhuộm hạt nếp. Nhân bánh tét gồm mỡ thịt beo béo thơm thơm, lòng đỏ trứng vịt muối bùi bùi, mằn mặn và hạt đậu xanh đã chín nhừ ra hết có màu vàng vàng bao quanh thịt mỡ và trứng muối. Đảm bảo khi du khách thưởng thức món bánh này sẽ nhớ mãi không quên bởi hương vị của nó.
Bánh tét Trà Cuôn không chỉ là món ăn trong những bữa cơm hàng ngày mà còn có trong dịp lễ, tết, đám hỏi, đám cưới và lâu dần dần trở thành món bánh tét nổi tiếng, thành đặc sản của Trà Vinh.
Du khách khi đến Trà Vinh nên lựa chọn bánh tét Trà Cuôn để thưởng thức, hoặc mua mang về làm quà.