Tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hẳn, điều này ảnh hưởng khá lớn đến tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Nếu có ai đó hỏi: “Hiện tại bạn đang thiếu gì nhất?”
Chắn chắn hơn 95% số người sẽ trả lời rằng: “Thiếu tiền”.
Những ngày cách ly xã hội sẽ khiến nhiều người phải sống nhờ vào những khoản tiền tiết kiệm ít ỏi. Nhưng tiền thuê nhà, xăng cộ, học phí con cái, đồ ăn hằng ngày… dù có xài tiết kiệm cỡ nào đi nữa, vẫn khiến người ta cảm thấy mệt mỏi, thiếu thốn.
Đến lúc đi làm được, về cơ bản dù bệnh bạn cũng không dám nghỉ, dù mệt cũng không dám từ chối tăng ca, thậm chí bị sếp la oan cũng không dám lớn tiếng nói lại… Tại sao bạn phải sống những ngày tháng khó khăn thế này?
Về cơ bản, là vì bạn chưa có khái niệm “quản lý tài chính” trong đầu.
Nói đơn giản, “quản lý tài chính” ngoài việc kiếm tiền ra, còn cần phải gia tăng những khoản thu nhập “khi nghỉ ngơi”.
1. Thu nhập “khi nghỉ ngơi”: Giúp tiền đẻ ra tiền, là cách tích lũy tài phú nhanh nhất
Lý Gia Thành có một câu nói rất nổi tiếng: “Trước 30 tuổi, người ta dựa vào sức khỏe và trí tuệ để kiếm tiền. Nhưng sau 30 tuổi, họ dùng tiền kiếm tiền.”
Khi mọi người còn trẻ, đa số thường chú ý đến việc trau dồi kỹ năng và tìm hiểu cách thăng chức, tăng lương. Không thể phủ nhận rằng tiền lương càng cao, quyết định chất lượng cuộc sống càng tốt.
Nhưng nếu bạn chỉ sống dựa vào một mức lương chết, vậy thì bạn sẽ sớm có ngày bị “hụt hơi”, nhất là trong thời kì tình hình dịch bệnh bùng phát đột ngột thế này.
Giống như Buffett từng nói: “Một người có thể tích lũy được bao nhiêu của cải trong đời, không phụ thuộc vào số tiền họ kiếm được, mà phụ thuộc vào cách họ quản lý tiền bạc.”
Hãy học cách kiếm tiền ngay cả khi lúc bạn nghỉ ngơi, những khoản tiền đó được kiếm thông qua việc kinh doanh, đầu tư chứng khoán… Đây là cách tốt nhất để bạn tích lũy tài sản nhanh chóng.
2. Tránh xa suy nghĩ “làm giàu sau một đêm”
Thật đáng buồn khi nhiều người nghĩ rằng những người biết quản lý tài chính có thể làm giàu chỉ sau một đêm.
Nhưng bạn biết xác suất này nhỏ như thế nào không?
Hãy nghĩ xem, nếu bạn tiếp nhận khối lượng công việc khổng lồ từ những người giàu có, liệu bạn có thể xoay sở được không? Và nếu bạn có thể làm giàu chỉ sau một đêm, vậy bạn có biết cách để đối phó với số tiền lớn này không?
Lấy người anh họ của tôi làm ví dụ. Anh ấy lớn lên ở nông thôn, năm 25 tuổi đã trải qua một bước ngoặt lớn trong cuộc đời.
Nhà và đất ở nông thôn của ba mẹ bị giải tỏa, được đền bù hơn mấy trăm triệu. Anh ấy được chia 200 triệu, liền nghĩ rằng có tiền rồi, tại sao phải ép mình đi làm để nghe lãnh đạo la mắng làm gì?
Nghĩ vậy, anh ta vội vàng từ chức, dùng chút tiền đầu tư, còn lại đều phục vụ cuộc sống xa hoa.
Nhiều người quen biết được liền ghen tỵ, thậm chí ghét bỏ khi thấy cách tiêu xài của anh họ. Nhưng có ai ngờ rằng chưa được 3 năm, anh ấy đã phải đối mặt với những khoản nợ lớn, nghiêm trọng hơn là vợ đòi ly hôn, gia đình ly tán.
Trên thực tế, một tổ chức có thẩm quyền đã tiến hành một cuộc khảo sát và được biết: Xác suất phá sản của những người giàu lên qua một đêm cao hơn gấp đôi so với những người bình thường. Và đại đa số người đều rất hiếm giàu lên chỉ sau một đêm.
Tại sao lại như vậy?
Vì phần lớn những người này không thể tận dụng tốt số tiền tích lũy được, họ không giữ được của cải, chỉ có tiêu xài, vì thế rất khó để kiếm về tài phú.
Thế nên, muốn quản lý tài chính tốt, trước hết hãy tránh xa tư duy nghèo nàn “giàu qua một đêm”, thay đổi “quan niệm tiêu dùng”, đừng nghĩ rằng có nhiều tiền thì có thể tiêu xài bừa bãi.
Bạn nên nhớ, phải có một lượng tiền nhất định trước, mới có thể đầu tư. Cải thiện tư duy, áp dụng đúng phương pháp và chiến lược, như vậy mới có thể kiểm soát tốt tài sản và tối đa hóa giá trị của nó.
3. Trước khi quản lý tiền, hãy học cách lập kế hoạch cho số tiền bạn đang có
“Không được bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Đó là cách hoạch định nguồn vốn hiện có hữu hiệu. Số tiền bạn kiếm được nên chia vào 3 khoản:
Thứ nhất: Tài khoản dự trữ khẩn cấp
Nói chung, bạn có thể chi khoản 10% – 30% số tiền làm quỹ riêng để giải quyết các việc đột xuất. Ví dụ như khi trong nhà có người thân bị ốm, hoặc bạn cần tiền cưới hỏi, hay để xài khi muốn từ chức và thay đổi công việc…
Số tiền này được dùng để dự trù cho các trường hợp bất ngờ và bất đắc dĩ.
Thứ hai: Chi phí sinh hoạt và bảo hiểm
Số tiền này được dùng cho chi phí ăn uống, mua đồ sinh hoạt hằng ngày, trả tiền trọ, điện nước, thuốc men, mua bảo hiểm y tế… của bạn.
Bảo hiểm y tế thực sự rất quan trọng, đặc biệt là trong thời đại dễ bùng phát những loại bệnh hiếm gặp như hiện nay. Bạn tốn vài trăm mua bảo hiểm y tế, nhưng cái bạn nhận được sau này sẽ nhiều hơn gấp bội.
Thứ ba: Tài khoản giá trị gia tăng
Không cần phải nói, vì mục đích của khoản tiền này được dùng làm “tiền vốn”. Giúp bạn dùng tiền kiếm tiền, và kiếm thêm thu nhập “khi nghỉ ngơi”. Đây là khoản tiền chính giúp bạn có thể đạt được sự tự do tài chính sau này.
Có một điều cần nhớ: Đừng dùng số tiền này đầu tư vào những gì bạn không hiểu!