Ngoại là tất cả của đời con !

Từ lúc tôi sinh ra đời cho đến năm 18 tuổi, bà ngoại là người mà tôi gần gũi nhứt, gần gũi nhiều hơn cả mẹ tôi. Tôi không nhớ đã được ngủ bên ngoại mỗi đêm từ khi nào, nhưng chắc chắn tôi đã ngủ bên ngoại từ khi tôi còn rất nhỏ. Ngoại còn là người đã mang đến cho tôi sự sống lần thứ hai trên cuộc đời này. 

Cho đến giờ, trong trí nhớ tôi vẫn còn loáng thoáng hình ảnh những buổi chiều mùa hè năm 1966, lúc đó tôi chỉ mới 5 tuổi, tôi ngồi dựa vào lòng ngoại trên một chiếc ghế đá trong khuôn viên của nhà thương Grall (Đồn Đất). Lúc đó tôi vẫn chưa thể bước đi vững vàng như một người bình thường sau gần 2 tháng nằm mê man bất động trong nhà thương Grall vì bệnh sốt xuất huyết, một căn bệnh mà thời đó được xem là bệnh hiểm nghèo và thập tử nhứt sinh. Tôi nhớ lúc đó ngoại đang đút cho tôi ăn từng muỗng khoai tây nghiền với thịt bò bằm trên một cái khay nhựa màu vàng sậm của nhà thương. Sân của nhà thương Grall lúc đó rất rộng, thoáng mát và có nhiều cây xanh. 

Ngoại kể tôi bị sốt cao khoảng một tuần không bớt, ngoại bế tôi ra phòng mạch bác sĩ Lâm bên Vũng Tàu. Bác sĩ Lâm kêu ngoại bao chiếc xe lô đưa tôi lên nhà thương Grall trên Sài Gòn ngay lập tức. Trên đường lên Sài Gòn, tôi đã mê man và thân thể đã bắt đầu xuất huyết. Ngay sau khi vào phòng cứu cấp của nhà thương Grall, một ông bác sĩ người Pháp liền mang tôi bỏ vào một thau nước đá, ra lệnh cho y tá vặn máy lạnh trong phòng hết cỡ, rồi lập tức truyền máu cho tôi. Ngoại kể ai cũng nghĩ rằng tôi sẽ không thể nào qua khỏi vì thấy thân thể tôi đã tím tái, chỉ duy nhất trái tim vẫn còn đập yếu ớt. Vậy mà khoảng 3 ngày sau, tôi đã vượt qua được lằn ranh của cái chết. Chính bà ngoại tôi, bác sĩ Lâm và ông bác sĩ người Pháp đã cứu sống tôi. Ông bác sĩ Pháp nói chỉ cần mang tôi đến nhà thương trễ thêm hai tiếng nữa là sẽ không thể cứu sống. 

Những năm tháng thơ ấu của tôi được ở bên cạnh ngoại thật là hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà khi đã mất đi rồi, tôi mãi mãi không bao giờ tìm lại được. Ngoại có một cái quán nhỏ bán bánh kẹo và đá bào xi rô trước sân nhà. Trưa nào tôi cũng được ngoại làm cho một cục đá bào xi rô bạc hà màu xanh mát lịm. Tôi còn nhớ ngoại hay bỏ tiền cắc khi bán bánh kẹo vào một cái lon sữa bò, lâu lâu tôi cũng có lén ăn cắp vài đồng của ngoại đi mua cá lia thia về nuôi. 

Ngoại còn là người đi chợ nấu cơm và làm các món ăn trong gia đình tôi. Tôi mê nhứt là tô nước mắm ớt của ngoại. Ngoại có cách pha nước mắm ớt chanh đường rất ngon mà cho đến giờ tôi vẫn không tài nào bắt chước được. Lúc tôi lên Sài Gòn đi học, mỗi lần về thăm nhà, ngoại đều làm cho tôi một hũ nước mắm ớt mang theo để dành ăn. 

Sau năm 1975, gia đình tôi lâm vào cảnh túng thiếu, cha tôi đi tù cải tạo ngoài Bắc, mẹ tôi dạy học với đồng lương ít ỏi, ngoại tôi phải gói bánh tét rồi đi bán dạo xung quanh thị xã Bà Rịa. Một lần đang đi bán, trời đổ mưa tầm tả, ngoại bị trợt chân té ngoài đường, thời gian đó không có tiền đi nhà thương chữa trị, một chân của ngoại đã có tật và phải chống nạng suốt đời. Cuộc đời ngoại tôi dù không được giàu sang sung sướng nhưng ngoại luôn vui vẻ và thương yêu con cháu hết lòng. Ngoại hay nói vui là trong đời ngoại chưa hề tốn một đồng nào cho bác sĩ. Quả thật, cho đến lúc mất, ngoại chỉ bỏ ăn trong 3 ngày rồi ra đi nhẹ nhàng như đi vào một giấc ngủ chứ không có bệnh gì hết. Trước ngày ngoại mất đúng một tháng, tôi đã có một đêm ngủ với ngoại lần cuối. Đêm đó ngoại còn cầm cái quạt giấy quạt cho tôi ngủ như những ngày tôi còn bé. Sáng hôm sau ngoại móc trong túi ra 300 đô la Mỹ nhét vào túi áo tôi và bảo tôi cất đi. Tôi lấy làm lạ vì bình thường ngoại rất thích tiền và hay bỏ tiền trong túi áo bà ba rồi lấy cây kim tây ghim lại, mỗi lần tôi về Bà Rịa thăm ngoại và cho tiền là ngoại rất vui, sao bây giờ ngoại lại đưa tiền cho tôi?   Có lẽ ngoại đã biết trước rằng ngoại sắp ra đi nên không còn muốn giữ tiền nữa. Lúc mất ngoại tôi thọ 95 tuổi và chưa hề quên số điện thoại di động của tôi bao giờ. Mỗi người đều có một người thân đã qua đời luôn khắc sâu trong nỗi nhớ. Riêng tôi, người mà tôi luôn nhớ, chính là bà ngoại tôi. Một ngày nào đó, rồi tôi cũng sẽ gặp lại ngoại tôi ở một thế giới nào đó, một thế giới thật bình yên không còn sự chia lìa nào nữa. 

Nhớ ngoại, nhớ rổ bánh tét bánh ú và tiếng rao của ngoại “ai…bánh tét…bánh ú…hôn…”. Tiếng rao đâu đó còn chút ngượng ngùng như chưa quen với cảnh buôn gánh bán bưng giữa chợ đời sau 1975. 

Hình ảnh ngoại đội chiếc nón lá, liêu xiêu với rổ bánh trĩu nặng bên hông, lê từng bước chân trên con đường nắng gắt từ cầu Long Hương đến Chợ mới Bà rịa, rồi đến xóm Bàu vẫn in đậm trong ký ức tôi cho đến giờ. Ngoại chỉ mong sao bán được hết rổ bánh để đổi lấy bó rau và lon gạo cho bữa ăn chiều mà phần nhiều là bo bo, cho đứa cháu mình được no lòng. 

Trong thân thể tôi đã có một phần cái rổ bánh và những giọt mồ hôi của ngoại. Cho dù thời gian có thể làm phôi pha những kỷ niệm, nhưng không thể nào chạm được góc nhỏ trong tim tôi, nơi tôi dành trọn tình yêu cho ngoại , con nhớ ngoại và thèm ăn cái bánh tét của ngoại lắm …..ngoại ơi !

Xin chúc mọi người có một ngày lễ Mẹ thật ấm cúng vui vẻ và hạnh phúc !

ST .

(FB Si Ngo)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *