KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY HỘI ĐỒNG TỐI CAO CỦA NƯỚC CỘNG HÒA LATVIA TUYÊN BỐ KHÔI PHỤC NỀN ĐỘC LẬP CỦA NƯỚC LATVIA, SAU 50 NĂM BỊ LIÊN XÔ THÔN TÍNH (4/5/1990 – 4/5/2020)
Tuyên bố nói rằng, mặc dù Latvia đã mất độc lập trên thực tế vào năm 1940 khi bị sát nhập vào Liên Xô nhưng dựa vào luật pháp vẫn là một đất nước có chủ quyền do sự sáp nhập đã vi hiến và chống lại ý chí của nhân dân Latvia. Do đó Hội đồng khẳng định rằng Hiệp ước Ribbentrop – Molotov và Liên Xô chiếm đóng Latvia năm 1940 là bất hợp pháp đồng thời hủy bỏ tuyên bố gia nhập Latvia vào Liên Xô ngày 21 tháng 7 năm 1940, tái lập Hiến pháp Latvia năm 1922.
Cộng hòa Latvia là một quốc gia có chủ quyền và đã tuyên bố độc lập vào ngày 18 tháng 11 năm 1918 từ nước Nga Sa hoàng đã sụp đổ và được quốc tế công nhận vào năm 1920, Latvia đã được kết nạp thành viên trong Hội Quốc Liên vào năm 1921. Quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Latvia trên thực tế lại là nước Nga Xô viết vào ngày 11 tháng 8 năm 1920, khi hiệp ước hòa bình giữa hai bên được ký kết.
Ngày 23 tháng 8 năm 1939, Liên Xô và Đức đã ký Hiệp ước Ribbentrop – Molotov bí mật chia Đông Âu thành các khu vực ảnh hưởng, trong đó Latvia đã được chia cho khu vực ảnh hưởng của Liên Xô.
Ngày 15 tháng 6 năm 1940 – Quân đội Liên Xô tấn công lính biên phòng Latvia tại Masļenki sát hại ba lính biên phòng và hai thường dân (bao gồm cả phụ nữ) và bắt 10 lính biên phòng và 27 thường dân làm con tin đem về Liên Xô.
Ngày 16 tháng 6 năm 1940 – Liên Xô xâm chiếm Latvia và nước láng giềng Estonia. Liên Xô đã đưa ra tối hậu thư cho Estonia và Latvia, đòi phải được trả lời trong vòng 6 giờ, yêu cầu: thành lập Chính phủ thân Liên Xô, dưới sự bảo vệ của Hồng quân; cho quân đội Liên Xô tự do vào Estonia và Latvia. Không thể tự mình chống lại Liên Xô cũng như không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, trước nguy cơ bị đánh bom các thành phố và tấn công bởi lực lượng Hồng Quân đông hơn hẳn, Latvia và Estonia đầu hàng.
Andrei Y. Vyshinsky, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Liên Xô và công tố viên các phiên tòa thanh trừng của Stalin, đến Latvia để giám sát việc thiết lập sự cai trị của Liên Xô. Vào ngày 19 tháng 6 năm 1940, Vyshinsky đệ trình Nội các mới được Moscow phê chuẩn cho Tổng thống Latvia Kārlis Ulmanis ký.
Ngày 30 tháng 6 năm 1940 – Bộ trưởng Ngoại giao Litva, Vincas Kreve-Mickevicius gặp Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov. Molotov tuyên bố “Anh phải có cái nhìn thực tế và hiểu rằng trong tương lai các quốc gia nhỏ sẽ phải biến mất. Litva của anh cùng với các quốc gia Baltic khác, bao gồm Phần Lan, sẽ có cơ hội để gia nhập gia đình vinh quang của Liên Xô. Vì vậy, anh nên bắt đầu ngay từ bây giờ để cho nhân dân của mình hòa nhập với hệ thống Xô Viết, trong tương lai sẽ thống trị khắp mọi nơi, trên khắp toàn bộ châu Âu”
Ngày 14 tháng 7 – 15 tháng 7 năm 1940 – Cuộc bầu cử Quốc hội (Saeima) gian lận đã được tổ chức tại Latvia và các quốc gia vùng Baltic khác. Chỉ có một danh sách ứng cử viên được Liên Xô chấp thuận trước được phép tham gia ứng cử. Cuộc bầu cử diễn ra dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền chiếm đóng và Hồng quân. Moscow tuyên bố 97,6% đã bỏ phiếu cho danh sách duy nhất có thể. Đáng chú ý nhất là kết quả bầu cử hoàn chỉnh đã được công bố tại Moscow 12 giờ trước khi cuộc bầu cử kết thúc. Tổng thống Latvia Kārlis Ulmanis ngày 22 tháng 7 năm 1940 bị bắt sang Liên Xô và chết trong trại giam năm 1942.
Saeima (Quốc hội) mới đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 21 tháng 7 năm 1940, nơi nó nhất trí và tuyên bố bất hợp pháp Latvia là một nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, và bỏ phiếu kiến nghị Hội đồng tối cao Liên Xô về việc kết nạp Latvia vào Liên Xô.
Hành động này của Saeima là bất hợp pháp vì nó không tuân thủ Hiến pháp Cộng hòa Latvia, được thông qua vào năm 1922. Hiến pháp quy định rằng Latvia là một nước cộng hòa dân chủ, độc lập (Điều 1), rằng quyền lực chủ quyền của Latvia thuộc về người dân ( Điều 2) và các điều khoản này chỉ có thể được sửa đổi bởi một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc (Điều 77).
Ngày 5 tháng 8 năm 1940 Latvia bị sáp nhập và trở thành nước Cộng hòa thứ 15 của Liên Xô. Ngoài Đức Quốc xã, không một quốc gia phương Tây nào công nhận việc thôn tính này là hợp pháp.
Trong số các quốc gia đã có thể giúp Latvia giành được độc lập, không ai ra tay giúp đỡ. Pháp bị đánh bại. Vương quốc Anh đã bị đẩy ra khỏi lục địa. Hoa Kỳ vẫn đứng một bên. Các nước Baltic không có bạn bè, và trong nửa thế kỷ, hy vọng duy nhất của họ là sự từ chối kiên định của nhiều quốc gia phương Tây để công nhận tính hợp pháp việc chiếm đóng và thôn tính của Liên Xô.
Dưới sự chiếm đóng của Liên Xô, hàng ngàn người Latvia đã bị trục xuất đến các trại tù khổ sai ở Siberia, bị xử tử hoặc buộc phải lưu vong. Chính quyền Liên Xô, khi giành được quyền kiểm soát Latvia, ngay lập tức áp đặt chế độ khủng bố. Hàng trăm người đã bị bắt, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo của Cộng hòa Latvia. Tòa án được thành lập để trừng phạt “những kẻ phản bội nhân dân”.
Khoảng 35.000 tổng số (1,8% dân số Latvia) đã bị trục xuất chỉ trong năm chiếm đóng đầu tiên của Liên Xô. Các vụ trục xuất của Stalin cũng bao gồm hàng ngàn người Do Thái gốc Latvia. Tổng số người bị trục xuất là 131.500 trong một đất nước nhỏ bé vỏn vẹn vài triệu dân. Bị nhồi nhét trong những chiếc xe gia súc bẩn thỉu, chật chội có lỗ trên sàn để đi vệ sinh, những người bị trục xuất đã bị đưa đến Siberia. Nhiều người đã chết trước khi đến đích cuối cùng vì điều kiện khắc nghiệt và nhiều người khác đã chết ngay trong mùa đông đầu tiên của họ ở nơi lưu đày.
Nhiều người chạy trốn trên thuyền và tàu của ngư dân đến Thụy Điển và Đức, từ đó cho đến năm 1951, họ trôi dạt đến nhiều vùng khác nhau trên thế giới (chủ yếu là Úc và Bắc Mỹ). Khoảng 150.000 người đã phải sống lưu vong ở phương Tây.
Trong thời kỳ hậu chiến, Latvia buộc phải áp dụng các phương pháp canh tác của Liên Xô và cơ sở hạ tầng kinh tế phát triển trong những năm 1920 và 1930 đã bị xóa bỏ. Năm 1948, tập thể hóa bắt đầu một cách nghiêm túc và được tăng cường sau các vụ trục xuất tháng 3 năm 1949 và đến cuối năm, 93% các trang trại đã được tập thể hóa, để lại hậu quả là sản lượng ngũ cốc ở Latvia đã giảm từ 1,37 triệu tấn vào năm 1940 xuống còn 0,73 triệu tấn vào năm 1950 và 0,43 triệu tấn vào năm 1956 khiến đời sống người dân sa sút nghiêm trọng. Cuộc điều tra dân số sau chiến tranh đầu tiên vào năm 1959 cho thấy số người Latvia kể từ năm 1935 đã giảm 170.000 người, trong khi thay thế cho họ là người Nga đã tăng thêm 388.000 người, người Belarus tăng thêm 35.000 người và 28.000 người Ukraine.
Vào tháng 7 năm 1989, đất nước bắt đầu khôi phục nền độc lập. Ngày 6 tháng 9 năm 1991, sau nỗ lực đảo chính lật đổ Gorbachov ở Moscow thất bại, Liên Xô đã công nhận nền độc lập của Latvia và sau khi Liên Xô tan rã, chủ quyền của Latvia đã được khôi phục hoàn toàn vào năm 1991. Vào ngày 22 tháng 8 năm 1996, quốc hội Latvia đã thông qua tuyên bố rằng Liên Xô chiếm đóng Latvia năm 1940 là một sự chiếm đóng quân sự và là một sự hợp nhất bất hợp pháp.
Năm 2015, sau sự kiện sáp nhập Crimea của Ukraine, xuất phát từ đề nghị của 2 đại biểu quốc hội Yevgeny Fyodorov và Anton Romanov, văn phòng Tổng Công tố Nga đã quyết định xét lại tính hợp pháp của việc công nhận nền độc lập của các quốc gia Baltic – Estonia, Latvia và Lithuania – vào năm 1991.
Ngày nay Latvia cùng với hai quốc gia Baltic láng giềng là Litva và Estonia đã là thành viên đầy đủ của Liên minh Châu Âu và Khối NATO. Mọi chiêu bài nhằm sáp nhập ba quốc gia này vào lãnh thổ một nước lớn nào đó trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn không thể thực hiện.