Bệnh nhân đến khám chỗ tôi bây giờ chỉ hỏi về “hậu Covid”. Người dân không còn sợ Covid nữa, vì gần như đã mắc hết rồi, chuyển sang sợ hậu Covid, như sợ một con ngáo ộp.
Trong khi đó, hầu hết người mắc Covid xung quanh tôi đều có quá trình hồi phục tốt, giống như sau một đợt cúm thông thường. Trong thời điểm dịch căng thẳng, một phần ba nhân viên khoa cấp cứu nơi tôi làm việc mắc Covid, gây thiếu nhân lực trầm trọng. Tôi thường xuyên phải động viên đồng nghiệp sớm đi làm trở lại. Vì vậy, họ thường quay lại làm việc sau khi test nhanh thấy âm tính, thời gian nghỉ ở nhà chỉ ba đến năm ngày. Không ai than thở hoặc có biểu hiện mệt mỏi quá sức. Có thể họ đều đã tiêm đủ mũi vaccine và uống thuốc kháng virus ngay khi dương tính.
Để có thêm thông tin, tôi liên lạc với một bệnh nhân cũ. Anh là người nằm bệnh viện Covid tầng nặng nhất, tràn khí dưới da, phổi đông đặc toàn bộ, may mắn thoát chết. Anh cho biết, sau sáu tháng ra viện, anh đã hoàn toàn bình phục, sinh hoạt trở lại như bình thường. Tôi cố hỏi kỹ xem anh có các biểu hiện như là khó thở khi leo cầu thang không. Anh trả lời: “Có chút xíu bác ạ, lên lầu xong thì thở hơi nhanh. Nhưng giờ cháu đã khá hơn nhiều so với hồi mới ra viện, lên lầu phải dừng nghỉ hai đến ba chặng”. Anh không gặp vấn đề gì đáng kể trong ăn uống, sinh hoạt; không bị ảnh hưởng về trí nhớ. Tôi tin vào nhận định của mình, hậu Covid rõ ràng gây khó chịu nhưng không quá đáng sợ.
Thị trường kinh doanh các sản phẩm liên quan đến Covid-19, theo tôi đã trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là náo nhiệt bán khẩu trang và nước rửa tay khử khuẩn. Tiếp đến là thời kỳ sôi động bán các loại thuốc chữa Covid. Bây giờ thị trường đang tiến sang giai đoạn ba: hậu Covid. Nhà nhà, người người đăng bài bán thuốc chữa hậu Covid.
Để bán được hàng, người bán nhấn mạnh đến khái niệm “hậu Covid”, đến mức gây ám ảnh cho người dân.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết phần lớn người mắc Covid 19 sẽ hồi phục hoàn toàn, chỉ 10-20% có các triệu chứng gọi là “hậu Covid” hoặc “Covid kéo dài”. WHO định nghĩa “hậu Covid” là những bất thường còn tồn tại sau ba tháng mắc bệnh, bao gồm các triệu chứng mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, ho dai dẳng, hồi hộp, tim đập nhanh, đau mỏi cơ, thay đổi vị giác, rối loạn tiêu hóa, khó ngủ, hay quên, khó tập trung, buồn bã, lo âu.
Các triệu chứng này xảy ra do tổn thương đa cơ quan trong thời gian mắc Covid, cũng có thể do rối loạn các phản ứng miễn dịch trong quá trình cơ thể chống lại virus. Phần lớn các rối loạn này chỉ ở mức độ nhẹ và dần dần sẽ cải thiện theo thời gian. Thời gian hồi phục tùy theo tình trạng nặng khi mắc bệnh cũng như sức khỏe của mỗi người, thường mất vài tuần đến vài tháng.
Để giúp quá trình hồi phục này thuận lợi, người vừa khỏi bệnh cần làm việc nhẹ nhàng, ăn dễ tiêu, uống đủ nước, bổ sung vitamin, giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, tránh lo lắng quá mức lại tự ám thị bệnh cho mình. Nếu có nhiều triệu chứng khó chịu, có thể dùng một số thuốc hỗ trợ như thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc ho, long đờm… Người tổn thương phổi cần có thời gian tập thở nhẹ nhàng để chức năng hô hấp hồi phục. Hiện nay nhiều bệnh viện đã thành lập phòng khám hậu Covid, nếu các triệu chứng khó chịu kéo dài, người bệnh có thể đến khám, tránh tự uống nhiều loại thuốc không cần thiết theo hướng dẫn thiếu cơ sở trên mạng.
Một tình trạng nữa cũng thường xảy ra, gây nhầm lẫn giữa triệu chứng Covid và hậu Covid. Nhiều người vừa test thấy âm tính liền tự cho là đã khỏi bệnh, nên khi thấy vẫn còn ho, đau rát họng, khó thở… thì hốt hoảng cho rằng mình đã gặp vấn đề “hậu covid”. Thật ra lúc đó người bệnh vẫn đang trong quá trình mắc Covid, chưa khỏi. Test nhanh kháng nguyên âm tính mới chỉ là lúc virus xuống thấp, chưa phải đã khỏi hoàn toàn.
Hậu Covid đáng sợ nhất là tình trạng Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em. Hội chứng này xảy ra ở trẻ đã mắc Covid, do rối loạn đáp ứng miễn dịch, với các biểu hiện như sốt cao kéo dài, nổi ban đỏ, rối loạn tiêu hóa, khó thở, li bì. Tuy nhiên, rất may mắn là tỷ lệ trẻ mắc hội chứng này rất thấp, khoảng 0,03% ở các nước đã có thống kê như Anh và Mỹ.
Không cứ Covid-19, bất cứ một bệnh truyền nhiễm nào sau khi khỏi cũng cần một thời gian hồi phục. Ai từng bị sốt xuất huyết đều biết, sau khi hết sốt sẽ còn mệt mỏi, thở không ra hơi đến vài tháng. Nhưng xưa nay, không ai ầm ĩ lên về chuyện “hậu sốt xuất huyết”. Nói rộng ra, sau bất cứ một khủng hoảng nào cũng có cái “hậu” của nó, ví dụ sau chiến tranh có “hậu chiến”, sau ly hôn có “hậu ly hôn”…
Thay vì hình dung hậu Covid như một con ngáo ộp, bình tĩnh và hiểu rõ tình hình, việc xử trí sẽ hiệu quả hơn.
Quan Thế Dân (Bác sĩ, Tiến sĩ Y học)