Gia đình anh Điểu Be ở xã biên giới Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) là một trong những hộ đã từng cầm cố đất, bán điều non. Do cuộc sống khó khăn, gia đình có 5 người con nên năm 2016 đã bán điều non với diện tích 0,5ha trong 5 năm. Số tiền bán điều non trong 5 năm chỉ có 30 triệu đồng. Theo anh Be, trong thời gian bán điều non, vợ chồng anh chủ yếu đi cạo mủ cao su thuê cho tư nhân để có thêm thu nhập nuôi gia đình. Được chính quyền địa phương vận động, đến nay, anh đã lấy lại mảnh đất và khẳng định không cầm cố đất, từ đó tập trung canh tác, có thêm thu nhập. Anh Điểu Be cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi trước kia khó khăn nên phải cầm cố đất, bán điều non. Lúc đó, gia đình kẹt tiền đi chữa bệnh, ngoài ra, còn có mấy đứa con đi học. Sau khi hết hạn cầm cố, được chính quyền tuyên truyền, tôi giữ đất canh tác để có nguồn thu nhập thêm”.
Thông qua những đợt tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương, giờ đây, vợ chồng anh Điểu Be đã tập trung lao động, sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Hộ gia đình ông Điểu Xen ở xã biên giới Đắk Ơ được Nhà nước cấp cho 0,5ha đất sản xuất năm 2011. Gia đình có một căn nhà khá kiên cố khang trang. Gia đình ông đã thực hiện tốt các nội dung chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, không cầm cố, sang nhượng đất, không bán điều non. Ông Điểu Xen chia sẻ: “Ở đây, đồng bào thiểu số còn nhiều khó khăn. Họ chủ yếu làm thuê, cuốc mướn. Một số hộ cầm cố đất. Một số gia đình bán điều non 4 năm hay 10 năm, tùy theo hoàn cảnh. Gia đình tôi được các cấp chính quyền vận động, tuyên tuyền nên không cầm cố”.
Cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, người có uy tín, già làng đã trở thành “cầu nối” quan trọng góp phần tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Khằm Thanh Sơn, người uy tín huyện Bù Gia Mập cho biết, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trước kia, nhiều hộ đã cầm cố, sang nhượng đất, bán điều non. 4 năm qua, ông tuyên truyền, vận động, đến nay, hầu như không thấy bà con bán đất hay cầm cố nữa. Một số hộ lấy lại đất cầm cố, canh tác bình thường trở lại.
Theo Phó Chủ tịch xã Đắk Ơ Nguyễn Mậu Hải, tại địa phương, trước kia, nhiều trường hợp bán điều non, cầm cố đất đai. Tuy nhiên, những năm gần đây, được chính quyền các cấp, các già làng tiêu biểu, người có uy tín tích cực vận động, tuyên truyền nên tình trạng này đã giảm hẳn.
Trong năm 2022, theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, số hộ người dân tộc thiểu số bán điều non là 90 hộ, cầm cố đất sản xuất 21 hộ; sang nhượng đất ở 95 hộ; sang nhượng đất sản xuất 208 hộ… Để giảm tình trạng trên, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức, phát huy tối đa vai trò của già làng tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tới người dân về tác hại của việc vay nặng lãi, bán điều non, cầm cố đất sản xuất trong thời gian dài. Địa phương tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về các dịch vụ tài chính, ngân hàng nhằm từng bước thay đổi tư duy của người có nhu cầu về vốn, đặc biệt, bà con cần cảnh giác với “tín dụng đen” đang len lỏi nhiều nơi hiện nay.
Trưởng Phòng Dân tộc – Tôn giáo huyện Bù Gia Mập Điểu Kiêng cho biết: địa phương cùng các già làng, người uy tín luôn tuyên truyền, vận động người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được tác hại của việc cầm cố, sang nhượng đất, bán điều non, tác hại của “tín dụng đen”. Đến giai đoạn hiện nay, tình trạng cầm cố đất, bán điều non đã hạn chế. Việc tăng cường tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, của các già làng tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng vùng dân tộc thiểu số đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.