‘Ngàn cánh hạc’: Đàn bà, nhục cảm và hư ảo

'Ngàn cánh hạc': Đàn bà, nhục cảm và hư ảo

 Nỗi bi thương trong tiểu thuyết của Kawabata dường như đã trở thành một dạng tín ngưỡng, thấm đẫm, nhuần nhuyễn và bao trùm. 

Kawabata từng thừa nhận: “Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là người lang thang ưu sầu. Là người luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ mà vẫn luôn luôn thức giữa khi mơ… Từ sau thất bại tôi chìm vào nỗi buồn – một nỗi buồn ngự trị triền miên trong tâm thức người Nhật chúng tôi. Từ đó trở đi tôi chỉ viết những khúc bi thương!”.

Ngàn cánh hạc là một khúc bi thương của thứ ái tình đầy nhục cảm, đắm say và hư ảo. Bắt đầu từ hình ảnh cánh hạc trắng, để rồi lang thang qua những vùng ảo mộng của con người và thiên nhiên của nước Nhật.

Hình ảnh cánh hạc trắng đã từng xuất hiện trong thơ ca cổ Nhật Bản, gắn với đời sống tâm linh của người dân xứ sở hoa anh đào nói riêng, người phương Đông nói chung như là biểu tượng của sự cao khiết. Việc dùng hình ảnh này như một biểu tượng tạo nên chiều sâu trong sự biểu đạt của cuốn tiểu thuyết.

Chiếc khăn tuy là vật dụng bình thường của Yukiko song nó lại gây sự chú ý đặc biệt của Kikuji. Chàng chỉ gặp Yukiko hai lần nhưng mỗi khi nghĩ đến nàng thì hình ảnh chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc cứ trở đi trở lại trong tâm trí chàng.Chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc trong câu chuyện gắn liền với nhân vật Yukiko và là tâm điểm của tác phẩm. Kikuji gặp Yukiko lần đầu tiên trên đường đến dự tiệc trà, điều ấn tượng nhất đối với chàng là chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc trên vai cô gái.

Trong tác phẩm, hình ảnh chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc xuất hiện 13 lần ở những không gian và thời gian khác nhau, và trở thành một hình ảnh đeo đuổi mãi trong tâm trí của Kikuji. Nó xuất hiện ở thế đối sánh giữa phàm tục và thanh cao, giữa cái ti tiện, nhỏ nhen, ích kỷ với sự trong sáng, thánh thiện, thoát tục.

Mỗi lần hình ảnh ấy xuất hiện, câu chuyện như tươi sáng hơn. Chính vì vậy, lúc nào đối mặt với cái xấu, cái ác, cái ti tiện, nhỏ nhen, ích kỷ thì dưới mắt Kikuji lại hiện ra hình ảnh diệu kỳ ấy.

Trước mắt chàng, cô gái trở nên đẹp lạ thường, nàng bỗng nổi bật bên trên những mẩu chuyện nhỏ nhen của những người đàn bà đứng tuổi đang vây quanh chàng. Có lúc, chàng tưởng như ngàn cánh hạc nhỏ và trắng tung tăng bay quấn quýt xung quanh người nàng.

Ngay sau khi đã dành tình cảm cho Fumico – một thứ tình yêu luôn chập chờn giữa thực ảo, giữa hình ảnh người tình quá cố và con gái bà ta thì Kikuji bao giờ cũng nuôi ảo tưởng là cô gái nhà Inamura đang đi dạo đâu đó dưới bóng hàng cây bên đường với chiếc khăn màu hồng có vẽ ngàn cánh hạc trong tay. Chàng có thể nhìn rõ ràng bầy hạc trắng và chiếc khăn đó, nó như một thứ kinh cầu trong cuộc sống ảm đạm, bất hạnh của mình.

Ngàn cánh hạc nói về tội lỗi, mặc cảm, tình yêu mà không nói tiếng yêu. Nhân vật không nói yêu nhau. Nói về chuyện thân xác mà không chút nào tục tĩu.

Nói về cái đẹp của trà đạo nhưng người dạy trà đạo lại không mang cái đẹp trong tâm hồn như người ta lầm tưởng. Nói về cái cổ xưa lâu dài của những tách trà mà người chủ của tách trà chỉ là một kiếp người ngắn ngủi.

Nói về cái giàu có của chủ nhân mà không nói về tiền bạc ngọc ngà. Nói về cái đẹp của người đàn bà qua cánh tay tròn vai thon. Những đóa hoa cắm trong bình đựng nước pha trà, đóa hoa phù vi trong trái bầu đẹp như bài thơ haiku.

Tất cả chỉ là những mảnh tình vướng vất bao phủ khắp không gian, trong một miền mù sương, như hư ảnh. Tình yêu thầm lặng và dịu dàng của bà Ota với bố của Kikuji làm cho ông hạnh phúc đến cuối đời.  Tác giả luôn nói về cái nữ tính và hoan lạc từ người bà Ota tràn sang Kikuji như những cơn sóng mà chàng gọi là sóng đàn bà.

Như hầu hết các tiểu thuyết của Kawabata, Ngàn cánh hạc xoáy sâu vào âm vọng của những người đàn bà, đề cao sự gợi cảm, duyên dáng, và nhục cảm của họ. Đàn bà là ngọn nguồn của mọi hạnh phúc và đau đớn.

Kawabata là nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel Văn học.  Trong diễn văn đọc tại lễ trao giải Nobel Văn học 1968, tiến sĩ Anders Usterling xác nhận: “Yasunari Kawabata là người tôn vinh vẻ đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người. Với tư cách nhà văn ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có thẩm mỹ và đạo đức cao bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo do đó đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông – Tây theo cách của ông”…Ngàn cánh hạc được viết từ năm 1948 và hoàn thành năm 1952. Đây cũng là một tiểu thuyết ngắn của Kawabata và được đăng lần đầu tiên thành từng kỳ trên báo. Là cuốn tiểu thuyết xuất sắc của Kawabata, cùng với Xứ tuyếtTiếng rền của núiNgười đẹp say ngủ… đã đem về cho ông giải thưởng Nobel cao quý năm 1968.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Phong Linh – Zing.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *