Nếu sinh con được sau khi nhận nuôi, bạn sẽ làm gì đối với đứa trẻ đó?

Tôi có một đứa bạn cấp ba kết hôn 8 năm nhưng mãi vẫn chưa có mụn con nào; hai vợ chồng bèn nhận nuôi một bé gái, cưng như châu như bảo, hết lòng chăm lo. Nửa năm sau, cô vợ có thai, lại còn là song thai; hai vợ chồng cũng không vì vậy mà đối xử khác biệt với bé gái, ngược lại, họ càng cảm thấy bé gái là đứa trẻ may mắn, nhất định sẽ mang lại điều tốt lành cho hai vợ chồng.

Đó là một đôi long phượng thai, lúc cô vợ sinh, cả nhà ai cũng bận trong bận ngoài, chân không chạm đất, nên mới để bé gái 2 tuổi hơn hôm thì gửi nhờ nhà ngoại, hôm thì qua nhà nội. Trong lúc đó, có rất nhiều người nói những lời không tốt với bé gái. Hậu quả là bé đã từ một đứa trẻ vui vẻ hay cười trở nên trầm mặc ít nói.

Bởi vì vợ bạn tôi sinh con lúc lớn tuổi nên tốc độ phục hồi cơ thể sau sinh không còn tốt như các bạn trẻ nữa, cô cũng không còn đủ sức lực để quan sát kỹ càng hay nhận ra những thay đổi nhỏ của con mình nữa.

Mãi đến khi hai đứa con được một tuổi hơn, cô có thời gian thư thả mới chợt nhận ra bé gái nhà mình đã không còn thân thiết với bố mẹ nữa, bé con cũng không gọi hai người là bố mẹ nữa.

Lại nói lần đầu tiên đi nhà trẻ, bé con cúi đầu không nói chuyện, rất ngoan, không quấy không khóc đòi về nhà; tuy thấy con mình hơi kỳ lạ nhưng cảm nhận được sự bất lực của các phụ huynh khác, hai vợ chồng lại thấy cũng may, xem như được an ủi phần nào vậy.

Đến lúc đón con, hai vợ chồng cũng như những người làm cha làm mẹ khác, vì là ngày đầu con đến trường, ngày đầu con được tham gia vào một xã hội thu nhỏ với các bạn đồng trang lứa nên ai cũng rất chú trọng vào lúc này, chỉ sợ con mình gặp rắc rối trên trường lại ảnh hưởng đến sau này. Khi con bé chạy ra cổng trường, thấy hai vợ chồng đang đứng đợi thì giật mình đứng ngơ ngác ở đấy, mãi đến khi họ dang tay ra cười tươi thật tươi, rồi chạy vội đến dắt tay con, hỏi ngày hôm nay đi học thế nào, con bé mới òa khóc thật to, khóc không ngừng được; hỏi cô giáo, cô giáo cũng không rõ lắm, chỉ đoán là không gặp bố mẹ một ngày nên thấy rất nhớ thôi.

Nhưng những đứa trẻ khác gặp ba mẹ đón chỉ khóc tượng trưng 2 – 3 nhịp là dừng, thể nào thay vào đó cũng là sự vui sướng vì được bố mẹ dỗ dành; Nhưng con bé lại khóc nức nở rất to, rất lâu, con bé khóc như sắp ngất đến nơi, dỗ thật lâu cũng không nín, mãi đến khi bé con khóc mệt mới lăn ra ngủ ngay tại chỗ.

Đến lúc này thì hai vợ chồng đã cảm thấy rất bất thường rồi, vẫn nghĩ là con ở trường bị cô giáo dọa hay bạn bè bắt nạt bèn nhanh chóng kiểm tra xem con có bị thương, bị đau ở đâu không, nhưng không có. Thế là hai vợ chồng đành đợi con dậy rồi hỏi chuyện, hỏi mãi, con bé mới ấm ức nói: “Con tưởng, con không phải con ruột của bố mẹ, nên hôm nay bố mẹ định dắt con qua đây, để con ở đây luôn; con tưởng bố mẹ không cần con nữa…”

Hai vợ chồng cảm thấy lòng đau như cắt; tức giận gọi điện cãi nhau một trận với nhóm họ hàng không biết lựa lời trước mặt con trẻ nọ; sau lại đính chính với bé con: “Con là con ruột của bố mẹ, bố mẹ nói phải là phải, sau này con đừng nghe người ta nói bậy nữa, nha?”

Bây giờ, đứa lớn của hai vợ chồng vô cùng chăm chỉ, tự giác học hành không cần ai nhắc nhở; Thật ra con bé đã biết mình không phải là con ruột, cũng biết bố mẹ thật lòng thương mình, xem mình như con ruột, nên rất biết ơn hai người. Con cái hay vật nuôi, đã quyết định nhận nuôi thì đừng từ bỏ; cuộc sống nở hoa hay bế tắc đúng là chỉ trong một suy nghĩ thôi; cuộc đời của một sinh mệnh quan trọng đến mức ta phải tinh tế suy nghĩ, đắn đo rất nhiều trước khi làm ra bất cứ hành động gì.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *