Lao động ủng hộ đề xuất thực hiện “trợ cấp gia đình” để không phải rút BHXH 1 lần
Mới đây khi thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ LĐTBXH xem xét chế độ phụ cấp cho con cái người lao động đang đóng BHXH.
Việc bổ sung trợ cấp có thể giúp lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh và nuôi con nhỏ; giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút BHXH một lần. Đây cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.
Trước thông tin này, nhiều lao động tỏ thái độ vui mừng, ủng hộ. Chị Lý Thị Liệu, 27 tuổi làm cho Công ty TNHH Ryonan Electric Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết, kinh tế khó khăn, thu nhập giảm khiến cho chị và nhiều công nhân sống chật vật. Nhiều lao động là đồng nghiệp của chị cho biết, nếu mất việc thì họ sẽ trở về quê sống và đương nhiên là sẽ rút BHXH 1 lần.
Theo tính toán, lương tháng của chị Liệu chỉ 6 triệu đồng, nhưng tiền học của 2 con đã hết 4 triệu đồng (còn bé đi học mẫu giáo hết 2,5 triệu đồng, chị lớn học tiểu học hết 1,5 triệu đồng) chưa kể khoản ăn uống, thuốc men, tiêm chủng… Bởi vậy, chi phí ăn uống, sinh hoạt, học tập… thực sự là gánh nặng với chị và nhiều công nhân, lao động khác.
“Công nhân lao động chúng tôi, lương 3 cọc 3 đồng, giờ mà mất việc thì chẳng biết lấy gì để sống. Có xin việc cũng khó vì nhiều người bước qua tuổi 35 là công ty không nhận nữa. Làm lao động tự do, nay đây mai đó, thu nhập bấp bênh sao đóng BHXH được. Chưa kể, chi phí cho ăn uống, sinh hoạt, nuôi con ăn học… không có tiền nên việc rút BHXH 1 lần là lựa chọn duy nhất”, chị Liệu nói.
Cũng theo chị Liệu, nếu đề xuất bổ sung trợ cấp gia đình (với nhiều gói hỗ trợ tiền học phí; hỗ trợ mua BHYT….) được thông qua thì công nhân lao động sẽ yên tâm hơn. Kể cả mất việc, chị Liệu vẫn có khả năng chèo lái tới khi xin được việc làm và không phải rút BHXH 1 lần.
Sau 30 năm thực hiện, chính sách BHXH đến nay mới bao phủ hơn 17 triệu lao động, chiếm 37% lực lượng lao động trong độ tuổi. Thống kê giai đoạn 2016-2022, gần 5 triệu người rút BHXH 1 lần, rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.
Cũng như chị Liệu (37 tuổi), chị Nguyễn Thị Nhâm (Thanh Hóa) công nhân của Công ty may Hàn Quốc tại Hà Nội cho biết chị rất ủng hộ đề xuất thực hiện gói “Trợ cấp gia đình”. Theo chị Nhâm, những chi phí như: tiền học; tiền thuốc men, tiền tiêm chủng… vốn là những khoản tiền lớn với lao động. Bởi vậy, nếu được hỗ trợ thì đời sống công nhân lao động sẽ bớt khó khăn.
Nhiều nước đang thực hiện gói “trợ cấp gia đình”
Về thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ LĐTBXH thiết kế các gói ngắn hạn, linh hoạt để lao động có thêm lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Bởi người đóng ở khu vực này hiện chỉ có hai chế độ hưu trí và tử tuất, sắp tới có thể thêm trợ cấp thai sản 2 triệu đồng.
Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế về chế độ trợ cấp trẻ em là con của người tham gia BHXH tự nguyện, như giảm giá hoặc miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ đi học.
Trước đó góp ý dự luật sửa đổi, nhiều chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý bổ sung chính sách trợ cấp trẻ em hoặc gia đình vào hệ thống an sinh nhằm mở rộng diện bao phủ. Với gia đình có con đi học hoặc người phụ thuộc như bố mẹ già, một số nước có chính sách miễn giảm học phí cho con cái, đổi lại người lao động phải tham gia BHXH. Đơn cử, Trung Quốc hỗ trợ tiền cho bố mẹ già để con đóng BHXH.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt sáng 7/9, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết ông ủng hộ đề xuất thực hiện “gói trợ cấp gia đình” nhằm hạn chế rút BHXH 1 lần này của Ủy ban Xã hội.
“Tôi ủng hộ đề xuất này, nếu làm được thì quá tốt. Vấn đề là cần xác định rõ đối tượng, mục tiêu, phương pháp thực hiện. Theo đó, cần xác định rõ đối tượng nhận gói trợ cấp là ai, trợ cấp cái gì. Theo tôi, nên ưu tiên trợ cấp, hỗ trợ nhóm lao động mất việc, giảm việc, giảm thu nhập… phải làm rõ đối tượng để tạo sự công bằng. Tiếp theo là trợ cấp những gì, nguồn đâu để trợ cấp.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách nhà nước eo hẹp, việc cân đối ngân sách là rất quan trọng. Cần tính toán, cân đối ngân sách thật phù hợp”, ông Lợi nói.
Trả lời trước câu hỏi liệu có thể trích từ các nguồn kết dư của quỹ BHXH thực hiện gói trợ cấp này, ông Lợi cho rằng rất khó vì nếu chi sẽ không đúng mục đích, không đúng nguyên tắc tài chính.
Trước đó, tại tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Quốc hội hồi tháng 7, Bộ LĐTBXH đưa ra hai phương án giải quyết BHXH một lần.
Phương án một, rút BHXH một lần được giải quyết với hai nhóm lao động. Nhóm một là người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm hai là người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được nhận BHXH một lần, trừ các trường hợp theo quy định.
Phương án hai, lao động đóng BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng nghỉ việc không thuộc diện đóng bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện thì được rút một lần nếu có yêu cầu. Quyền lợi giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ sau khi đủ điều kiện.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.